1. Tình huống.
A 11 tuổi là con của anh B chị C. Ngày 15/06/2010, A đá bóng dưới lòng
đường cùng các bạn. Trong lúc thể hiện chân sút bóng với các bạn, trái bóng
của A đã bay thẳng vào cửa kính nhà ông D làm kính vỡ tan. Thiệt hại ông D đi
thay cửa kính mới (cùng loại với cửa kính cũ) hết 10.000.000 đồng. Ông D yêu
cầu gia đình của A bồi thường thiệt hại mà A đã gây ra, số tiền 10.000.000
đồng.
2. Giải quyết tình huống.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự mà theo đó
thì khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người
khác phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra. Theo Nghị quyết
03/2006/HĐTP-TANDTC ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy
định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt
hại phát sinh khi có 4 điều kiện sau:
• Có thiệt hại xảy ra.
• Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật.
• Có lỗi (vô ý hoặc cố ý) của người gây ra thiệt hại.
• Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Trong tình huống trên, hành vi đá bóng dưới lòng đường của A trái pháp luật
và có lỗi, là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho ông D. Vì vậy, làm phát sinh trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?
Theo Điều 18 BLDS thì: “Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa
thành niên.”
Mặt khác, căn cứ vào quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS: “Người
chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ
phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi
thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản
1
riêng đó để bồi thường phần còn thiếu trừ trường hợp quy định tại Điều 621
của Bộ luật này.” Và theo quy định tại Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình năm
2000 “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã mất
năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định tại Điều 611 của Bộ luật dân sự”.
Điều 17 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 12/8/1991 cũng quy
định “Cha mẹ, người đỡ đầu phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm
dân sự về những thiệt hại do hành vi của đứa trẻ mình nuôi dạy”.
Điều 621 BLDS quy định về trường hợp người dưới 15 tuổi gây thiệt hại
trong thời gian học tại trường, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại
trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác quản trực tiếp quản lý thì trường học,
bệnh viện, tổ chức đó phải bồi thường thiệt hại xảy ra nếu không chứng minh
được mình không có lỗi trong quản lý.
Do đó, với tình huống trên, A - 11 tuổi là người chưa thành niên dưới mười
lăm tuổi, không bị mất năng lực hành vi dân sự - con của anh B chị C, không
đang trong thời gian trực tiếp quản lý của trường học nên trách nhiệm bồi
thường thiệt hại thuộc về anh B chị C. Bên cạnh đó, đoạn 1 khoản 2 Điều 606
BLDS còn quy định: “nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con
chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi
thường phần còn thiếu”. Do đó anh B chị C có trách nhiệm bồi thường toàn bộ
thiệt hại cho ông D. Trong trường hợp, tài sản của anh chị không đủ, nếu A có
tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bù vào phần còn thiếu. Mặt khác, nếu ông D
yêu cầu bồi thường mà anh B chị C không bồi thường thì ông D có quyền kiện
đòi bồi thường thường thiệt hại là 10.000.000 đồng. Theo Nghị quyết số
03/2006 – HĐTPTANDTC ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự
2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì: “trong trường hợp quy định
tại đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS thì cha, mẹ của người gây thiệt hại là bị
2
đơn dân sự”. Nên anh B chị C sẽ là bị đơn dân sự trước Tòa án khi ông D khởi
kiện chứ không phải là A.
3. Nhận xét.
Những người dưới 15 tuổi bao gồm những người không có năng lực hành vi
dân sự (cá nhân chưa đủ 6 tuổi) chưa đủ lý trí để nhận biết hành vi của mình và
hậu quả có thể xảy ra do hành vi của mình; và những người có năng lực hành vi
dân sự một phần (cá nhân từ đủ 6 đến 15 tuổi ) khả năng nhận thức đang dần
hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, họ chỉ có thể xác lập thực hiện quyền,
nghĩa vụ, trách nhiệm trong một giới hạn nhất định do pháp luật dân sự quy
định. Do đó, cá nhà làm luật đặc biệt chú trọng trách nhiệm của cha mẹ người
dưới 15 tuổi và không có năng lực hành vi dân sự đối với hành vi gây thiệt hại
của họ nên cha mẹ họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm
của cha mẹ là trách nhiệm pháp lý, không cần điều kiện lỗi của cha mẹ trong
việc quản lý, giám sát hành vi của con mình.
Cha mẹ của người gây thiệt hại trong độ tuổi này có tư cách bị đơn dân sự,
cha mẹ là những người đại diện hợp pháp đương nhiên cho con, cha mẹ có
nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi gây thiệt hại của con; còn
chính cá nhân gây thiệt hại lại không có năng lực hành vi tố tụng dân sự trước
Tòa án. Tuy nhiên, luật cũng quy định thêm trường hợp nếu tài sản của cha mẹ
không đủ để bồi thường mà người con dưới 15 tuổi đó có tài sản riêng thì lấy tài
sản riêng của người con đó để bồi thường phần còn thiếu. Lấy tài sản riêng của
con để bổ sung cho phần cha mẹ còn thiếu không có nghĩa là trách nhiệm bồi
thường thiệt hại thuộc về người con. Bởi trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn
luôn thuộc về cha mẹ, chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này
là cha mẹ người gây thiệt hại. Việc lấy tài sản của con dưới 15 tuổi trực tiếp gây
ra thiệt hại để khắc phục cho phần còn thiếu là nhằm bảo vệ kịp thời quyền và
lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
3
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự 2005, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật bảo
vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 12/8/1991.
2. Nghị quyết số 03/2006 – HĐTPTANDTC ngày 08/07/2006 của Hội
đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy
định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự (tập 2), Nxb.
Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
4. Lê Đình Nghị, Giáo trình Luật dân sự (tập 2), Nxb. Giáo dục Việt
Nam, Hà Nội, 2010.
5. TS. Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản,
sức khỏe và tính mạng, Hà Nội, 2009.
6. Nguyễn Minh Thư, Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng của cá nhân, Hà Nội, 2010.
7. TS. Trần Thị Huệ - TS. Vũ Thị Hải Yến – Th.S Vũ Thị Hồng Yến,
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Từ quy định của pháp luật
đến thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2008.
4