Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt
1. Bản chất tín hiệu của hệ thống ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu, nó khác với những hệ thống vật chất khác
không phải là tín hiệu, chẳng hạn, kết cấu của một cái cây, một vật thể nước, đá,
kết cấu của một cơ thể sống v.v… Bản chất tín hiệu của ngôn ngữ thể hiện ở
những điểm sau:
1. Các yếu tố của những hệ thống vật chất không phải là tín hiệu có giá trị đối
với hệ thống vì có những thuộc tính vật thể tự nhiên của chúng. Hệ thống tín
hiệu cũng là hệ thống vật chất nhưng các yếu tố của nó có giá trị đối với hệ
thống không phải do những thuộc tính vật thể tự nhiên của chúng mà do những
thuộc tính được người ta trao cho để chỉ ra những khái niệm hay tư tưởng nào
đó.
2. Tính hai mặt của tín hiệu. Mỗi tín hiệu là cái tổng thể do sự kết hợp giữa
cái biểu hiện và cái được biểu hiện mà thành. Cái biểu hiện trong ngôn ngữ là
hình thức ngữ âm, còn cái được biểu hiện là khái niệm hay đối tượng biểu thị.
3. Tính võ đoán của tín hiệu. Mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu
hiện là có tính võ đoán, tức là giữa hình thức âm và khái niệm không có mối
tương quan bên trong nào. Vì thế, khái niệm "người đàn ông cùng mẹ sinh ra và
sinh ra trước mình" trong tiếng Việt dược biểu thị bằng âm [anh], nhưng trong
tiếng Nga, lại được biểu thị bằng âm [brat]. Khái niệm ấy được biểu thị bằng
[anh] hay [brat] hoàn toàn là do sự quy ước, hay do thói quen của tập thể quy
định chứ không thể giải thích lí do.
4. Giá trị khu biệt của tín hiệu. Trong một hệ thống tín hiệu, cái quan trọng là
sự khu biệt. Thuộc tính vật chất của mỗi tín hiệu ngôn ngữ thể hiện ở những đặc
trưng có khả năng phân biệt của nó. So sánh một vết mực trên giấy và một chữ
cái chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Cả vết mực lẫn chữ cái đều có bản chất vật chất
như nhau, đều có thể tác động vào thị giác như nhau. Nhưng muốn nêu đặc
trưng của vết mực phải dùng tất cả các thuộc tính vật chất của nó: độ lớn, hình
thức, màu sắc, độc đậm nhạt v.v…, tất cả đều quan trọng như nhau. Trong khi
đó, cái quan trọng đối với một chữ cái chỉ là cái làm cho nó khác với chữ cái
khác: Chữ A có thể lớn hơn hay nhỏ hơn, đậm nét hơn hay thanh nét hơn, có thể
có màu sắc khác nhau, nhưng đó vẫn chỉ là chữ A mà thôi. Sở dĩ như vậy là vì
chữ A nằm trong hệ thống tín hiệu, còn vết mực không phải là tín hiệu.
Những đặc điểm của ngôn ngữ với tư cách là hệ thống tín hiệu vừa trình bày ở
trên có thể tìm thấy ở cả những hệ thống tín hiệu khác như hệ thống tín hiệu đèn
giao thông, trống hoặc kẻng báo hiệu, biển chỉ đường, v.v… Trong hệ thống đèn
giao thông có ba yếu tố: màu đỏ chỉ sự cấm đi, màu vàng – chuẩn bị, màu xanh –
có thể đi. Thực ra, màu đó, màu vàng, màu xanh tự nó không có nghĩa gì cả. Sở dĩ
mỗi màu mang một nội dung như vậy hoàn toàn là do sự quy ước. Nói cách khác,
mối quan hệ giữa cái biểu hiện (màu sắc) và cái được biểu hiện ở đây cũng có tính
võ đoán. Và tất nhiên, chỉ đặc trọng hệ thống đèn giao thông các màu mới có
những ý nghĩa như thế. Người ta có thể dùng các sắc độ khác nhau của màu đỏ để
chỉ "sự cấm đi", các sắc độ khác nhau của màu vàng để chỉ "sự chuẩn bị", các sắc
độ khác nhau của màu xanh để chỉ "có thể đi", miễn sao ba màu đó phải giữ được
sự phân biệt lẫn nhau. Như vậy, ở đây nét khu biệt của các thuộc tính vật lí của các
màu cũng là quan trọng.
2. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt
Cùng là hệ thống tín hiệu, ngôn ngữ khác với các hệ thống tín hiệu khác ở những
đặc điểm sau:
1. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu phức tạp bao gồm các yếu tố đồng loại
và không đồng loại, với số lượng không xác định. Những hệ thống tín hiệu nhân
tạo như hệ thống đèn giao thông, biển chỉ đường, quân hiệu, quân hàm v.v… chỉ
bao gồm một số tương đối hạn chế các yếu tố đồng loại. Chẳng hạn, hệ thống
đèn giao thông chỉ gồm ba yếu tố là đèn đỏ, đèn xanh và đèn vàng và tính chất
của chúng là hoàn toàn như nhau. Ngôn ngữ có nhiều loại đơn vị khác nhau: âm
vị khác với hình vị, hình vị khác với từ, từ khác với câu. Số lượng từ và câu
trong một ngôn ngữ là vô số. Không ai có thể biết tất cả các từ của ngay tiếng
mẹ đẻ của mình, bởi vì nó quá nhiều, lại thường xuyên được phát triển, bổ sung
thêm.
2. Vì ngôn ngữ bao gồm các yếu tố không đồng loại cho nên nó tạo ra
nhiều hệ thống và hệ thống con khác nhau. Mỗi hệ thống con như vậy bao gồm
những yếu tố tương đối đồng loại. Chẳng hạn, hệ thống âm vị bao gồm tất cả các
âm vị, hệ thống từ vựng bao gồm tất cả các từ và đơn vị tương đương với từ, hệ
thống hình vị bao gồm tất cả các hình vị v.v… Hệ thống âm vị lại có thể chia ra
hệ thống nguyên âm và hệ thống phụ âm, hệ thống hình vị có thể chia ra hệ
thống hình vị thực và hệ thống hình vị hư, hệ thống từ vựng có thể chia ra hệ
thống từ đơn và hệ thống từ ghép v.v…
3. Các đơn vị ngôn ngữ làm thành những cấp độ khác nhau. Khi nghiên cứu,
người ta thường chia các yếu tố của ngôn ngữ vào các cấp độ khác nhau. Cấp độ
là một trong những giai đoạn nghiên cứu của ngôn ngữ được quy định bởi
những thuộc tính của những đơn vị được phân xuất trọng khi phân tách chuỗi lời
nói một cách liên tục từ những đơn vị bậc cao đến những đơn vị bậc thấp. Các
đơn vị thuộc cấp độ khác nhau có quan hệ tôn ti, tức là các đơn vị bậc thấp "nằm
trong" các đơn vị bậc cao và các đơn vị bậc cao "bao gồm" các đơn vị bậc thấp.
Thí dụ: câu bao gồm các từ, từ bao gồm các hình vị, hình vị bao gồm các âm vị.
Ngược lại, âm vị nằm trong hình vị, hình vị nằm trong từ, từ nằm trong câu. Vì
vậy, âm vị, hình vị, từ và câu là những cấp độ khác nhau.
Khái niệm cấp độ gắn liền với tổng thể