Liệu pháp insulin tích cực: Chìa khóa
để kiểm soát đường huyết
Với các bệnh nhân (BN) đái tháo đường (ĐTĐ) type 1 hoặc ĐTĐ type 2
nhưng không thể kiểm soát tốt đường huyết bằng các loại thuốc uống thì liệu
pháp insulin tích cực sẽ được coi là chìa khóa để giúp họ đạt các mục tiêu
đường máu và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần hiểu rõ
những lợi ích và cả nguy cơ có thể xảy ra khi áp dụng phương pháp điều trị
này, cũng như đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng rất lớn từ phía người bệnh và gia
đình.
Thế nào là liệu pháp insulin tích cực?
Liệu pháp insulin tích cực là một phương pháp điều trị tích cực được thiết
kế nhằm kiểm soát đường huyết của người bệnh càng gần mức của người bình
thường. Liệu pháp này đòi hỏi người bệnh phải tiêm nhiều mũi insulin và kiểm tra
đường huyết thường xuyên hằng ngày.
Về mục tiêu, các bệnh nhân điều trị insulin tích cực nhằm kiểm soát đường
huyết trong mức lý tưởng là: đường huyết trước bữa ăn từ 90 – 130 mg/dL; đường
huyết sau bữa ăn 2 giờ nhỏ hơn 180 mg/dL; hemoglobin A1C (chỉ số đánh giá
kiểm soát đường huyết trong vòng 3-4 tháng) dưới 6,5%.
Lợi ích của liệu pháp insulin tích cực?
Liệu pháp insulin tích cực có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển các
biến chứng mạn tính của bệnh ĐTĐ, đặc biệt là các biến chứng thận, mắt, tim
mạch Kết quả các nghiên cứu cho thấy, liệu pháp insulin tích cực có thể: làm
giảm nguy cơ bị biến chứng mắt tới hơn 75%; làm giảm nguy cơ bị biến chứng
thần kinh tới 60%; và ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển các biến chứng thận tới
50%.
Ngoài ra, nó còn đem lại nhiều lợi ích khác. Ví dụ các BN điều trị insulin
tích cực, kiểm soát tốt đường huyết thường cảm thấy khỏe hơn, tăng cân và tăng
khả năng hoạt động thể lực, làm việc
Điều trị insulin tích cực có những khó khăn gì?
Để kiểm soát tốt đường huyết bằng điều trị insulin tích cực, cần tuân thủ
nghiêm các chế độ sau:
Tiêm nhiều mũi insulin: Bao gồm 3 mũi insulin nhanh trước các bữa ăn và
1mũi insulin bán chậm hoặc insulin glargin trước khi đi ngủ. Những người có điều
kiện có thể sử dụng một bơm insulin (insulin pump), cho phép giải phóng insulin
vào cơ thể thông qua một kim được gắn dưới da bụng của mình. Bơm sẽ cung cấp
liên tục insulin nhanh và một lượng lớn hơn insulin trước các bữa ăn khi đường
huyết có xu hướng tăng lên. Phần lớn các BN khi áp dụng liệu pháp insulin tích
cực sẽ phải ngừng các thuốc uống hạ đường huyết.
Đo đường huyết thường xuyên, định kỳ trong suốt cả ngày, trung bình cần
đo 3-4 lần mỗi ngày. Điều quan trọng nữa là dựa vào kết quả đường huyết, bạn
phải thông báo với thầy thuốc để điều chỉnh liều insulin thường xuyên.
Tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn và tập luyện do thầy thuốc đề ra: Nên nhớ rằng
mọi thức ăn và hoạt động thể lực đều ảnh hưởng đến mức đường huyết. Vì thế bạn
có thể phải ghi nhật ký thật chi tiết những gì mình ăn và mức độ hoạt động thể lực
thế nào để báo cho bác sĩ của bạn.
Điều trị insulin tích cực có nguy cơ gì?
Hạ đường huyết quá thấp: Khi bạn kiểm soát chặt đường huyết thì bất cứ
thay đổi nào trong chế độ ăn, tập luyện hoặc bị cảm cúm đều có thể gây hạ
đường huyết. Cần lưu ý phát hiện các dấu hiệu sớm của hạ đường huyết như mệt,
run tay, đói và điều trị ngay như uống một cốc nước cam hay ăn một cái kẹo
Các bạn cũng nên đem theo đồ ăn có đường trong túi.
Tăng cân: Khi bạn điều trị bằng insulin đủ để hạ thấp đường huyết thì
đường sẽ chui vào trong tế bào thay vì bị thải ra nước tiểu. Cơ thể bạn sẽ chuyển
đường glucose trong tế bào mà không sử dụng hết thành chất béo dự trữ, vì thế
bạn sẽ tăng cân. Để hạn chế hiện tượng này, bạn cần tập thể dục đều và tránh ăn
nhiều.
Bên cạnh các nguy cơ đã biết, các nghiên cứu gần đây gây nên mối quan
tâm về các BN ĐTĐ týp 2 điều trị insulin tích cực lại có nguy cơ mắc bệnh tim
cao hơn.
Tuy nhiên các lý do có thể là do những BN ở nhóm điều trị trích cực có
huyết áp, cholesterol máu cao hơn và béo hơn.
Những ai có thể áp dụng liệu pháp insulin tích cực?
Liệu pháp insulin tích cực có thể áp dụng cho phần lớn các BN ĐTĐ týp 1
và một số BN ĐTĐ týp 2 nhưng không phải là có thể áp dụng cho tất cả các BN
ĐTĐ. Những BN thường xuyên bị hạ đường huyết hoặc có cơn hạ đường huyết
nặng sẽ phải chuyển sang chế độ điều trị khác, có thể là điều trị thường quy (2 mũi
insulin mỗi ngày).
Liệu pháp insulin tích cực cũng được coi là không an toàn và không nên chỉ
định cho các BN ĐTĐ là trẻ em, người già hoặc các BN có bệnh tim mạch, BN có
nhiều biến chứng nặng.
Trong thực tế, quyết định điều trị insulin tích cực dựa trên ý kiến của thầy
thuốc chuyên khoa sau khi đã khám và đánh giá kỹ tình trạng bệnh cũng như có sự
thảo luận với người bệnh.