Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có nhiều
nguyên nhân gây ra. Song, xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống
vi phạm và tội phạm, đồng thời thông qua hoạt động thống kê tội phạm, có thể rút
ra bốn nguyên nhân cơ bản sau:
1. Từ phía gia đình
Đây là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu, bởi môi trường sống trong gia đình có tác
động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em.
Vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục trẻ em - đặc biệt là vai trò của cha
mẹ - là hết sức quan trọng. Quản lý và giáo dục của gia đình là một quá trình liên
tục và lâu dài từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Gia đình nào tạo
dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì mặc dù điều kiện kinh
tế có khó khăn nhưng vẫn có cuộc sống hạnh phúc, con cái có lối sống trong sáng,
lành mạnh. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên
nhân dẫn con cái đến con đường vi phạm pháp luật. Những thiếu sót, sai lầm từ
phía gia đình có thể là do:
Một là, lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục không đúng, như: thỏa mãn và
đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất của con cái khi các yêu cầu này là không chính
đáng, không phù hợp với lứa tuổi hoặc điều kiện kinh tế của gia đình. Sự nuông
chiều thái quá, không bắt làm lụng, coi nhẹ hoặc bỏ qua lỗi lầm, nghĩa vụ của con
cái, từ đó tạo ra thói quen, tâm lý đòi hỏi, hưởng thụ sống ích kỷ, ỷ lại. Ngược lại,
có gia đình do bố mẹ thiếu hiểu biết nên khi thấy con có lỗi đã không tìm cách
khuyên răn mà lại dạy con bằng cách đánh đập, hành hạ. Đây cũng là một trong
những nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.
Hai là, gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm trong việc quản lý và giáo dục
con cái, ỷ lại cho nhà trường và xã hội như: bố mẹ lo làm ăn buôn bán, do phải đi
công tác xa thường xuyên, bố mẹ ốm đau bệnh tật không quản lý chặt chẽ việc học
tập, sinh hoạt của con cái. Có trường hợp con cái bỏ học hàng tháng, đi chơi qua
đêm, nghiện hút và có hành vi vi phạm pháp luật mà bố mẹ không hề hay biết, chỉ
đến khi nhận được thông báo của cơ quan công an hoặc hàng xóm, bạn bè mách
bảo thì mọi việc đã muộn.
Ba là, một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp
hành án phạt tù, bố hoặc mẹ đã chết, sống với gì ghẻ hoặc bố dượng, mồ côi cả bố
mẹ các em phải ở với ông bà, anh chị em ruột, sống một mình, sống lang thang.
Những trẻ em rơi vào hoàn cảnh này thường bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc
cảm, thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập vui chơi, thiếu quản lý, giáo dục
dẫn đến mất phương hướng khi hành động dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu
cực, phạm tội.
2. Từ phía nhà trường
Hiện nay, hầu hết các trường học đều tổ chức cho học sinh tham gia ký cam kết
không vi phạm pháp luật, nhưng thực tế đây cũng chỉ có tính hình thức. Trong khi
đó, các chương trình giáo dục pháp luật lại chưa được chú trọng, chưa có nhiều
giải pháp quản lý, giáo dục và giúp đỡ các học sinh chưa ngoan. Thông thường,
khi phát hiện học sinh vi phạm kỷ luật thì hình thức xử lý là đuổi học, mà hình
thức này khi áp dụng lại vô tình tạo ra khoảng trống thiếu vắng sự quản lý, giáo
dục nên dễ đưa học sinh vào con đường vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu
chặt chẽ nên nhiều học sinh tự ý bỏ học đi lang thang hoặc tìm niềm vui qua các
trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm mà nhà trường và gia đình không
hay biết. Đây là điều kiện để các đối tượng xấu ngoài xã hội lợi dụng để lôi kéo
các em vào con đường vi phạm pháp luật.
3. Từ phía xã hội
Do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với những thiếu sót
trong việc quản lý văn hóa - xã hội của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội,
vì vậy chúng ta chưa đánh giá hết tính chất phức tạp, nghiêm trọng của tình hình
vi phạm và tội phạm người chưa thành niên để đề ra những chủ trương, biện pháp
phòng ngừa ngăn chặn và đấu tranh phù hợp.
Hệ thống pháp luật về trẻ em và người chưa thành niên thiếu đồng bộ, việc thi
hành chưa nghiêm. Sự phối hợp hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn
thiếu chặt chẽ, các ngành, các cấp chính quyền chưa coi trọng đúng mức và chưa
thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống vi phạm pháp
luật của người chưa thành niên, coi đó là trách nhiệm chủ yếu của gia đình và nhà
trường.
Vai trò của các đoàn thể xã hội, đặc biệt là Đoàn Thanh niên trong công tác giáo
dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật của người chưa thành niên còn mờ nhạt.
Thông thường những người vi phạm pháp luật thuộc đối tượng ở tổ chức nào thì
ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao cho tổ chức đó giáo dục, giúp đỡ và bảo
vệ quyền lợi của họ, nhưng thực tế thì rất ít trẻ em vi phạm pháp luật được giao
cho Đoàn Thanh niên quản lý, giáo dục, nếu có thì cũng chưa được các cơ sở đoàn
quan tâm đúng mức. Sự mờ nhạt của các tổ chức đoàn cùng với việc thiếu quan
tâm của gia đình dẫn đến nhiều thanh niên sau khi trở về từ trường giáo dưỡng lại
tiếp tục đi vào con đường tái phạm.
4. Từ chính bản thân người chưa thành niên
Người chưa thành niên có những đặc thù riêng, đó là nhóm đối tượng còn chưa
được hoàn thiện về thể chất và tinh thần. ở độ tuổi này, họ luôn hướng tới sự ham
thích mới lạ, hiếu động, muốn thể hiện tính anh hùng, hảo hán, do đó có trường
hợp chỉ vì cái nhìn thiếu thiện cảm hay chỉ vì xích mích nhỏ mà các em thực hiện
những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết
người hoặc dễ bị các đối tượng xấu trong xã hội kích động, lôi kéo vào con đường
vi phạm pháp luật.