Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Tài liệu Cái thú Viết chữ đẹp pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (312.17 KB, 10 trang )

Cái thú Viết chữ đẹp

Không dám dùng từ “thư pháp” (Hán) hay “shodo” (Nhật), sợ nảy ra
những tranh cãi không đáng với các nhà thư pháp, tôi dịch calligraphy
dài dòng là nghệ thuật viết chữ đẹp. Xin cứ cho rằng đây là một cái thú
cá nhân mà tôi muốn chia sẻ, không có gì to tát cả.

Chẳng là, một dạo đã nổi lên cuộc tranh cãi xem chừng bất tận của
những người viết thư pháp chữ Hán với những kẻ không-viết-chữ-Hán,
rằng chỉ có chữ tượng hình mới có nghệ thuật thư pháp, vì mỗi đơn vị
chữ đều có ý nghĩa - và bởi lẽ ấy, viết ra một chữ hệt như múa một
đường kiếm (ai đã xem Anh Hùng của Trương Nghệ Mưu hẳn còn nhớ
câu “kiếm pháp như thư pháp”), bộc lộ hết tâm tính, khí lực, trình độ
văn hóa, trình độ thẩm mỹ của người viết. Theo các nhà thư pháp bảo
thủ đó, chữ la tinh không thể có thư pháp, vì các chữ cái chỉ là các ký
hiệu loằng ngoằng dùng để ghi âm. Thư pháp chữ Việt bị chê bai nhiều
nhất; mà theo thiển ý của tôi, chê cũng đúng. Đó là vì kiểu “thư pháp”
ấy dùng bút lông Tàu mà viết, mà múa lượn những chữ cái la tinh,
thành ra một thứ dở Tàu dở ta hoàn toàn vô nghĩa.






Theo từ nguyên Hy Lạp, “callos” nghĩa là vẻ đẹp, còn “grapho” là viết.
Calligraphy là nghệ thuật viết chữ bằng tay sao cho đẹp đẽ, trang nhã.
Hình ảnh tôi còn giữ nguyên trong trí và hiện ra rõ ràng lúc này, là cảnh
Cosette của Những Người Khốn Khổ ngồi viết thư cho người yêu,
dùng bút lông ngỗng chấm mực, viết hết một trang phải dùng giấy thấm
đặt nhẹ lên hút cho mực khô đi (chính do “hành vi” này mà Jean


Valjean phát hiện ra bí mật của cô con gái nuôi, khi tờ giấy thấm đặt
trước gương đảo chữ lại từ ngược thành thuận). Chữ viết tay cổ điển
của người Pháp nghiêng về bên phải, ngòi bút lông ngỗng được chuốt
rồi cắt cho bằng đầu, bề rộng đầu ngòi quãng hơn một ly, khi ấn xuống
thành nét đậm, hất lên ra nét thanh. Muốn viết các kiểu chữ ronde, chữ
gothique như người Đức thì dùng ngòi có bản rộng hơn, ta thường gọi
là ngòi ronde. Kỹ năng viết nét thanh nét đậm này, thế hệ chúng tôi
được học và rèn luyện rất kỹ từ khi mới biết mặt chữ. Trải qua bao
nhiêu năm, nét chữ thay đổi, nhưng kỹ năng vẫn còn. Và bây giờ, nó
trở thành một cái thú.
Cái thú viết chữ đẹp.




Gương mặt lớn của Pháp mà tôi hằng ngưỡng mộ, là nhà thư pháp học
kiêm thiết kế kiểu chữ George Auriol. Ông sống vào đầu thế kỷ 20, nổi
tiếng với những bản viết tay bay bướm, hào hoa và rất mực công phu.
Sau Đệ nhị thế chiến, hai xưởng đúc chữ Deberny & Peignot ở Paris và
Fonderie Olive ở Marseille đã thuê những người như George Auriol
viết chữ mẫu để đúc khuôn, dùng cho việc in sách. Có những nơi
chuyên dạy viết chữ đẹp, như trường Estienne. Có những fonts chữ
mang tên người tạo ra nó, như Grasset, Naudin, Garamond, Peignot,
Frutiger. Năm 1937, Charles Peignot làm cả một phim về nghệ thuật
viết chữ, phim La Lettre.







Có thể bạn không để ý rằng nghệ thuật trình bày chữ (typography) bắt
nguồn từ nghệ thuật viết chữ đẹp (calligraphy). Theo Michel Derre,
một nhà thiết kế đồ họa phải am tường thuật viết chữ đẹp; và ngay cả
một họa sĩ trừu tượng cũng không được bỏ qua môn này.
Bằng những hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ và phát huy calligraphy,
nước Pháp có nhiều người viết chữ đẹp, nhất là nếu so với Mỹ.
Thực ra, nếu đọc lịch sử calligraphy, ta sẽ thấy ngay cả sự phát minh
các mẫu tự cũng không phải tình cờ, ngẫu nhiên, “vẽ đại những hình
thù loằng ngoằng” như dân thư pháp chữ Hán bỉ thử. Khắc những dấu
hiệu, đó là hoạt động biểu hiện cảm xúc, hình ảnh, ý tưởng; và có thể
chúng ta, những người sử dụng mẫu tự đơn thuần, đã không hiểu được
những ý tưởng hàm chứa trong những chữ cái ấy.
Thường, để trở thành một nhà viết chữ chuyên nghiệp, bạn phải cần
mẫn luyện tập sáu năm. Có một tinh thần Thiền ở đó, như một nhà viết
chữ người Đức đã nói:
“Học viết chữ là một quá trình dài. Anh phải kiên nhẫn, và phải luôn
luôn tỉnh giác [tỉnh giác, state of alertness, là chữ nhà Phật]. Có ba quá
trình diễn ra song song: trí óc, tâm hồn và các cơ bàn tay. Anh phải hợp
nhất chúng.”




Tôi cho rằng muốn viết tiếng Việt, hãy theo lề lối calligraphy Tây
phương, đừng viết kiểu Tàu cải biên.
Những gì cần thiết cho việc tập viết thì đơn giản lắm: giấy (loại giấy
mịn, hơi bóng và mềm để những nét đậm trở nên sắc, rõ và tinh tế),
mực (mực nho mài ra hoặc mực đã pha sẵn), bút (loại bút bằng đầu, độ
rộng đầu ngòi đi từ nửa mm đến 5mm). Thế thôi.

Hãy viết sao cho người ta có thể cảm thấy nét chữ tỏa ra trạng thái tâm
hồn bạn, sự nhạy cảm của bạn, những vui buồn giận dữ khoan hòa mà
bạn đang trải nghiệm. Hãy viết sao cho bao nhiêu tinh hoa trong bạn
phát tiết ra mặt giấy.
Hãy tham khảo nét chữ của các nghệ sĩ Laurent Rebena, David Lozach,
Bruno Gigarel, Julien Chazal, Bernard Faguet, Massimo Poello…
Hãy viết. Và đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy một niềm an lạc ấm áp
tràn đầy châu thân, như thể bạn vừa nuốt một mảnh sáng của mặt trời.
Và mặt giấy, và những nét bút cất tiếng hát…




×