Tải bản đầy đủ (.doc) (33 trang)

Tài liệu ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ MUỐI TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015 pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (330.01 KB, 33 trang )

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
––––––––––––––––––––––––
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG,
AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ MUỐI
TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Kèm theo Tờ trình số 857/TTr-BNN
Ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Hà Nội, tháng 3 năm 2011
i
MỤC LỤC
MỤC LỤC ii
CÁC CHỮ VIẾT TẮT iii
PHẦN MỞ ĐẦU 1
I. Bối cảnh và sự cần thiết xây dựng đề án 1
II. Cơ sở pháp lý xây dựng đề án: 4
III. Phạm vi của đề án: 5
PHẦN 1. THỰC TRẠNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG AN
TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN 6
I. Hệ thống văn bản QPPL, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật quản lý an toàn thực
phẩm 6
II. Hệ thống tổ chức quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản 7
III. Nguồn nhân lực 9
IV. Về cơ sở vật chất và đầu tư cho quản lý chất lượng, ATTP 10
V. Về cơ chế tài chính 12
PHẦN 2. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN
LÝ CHẤT LƯỢNG AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN 13
I. MỤC TIÊU CHUNG 13
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐẾN 2015 14
III. NHIỆM VỤ 14


IV. GIẢI PHÁP 17
PHẦN 3. CÁC DỰ ÁN THUỘC ĐỀ ÁN 19
PHẦN 4. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 21
PHẦN 5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 23
I. Thời gian thực hiện 23
II. Phân công trách nhiệm 23
ii
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1. ATTP An toàn thực phẩm
2. Bộ NN&PTNT Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
3. CBCC Cán bộ công chức
4. CoC Quy tắc nuôi thủy sản có trách nhiệm
5. Codex Tiêu chuẩn thực phẩm
6. CPSH Chế phẩm sinh học
7. Cục BVTV Cục Bảo vệ thực vật
8. Cục CBTM NLTS Cục Chế biến, Thương mại Nông sản và Nghề muối
9. Cục CN Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
10. Cục QLCLNLS&TS Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản
11. Cục TT Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
12. Cục TY Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
13. DANIDA Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Đan Mạch
14. EU Liên minh Châu Âu
15. FAO Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc
16. FDA Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ
17. FSPS Chương trình Hỗ trợ ngành Thủy sản
18. GAP Quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
19. GAqP Quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt
20. GHP Quy phạm thực hành vệ sinh tốt
21. GMP Quy phạm thực hành sản xuất tốt
22. HACCP Chương trình Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn

23. IPPC Công ước bảo vệ thực vật quốc tế
24. ISO Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế
25. NAFIQAD Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản
26. NLTS&M Nông lâm thủy sản và muối
27. NTTS Nuôi trồng thủy sản
28. QLCL Quản lý chất lượng
29. QPPL Quy phạm pháp luật
30. SSOP Quy phạm vệ sinh chuẩn
31. SPS Vệ sinh và kiểm dịch động thực vật
32. TBT Hàng rào kỹ thuật về thương mại
33. TCN Tiêu chuẩn ngành
34. VASEP Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam
35. Vụ KHCN Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
36. WTO Tổ chức Thương mại Thế giới
iii
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
––––––––––––––––
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
––––––––––––––––––––––––
Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2011
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG,
AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ MUỐI
TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015
–––––––––––––––––––––––
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Bối cảnh và sự cần thiết xây dựng đề án.
Ở Việt Nam, thực phẩm không đảm bảo an toàn đã dẫn đến hàng ngàn lượt

người bị ngộ độc thực phẩm cấp tính, trung bình hơn 60 người chết mỗi năm;
trung bình mỗi người dân bị 1,5 lần/năm nhiễm bệnh đường tiêu hóa; lạm dụng
thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất là một trong những nguyên nhân dẫn
đến bệnh ung thư, tổn thương não, máu trắng, suy thận … thậm chí dẫn đến tử
vong. Sản xuất và sử dụng thực phẩm không an toàn ảnh hưởng tiêu cực đến sức
khỏe, khả năng lao động, chất lượng cuộc sống của con người hàng ngày và lâu
dài. Không đảm bảo an toàn thực phẩm còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường
cho các mặt hàng nông sản có giá trị cao mà Việt Nam có tiềm năng. Nhiều thị
trường xuất khẩu lớn đã bị bỏ lỡ và rủi ro cao trong việc nắm giữ thị trường nội
địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trước sự phát triển không ngừng của đời sống sản xuất; tốc độ gia tăng dân
số, đô thị hóa mạnh mẽ; và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của
người tiêu dùng và thị trường quốc tế thì vấn đề quản lý, kiểm soát và đảm bảo an
toàn thực phẩm cũng như an toàn thực phẩm nông sản càng được đặt ra hết sức
cấp bách, đòi hỏi phải có chiến lược đồng bộ, mang tính định hướng chỉ đạo, tổ
chức thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát hữu hiệu hoạt động sản xuất nông
sản thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế
ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp.
Để bảo vệ sức khỏe nhân dân và nâng cao uy tín, thúc đẩy xuất khẩu sản
phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới, công tác quản lý chất lượng, ATTP luôn
được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX nêu rõ
1
“Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đưa nhanh công nghệ
mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Ứng dụng công nghệ sạch trong
nuôi, trồng và chế biến rau quả, thực phẩm, hạn chế việc sử dụng hoá chất độc
hại trong nông nghiệp”. Quốc hội đã ban hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng
hoá, Luật An toàn thực phẩm và Nghị quyết 34/2009/QH12 về đẩy mạnh thực
hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP; Chính phủ và Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật, cơ chế chính sách, đề
án, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm.

Quán triệt ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng,
ATTP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng xây dựng các cơ chế
chính sách và chỉ đạo triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát, từng bước
cải thiện việc quản lý chất lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên bên
cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại hạn chế, chưa đáp ứng được
yêu cầu ngày càng cao của xã hội, còn nhiều vấn đề về chất lượng và ATTP chưa
được giải quyết triệt để, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản, thủy
sản Việt Nam còn chưa ổn định trên thị trường quốc tế, đơn cử:
Tình trạng ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong thịt và sản phẩm thịt còn ở
mức cao. Kết quả kiểm tra ô nhiễm vi sinh vật trong 269 mẫu thịt gia súc, gia cầm
tại các cơ sở giết mổ tại 41 tỉnh/thành phố trong phạm vi cả nước cho thấy:
28,62% mẫu thịt lợn, thịt gà được kiểm tra bị nhiễm Salmonella; 26,76% mẫu thịt
nhiễm Staphylococcus aureus lớn hơn giới hạn cho phép. Tại các cơ sở kinh
doanh, kết quả kiểm tra ô nhiễm vi sinh vật trong 105 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại
41 tỉnh/thành phố trong phạm vi cả nước cho thấy 30,48% mẫu thịt nhiễm
Salmonella; 33,33% mẫu thịt nhiễm Staphylococcus aureus lớn hơn giới hạn cho
phép. Bên cạnh tình trạng ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong sản phẩm thịt, tình
trạng ô nhiễm hóa chất cấm như Salbutamol và Clenbuterol vẫn còn tồn tại.
Hiện nay nước ta sản xuất khoảng 12 triệu tấn rau các loại. Tuy nhiên diện
tích đất đủ điều kiện trồng rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả
nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%, số còn lại do sản xuất
nhỏ lẻ, không trong vùng quy hoạch nên khó kiểm soát về chất lượng. Số mô hình
sản xuất quả an toàn theo hướng GAP đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP còn
hết sức hạn chế. Kết quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV năm 2009 trong 512 mẫu
rau tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh rau tại 40 tỉnh/thành phố trong phạm vi
cả nước cho thấy có 33 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn dư lượng
cho phép, chiếm tỷ lệ 6,44%, trong đó tại cơ sở sản xuất phát hiện 6,86% mẫu rau
2
có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép, tại cơ sở kinh
doanh là 5,26%.

Sự phát triển nhanh chóng của sản xuất kinh doanh thuỷ sản đã xuất hiện và
tiềm ẩn các nguy cơ. Tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn có
chiều hướng phức tạp, nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu bị phát hiện dư lượng hóa
chất, kháng sinh cấm; nhiễm độc tố sinh học, kim loại nặng do ô nhiễm môi
trường; lạm dụng hóa chất bảo quản thủy sản sau thu hoạch đối với thủy sản tiêu
thụ nội địa. Nhiều vùng nuôi đã bùng phát dịch bệnh do quy hoạch vùng nuôi
chưa đồng bộ, nuôi nhiều vụ với mật độ cao, chưa chủ động được khâu sản xuất
giống, chưa kiểm soát được dịch bệnh trong sản xuất và lưu thông giống. Kết quả
giám sát về chất lượng, an toàn thực phẩm cho thấy tỷ lệ mẫu thủy sản không đạt
yêu cầu vẫn còn 3,5% năm 2010 và năm 2009 là 10,11%.
Việc quản lý các sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu được
thực hiện theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực
vật cũng như các quy định về thương mại, hải quan. Trong năm 2010, kim ngạch
nhập khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản ước đạt 4,7 tỉ USD, tập trung các mặt
hàng chính là nguyên liệu sản xuất thức ăn, sữa, dầu mỡ động thực vật, thủy sản,
rau quả, muối. Theo thống kê cho đến thời điểm hiện tại, đã có 22 nước với 2049
cơ sở sản xuất thủy sản;13 nước với 18.879 cơ sở sản xuất đăng ký xuất khẩu
động vật vào Việt Nam; trong đó những đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ có
16.930 cơ sở, Canada: 1.599 cơ sở, Australia: 92 cơ sở, EU: 99 cơ sở (Anh, Pháp,
Italia ), Nhật: 293, Trung Quốc: 419 cơ sở sản xuất nông sản và thủy sản. Bên
cạnh các hoạt động xuất nhập khẩu được quản lý kiểm tra chính thức (chính
ngạch), vẫn còn một lượng lớn sản phẩm nông lâm thủy sản xuất nhập khẩu theo
diện hàng hóa trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch), thậm chí xuất nhập khẩu lậu
qua các đường mòn, lối mở biên giới không được kiểm tra chất lượng, an toàn
thực phẩm. Mặt khác, các cửa khẩu nhập khẩu đều không có cơ sở vật chất phục
vụ kiểm nghiệm hàng hóa tại chỗ nên hiệu quả kiểm soát chưa cao.
Năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế là một trong
những nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế đó. Vì vậy, việc tăng
cường năng lực quản lý thông qua hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng
lực tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động nhằm đảm bảo hiệu lực và

hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản và muối là
yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Căn cứ Luật ATTP số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày
19/6/2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về
3
quản lý chất lượng, ATTP, Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 25/5/2010 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số
34/2009/QH12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng
Đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm
thủy sản và muối từ trung ương đến địa phương giai đoạn 2011-2015” nhằm
xác định lộ trình và các giải pháp kiện toàn, tăng cường năng lực quản lý chất
lượng an toàn vệ sinh nông, lâm, thủy sản và muối.
II. Cơ sở pháp lý xây dựng đề án:
- Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII về
đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP;
- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; Luật Chất lượng sản phẩm
hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Qui chuẩn kỹ thuật và các Nghị định hướng dẫn thi
hành;
- Pháp lệnh Thú y; Pháp lệnh BVTV; Pháp lệnh giống cây trồng; Pháp lệnh
giống vật nuôi; Luật Thủy sản và các Nghị định hướng dẫn thi hành;
- Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 và Nghị định số
75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số
01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
- Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Nghị định số 67/2009/NĐ-
CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và

Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá;
- Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ
Qui định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh ATTP;
- Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành
chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành
Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
4
- Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 25/5/2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện
Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy
mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP;
- Các cam kết hội nhập quốc tế về TBT/SPS trong lĩnh vực nông nghiệp,
phát triển nông thôn và ATTP.
III. Phạm vi của đề án:
Thời gian thực hiện đề án trong giai đoạn 2011-2015 để đồng bộ và thống nhất
với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.
Phạm vi của đề án giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước về an toàn thực
phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Luật An toàn thực phẩm số
55/2010/QH gồm: Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu
gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh
doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy
sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa
tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen,
muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời để tránh trùng lặp với các chiến lược, chương trình, đề án, dự án
khác có liên quan (Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm, Chương trình Mục
tiêu quốc gia về ATTP và các chiến lược, chương trình, đề án tăng cường năng
lực trong các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, thú y, bảo vệ thực vật, các
đề án thực hiện Nghị quyết trung ương 7 Khóa X về Nông nghiệp - Nông dân -
Nông thôn) phạm vi của Đề án sẽ tập trung vào các mục tiêu và giải pháp tăng

cường năng lực quản lý của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước an toàn thực
phẩm nông lâm thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của Ngành NN&PTNT,
bao gồm:
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý an toàn thực phẩm;
- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông
lâm thủy sản; phân công, phân cấp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong
phạm vi quản lý;
- Tăng cường năng lực và phát triển nguồn nhân lực;
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật;
- Đảm bảo năng lực về tài chính.
5
PHẦN 1. THỰC TRẠNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG AN
TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN
I. Hệ thống văn bản QPPL, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật quản lý an
toàn thực phẩm.
Hệ thống văn bản QPPL của Việt Nam về chất lượng, an toàn thực phẩm
(ATTP) đã và đang được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện. Các luật, pháp
lệnh điều chỉnh về chất lượng, ATTP đã được xây dựng và sửa đổi như Luật An
toàn thực phẩm (2010), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (năm 2007), Luật
Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (năm 2006), Pháp lệnh Thú y (sửa đổi, năm
2004).
Nhìn chung số lượng văn bản QPPL quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản
được ban hành khá lớn, về cơ bản tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động
quản lý. Chỉ tính các văn bản QPPL do cơ quan trung ương ban hành, cả nước
hiện có khoảng 259 văn bản điều chỉnh vấn đề về chất lượng, vệ sinh ATTP,
trong đó có 19 văn bản do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành; 67
văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và 173 văn bản do bộ,
ngành ban hành (19 luật, pháp lệnh; 39 nghị định; 44 thông tư; 137 quyết định và
20 chỉ thị).
Tuy số lượng các văn bản QPPL lớn nhưng phạm vi và mức độ điều

chỉnh về chất lượng ATTP vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người
tiêu dùng và thị trường nhập khẩu. Một số ngành hàng chưa có đủ hệ thống văn
bản quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất do thiếu tính qui hoạch trong việc thiết kế hệ
thống pháp lý và năng lực xây dựng pháp luật theo hướng hội nhập và chuyển đổi
phương thức quản lý còn hạn chế là nguyên nhân của việc cơ chế chính sách và
phân công phân cấp giữa các Bộ, Ngành vẫn còn có điểm bất cập, chồng chéo gây
khó khăn cho việc thực hiện.
Về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Tính đến hết năm 2009 có
400 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN, TCN) liên quan đến ATTP được ban hành. Tỷ lệ
tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 63% (Theo báo cáo số
45/BC-CP ngày 07/4/2009 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật
về quản lý chất lượng ATTP).
Cơ sở quan trọng cho quản lý là các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật chưa
được rà soát toàn diện; còn nhiều tiêu chuẩn chưa hài hòa với qui định quốc tế
6
(CODEX, JECFA). Hệ thống qui chuẩn về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm
cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm còn thiếu đối với các cơ sở sản xuất kinh
doanh mặt hàng rau, chè, quả, thịt, muối và các quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện
đảm bảo ATTP cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và thủy sản phục vụ nội tiêu. Tiến
độ chuyển đổi tiêu chuẩn thành qui chuẩn kỹ thuật chậm so với qui định. Chế tài
xử lý vi phạm về ATTP còn thiếu; chưa có chế tài đủ mạnh buộc các cơ sở sản
xuất phải áp dụng và thực hiện các quy chuẩn về điều kiện đảm bảo ATTP cũng
như chế tài để đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đáp ứng yêu cầu.
II. Hệ thống tổ chức quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản
Theo phân công tại Luật An toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT được giao chủ
trì quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông lâm thủy sản và
muối trong toàn bộ quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo
quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các
sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả, trứng và các sản
phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực

phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của
Chính phủ.
1. Cấp Trung ương:
Do tính chất đa ngành, công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy
sản hiện nay được phân công cho nhiều đơn vị thuộc Bộ thực hiện, về cơ bản đã
bao quát toàn bộ quá trình sản xuất nông lâm thủy sản theo 3 chuỗi ngành hàng
động vật và sản phẩm động vật, thực vật và sản phẩm thực vật, thủy sản và sản
phẩm thủy sản. Tại cấp Trung ương, công tác đảm bảo ATTP được giao cho 2
Tổng Cục và 06 Cục chuyên ngành
1
, trong đó Cục QLCLNLS&TS thực hiện vai
trò đầu mối. Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành về cơ bản đã có bộ máy tổ
chức quản lý và các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước.
Nhìn chung bộ máy tổ chức quản lý chất lượng nông lâm thủy sản ở cấp
Trung ương đã được hình thành để triển khai nhiệm vụ quản lý ATTP trong toàn
bộ quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển,
xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các nhóm ngành hàng thực phẩm thuộc
phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. Riêng hệ thống thanh tra chuyên ngành về
1
Tổng Cục thủy sản, Tổng Cục Lâm nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Chế biến
thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, Cục Trồng trọt; Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy
sản.
7
ATTP chưa được hình thành đủ gây khó khăn cho công tác quản lý dẫn đến hiệu
quả quản lý chưa cao, chưa theo kịp được với sự phát triển của xã hội.
Hơn nữa, Luật An toàn thực phẩm (2010) đã mở rộng phạm vi và trách
nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT trên 9 nhóm ngành hàng và
toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu. Để bảo vệ sức khỏe
nhân dân và đưa sản phẩm nông nghiệp xâm nhập thị trường thế giới, bộ máy
quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cần được kiện toàn, tổ chức thực hiện

thống nhất, đồng bộ và có hiệu lực, hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu của sản xuất,
kinh doanh và qui định mới của Luật An toàn thực phẩm, đảm bảo các cam kết
hội nhập quốc tế.
Năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế là một trong
những nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong công tác này.
2. Cấp tỉnh:
Hiện cả nước đã có 48 tỉnh/thành phố thành lập và đưa Chi cục Quản lý
Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vào hoạt động với bình quân 12-15 biên
chế hành chính/chi cục, các địa phương còn lại cũng đã có Phòng Quản lý chất
lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm đầu
mối tổ chức các nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm với số lượng
biên chế 4-6 người. Theo phân cấp các Chi cục Thú y, Chi cục BVTV và các đơn
vị trực thuộc (Trạm kiểm dịch động vật, Trạm Bảo vệ thực vật,…), cán bộ thú y,
cán bộ BVTV tại cấp xã là những lực lượng chỉ đạo triển khai công tác quản lý an
toàn thực phẩm. Ở cấp Sở, ngoài Chi cục QLCL, Chi cục thú y, Chi cục bảo vệ
thực vật, các phòng Chăn nuôi, Trồng trọt, Chi cục Thủy sản cũng tham gia kiểm
soát chất lượng, ATTP.
3. Cấp huyện :
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn được
giao cho Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế Quận nhưng hầu như chưa có lực
lượng cán bộ chuyên trách về đảm bảo ATTP. Trạm thú y, Trạm BVTV cấp
huyện phối hợp triển khai các nhiệm vụ quản lý nhưng không có cán bộ chuyên
trách về đảm bảo ATTP.
4. Cấp xã :
Nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao cho UBND xã/phường. Hiện có
nhân viên thú y, nhân viên BVTV được giao kiêm nhiệm một số nhiệm vụ về chất
lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, chưa có cán bộ chuyên trách về công tác ATTP.
8
Ở địa phương nhìn chung hệ thống tổ chức chưa đồng bộ, nhiệm vụ quản lý
về ATTP do nhiều đơn vị thực hiện, tuy nhiên sự phân công nhiệm vụ giữa các cơ

quan, đơn vị còn nhiều nội dung chưa rõ, dẫn đến sự chồng chéo trong thực hiện
nhiệm vụ, quản lý không hiệu quả. Tổ chức ở cấp huyện và cấp xã chưa đủ năng
lực để triển khai nhiệm vụ. Hệ thống thanh tra chuyên ngành về ATTP tại địa
phương gần như chưa hình thành nên việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra
của các địa phương còn hạn chế.
Phân cấp quản lý giữa các cấp trong hệ thống còn có điểm cần làm rõ để
thuận lợi cho thực hiện; một số lĩnh vực chưa phân cấp mạnh cho địa phương
hoặc phân cấp chưa phát huy mạnh vai trò của các cơ quan chức năng địa phương.
III. Nguồn nhân lực
1. Cấp Trung ương
Tổng số cán bộ làm công tác về ATTP tại các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT
khoảng 600 người, trong đó tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học là
80%.
Công tác đào tạo cán bộ được chú trọng do vậy hầu hết cán bộ đều nắm
vững chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động trong công việc. Tuy nhiên, do số lượng
cán bộ còn thiếu nên ở một số Cục chuyên ngành, nhiệm vụ quản lý chất lượng,
ATTP được giao lồng ghép cho các bộ phận và cán bộ chuyên môn lĩnh vực khác
trong quá trình giao chức năng, nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch hoạt động
Việc lồng ghép nhiệm vụ cũng có mặt thuận lợi do gắn kết được nhiệm vụ
quản lý chất lượng, ATTP với chỉ đạo sản xuất nông lâm thủy sản. Tuy nhiên,
cũng có hạn chế vì nhiệm vụ quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chưa
được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, chưa hình thành đầu mối chịu trách
nhiệm chính với nguồn lực phù hợp. Hơn nữa hiện chưa có hệ thống tiêu chuẩn
chức danh làm căn cứ tuyển dụng, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Chưa có hệ
thống đào tạo chuyên ngành về quản lý chất lượng.
2. Cấp Tỉnh:
Theo Báo cáo giám sát số 225/BC/BC-UBTVQH12 về việc thực hiện chính
sách pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân lực tham
gia công tác quản lý chất lượng ATTP cấp tỉnh ước khoảng 1.970 người, cấp
huyện là 1.949 người và cấp xã là 11.516 người.

9
Lực lượng chính triển khai công tác chất lượng, ATTP là Chi cục Quản lý
Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản với bình quân 12-15 biên chế hành
chính/chi cục, các Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở Nông
nghiệp và PTNT của địa phương còn lại với số lượng biên chế 4-6 người. Chi cục
BVTV, Chi cục Thú y chủ yếu bố trí lực lượng tập trung vào công tác phòng
chống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp,
trung bình có 31,3 người/tỉnh. Một số cán bộ các cơ quan địa phương đã được đào
tạo kiến thức ATTP đáp ứng một phần năng lực thực thi nhiệm vụ.
3. Cấp huyện:
Chưa có lực lượng cán bộ chuyên trách về đảm bảo ATTP. Hiện tại, cán bộ
BVTV, cán bộ thú y thường được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm về quản lý chất
lượng, ATTP, trung bình 3 người/huyện.
4. Cấp xã:
Hiện không có cán bộ chuyên trách ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp cấp
xã. Nhiệm vụ này thường giao cho cán bộ khuyến nông hoặc cán bộ phụ trách
nông nghiệp kiêm nhiệm, song không được phân công theo dõi chất lượng thuốc
BVTV, một số xã cán bộ thú y xã đảm nhận toàn bộ công tác có liên quan đến
chăn nuôi thú y, trung bình 1,05 người/xã.
Lực lượng cán bộ chuyên trách quản lý chất lượng còn quá mỏng, ở nhiều
đơn vị chủ yếu là nhiệm vụ kiêm nhiệm chưa đảm bảo nguồn lực để thực thi các
nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP được giao. Chưa có hệ thống tiêu chuẩn chức
danh làm căn cứ tuyển dụng, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Triển khai công
tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về ATTP hiện nay chưa tập trung,
công tác đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật thiếu tính dài hạn và bài bản từ đó hạn
chế trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Chưa có hệ thống đào tạo
chuyên ngành về quản lý chất lượng ở các Trường Đại học, cao đẳng.
IV. Về cơ sở vật chất và đầu tư cho quản lý chất lượng, ATTP
1. Cấp Trung ương:
Tại Tổng Cục thủy sản và các Cục chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT về

cơ bản đã được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc (Bao gồm cả các đơn vị trực
thuộc).
Các Phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước của các Cục chuyên
ngành đã được xây dựng và được trang bị thiết bị kiểm nghiệm, khảo nghiệm các
10
chỉ tiêu về chất lượng thuốc thú y, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, và một số chỉ
tiêu ATTP (vi sinh vật, dư lượng thuốc thú y, dư lượng thuốc BVTV,…);
6 Trung tâm vùng thuộc Cục Quản lý CLNLTS được trang bị các phòng
kiểm nghiệm khá hiện đại về vi sinh, sinh học phân tử, hóa học thông thường, hóa
học đặc biệt có đủ khả năng phân tích 90% các chỉ tiêu ATTP thủy sản, khoảng
70% các chỉ tiêu ATTP đối với nông sản. Các phòng kiểm nghiệm này đều đã
được công nhận hợp chuẩn ISO 17025 cấp quốc gia và quốc tế, được cơ quan
thẩm quyền EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản công nhận.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu quản lý ATTP hài hòa với các chuẩn mực
quốc tế, các phòng kiểm nghiệm này cần được đầu tư bổ sung về diện tích lắp đặt
thiết bị, bổ sung thiết bị hiện đại kiểm nghiệm các chỉ tiêu dư lượng vi lượng với
giới hạn phát hiện thấp. Các thiết bị lạc hậu, đã hết thời gian khấu hao cần thay
thế để đảm bảo chất lượng hoạt động thử nghiệm. Mặt khác cần đẩy mạnh các
biện pháp để xã hội hóa để phát huy các nguồn lực xã hội cho nhóm dịch vụ kỹ
thuật này.
Theo Luật An toàn thực phẩm, nhà nước cần đầu tư các hệ thống kiểm
nghiệm kiểm chứng về an toàn thực phẩm. Hiện Ngành nông nghiệp chưa được
đầu tư hệ thống kiểm chứng làm cơ sở giải quyết tranh chấp, nghiên cứu, đào tạo
chuyên sâu về các lĩnh vực kiểm nghiệm chuyên ngành.
2. Cấp tỉnh:
Chi Cục Thú y, Chi cục BVTV, Chi Cục Quản lý chất lượng thủy sản (1 số
tỉnh) đã được đầu tư, bố trí trụ sở làm việc và trang bị phòng kiểm nghiệm ở qui
mô nhỏ, tập trung vào một số chỉ tiêu mang tính chẩn đoán, sàng lọc phục vụ
kiểm soát thường xuyên và kiểm tra ban đầu.
Với tính chất đặc thù của quản lý an toàn thực phẩm luôn gắn kết chặt chẽ

với giám sát quá trình sản xuất ngay từ gốc, từ cơ sở, vai trò của cơ quan quản lý
cấp địa phương đặc biệt quan trọng. Để thực hiện vai trò đó đòi hỏi phải có tổ
chức và cơ sở vật chất phục vụ quản lý nhà nước đồng bộ, đặc biệt là công tác tư
vấn, đào tạo, chứng nhận và kiểm nghiệm thực phẩm.
3. Cấp huyện và Cấp xã:
Ở cấp huyện và cấp xã, các cơ quan có liên quan đến quản lý chất lượng
hầu như chưa được trang bị cơ sở vật chất và các thiết bị cần thiết làm công cụ
phục vụ kiểm soát. Chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp cảm quan, chẩn đoán lâm
sàng và một số test kit đơn giản.
11
Trên bình diện chung, cơ sở vật chất phục vụ cho quản lý chất lượng nông
lâm thủy sản còn thiếu. Diện tích làm việc, diện tích phòng kiểm nghiệm, trang
thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về cả danh mục thiết bị và công suất. Đầu
tư cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực quản lý chất
lượng nông lâm thủy sản còn hạn chế. Việc tiếp cận các công nghệ mới chưa kịp
thời và đón đầu do hạn chế kinh phí đầu tư. Đầu tư cho công tác đào tạo, truyền
thông, tăng cường nhận thức về đảm bảo chất lượng ATTP chưa tương xứng với
yêu cầu.
Nguồn lực đầu tư cho quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn phụ thuộc
chủ yếu vào ngân sách nhà nước, thiếu giải pháp và chính sách phù hợp huy động
nguồn lực xã hội cho hoạt động đảm bảo chất lượng, ATTP. Chưa thu hút tối đa
nguồn lực xã hội, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, hội
nghề nghiệp và thành phần tư nhân để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã
hội trong hoạt động đảm bảo chất lượng, ATTP.
Ngành NN&PTNT đã và đang nhận được những hỗ trợ rất tích cực từ các
nhà tài trợ song và đa phương trong việc phát triển năng lực kiểm soát ATTP,
nhằm giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào các hoạt động thương mại quốc tế và
thực hiện tốt Hiệp định TBT, SPS. Các chương trình, dự án tập trung nâng cao
năng lực về TBT/SPS cho các cơ quan chủ chốt của Bộ và một số tỉnh. Tuy nhiên
giữa các nhà tài trợ thiếu sự phối hợp, dẫn đến tình trạng chồng chéo và áp dụng

các phương thức tiếp cận khác nhau trong một số lĩnh vực như phân tích nguy cơ
và xử lý sản phẩm.
V. Về cơ chế tài chính
1. Cấp Trung ương:
Các Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT ngoài nguồn ngân
sách hoạt động được cấp hàng năm theo định mức hiện được thu phí và lệ phí
trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý theo qui định của Bộ Tài chính và một
số nguồn khác theo Chương trình mục tiêu, các dự án sử dụng ngân sách và một
số dự án nước ngoài.
Hầu hết các cơ quan đều gặp khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, không
đảm bảo để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ
và yêu cầu quản lý. Cơ chế, nội dung và mức thu phí và lệ phí chưa bao quát toàn
diện các nội dung, nhiều hoạt động có chi phí lớn nhưng mức thu thấp hoặc không
thu phí cũng gây khó khăn rất lớn cho khả năng cân đối nguồn kinh phí.
12
Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc Bộ áp dụng cơ
chế tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 đối với đơn vị
quản lý nhà nước. Riêng Cục BVTV, Cục Thú y và Cục QLCL NLS&TS được
cho phép vận dụng cơ chế tự chủ tài chính giai đoạn 2010-2012 theo Nghị định
43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006.
2. Cấp địa phương:
Các đơn vị đều áp dụng cơ chế tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-
CP ngày 17/10/2005. Trong khi đó kinh phí đầu tư cho công tác quản lý ATTP là
rất thấp, chỉ có một số ít tỉnh có đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt
động này, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà
nước về ATTP tại địa phương.
Các qui định về phí, lệ phí chưa chú trọng các nội dung thu cho các hoạt
động thực hiện ở cấp địa phương. Hầu hết là các loại lệ phí với mức thu rất thấp,
không đủ bù chi.
Cấp huyện và cấp xã hầu như không có kinh phí riêng cho hoạt động quản

lý an toàn thực phẩm trong khi nhiệm vụ được phân cấp là khá lớn.
Hoạt động tài chính vận hành theo cơ chế áp dụng cho cơ quan hành chính
có nhiều điểm thiếu linh hoạt và hạn chế sự chủ động của các cơ quan quản lý
chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát có
tính biến động cao theo yêu cầu của thị trường, sản xuất, các vấn đề phát sinh về
an toàn thực phẩm.
PHẦN 2. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ
CHẤT LƯỢNG AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN
I. MỤC TIÊU CHUNG
Hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống quản lý, kiểm soát chất
lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối từ Trung ương đến địa
phương đảm bảo nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực
phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu, thực hiện các cam kết trong quá trình
gia nhập WTO của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân
dân, đồng thời giữ vững uy tín thương hiệu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam trên thị
trường quốc tế.
13
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐẾN 2015
1. Kiện toàn và nâng cao năng lực của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước,
hệ thống kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm từ Trung ương đến các địa
phương.
2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về
quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nông lâm thuỷ sản và muối hài
hòa với các chuẩn mực, cam kết quốc tế.
3. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về chất
lượng, an toàn thực phẩm theo hướng tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu quản lý
và hội nhập trong giai đoạn mới.
III. NHIỆM VỤ
Để thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án cần tập trung thực hiện một số
nhiệm vụ và dự án chủ yếu sau đây:

1. Kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức quản lý chất lượng, an toàn thực
phẩm nông, lâm, thủy sản và muối ở Trung ương và các địa phương
a) Mục tiêu: Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước từ Trung
ương đến các địa phương, đảm bảo yêu cầu quản lý, phù hợp với sự phát triển của
ngành và hội nhập trong thời gian tới.
b) Nội dung:
- Rà soát, đánh giá lại bộ máy tổ chức bộ máy ở Trung ương và các địa
phương;
- Nghiên cứu một số mô hình của các nước tiên tiến và các nước có điều
kiện phát triển tương đồng.
- Kiện toàn bộ máy, sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức
của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy
sản và muối của Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng
quản lý thống nhất từ trang trại đến bàn ăn theo từng chuỗi ngành hàng thuộc
trách nhiệm quản lý của Bộ;
- Xây dựng khung định biên nhân lực theo vị trí việc làm và bổ sung đủ
biên chế cho hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản
ở Trung ương và địa phương.
- Xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước
về chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc Bộ và địa phương.
14
- Phân cấp rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm
nông, lâm, thủy sản và muối cho Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và
thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thí điểm thành lập đơn vị sự
nghiệp trực thuộc Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện
dịch vụ công về tư vấn, bồi dưỡng kiến thức, kiểm nghiệm, chứng nhận quá trình
và sản phẩm nông lâm thủy sản.
c) Thời gian thực hiện: 2011-2012
2. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát chất lượng, an

toàn thực phẩm từ Trung ương đến các địa phương và cơ sở sản xuất.
a) Mục tiêu: Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát chất lượng,
an toàn thực phẩm, đảm bảo kiểm soát có hệ thống, trên cơ sở đánh giá rủi ro toàn
bộ quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản và muối.
b) Nội dung:
- Rà soát đánh giá hiện trạng của hệ thống kiểm soát; nghiên cứu mô hình
của các nước tiên tiến và các nước có điều kiện phát triển tương đồng.
- Kiện toàn hệ thống cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra
chuyên ngành và lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành
chất lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản ở các Tổng cục, Cục chuyên ngành
thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Chi cục chuyên ngành
tỉnh/thành phố theo Luật An toàn thực phẩm và Luật Thanh tra 2010.
- Xây dựng hệ thống, mạng lưới đánh giá, quản lý, truyền thông nguy cơ an
toàn thực phẩm của ngành.
- Hoàn thiện, bổ sung các chương trình giám sát an toàn thực phẩm theo
chuỗi sản xuất kinh doanh ngành hàng.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu quốc gia về chất
lượng, an toàn thực phẩm chuyên ngành
- Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hoá, phát triển mạnh các dịch vụ tư vấn,
đào tạo, kiểm nghiệm, chứng nhận trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm
từ cơ sở sản xuất đến tiêu dùng và xuất khẩu.
- Xây dựng mô hình phối hợp kiểm soát giữa cơ quan quản lý nhà nước với
lực lượng xã hội hoá
c) Thời gian thực hiện: 2012 -2014.
15
3. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ
thuật.
a) Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn
kỹ thuật đảm bảo phù hợp với sự phát triển của ngành và các cam kết quốc tế
b) Nội dung:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp
luật thi hành Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Cập nhật, bổ sung các quy định mới có liên quan của quốc gia và quốc tế
trong quá trình nghiên cứu ban hành văn bản mới.
- Rà soát, chuyển đổi, xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật đối với quá
trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, đảm bảo 100% các qui chuẩn kỹ
thuật quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối ban
hành mới phù hợp với tiêu chuẩn, và quy định quốc tế, đáp ứng các cam kết gia
nhập WTO.
c) Thời gian thực hiện: 2011-2012
4. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng tiên tiến, hiện đại
a) Mục tiêu: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho cơ quan quản
lý nhà nước, lực lượng kiểm soát theo hướng tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác
quản lý và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm phù hợp với sự phát triển của
ngành và hội nhập kinh tế trong thời gian tới.
b) Nội dung:
- Đầu tư, xây dựng mới 1-2 phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia về
chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương chuẩn mực khu
vực, tham gia hệ thống phòng kiểm nghiệm kiểm chứng ASEAN.
- Nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm chuyên ngành thuộc Cục Quản lý
Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật thành các
phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia các nhóm chỉ tiêu chất lượng, an toàn
thực phẩm các nhóm ngành hàng thủy sản, động vật, thực vật theo qui định của
Luật An toàn thực phẩm.
- Tăng cường năng lực các phòng kiểm nghiệm chuyên ngành ở cấp trung
ương thuộc các Cục, Tổng cục đủ năng lực để phân tích 100% chỉ tiêu chất lượng,
an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối ở cấp Trung ương và được công
nhận đạt tiêu chuẩn TCVN/ISO 17025.
16
- Thí điểm xây dựng mô hình kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng, an toàn

thực phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu tại một số cửa khẩu trọng điểm.
- Đầu tư xây dựng phòng kiểm nghiệm cơ bản cho các Chi cục Quản lý
chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở các tỉnh, thành phố không có phòng kiểm
nghiệm của các Tổng cục, Cục chuyên ngành.
- Đầu tư xây dựng hệ thống truyền thông, cảnh báo nguy cơ về chất lượng,
an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối trên phạm vi toàn ngành.
c) Thời gian thực hiện: 2012-2015
IV. GIẢI PHÁP
1. Về cơ chế chính sách
- Nghiên cứu thiết lập cơ chế tài chính phù hợp, đặc thù cho hệ thống quản
lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối theo
hướng kết hợp hài hòa nguồn thu phí và lệ phí với nguồn lực từ ngân sách nhà
nước.
- Hoàn thiện, qui định đồng bộ và thống nhất về thu, nộp và quản lý phí và
lệ phí quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối.
- Nghiên cứu chính sách khuyến khích việc xã hội hoá công tác đảm bảo
chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng mở rộng mô hình hợp tác công tư,
khuyến khích đầu tư của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tư nhân, cổ phần cho các
dịch vụ tư vấn, đào tạo, chứng nhận, kiểm nghiệm.
- Nghiên cứu, xây dựng khung định biên nhân lực theo vị trí việc làm cho
hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản ở Trung
ương và địa phương.
- Nghiên cứu, ban hành chính sách phụ cấp trách nhiệm theo nghề cho lực
lượng quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chất lượng, an toàn thực phẩm
nông, lâm, thủy sản và muối.
2. Tăng cường phân cấp công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm
nông, lâm, thủy sản và muối.
- Phát triển nhanh lực lượng kiểm soát ATTP của các địa phương, đồng
thời có chế tài để các cơ sở sản xuất tăng cường công tác tự kiểm soát, giám sát
các khâu trong quá trình sản xuất;

17
- Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý, kiểm soát cho các cấp của địa phương
và tăng cường sự tham gia của các lực lượng xã hội.
- Bố trí cán bộ chuyên trách công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm
nông, lâm, thủy sản và muối ở Phòng Nông nghiệp huyện, Phòng Kinh tế quận.
Đào tạo và giao nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy
sản và muối cho Ban Nông nghiệp, nhân viên thú y, nhân viên bảo vệ thực vật,
nhân viên khuyến nông-khuyến ngư xã. Nghiên cứu mô hình cộng tác viên giám
sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở cấp huyện/xã.
- Xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát từ cơ sở sản xuất.
- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các
phòng kiểm nghiệm, cung ứng dịch vụ tư vấn, đào tạo, chứng nhận.
3. Đào tạo nguồn nhân lực
- Khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo ở các cấp quản lý, kiểm soát, cơ sở sản
xuất, kinh doanh.
- Tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của
cán bộ, công chức về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu
dài đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm ở Trung ương và địa phương.
- Thường xuyên tổ chức cập nhật, bổ túc, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao
trình độ cho công chức quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về các chính sách,
qui định mới có liên quan của Việt Nam và quốc tế.
- Tăng cường tổ chức các khoá bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn
ngày cho cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, xã và các đối tượng là lực lượng kiểm
soát, nhân viên, cán bộ làm việc tại các cơ sở sản xuất.
- Xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực
phẩm nông lâm thủy sản tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên
nghiệp.
4. Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin:
- Xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin toàn
ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối đảm bảo

thông tin để chỉ đạo, điều hành và phục vụ công tác quản lý nhanh, chính xác.
- Đẩy mạnh ứng dụng cụng nghệ thông tin trong triển khai dịch vụ công
mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.
5. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học:
18
- Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật
mới vào lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS;
- Tập trung nghiên cứu các phương pháp phân tích, phát hiện, xác định
nhanh, chính xác và có hiệu quả các chỉ tiêu an toàn thực phẩm;
- Đầu tư cho nghiên cứu, phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm làm cơ sở
thiết lập các biện pháp quản lý.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế:
- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề tài, dự án hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực.
- Mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất lượng, an
toàn thực phẩm.
- Tăng cường tham gia, đàm phán các thỏa thuận hợp tác song phương, đa
phương về công nhận, thừa nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
- Tham gia các diễn đàn, chương trình, hệ thống cảnh báo an toàn thực
phẩm.
PHẦN 3. CÁC DỰ ÁN THUỘC ĐỀ ÁN
Để thực hiện các mục tiêu của đề án, ngoài các nội dung thực hiện trong
phạm vi hoạt động và ngân sách thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước cần
triển khai các dự án trọng điểm sau:
1. Dự án 1: “Tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn
thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ trung ương đến địa phương”.
a) Cơ quan chủ trì và quản lý Dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
c) Nội dung của Dự án:

Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng diện tích, mua sắm thiết bị, đào
tạo nhân sự, thuê chuyên gia nước ngoài, với các Tiểu dự án sau:
Tiểu dự án 1: Đầu tư, xây dựng mới 1-2 phòng kiểm nghiệm kiểm chứng
quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương
chuẩn mực khu vực
Tiểu Dự án 2: Nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm chuyên ngành thuộc
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực
vật thành các phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia
19
Tiểu Dự án 3: Tăng cường năng lực các phòng kiểm nghiệm chuyên ngành
ở cấp trung ương thuộc các Cục, Tổng cục (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn) đủ năng lực phân tích 100% chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm nông
lâm thủy sản và muối ở cấp Trung ương.
Tiểu Dự án 4: Xây dựng phòng kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh chất lượng, an
toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu thí điểm tại một số cửa khẩu trọng
điểm.
Tiểu Dự án 5: Xây dựng phòng kiểm nghiệm cơ bản cho các Chi cục Quản
lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở các tỉnh, thành phố
d) Kinh phí dự kiến: 1690 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa
phương, nguồn ODA (viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi) và các
nguồn khác.
e) Thời gian thực hiện: 2012-2015
2. Dự án 2: “Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin
cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối từ Trung
ương đến địa phương và cơ sở”.
a) Cơ quan chủ trì và quản lý Dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và các Bộ, ngành liên quan.
c) Nội dung hoạt động của Dự án:
- Thiết kế bộ chỉ tiêu thống kê quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông,

lâm, thủy sản;
- Đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, thống kê, hệ thống truyền dẫn
cho các Cục chuyên ngành, các Chi cục địa phương.
- Xây dựng các phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu, Website cảnh báo an toàn
thực phẩm;
- Tổ chức thống kê dữ liệu, nhập dữ liệu về cơ sở sản xuất và sản phẩm;
d) Kinh phí dự kiến: 50 tỷ đồng
e) Thời gian thực hiện: 2012-2015
3. Dự án 3: “Tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý chất
lượng nông lâm thủy sản”.
a) Cơ quan chủ trì và quản lý Dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Cơ quan phối hợp: Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào
tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ,
ngành liên quan.
20
c) Nội dung hoạt động của Dự án:
- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh quản lý chất lượng nông lâm thủy
sản.
- Khảo sát, đánh giá, tập hợp nhu cầu đào tạo ngắn hạn và dài hạn đối với
từng lĩnh vực và chuyên ngành trong hệ thống từ trung ương đến địa phương.
- Đào tạo, tập huấn, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, kiểm nghiệm
và nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ các Tổng cục, Cục thuộc Bộ, các Chi cục
địa phương, cán bộ chuyên trách cấp huyện, xã;
- Đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho công chức được giao nhiệm
vụ thanh tra chuyên ngành.
d) Kinh phí dự kiến: 30 tỷ đồng
e) Thời gian thực hiện: 2012-2015
4. Dự án 4: “Tăng cường năng lực phân tích, quản lý nguy cơ an toàn
thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối”.
a) Cơ quan chủ trì và quản lý Dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Cơ quan phối hợp: Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan.
c) Nội dung hoạt động của Dự án:
- Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, qui trình, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia trong đánh giá, quản lý, truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm
nông, lâm, thủy sản và muối;
- Xây dựng mạng lưới, thiết lập các chương trình giám sát đánh giá, quản lý,
truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối;
d) Kinh phí dự kiến: 50 tỷ đồng
e) Thời gian thực hiện: 2012-2015
PHẦN 4. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí thực hiện đề án được huy động từ nhiều nguồn: ngân sách nhà
nước hỗ trợ, vốn của các doanh nghiệp, của các tổ chức và cá nhân.
Trong đó:
21
a) Ngân sách Trung ương ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật
chất kỹ thuật, các trang thiết bị, công nghệ của các phòng kiểm nghiệm, kiểm
chứng phục vụ việc quản lý và giám sát rủi ro quá trình sản xuất của các cơ quan
quản lý ở Trung ương và các địa phương; xây dựng hệ thống thông tin quản lý và
cơ sở dữ liệu quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; nghiên cứu xây dựng và hoàn
thiện cơ chế chính sách; biên soạn tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật; kiện toàn bộ
máy, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng công chức, viên
chức ở Trung ương và địa phương;
b) Ngân sách địa phương cùng với hỗ trợ của Trung ương đầu tư xây dựng,
nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, các trang thiết bị của các phòng kiểm nghiệm
phục vụ việc quản lý và giám sát rủi ro của hệ thống quản lý của địa phương; kiện
toàn bộ máy hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các cấp của địa
phương; tổ chức đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng
công chức, viên chức của địa phương; xây dựng, hoàn thiện lực lượng kiểm soát
chuyên ngành; tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm tại

địa phương thường kỳ và đột xuất.
c) Vốn của các tổ chức, cá nhân
- Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các phòng kiểm nghiệm, cung ứng
các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chứng nhận về đảm bảo chất lượng, an toàn thực
phẩm nông, lâm, thủy sản và muối trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tham gia
xây dựng lực lượng kiểm soát hoạt động theo hướng xã hội hoá; đào tạo, nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm việc của các doanh nghiệp, của
lực lượng kiểm soát xã hội hoá;
- Khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư khác thông qua các chương trình, dự
án hợp tác quốc tế song phương và đa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
kỹ thuật; đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ,
2. Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án
Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án đến 2015: khoảng 1.899 tỷ đồng.
Trong đó:
- Ngân sách trung ương : 40%;
- Ngân sách địa phương : 37%;
- Vốn ODA và huy động của các tổ chức, cá nhân: 23%;
22

×