Một cách tiếp cận về lịch sử văn hoá Việt Nam
GS. TS. NGÔ ĐỨC THỊNH
(Viện Nghiên cứu văn hoá)
Thực tại và lịch sử bao giờ cũng có một khoảng cách. Đó là khoảng cách giữa cái hiện thực và cái phản ánh
hiện thực ấy. Các nhà sử học luôn luôn có tham vọng rút ngắn cái khoảng cách ấy để làm sao các tác phẩm
sử học phản ánh tương đối sát hợp với hiện thực và quy luật của sự phát triển của xã hội mỗi nước, mỗi dân
tộc. Tuy nhiên cái khoảng cách ấy như thế nào là còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố cơ
bản, đó là: 1) Quan điểm nhìn nhận và đánh giá lịch sử của bản thân các nhà sử học và 2) Phương pháp tiếp
cận của các nhà nghiên cứu lịch sử.
Bài viết này của tôi đề cập tới không phải là lịch sử nói chung mà là lịch sử văn hoá từ góc độ phương pháp
tiếp cận của người nghiên cứu
.
I. VỀ MỘT PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN LỊCH SỬ VĂN HOÁ CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU
VIỆT NAM TRONG THẾ KỈ XX
Năm 1973, trong hồi kí "Nhớ nghĩ chiều hôm" khi nhắc lại thời kì viết Việt Nam văn hoá
sử cương (1938), Giáo sư Đào Duy Anh có nói về quan niệm nghiên cứu lịch sử văn hoá
Việt Nam của ông như sau: "Suy nghĩ về ý kiến xung quanh khái niệm văn hoá, tôi thấy
rằng theo quan niệm cho văn hoá là cái gì thường tồn hay bán thường tồn, rất khó nghiên
cứu lịch sử của nó nếu không nuốn rơi vào một cuộc nghiên cứu loại hình có vẻ mô tả
tĩnh vật. Nhưng nếu theo quan niệm cho văn hoá dân tộc là bao gồm những giá trị do dân
tộc đã sáng tạo ra trong lịch sử thì tôi thấy trước khi muốn nghiên cứu lịch sử của cái
tổng thể (NĐT nhấn mạnh) ấy, thì nên nghiên cứu lịch sử của từng giá trị (NĐT nhấn
mạnh), tức nghiên cứu lịch sử của kĩ thuật, lịch sử của tôn giáo, lịch sử của triết học, lịch
sử của mỗi môn nghệ thuật, lịch sử của mỗi môn khoa học. Vì thế sau khi do nhu cầu
thực tế trước mắt tôi phải viết sách Việt Nam văn hoá sử cương để trình bày một số tài
liệu sống sượng cho mỗi người tuỳ tiện mà dùng, thì với trình độ đòi hỏi của công chúng
ngày nay và trình độ nghiên cứu các vấn đề chuyên sử (tức vào những năm 30 của thế kỉ
này - NĐT), tôi thấy quả chưa có thể viết một quyển sách về lịch sử văn hoá Việt Nam
tương đối thoả mãn được"
(1)
.
Những suy nghĩ trên của Giáo sư Đào Duy Anh đã nêu ra hai vấn đề, thứ nhất, có hai
cách tiếp cận và viết lịch sử văn hoá, đó là viết lịch sử của từng thành tố, giá trị văn hoá,
như triết học, tôn giáo, nghệ thuật, và viết lịch sử của cái tổng thể văn hoá. Thứ hai,
trong điều kiện trình độ nghiên cứu của những năm 30 của thế kỉ này thì chưa có thể viết
lịch sử của cái tổng thể mà chỉ có thể và nên viết lịch sử của từng thành tố, từng giá trị
của văn hoá mà thôi.
Đúng như nhận định của Giáo sư Đào Duy Anh, trong thế kỉ XX vừa qua trong nỗ lực
chung của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam, thì chúng ta mới có điều
kiện và có thể nghiên cứu lịch sử của từng giá trị, từng thành tố của văn hoá, chứ chưa
thể nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam với tư cách là cái tổng thể.
Được coi là các công trình nghiên cứu về lịch sử văn hoá khi mà các công trình ấy ít
nhiều trực tiếp đề cập tới sự biến đổi theo thời gian của một nền văn hoá hay từng thành
tố hợp thành nền văn hoá đó. Nếu quan niệm như vậy thì số công trình viết về lịch sử văn
hoá Việt Nam không nhiều. Nếu căn cứ vào mặt hình thức thì chúng ta có thể chia các
công trình nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam thành hai loại: a) loại công trình mang
tính tổng hợp và b) loại công trình mang tính chuyên biệt.
Loại công trình mang tính tổng hợp tức là những công trình đề cập tới mọi mặt, mọi lĩnh
vực của văn hoá Việt Nam mà điển hình là sách Việt Nam văn hoá sử cương của Đào
Duy Anh (1933),
Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên (1944) và gần đây là các
công trình đều có tên chung là Cơ sở văn hoá Việt Nam của Trần Ngọc Thêm (1996),
Trần Quốc Vượng (1997) và Chu Xuân Diên (1999)
(2)
. Tuy các công trình kể trên đều đề
cập một cách tổng quát tới văn hoá Việt Nam, nhưng hai công trình của Đào Duy Anh và
Nguyễn Văn Huyên khác với những cuốn sách mang tên
Cơ sở văn hoá Việt Nam gần
đây. Về khía cạnh lịch sử văn hoá, Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên nhìn nhận lịch
sử văn hoá Việt Nam từ góc độ lịch sử của từng thành tố văn hoá chuyên biệt, còn các
cuốn sách
Cơ sở văn hoá Việt Nam thì khi xem xét văn hoá Việt Nam từ góc độ lịch đại
thì họ thường trình bày văn hoá Việt Nam gắn với từng giai đoạn lịch sử chung của dân
tộc.
Phong phú hơn là các công trình đề cập tới lịch sử của các lĩnh vực riêng rẽ của văn hoá
Việt Nam, trong đó tiêu biểu là các cuốn sách: Lịch sử mĩ thuật Việt Nam của Nguyễn Phi
Hoanh, Lịch sử kiến trúc Việt Nam của Ngô Huy Quỳnh, Lịch sử âm nhạc Việt Nam của
Thuỵ Loan, Lịch sử văn học Việt Nam tập 1 của Viện Văn học, Lịch sử ngữ âm tiếng Việt
của Nguyễn Tài Cẩn,
Sơ lược lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam từ nguồn gốc
đến thế kỉ XIX
của Đinh Gia Trinh, Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam từ cách
mạng tháng 8 tới nay của Viện Nhà nước và Pháp luật, Lịch sử tư tưởng Việt Nam của
Viện Triết học, Lịch sử thuỷ lợi Việt Nam của Phan Khánh (1981), Tìm hiểu nông cụ cổ
truyền Việt Nam (lịch sử và loại hình) của Ngô Đức Thịnh, Lịch sử Phật giáo Việt Nam
của Viện Triết học,
(3)
. Ngoài ra còn một loại công trình nữa tuy không trực tiếp đề cập
tới lịch sử văn hoá Việt Nam, nhưng lại góp phần nhận diện văn hoá Việt Nam hay từng
lĩnh vực văn hoá Việt Nam ở từng thời kì lịch sử, thí dụ như: Hùng Vương dựng nước 4
tập, Viện Khảo cổ học, Văn thơ Lý - Trần của Viện Văn học, Mĩ thuật thời Mạc của Viện
Mĩ thuật,
(4)
.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu văn hoá theo từng thành tố chuyên biệt này đã thu
thập và hệ thống khối lượng kiến thức phong phú, phác thảo ra được diện mạo và sự biến
đổi của chúng trong tiến trình lịch sử từ cội nguồn cho tới hiện nay. Đây thực sự là sự
chuẩn bị cần thiết để từ đó có thể góp phần vào việc nghiên cứu một cách hệ thống và tổng
thể văn hoá Việt Nam.
Hai loại công trình kể trên, tuy phạm vi đề cập có thể rộng hẹp khác nhau, nhưng nhìn
chung đều có cùng một phương pháp tiếp cận, đó là nghiên cứu diện mạo và sự biến đổi
của từng thành tố và giá trị văn hoá, chứ chưa tiếp cận sự biến đổi của văn hoá Việt Nam
như là "cái tổng thể", "lịch sử của cái tổng thể văn hoá" như quan niệm của GS. Đào Duy
Anh.
II. THỬ TIẾP CẬN VĂN HOÁ VIỆT NAM NHƯ LÀ "CÁI TỔNG THỂ"
1. Nếu như phương pháp viết lịch sử văn hoá Việt Nam ở thế kỉ XX là viết lịch sử của
từng thành tố và giá trị văn hoá chuyên biệt, thì tiếp cận lịch sử văn hoá Việt Nam như là
"cái tổng thể" phải là
nghiên cứu, nhận dạng các nền văn hoá đã từng hình thành, tồn tại
và phải triển trên đất nước Việt Nam
và sự biến đổi kế tiếp giữa chúng phù hợp với
khung cảnh lịch sử dân tộc
.
Từ quan niệm kể trên, chúng ta cần phải làm rõ một số khái niệm, như "nền văn hoá",
"chuyển tiếp văn hoá", "cấu trúc văn hoá",
Nói "nền văn hoá", như văn hoá Đông Sơn, văn hoá Đại Việt, văn hoá Việt Nam được
quan niệm như một hệ thống, một cấu trúc văn hoá và biểu hiện ra thành một diện mạo
văn hoá riêng. Coi mỗi nền văn hoá ở một giai đoạn lịch sử nhất định như là một cấu trúc,
một hệ thống tổng thể, tức coi nó như một thực thể bao gồm các thành tố, bộ phận, giữa
chúng có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, tạo nên nội lực (nội sinh), cùng với ngoại
lực (ngoại sinh) quyết định sự biến đổi của nền văn hoá ấy trong một không gian và thời
gian xác định. Trong các thành tố văn hoá ấy thì hình thái kinh tế - xã hội và ý thức hệ là
những nhân tố và mối quan hệ tạo hệ thống và chi phối các thành tố và mối quan hệ khác,
quyết định diện mạo, tính chất và đặc trưng của mỗi nền văn hoá
(5)
.
Giai đoạn chuyển tiếp văn hoá là một thời kì lịch sử mà ở đó trong một khung cảnh kinh
tế, xã hội, chính trị và giao lưu văn hoá nhất định,
một nền văn hoá này chuyển đổi sang
một nền văn hoá khác, nói cách khác, nền văn hoá cũ giải thể để ra đời một nền văn hoá
mới, mà giữa chúng tuy có chung một căn cỗi, truyền thống, nhưng diện mạo, tính chất,
đặc trưng của mỗi nền văn hoá ấy phân biệt nhau khá rõ rệt. Thí dụ, giai đoạn chuyển tiếp
văn hoá tương ứng với thời Bắc thuộc (thế kỉ I - X) là bước cần thiết để nền văn hoá Đông
Sơn chuyển đổi sang nền văn hoá Đại Việt hay giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến gần đây là
giai đoạn chuyển tiếp văn hoá từ văn hoá Đại Việt sang nền văn hoá Việt Nam hiện đại
(6)
.
Chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa
lịch sử chung và lịch sử văn hoá. Lịch sử chung dựa
căn bản trên cái nền hình thái kinh tế - xã hội, sự biến đổi của các triều đại, các sự kiện lịch
sử, chiến tranh Còn lịch sử văn hoá là
sự biến đổi của các hình thái, giá trị văn hoá và
biểu tượng trong một môi trường lịch sử dân tộc nhất định. Từ trước tới nay, các nhà
nghiên cứu Việt Nam khi bàn tới lịch sử văn hoá thường lấy cái khung lịch sử chung làm
mốc để phân định sự biến đổi của văn hoá. Điều này cũng có khía cạnh hợp lí của nó bởi vì
dù sao lịch sử văn hoá cũng không hoàn toàn thoát khỏi cái khung của lịch sử chung, tuy
nhiên, về phương pháp luận thì như thế là chưa ổn. Bởi vì sự vận động của văn hoá trong
thời gian (quá khứ - hiện tại - tương lai) nó có quy luật riêng, chứ không hoàn toàn trùng
khớp với quy luật chung của lịch sử.
2. Tiếp cận lịch sử văn hoá Việt Nam như là "cái tổng thể" thì chúng ta không thể không
bàn tới việc phân kì lịch sử văn hoá, tức là phân định cái mốc, cái ranh giới giữa các nền
văn hoá nối tiếp nhau. Từ năm 1989, trong bài Quá trình chuyển đổi cấu trúc văn hoá
truyền thống và hình thành nền văn hoá mới Việt Nam, đăng trên tạp chí Văn hoá dân
gian, số 3, tôi đã đưa ra một cách phân kì lịch sử văn hoá Việt Nam theo cách tiếp cận
văn hoá như "cái tổng thể". Từ đó đến nay, trên một số công trình tôi tiếp tục làm rõ hơn
quan điểm của mình
(7)
và đã được một số nhà nghiên cứu thừa nhận
(8)
.
Theo tôi, lịch sử văn hoá Việt Nam là lịch sử hình thành, tồn tại và kế tiếp nhau của ba
nền văn hoá: Văn hoá Đông Sơn (từ 2000 đến 3000 năm cách ngày nay), Văn hoá Đại
Việt
(từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX) và Văn hoá Việt Nam (từ 1945 đến nay). Để hình thành
nên ba nền văn hoá kế tiếp nhau ấy, tiến trình văn hoá Việt Nam đã phải trải qua
hai giai
đoạn chuyển tiếp
: Giai đoạn từ thế kỉ I - X chuyển tiếp từ văn hoá Đông Sơn - Hùng
Vương sang văn hoá Đại Việt và giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến 1945 chuyển tiếp từ
văn hoá Đại Việt sang văn hoá Việt Nam (từ 1945 đến nay).
Như vậy, nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam với tư cách là "cái tổng thể" tức là nghiên
cứu diện mạo, tính chất, đặc trưng và giá trị của mỗi nền văn hoá và quy luật chuyển biến
kế tiếp nhau từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác. Cách tiếp cận nghiên cứu này khác
với tiếp cận lịch sử của từng thành tố chuyên biệt, tuy nhiên, cách tiếp cận chuyên biệt trên
cũng rất cần thiết, coi như một giai đoạn tích luỹ những hiểu biết cho việc nghiên cứu lịch
sử văn hoá Việt Nam với tư cách là "cái tổng thể".
3. Chúng ta hãy thử phác hoạ những đường nét cơ bản của lịch sử văn hoá Việt Nam
thông qua tiếp cận các nền văn hoá và các giai đoạn chuyển tiếp văn hoá.
- Nền
văn hoá Đông Sơn tương ứng với thời đại Hùng Vương là sự khởi đầu của lịch sử
văn hoá Việt Nam.
Điều này không có gì mâu thuẫn khi chúng ta nói con người và văn
hoá đã xuất hiện trên mảnh đất Việt Nam từ hàng vạn năm, từ văn hoá đồ đá cũ Núi Đọ
qua văn hoá đồ đá giữa Hoà Bình đến văn hoá đồ đá mới Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Hạ
Long, để rồi tích tụ và "bùng nổ" nền văn minh Đông Sơn rực rỡ.
Văn hoá Đông Sơn thời các vua Hùng ra đời dựa trên bước tiến về kĩ thuật kim khí (đồ
đồng và sơ kì sắt), sự phát triển của
nông nghiệp trồng lúa nước. Trên cơ sở bước tiến về
kinh tế và kĩ thuật đó, người Việt cổ - chủ nhân văn hoá Đông Sơn đã
chuyển hẳn từ xã
hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp, nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ra đời, bên cạnh
làng xã nông nghiệp là cơ cấu xã hội cơ bản thì thành thị đầu tiên là Cổ Loa, trung tâm
chính trị của quốc gia cũng đã hình thành. Đó cũng là thời kì hình thành tộc người Việt
cổ, tổ tiên của người Việt hiện đại; thời kì hình thành những nền tảng cơ bản của bản sắc
văn hoá Việt Nam. Đây là thời kì "nhất thành" để sau này trải suốt hơn hai nghìn năm
"vạn biến", tuy nhiên vẫn giữ được những cốt cách, bản sắc văn hoá từ thuở ban đầu
"Bốn ngàn năm ta vẫn là ta" (Tố Hữu). Gần như đồng thời với văn hoá Đông Sơn, ở miền
Trung và Nam Bộ có văn hoá Sa Huỳnh và Đồng Nai. Nếu chúng ta quan niệm lịch sử
văn hoá Việt Nam là lịch sử của các hiện tượng văn hoá đã diễn ra trên lãnh thổ Việt
Nam ngày nay, thì các nền văn hoá kể trên cũng được xem xét và đề cập tới. Cũng như
sau này văn hoá Chăm Pa và Phù Nam cũng thuộc phạm trù lịch sử văn hoá Việt Nam.
- Giai đoạn chuyển tiếp văn hoá lần thứ nhất: Vào khoảng thiên niên kỉ thứ I sau Công
nguyên (tương đương với thời kì Bắc thuộc ở nước ta) cả Đông Nam Á bước vào thời kì
giao lưu mạnh mẽ với thế giới bên ngoài, một bên là với văn minh Trung Quốc, một bên
là văn minh Ấn Độ. Khác với các nước còn lại ở Đông Nam Á tiếp xúc với văn minh Ấn
Độ chủ yếu thông qua con đường truyền đạo (Phật giáo, Ấn giáo) và buôn bán, quốc gia
Âu Lạc của người Việt cổ tiếp xúc với văn minh Trung Hoa trong điều kiện bị xâm lược,
mất chủ quyền, bị thống trị và áp bức tàn bạo. Chính trong thời kì khắc nghiệt này của
lịch sử, trước thử thách mất còn của dân tộc, tổ tiên ta đã chọn con đường: một mặt, đấu
tranh kiên cường chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, mặt khác, chủ động mở rộng giao
lưu, cởi mở tiếp nhận nhiều thành tựu văn hoá Trung Quốc để tự cường nền văn hoá của
mình. Để cuối cùng, với khởi nghĩa Ngô Quyền năm 938 chúng ta vừa đánh đuổi được
quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, khôi phục độc lập dân tộc, vừa tự cường, đổi mới văn hoá
Đông Sơn hình thành nền văn hoá Đại Việt, mở đầu là văn hoá Lý - Trần rực rỡ.
Giai đoạn chuyển tiếp và tiếp biến văn hoá này vô cùng quan trọng và diễn ra trên nhiều
phương diện với nội dung phong phú: chính trị, luật pháp, tổ chức nhà nước, giáo dục, ý
thức hệ, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục, văn học, nghệ thuật. Đây là quá trình không phải
"Hán hoá" mà là "bản địa hóa", "nội sinh hoá" văn hoá Trung Hoa. Văn hoá Đại Việt ra
đời giai đoạn sau chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Hán, nhưng không phải là văn hoá
Hán
(10)
.
-
Nền văn hoá Đại Việt (từ thế kỉ X - XIX)
Nền văn hoá Đại Việt hình thành và phát triển trên nền tảng của kinh tế nông nghiệp tiểu
nông phong kiến và hệ tư tưởng thoát thai từ Tam giáo: Phật - Đạo - Nho, trong đó Nho
giáo là trụ cột. Cơ cấu xã hội cơ bản
là Nhà - Làng - Nước. Trong đó Nhà (gia đình, gia
tộc) và Làng (làng xã) là nhân tố xã hội tảng nền, từ đó chuẩn mực ứng xử là sự mở rộng từ
gia tộc ra toàn xã hội.
Tôn giáo tín ngưỡng Đại Việt dựa trên cơ sở Tam giáo đồng nguyên (Phật - Đạo - Nho), kết
hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng bản địa, tạo nên một môi trường đời sống tâm linh phong
phú, đa dạng, mang nặng tính ứng xử hơn là triết lí, lấy sự hoà nhập, khoan dung làm cốt
cách, xa lạ với sự xung đột và bài xích giữa các tôn giáo.
Chủ nghĩa yêu nước là một hệ ý thức xã hội cơ bản, từ đó sản sinh và tích hợp nhiều hình
thức và giá trị văn hoá - nghệ thuật dân tộc. Do vậy, bên cạnh khuynh hướng dân gian hoá,
địa phương hoá vốn là thế mạnh của một đất nước lấy nông nghiệp nông thôn và nông dân
làm cơ sở, thì
lịch sử hoá cũng là một khuynh hướng vượt trội của một đất nước tồn tại và
phát triển dựa trên sức mạnh yêu nước và cố kết cộng đồng.
Thời kì phong kiến Đại Việt là thời kì định hình và phát triển ở trình độ cao văn hoá cổ
truyền Việt Nam
. Tất cả những hình thức và giá trị văn hoá của các dân tộc ở Việt Nam
gắn với nền nông nghiệp tiểu nông phong kiến trước khi bước vào công nghiệp hoá đều
sản sinh và định hình trong khung cảnh của nền văn hoá Đại Việt này.
Trong suốt 10 thế kỉ của văn hoá Đại Việt, chúng ta đã chứng kiến sức vươn của văn hoá
thể hiện qua ba đỉnh cao văn hoá:
Văn hoá Lý - Trần, Văn hoá Lê và Văn hoá Nguyễn.
Mỗi đỉnh cao văn hoá ấy đạt tới trình độ phát triển và mang các sắc thái văn hoá khác
nhau. Văn hoá Lý - Trần như là sự khẳng định niềm tự hào và bản sắc riêng của văn hoá
Đại Việt, văn hoá Lê phát triển trên nền tảng thống nhất của quốc gia phong kiến tập
quyền, văn hoá Nguyễn như là sự vươn lên đỉnh cao mới trên cơ sở mở rộng và thống
nhất cương vực quốc gia Đại Việt.
- Giai đoạn chuyển tiếp văn hoá lần thứ 2 (từ cuối thế kỉ XIX đến 1945). Nền văn hoá Đại
Việt tồn tại và phát triển suốt từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX thì đứng trước thách thức
mới. Trước nhất, trong khung cảnh của thời đại, thế giới đang bước vào thời kì công nghiệp
hoá, do vậy nền văn hoá truyền thống Đại Việt dựa trên nền tảng nông nghiệp tiểu nông
phong kiến đòi hỏi phải thay đổi, phải đổi mới trong khung cảnh tiếp xúc văn hoá Đông -
Tây, mà với chúng ta, trực tiếp là với văn hoá Pháp. Hơn thế nữa, gần như lặp lại lịch sử
thời Bắc thuộc, nước ta lại rơi vào sự xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, bị mất chủ
quyền, do vậy không thể phát triển một cách độc lập.
Trước thử thách đó, một lần nữa văn hoá Đại Việt không phản ứng theo kiểu tiêu cực, co
lại, đóng kín, mà, một mặt, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đầu do
các văn thân yêu nước lãnh đạo, sau đó là Đảng Cộng sản, mặt khác, chúng ta tăng cường
giao lưu với văn hoá Pháp, tiếp thu có chọn lọc để làm giầu nền văn hoá cổ truyền Việt
Nam, làm cho văn hoá nước ta biến đổi mạnh mẽ và tự cường, lớn mạnh. Và năm 1945,
với cách mạng tháng Tám, chúng ta đã đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục lại độc lập,
nền văn hoá nước ta đổi mới, phong phú và lớn mạnh hơn trước.
Lúc này, bên cạnh những thành tựu của nền văn hoá cổ truyền, thì hàng loạt những yếu tố
và giá trị văn hoá mới được hình thành: ý thức hệ Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh,
nền tảng kinh tế công nghiệp hoá, đô thị hoá và văn hoá đô thị, chữ quốc ngữ và chế độ
giáo dục mới hiện đại, đội ngũ tri thức mới, các ngành khoa học hình thành, nhiều hình
thức văn hoá nghệ thuật mới nảy nở và phát triển: tiểu thuyết, thơ mới, sân khấu kịch, âm
nhạc, phim ảnh, thể thao, Đó là kết quả quá trình đổi mới từ văn hoá Đại Việt sang văn
hoá Việt Nam.
-
Nền văn hoá Việt Nam (từ 1945 đến nay)
Nền văn hoá Việt Nam, mang tên quốc gia Việt Nam xuất hiện từ cuối thời Nguyễn, tuy
nhiên nó gắn với sự ra đời nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ 1945. Đó là nền văn
hoá hình thành trên nền tảng văn hoá Đại Việt và quá trình đổi mới của văn hoá Việt
Nam trong khung cảnh tiếp xúc văn hoá Đông Tây cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nếu
nền văn hoá Đại Việt hình thành và định hình từ hai nhân tố tạo hệ thống là nông nghiệp
tiểu nông phong kiến và ý thức hệ tam giáo, trong đó nổi trội là Nho giáo, thì nền văn hoá
Việt Nam hình thành và định hình trên cơ sở nền kinh tế công nghiệp hoá, ý thức hệ Mác
- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nền văn hoá này đã trải qua quá trình chuyển tiếp từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945, mà
nội dung cơ bản của nó là tiếp xúc văn hoá Đông Tây như chúng ta đã trình bày ở trên.
Thực ra quá trình chuyển biến này vẫn còn tiếp tục kể cả trong thời kì sau cách mạng
tháng Tám năm 1945, thậm chí tới tận ngày nay. Trong quá trình chuyển tiếp ấy, các
nhân tố nội lực của nền văn hoá cổ truyền và các nhân tố ngoại sinh của thế giới bên
ngoài đang cùng tác động và chuyển hoá lẫn nhau. Có thể nói đây là lần thứ ba chúng ta
mở cửa và hội nhập với thế giới hiện đại, mà hệ quả của nó sẽ ra đời một nền văn hoá
Việt Nam mới tiến bộ và mang đậm bản sắc dân tộc.
Hiện giờ chúng ta khó có thể nói về hình hài và những đặc trưng cơ bản của nền văn hoá
mới - văn hoá Việt Nam, bởi vì nó đang trong quá trình hình thành và định hình. Hi vọng
rằng thế kỉ thứ XXI là thế kỉ của nền văn hoá Việt Nam.
Kết luận và thảo luận
1. Có nhiều cách tiếp cận lịch sử văn hoá, trong đó có cách tiếp cận lịch sử văn hoá với tư
cách là "cái tổng thể", tức nghiên cứu, nhận dạng các nền văn hoá đã từng tồn tại, phát
triển trên đất nước ta và sự biến đổi kế tiếp giữa chúng trong khung cảnh chung của lịch
sử dân tộc.
2. Lịch sử văn hoá Việt Nam được coi như là quá trình của sự kế tiếp nhau ba nền văn
hoá: văn hoá Đông Sơn - Hùng Vương, văn hoá Đại Việt và văn hoá Việt Nam. Để ra đời
và phát triển ba nền văn hoá đó, văn hoá Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn chuyển tiếp
văn hoá: Giai đoạn Bắc thuộc chuyển biến từ văn hoá Đông Sơn - Hùng Vương sang văn
hoá Đại Việt và giai đoạn Pháp thuộc chuyển tiếp từ văn hoá Đại Việt sang nền văn hoá
Việt Nam.
3. Nền văn hoá Việt Nam đang trong quá trình hình thành và định hình, mà hiện nay
chúng ta đang tự giác nhận thức và chủ động tác động vào quá trình ra đời của nền văn
hoá mới đó. Một nền văn hoá tiến bộ và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc là định
hướng cơ bản cho việc xây dựng nền văn hoá Việt nam trong thế kỉ XXI.r
N.Đ.T