Những lưu ý đặc biệt khi dùng kháng sinh
Cho tới nay, người ta đã nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng hơn 4.000 loại
kháng sinh, nhưng chỉ có khoảng 60 loại kháng sinh hiện còn có hiệu lực. Vì sao vậy
và làm thế nào để sử dụng kháng sinh cho hiệu quả?
Những nhóm kháng sinh chính
Các penicillin: là kháng sinh đầu tiên được dùng trong điều trị. Nó là hỗn hợp của nhiều
loại penicillin F, G, X, K chiết xuất từ nấm penicillium notatrim và penicillium
chrysogenum. Các penicillin và dẫn chất hiện nay vẫn là kháng sinh được dùng rộng rãi,
phổ biến. Tuy nhiên, thuốc đã bộc lộ những nhược điểm về kháng thuốc, đặc biệt thuốc
gây sốc phản vệ.
Các cephalosporin: Theo thời gian, người ta đã phân chia cephalosporin thành 4 thế hệ.
Tùy từng thế hệ thuốc mà có tác dụng mạnh trên vi khuẩn gram âm hoặc gram dương.
Hiện nay, các cephalosporin đang được dùng nhiều. Cần lưu ý rằng thuốc có dị ứng chéo
với penicillin và thận trọng dùng cho người suy thận.
Các aminosid: bao gồm streptomycin, dihydrostreptomycin, kanamycin, neomycin,
paranomycin hoặc gentamicin, sisomicin. Thuốc có hoạt phổ rộng chủ yếu đối với vi
khuẩn gram âm (cầu khuẩn, trực khuẩn). Có hiệp đồng tốt giữa streptomycin và penicillin
diệt liên cầu khuẩn. Streptomycin được dùng ưu tiên cho diệt vi khuẩn lao. Nhược điểm
là hay bị kháng thuốc, dễ gây tai biến với thận, thính giác (điếc) và rối loạn ốc tiền đình.
Kháng sinh có thể độc với thận.
Các phenicol:
có 2 kháng sinh chính là chloramphenicol, thiamphenicol là dẫn chất của
chloramphenicol, tác dụng giống như chloramphenicol nhưng ít gây bất sản tủy. Thuốc
điều trị chọn lọc bệnh thương hàn và sốt phát ban do Richkettsia. Thuốc gây tai biến suy
tủy (thiếu máu và bất sản tủy), hội chứng xám (nôn, tím tái, ngủ lịm, trụy mạch và tử
vong), nếu dùng liều cao, thuốc có thể gây viêm thần kinh ngoại biên và thị giác, rối loạn
tiêu hóa và quá mẫn.
Các tetracycline: có các thuốc tetracycline, oxytetracyclin, doxycyclin… thuốc có hoạt
phổ rộng với các vi khuẩn gram dương và gram âm, Richettsia, xoắn khuẩn, plasmodium,
động vật nguyên sinh và một số virut. Thuốc được dùng trong bệnh tả, sốt định kỳ
Brucella, lậu, giang mai, viêm tai mũi họng, tiêu hóa (Helicobacter pylori), sốt rét, trực
khuẩn Shigella. Tác dụng phụ thường gặp là rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan, thận, thần
kinh. Đặc biệt làm biến đổi màu, hỏng răng vĩnh viễn ở trẻ nhỏ.
Các macrolid: bao gồm các thuốc erythromycin, oleandomycin, spiramycin, jisamycin,
midecamycin, tylosin. Chúng bao gồm cả azithromycin, clarithromycin, dirithromycin và
roxithromycin. Thuốc được dùng cho nhiễm khuẩn Mycoplasma, Chlamydia, viêm màng
trong tim do nhiễm liên cầu khuẩn, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu khuẩn. Tác dụng phụ:
giảm thính lực, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, dị ứng da. Đặc biệt với erythromycin tiêm
mạch, dùng riêng hoặc phối hợp một số thuốc khác gây hiện tượng xoắn đỉnh rất nguy
hiểm.
Các lincosamid: gồm có lincomycin, clindamycin có phổ tác dụng gần giống macrolid.
Dùng cho trường hợp nhiễm khuẩn kỵ khí ruột, âm đạo, áp-xe bụng, khung chậu, phổi và
máu. Nhiễm tụ cầu khuẩn (phổ cầu khuẩn, viêm xoang, viêm miệng). Tác dụng phụ
thường gặp: tiêu chảy, viêm ruột kết màng giả, buồn nôn, nôn, viêm miệng lưỡi và da.
Các polypeptide: được chiết xuất từ bacillus với các thuốc polymycin, bacitracin,
tyrothrycin. Polymycin (colistin, colimycin) có tác dụng với vi khuẩn gram âm trừ
proteus, providencia, serratia, bacteroides, fuscobacterrium. Nhược điểm là có độc tính
cao với thận, thần kinh và gây suy hô hấp.
Bacitracin, tifrothrycin: do độc tính cao nên không dùng đường toàn thân mà chỉ dùng
tại chỗ như viên ngậm, thuốc nhỏ mắt, trong trường hợp viêm họng, đau mắt, bệnh ngoài
da.
Các sulfamid: có 3 nhóm khác nhau vì cấu trúc hóa học. Chúng đều có tác dụng với liên
cầu khuẩn, lậu cầu, tụ cầu, phế cầu. Thuốc có ưu điểm là hấp thu, thải trừ nhanh, có loại
dễ tan trong nước dùng làm thuốc nhỏ mắt như sulfacetamid, có loại tác dụng với vi
khuẩn đường ruột như sulffaguanidin, phtalylsulfathiazol. Tác dụng phụ: quá mẫn với
thuốc, dị ứng phát ban, sốt, rối loạn tiêu hóa. Thuốc không dùng cho người suy gan, thận.
Các quinolon: có 2 thế hệ, thế hệ một tác dụng trên vi khuẩn gram âm với thuốc acid
nalidixic, acid promidic, acid oxolinic, cinoxacin, acid pipedimic, milbxacin, rosoxacin,
flumequin. Dùng khi nhiễm khuẩn đường niệu; thế hệ hai bao gồm các thuốc norfloxacin,
pefloxacin, oflocxacin, ciprofloxacin… có tác dụng trên vi khuẩn gram dương và gram
âm, mycobacterium.
Dùng trong nhiễm khuẩn toàn thân: hô hấp, xương khớp, viêm màng tim, nhiễm khuẩn
huyết, tiết niệu, sinh dục… Thuốc có ưu điểm: hấp thu nhanh, nồng độ cao trong các mô.
Tác dụng phụ: nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, mất ngủ, co giật, ban đỏ, ngứa, cảm
quang. Thuốc gây cốt hóa sụn sớm vì vậy không dùng cho trẻ dưới 17 tuổi. Thuốc gây
đau gân cơ, có trường hợp đứt gân gót (achille). Có thể gây rối loạn tiêu hóa và máu.
Các nitroimidazol: gồm các thuốc metronidazol, ornidazol, timidazol. Thuốc có tác
dụng diệt khuẩn yếm khí gram dương và gram âm, đặc biệt tốt khi nhiễm trichomatis
vaginalis (âm đạo, niệu đạo) các amip ruột và gan, Helicobacter pylori gây đau loét dạ
dày – tá tràng.
Nhóm thuốc này có thể gây các tác dụng phụ:nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, rối loạn tiêu
hóa, buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy. Có thể bị giảm bạch cầu và chứng bệnh thần kinh
ngoại vi tạm thời nếu dùng thuốc lâu dài. Cũng có trường hợp quá mẫn nặng cần được
lưu ý.
Dẫn chất oxyquinolein: như nitroxolin (nhiễm khuẩn đường niệu), orthoxyquinolein
(nhiễm khuẩn đường ruột). Dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn đường niệu dưới gram
âm, tiêu chảy do tụ cầu liên cầu, bệnh do amip, lamblia, trichomonas, candida. Thuốc
không dùng quá 4 tuần liền vì có thể gây tác dụng phụ viêm tủy thần kinh, viêm thần kinh
ngoại vi và thị giác, bệnh tủy xương. Thuốc không dùng cho người suy gan, thận. Tránh
uống thuốc lúc đói vì gây buồn nôn và nôn.