Bệnh sởi: Cách phòng tránh và điều trị
Bệnh sởi (measles hay rubela) là căn bệnh lây nhiễm thường phát
triển mạnh ở nhóm trẻ nhỏ và người ta cứ nghĩ rằng đã thanh toán
xong nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng gần đây ở miền
Bắc nước ta đang có chiều hướng tái bùng phát trở lại, thường gặp
ở nhóm người trẻ tuổi (từ 10- 24). Dưới đây là một số thông tin có
liên quan đến căn bệnh này.
1. Bệnh sởi là gì?
Sởi là căn bệnh nhiễm virus cấp đường hô hấp, dễ nhận biết ở giai đoạn
cuối bằng ban dạng dát sần, xuất hiện trên cổ, mặt, ngực, thân, chân tay
kèm theo hiện tượng sốt cao. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến
nhất vẫn là nhóm trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây bệnh là virus sởi, virus ARN Pramyxoviridae,
nó thâm nhập niêm mạc đường hô hấp trên, vào máu, tồn tại ở mặt và
máu một thời gian ngắn sau khi phát ban, từ cuối thời kỳ ủ bệnh cho đến
sau khi phát ban kéo dài khoảng 34 giờ. Virus sởi không chịu được điều
kiện khí hậu hanh khô.
3. Mức độ lan truyền
Sởi là căn bệnh rất dễ lan truyền, nếu trong gia đình có một người mắc
bệnh thì nguy cơ lan truyền lên tới 90%, nhất là nhóm người chưa qua
miễn dịch. Quá trình lây lan chủ yếu là từ dịch tiết của người mắc bệnh
phát tán vào không khí như khi ho, tiếp xúc trực tiếp, đa phần việc lan
truyền này xảy ra khi người bệnh chưa được chẩn đoán. Riêng trẻ sơ
sinh được người mẹ truyền kháng thể qua nhau thai nên 4-6 tháng sau
khi sinh ít bị mắc bệnh. Sởi có thể phát triển ở mọi lúc, mọi nơi nhưng
phổ biến nhất vẫn là vào mùa mưa với chu kỳ 2-4 năm/lần.
4. Triệu chứng
Bệnh sởi có thể chia nhiều giai đoạn:
- Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài trung bình từ 5-7 ngày, có trường hợp dài hơn
hay ngắn hơn. Người ta gọi đây là giai đoạn lành tính, ít biểu hiện ra bên
ngoài. Thông thường sau khi tiếp xúc với người bệnh sẽ xuất hiện tình
trạng sốt nhẹ khoảng 5-6 ngày rồi khỏi, sau đó tái phát sốt cao kèm theo
chảy nước mắt nước mũi, sút cân mặc dù vẫn ăn uống bình thường.
- Thời kỳ khởi phát: Thời kỳ này kéo dài khoảng 5 ngày với các biểu
hiện chính như sốt và viêm họng. Trẻ sốt cao khoảng 39 đến 39,5 độ C,
người mệt mỏi, kèm theo nhức đầu, đau cơ, đau khớp chảy nước mắt,
nước mũi, ho nhiều, ho khan và đôi khi có trường hợp phát triển tiêu
chảy. Sang ngày thứ hai sốt cao hơn, trong niêm mạc miệng xuất hiện
các nốt chấm trắng nhỏ nổi gợn, gọi là nội ban hay các hạt Koplik.
- Thời kỳ sởi mọc (khoảng 1 tuần): Đây là giai đoạn cơ thể sốt cao, ho
liên tục, co giật và về ban đêm sởi bắt đầu mọc. Ban đầu sởi mọc ở tai,
mặt rồi lan xuống tay, chân. Các nốt ban hợp lại với nhau thành từng
mảng hình tròn màu hồng nhạt. Khi sởi mọc hết cũng là lúc trẻ hết sốt và
sởi bắt đầu bay và trình tự ngược lại khi mọc. Toàn bộ thời gian mọc và
bay kéo dài khoảng 1 tuần. Riêng ở người lớn khi lên sởi có thể bị tiêu
chảy nặng còn trẻ em thì mất nước do tiêu chảy, viêm tai giữa, nhiễm
trùng đường hô hấp và thanh quản do virus sởi làm giảm hệ miễn dịch.
- Thời kỳ phục hồi: Sau khi sởi bay khoảng hai tuần.
5. Điều trị sởi
Cho đến nay chưa có thuốc đặc trị mà người ta mới chỉ điều trị triệu
chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị các biến chứng. Đối với trường
hợp lành tính điều trị tại gia, cách ly khi trẻ mới sốt và viêm họng,
không cho tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh, không cho trẻ ra nơi gió lùa. Vệ
sinh răng miệng, mắt, trẻ lớn cho súc miệng nước muối, nhỏ mắt bằng
thuốc kháng sinh. Cho trẻ ăn nhẹ nhưng đủ chất, uống nhiều nước khi
sốt cao. Nếu trẻ đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường, điều trị để giảm ho.
Nên theo dõi thân nhiệt để kiểm tra biến chứng và nên đưa trẻ đi viện
ngay. Những đứa trẻ ở thể nặng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích
hợp. Dùng vitamin A để tránh mù lòa, cho uống vitamin A càng sớm
càng tốt.
6. Phòng bệnh
Để phòng ngừa bệnh sởi nhất thiết phải tiêm phòng vaccin sởi-quai bị-
rubella. Mũi 1 tiêm khi trẻ được 12-15 tháng tuổi. Mũi 2 tiêm nhắc lại
khi trẻ được 4-6 tuổi, tuy nhiên cũng có thể tiêm bất cứ lúc nào sau mũi
thứ nhất 4 tuần. Trường hợp trẻ không được tiêm mũi thứ hai nhắc lại thì
nên tiêm vào lúc trẻ được 10-12 tuổi. Tại các nước có tỷ lệ bệnh sởi cao
có thể tiêm mũi 1 cho trẻ dưới 1 tuổi và mũi 2 theo quy định của chương
trình tiêm chủng quốc gia.