Thơ tứ tuyệt trong truyền thống văn hóc phương Đông
(Bài viết của PGS.TS Lê Lưu Oanh Trường ĐHSP Hà Nội 1)
Là một thể thơ lâu đời ở Trung Quốc, thâm nhập và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn học Việt
Nam, thơ tứ tuyệt là một thể loại kết tinh được khá nhiều nét độc đáo của những giá trị tinh thần văn hoá
phương Đông. Chính điều đó, dường như đã góp phần tạo nên những sức mạnh đặc biệt của tứ tuyệt.
1- Mối quan hệ vi mô – vĩ mô
Tứ tuyệt là một chỉnh thể vi mô toàn vẹn. Trước hết, nói về con số 4. Chu Dịch và những con số thần bí
của nó có thể là một cơ sở lý giải hình thức thơ tứ tuyệt. Số 4 trong quan niệm của nhân loại (không chỉ
phương Đông) là con số hoàn thiện nhất, làm nổi bật vũ trụ trong tổng thể của nó: con số chỉ 4 mùa, bốn
phương, bốn biển … Chỉ riêng số 4 và bội số của nó: 4×2=8 câu, hoặc 4×7=28 chữ, 4×5=20 chữ, đã tạo
nên một cấu trúc cân đối, toàn vẹn. Thậm chí, trong truyền thống thơ ca Trung Quốc, người ta so sánh
một cách thích thú 20 chữ của bài thơ tứ tuyệt ngũ ngôn với 20 “ông hiền”. Nhân cách mỗi ông hiền và
mối liên hệ lẫn nhau của họ biến bài thơ thành một hành vi lễ nghi mà ở đó những điệu bộ và biểu tượng
gợi lên những nghĩa luôn luôn được đổi mới [5]. Quy luật đối lập âm dương, đảm bảo cân bằng âm dương
qua việc phối hợp các thanh bằng-trắc, các nhịp chẵn lẻ (nhịp 2/4, 4/3 đối với người Trung Quốc là nhịp
cơ bản của vũ trụ), tạo thành một cấu trúc có quy luật với những quan hệ nội tại chặt chẽ, làm một bài tứ
tuyệt dù rất nhỏ nhưng đảm bảo là một cấu trúc hình thức hoàn chỉnh cân xứng, nhịp nhàng, chặt chẽ, khó
phá vỡ.
Từ 20 đến 28 chữ gói gọn trong bốn câu thơ, đó là một kết cấu nghệ thuật trang nhã, xinh xắn, cân đối. Từ
nhan đề cho đến mỗi câu thơ đều có khả năng đảm nhận những chức năng nghệ thuật độc lập.
Đề bài nhiều khi là biểu tượng, thần khí của bài thơ, là yếu tố quan trọng để giải mã toàn bộ bài và phát
triển tứ thơ : Tuyệt cú, Ngôn hoài, Thiên trường vãn vọng, Vãn cảnh, Mộ, Cảnh khuya…
Câu kết thường giữ vị trí nâng cao vấn đề tạo khả năng đột ngột, bất ngờ về chuyển ý, đưa bài thơ lên một
tầm vóc mới. Tầm không gian mở ra vô tận, vô biên: Vời trông chỉ thấy dòng sông ngang trời (Lý
Bạch), Một tiếng kêu vang lạnh cả trời (Không Lộ thiền sư). Thời gian hướng về vô hạn, vĩnh cửu: Người
xưa (Kinh Kha) đã khuất rồi, Nước sông ngày nay còn lạnh buốt (Lạc Tân Vương); Thương một đời đâu
phải tạm thương (Chế Lan Viên). Một tư thế của chủ thể trữ tình: Hai tay gây dựng một sơn hà (Hồ Chí
Minh); Bỗng nghe vần thắng vút lên cao (Hồ Chí Minh). Một tâm sự bất ngờ: Uổng theo vầng nguyệt đợi
quân vương (Vương Xương Linh), Cảnh xuân thực ra dành cho ai? (Lý Thương Ẩn), Chưa ngủ vì lo nỗi
nước nhà (Hồ Chí Minh). Một triết lý đúc kết: Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về(Vương Hàn).
Thậm chí một chữ trong bài cũng có nhiệm vụ tạo không khí, chứa sức lan toả cao độ của ý nghĩa, được
gọi là nhãn tự :Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư – Không Lộ thiền sư; Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng –
Hồ Chí Minh. Mỗi từ được tinh luyện rất công phu khiến cho “Thơ làm xong quỷ thần cũng phải sửng
sốt” (Đỗ Phủ).
Chính vì con số 4 chứa đựng được cả vũ trụ nên bài thơ tứ tuyệt được coi là một tổng thể toàn vẹn mang
tính vi mô. Nhưng nội dung và cả cấu trúc hình thức của tứ tuyệt không hề hạn chế ở cấp độ vi mô mà
vươn tới hình ảnh của thế giới vĩ mô. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa cái nhỏ và cái lớn thể hiện cảm
quan triết lý phương Đông về vũ trụ.
Người Trung Quốc cổ xưa vốn cảm thấy vũ trụ là một thể thống nhất, trong đó, cái nhỏ tồn tại trong cái
lớn, cái nhỏ là biểu hiện của cái lớn. I. X. Lixêvich trong Tư tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa đã chỉ ra
rằng, người Trung Quốc cho đạo (quy luật khách quan), đại (cái lớn) được biểu hiện trong tất cả: trong
đoá hoa, trong vầng sáng ban mai, trong cái đập cánh của con bướm non, trong tiếng rì rào của lá, trong
giọt sương phản chiếu thế giới [1, 328]. Thuật xem thiên văn để đoán số phận con người và vận mệnh
quốc gia là xuất phát từ cảm quan triết học này. Ngay trong cái nhỏ bé cũng chứa đựng cái vô cùng. Kim
Thánh Thán đã cảm nhận điều đó khi nhìn cách biến hoá màu sắc trên chiếc lông ở cổ con chim. Hơn nữa,
cái nhỏ cũng đóng góp một sức mạnh phi thường trong cấu trúc thế giới: “Nếu nắm được cái chủ yếu tuy
nhỏ cũng thành công dục: Cũng như cái trục xe chỉ một tấc cũng làm cho bánh xe chuyển động, cái xe sở
dĩ đi ngàn vặn dặm là có cái trục ba tấc”[Lưu Hiệp, 2, 232].
Với cấu trúc rất bé nhỏ, tứ tuyệt là loại hình nghệ thuật biểu hiện khá điển hình cho mối quan hệ vi mô –
vĩ mô ấy. Nhà thơ phương Đông vốn đã cảm thấy thế giới là một tản mạn vô vàn những sự vật, hiện
tượng, là một bức tranh được ghép từ các cành nhỏ. Chỉ cần ngắm sự vật nhỏ bé sẽ thấy được hình mẫu
của cả thế giới, thấy được cái đạo của vũ trụ. Nguyên tắc “dĩ thiểu kiến đa” được vận dụng triệt để trong
cách tiếp cận thế giới của tứ tuyệt: qua cái nhất thời thấy được cái vĩnh cửu, qua một khoảnh khắc nhìn
thấu cả chân lý cuộc đời, qua một hiện tượng chiêm nghiệm được quy luật. Chỉ một tiếng trùng đêm đông
ảo não cũng diễn tả kiếp người buồn đến bạc trắng đầu (Bạch Cư Dị). Một cái cây trước sân mùa đông
còn trổ những bông hoa là ký hiệu của sự tàn tạ, xơ xác, tiêu điều chốn phồn hoa (Sầm Tham). Có thể nói,
tứ tuyệt chính là một góc nhìn hẹp ra thế giới vô cùng.
Tuy nhỏ, song giác độ này không hề bị hạn chế sức mạnh và sức bao quát. Ví như một ống kính thiên văn
bé tí mà có thể chiếm lĩnh cả bầu trời cao rộng, một vầng trăng nhỏ mà soi sáng cả muôn sông (nguyệt ấn
vạn xuyên). Trong một hình thức hữu hạn vẫn chứa đựng được nội dung khái quát (vô hạn). Muốn làm
được điều đó, tứ tuyệt phải thực hiện được nguyên tắc miêu tả những khoảnh khắc dồn nén bản chất quá
trình đời sống.
Với bốn câu thơ, tứ tuyệt không thể bao quát một phạm vi hiện thực rộng lớn như các thể thơ trữ tình có
quy mô lớn khác. Tứ tuyệt hướng tới những thời điểm đặc biệt của hiện thực và tâm trạng. Đó là phút
giây sững sờ trước màu hoa đào tươi thắm gợi nhớ một bóng hình quá khứ (Thôi Hộ), là phút hối hận khi
sắc liễu xanh đánh thức những khát khao tuổi trẻ (Vương Xương Linh). Hiện thực đã được tỉnh lược tối
đa, các chi tiết mang tính chọn lọc và khái quát cao. Tứ tuyệt có khả năng gói gọn được cái cốt lõi, cái
tinh tuý nhất của đời sống trong một hình thức nhỏ nhất là như vậy.
Khi cả vũ trụ dồn chứa trong một cấu trúc dồn nén, đòi hỏi cấu trúc đó phải có khả năng tạo nên điểm
bùng nổ, sức thăng hoa, gợi mở và những đợt dư ba về ý nghĩa và cảm xúc. Vì lẽ đó, tứ tuyệt là một chỉnh
thể không hề khép kín. Chi tiết đời sống trong tứ tuyệt chỉ là những nét chấm phá nhưng đầy sức gợi, sức
thuyết phục và lan toả. Sức quyến rũ của bốn câu thơ ngắn gọn là ở độ mờ ẩn sau từ ngữ với nguyên tắc
“ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), “thính hồ vô thanh”(nghe ở chỗ không có tiếng), “huyền ngoại chi
âm”(âm thanh ngoài dây đàn), một nguyên tắc phù hợp với mô hình tư duy nghệ thuật phương Đông. Đó
là tác phẩm nghệ thuật không bao giờ tìm đến cái trọn vẹn, hoàn chỉnh, tối đa mà luôn để ngỏ trong cách
miêu tả, mặc cho trí tưởng tượng của người thưởng thức tung hoành. Cũng như tranh thuỷ mặc thường
phác hoạ những hiện tượng thiên nhiên không hoàn chỉnh, mờ ảo với những nét lộ, nét khuất, nét dở dang
là để gợi ẩn ý theo bút pháp “vẽ mây nẩy trăng”. Thơ Đường có miêu tả hoa nở hoa tàn cũng là để cảm
nhận dòng thời gian chảy trôi vĩnh hằng, có miêu tả tiếng chuông chùa xa, mưa rơi, sáo mục đồng là để
cảm nhận cái vang vọng nhiều hơn miêu tả chính nó. Vì luôn mở ra, không khép kín nên thơ ca phương
Đông mãi mãi là một thế giới huyền bí, đầy ý vị, khơi gợi và hấp dẫn vô cùng, bởi đó là hình ảnh của
chân lý cuộc đời: luôn vận động, không có điểm dừng, không kết thúc. Kết cấu của tứ tuyệt do đó là một
kết cấu mở.
Mọi cung bậc tình cảm, mọi rung động sâu xa khó được miêu tả kỹ càng trong tứ tuyệt. Chúng thường
được thăng hoa từ những khoảng trống, những nốt lặng vô hình, giữa những từ ngữ, những dư ba ý nghĩa,
những ám ảnh xoay vòng, qua kết cấu và miêu tả, qua các nhãn tự. Chữ hồng cuối bài thơ Chiều tối của
Hồ Chí Minh không chỉ giúp xua tan nỗi buồn thăm thẳm của thân phận tù đầy mà còn kín đáo bộc lộ ước
mơ về một mái ấm gia đình của người chiến sĩ cách mạng. Tứ tuyệt có thể tả một mà gợi mười nhờ sự
dồn nén sức biểu cảm trong những chi tiết thực chắt lọc và tính đan chéo, trùng điệp của các quan hệ.
Tương quan giữa thuyền – bến, sáng – chiều, ở lại – ra đi, động – tĩnh, thời gian – không gian … đã tạo
nên nỗi bàng hoàng hụt hẫng trong tâm trạng con người trước cảnh biệt ly (Lòng anh làm bến thu – Chế
Lan Viên ). Với hình thức rất ngắn, hiệu quả tứ tuyệt cũng đi bằng con đường rất ngắn, dội thẳng vào trái
tim con người, không qua một lý thuyết, giãi bày dài dòng nào (Tiễn biệt trên sông Dịch – Lạc Tân
Vương, Ngắm trăng – Hồ Chí Minh, Canh cá tràu – Chế Lan Viên). Tính chinh phục của tứ tuyệt ngày
càng cao cũng vì lẽ đó.
Về ngôn ngữ, khi tìm hiểu ngôn ngữ thơ cận thể (bát cú và tứ tuyệt) các nhà nghiên cứu đã nhận thấy
rằng, do bài thơ vắng các hư từ, giới từ, chủ từ, kết cấu danh từ là kết cấu chủ yếu, thiếu tiêu chí thời gian
xác định, cho nên cái đa nghĩa trong thơ cận thể không phải là ngẫu nhiên mà thành thường lệ, làm cho
hình tượng thơ “vừa trừu tượng vừa mơ hồ, vừa mông lung tràn trề”. Hơn nữa vì các yếu tố miêu tả được
rút xuống mức tối thiểu, tứ tuyệt phải dùng sức mạnh của sự kết hợp để xây dựng một trật tự không gian,
thời gian mới. Điều đó góp phần tạo nên ưu thế ngôn hữu hạn, ý vô cùng của tứ tuyệt.
2- Tư duy tổng hợp và trực giác
Tư duy tổng hợp biện chứng là quá trình tìm đến cái tổng thể, toàn vẹn của sự vật và hiện tượng thông
qua các quan hệ. Từ việc tìm ra hệ thống các quan hệ đó, người phương Đông nắm bắt cái yếu tố cùng
bản chất nhưng đối lập (nắng – mưa, nước – lửa, lạnh – nóng, ngày – đêm, sáng – tối, cứng – mềm…) để
đưa ra những kết luận: vàng gió đỏ mưa, đời cha ăn mặn đời con khát nước, gieo gió gặt bão…
Tứ tuyệt sử dụng phương thức tư duy này như một cách đặc biệt để khắc phục hình thức nhỏ để khám phá
bản chất đời sống và thế giới tâm hồn con người. Chính vì tứ tuyệt nhỏ nên nhu cầu nắm bắt cái thần, khí
(cái toàn vẹn, cái tinh thần) và bản chất sâu kín của đời sống càng mạnh. Hơn nữa, lối tư duy cầu tính
phương Đông (sự phối hợp các quá trình trực giác và lý tính, vô thức và hữu thức, tiềm thức và ý thức) ít
năng lực duy lý phân tích đã khiến cho nhà thơ không thể dài dòng được mà phải đi ngay vào việc nắm
bắt tinh thần thế giới, làm cho bài thơ tứ tuyệt là nơi tập trung cao độ tính khái quát và triết lý.
Hạn chế trong miêu tả chiều rộng hiện thực, tứ tuyệt dồn khả năng nghệ thuật vào chiều sâu khái quát.
Quan điểm đời sống của tứ tuyệt thường được gửi gắm trong những hạt nhân tư tưởng triết lý thông qua
các cặp phạm trù đối lập diễn tả bản chất và sự vận động của thế giới: hữu hạn – vô cùng, khoảnh khắc –
vĩnh cửu, có – không, thực – hư, xa – gần, quá khứ – hiện tại …
Giá trị khái quát đời sống thông qua các quan hệ diễn tả những chân lý đời sống đưa tứ tuyệt đến gần hình
thức siêu cá thể mang tính phổ quát. Với ý nghĩa đó, cặp phạm trù hữu hạn – vô cùng trong bài thơ tiễn
bạn của Lý Bạch không chỉ thể hiện nỗi sầu ly biệt dâng đến không cùng mà còn diễn tả cảm giác nhỏ bé,
đơn côi của con người trước cái vĩ đại và vô tận của thiên nhiên, một cảm quan mang tính nhân loại, có
từ Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang, Đăng cao của Đỗ Phủ đến Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư
rồi Tràng giang của Huy Cận. Không có thể loại văn học nào chứa đựng nhiều cặp phạm trù đối lập mang
tính triết lý với tần số cao trong một khuôn hình nhỏ như tứ tuyệt.
Trong các cấu trúc ngữ pháp, tứ tuyệt thường lược bớt các hư từ và khi lược bỏ cả chủ thể phát ngôn thì
lời thơ đã đưa cảm giác cá nhân thành chân lý: Thương nữ bất tri vong quốc hận (Đỗ Mục).
Ngoài ra, người nghệ sĩ phương Đông còn xây dựng được cách cảm thụ vô thức về một thế giới có ý thức.
Đó là cách cảm nhận thế giới bằng tư duy trực giác với những phán đoán cảm tính trực tiếp mà không thể
giải thích được bằng lý lẽ và logic của ý thức (Bác sống như trời đất của ta – Tố Hữu; Hoa cúc vàng như
nỗi nhớ dây dưa – Tế Hanh). Bài thơ hay thường là kết quả của quá trình trực giác, quá trình đạt đến
“cảnh giới ngưng thần”. Khi tâm hồn giao hoà tuyệt đối với cảnh giới cũng là lúc giới hạn của con người
và cảnh vật bị xoá nhoà. Sự sống con người và tạo vật hoà cùng một nhịp điệu, một dòng chảy. Lúc ấy
cảm xúc cá nhân hoà vào cảnh vật một cách vô thức:
Bỗng nhiên trời đất nhớ người yêu/Cây vắng: chim bay, nắng: vắng chiều/Nước chảy lơ thơ, bờ líu
ríu/Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu (Tương tư – Xuân Diệu)
Khi tỉnh lược hầu hết các đại từ, giới từ, các miêu tả khách quan trùng với việc miêu tả thế giới riêng tư.
ấy là lúc xoá bỏ khoảng cách chủ thể và khách thể, đưa con người giao cảm trực tiếp với tạo hoá. Trong
bài thơ trên, ai nhớ người yêu? Tác giả hay trời đất? Và có phải trời đất cũng lẻ loi như con người trong
nỗi tương tư của chính mình?
Cảm nhận thế giới bằng tư duy tổng hợp và trực giác, tứ tuyệt cố nắm bắt cái thần lý, diệu lý, cái cốt lõi
sâu thẳm của cảnh vật và lòng người mà tư duy phương Đông thường vươn tới.
3- Xu hướng tĩnh hoá
Do quan niệm thế giới là tuần hoàn, đối xứng, hài hoà, dù trải qua bao thăng trầm biến đổi với những vận
động liên hồi thì trung tâm của thế giới vẫn là tĩnh như “trục bánh xe không quay, như mắt bão bao giờ
cũng lặng”, nên thiên về tính tĩnh là một đặc trưng nổi bật của văn hoá phương Đông. Với hình thức cô
đọng, như những tuyên ngôn, tứ tuyệt cũng có xu hướng đi dần về sự tĩnh hoá trong không gian, thời
gian, nhịp điệu tâm hồn để tiến gần đến tính vĩnh cửu của thế giới.
Hơn nữa, về cấu trúc hình thức ngữ âm của tứ tuyệt, chính sự cân bằng âm dương trong các câu về thanh
điệu cũng góp phần diễn tả trạng thái tĩnh của thế giới. Vần của thơ luật (bát cú và tứ tuyệt) chủ yếu là
vần bằng.Với âm cơ bản là âm bằng, bài thơ thích hợp với việc thể hiện trạng thái tĩnh của thế giới. Theo
Phan Ngọc, trạng thái thế giới được bộc lộ trong bát cú Đường luật là diễn tả sự bất biến của thế giới là
trạng thái tĩnh [Thơ là gì?, 4]. Tứ tuyệt cũng không ngoài cái nhìn thế giới trong trạng thái đó.
Bước vào thế giới tứ tuyệt, ta có cảm giác bước vào thế giới của sự hoà điệu tĩnh lặng bởi tứ tuyệt thiên
về một biểu hiện, một chiêm nghiệm, một khoảng khắc bừng sáng “đốn ngộ”, một đúc kết, một ấn tượng
hơn là miêu tả một hiện thực quá cụ thể, rườm rà, ồn ào, phức tạp. Dường như phép thiền định phương
Đông đã đi vào phương thức chiếm lĩnh và tư duy nghệ thuật thơ, đem lại cho tứ tuyệt một vẻ đẹp thâm
trầm, trang nghiêm, thanh tao mà lặng lẽ, ít xôn xao, cao giọng, ít tiếng nói trực tiếp của con người mà
phần nhiều là tiếng vọng của hồn người. Cho nên, nếu các nhà tứ tuyệt có cố ý dùng cái động để miêu tả
cũng là để tô đậm cái tĩnh mà thôi. Tiếng quạ kêu sương, tiếng chuông chùa Hàn San chỉ làm tăng thêm
cái tĩnh mịch, yên ắng trong giấc mộng đang bao trùm bến Cô Tô (Trương Kế), tiếng suối trong như tiếng
hát xa cũng là dấu hiệu của đất trời đã vào khuya, đầy sâu lắng (Hồ Chí Minh). Thơ tứ tuyệt thường được
vịnh đề tranh, được coi là bức hoạ chính vì đã vĩnh viễn hoá được khoảnh khắc tĩnh lặng này.
4- Khả năng thể hiện chiều tâm linh của con người
Xuất phát từ quan điểm của con người là một “tiểu vũ trụ” trong lòng “đại vũ trụ”, nền minh triết phương
Đông đã phát hiện ra con người không chỉ tồn tại ở ba chiều không gian mà còn ở chiều thứ tư – đời sống
tâm linh, thường dược thể hiện một cách trực giác mà không kém biến ảo, tế vi.
Tâm linh là phần sâu kín, nhạy cảm nhất, tinh vi nhất nhưng cũng huyền ảo và khó nắm bắt nhất của đời
sống tinh thần con người. Trầm ẩn sâu trong tâm hồn, tâm linh chỉ thức dậy, vụt hiện ở những thời điểm
nhất định (một mình trong đêm, giấc mộng, cơn say, hồi ức, linh cảm, ấn tượng), trong một thời gian tĩnh
lặng, sâu lắng, vô biên (như thuộc về một cõi khác mà ở đó hồn người gặp thần linh, gặp các nhân vật đã
đi vào lịch sử như anh hùng, giai nhân, thi sĩ … nơi hồn người phiêu diêu trong cõi vô cùng của trời đất).
Tâm linh còn là năng lực tưởng tượng về sự nhận thức vạn năng, siêu cảm tính, nghĩa là sự tưởng tượng
đã đi đến điểm không thể lý giải bằng logic hình thức. Chính quá trình siêu cảm tính là con đường bộc lộ
cõi tâm linh rõ nhất (thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê là một thí dụ). Song dù được biểu hiện dưới hình thức
nào thì sự thể hiện của thế giới tâm linh cũng không ngoài nội dung bàn luận, cảm xúc về những điều
mang màu sắc vĩnh cửu, muôn thuở như sự sống, cái chết, cái hư ảo của cuộc đời, niềm cô đơn, nỗi
buồn… Với những dấu hiệu hình thức đích thực của trữ tình (ngắn gọn, hàm súc, tính khái quát cao, tốc
độ chậm rãi (tĩnh), ít sự kiện, tứ tuyệt phù hợp với việc chớp lấy những khoảnh khắc vụt hiện trong tâm
linh.
Đó là khoảnh khắc con người trở về với những tâm tư thầm kín nhất của mình, mong hướng tới một cõi
khác để làm điểm tựa tinh thần trong những hữu hạn của kiếp người (Than già – Vương Duy, Tay thứ
mấy – Chế Lan Viên). Là khoảnh khắc không gian mở ra, im ắng vô cùng, niềm nội tâm con người trải
rộng trong cảm giác yên tĩnh sâu xa (Điểu minh giản – Vương Duy, Phong Kiều dạ bạc – Trương
Kế, Vọng nguyệt – Hồ Chí Minh).
Giấc mộng, đêm vắng là cõi không gian tâm linh đi về. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà hồn người
trong đêm, khi phần tâm linh trỗi dậy nhiều nhất thường đối diện với vầng trăng. Một vầng trăng với ánh
sáng vô biên, huyền bí, hoà đồng với vũ trụ. Theo mỹ học phương Đông, mặt trăng biểu hiện cái nguyên
lý âm của vũ trụ, tượng trưng cho cái tĩnh, là biểu tượng ánh sáng của tâm linh. Do đó, dùng vầng trăng
để khám phá sức sống của cõi mênh mông sâu thẳm trong lòng người là cách thức quen thuộc thường gặp
không chỉ ở các loại thơ khác mà cũng có rất nhiều ở tứ tuyệt. Trong không gian tĩnh lặng ấy thường xuất
hiện những âm thanh (tiếng chuông, tiếng mưa, tiếng gió, tiếng mõ cầm canh, tiếng côn trùng, tiếng suối
…) như là những nốt nhấn, vang lên, xoáy sâu vào cõi sâu kín của hồn người với những tâm sự chìm
lắng… Dù không phải lúc nào cũng biết nội dung của những tâm sự ấy bởi nét lớn của thơ phương Đông
là kiểu tỏ lòng qua cảnh vật, song ta bắt gặp gián tiếp ở đây miền sâu ẩn của lòng người (Ngọc giai oán –
Lý Bạch, Tự quân chi xuất hĩ – Trương Cửu Linh, Không ngủ được – Hồ Chí Minh).
Tâm linh, tinh thần là một thế giới có cấu trúc phức tạp, nhiều tầng bậc, nhiều chiều, nhiều biểu hiện bí ẩn
với những dấu hiệu mong manh mơ hồ khó nắm bắt, nhưng khi tứ tuyệt có ưu thế trong việc nắm bắt các
khoảnh khắc đan cài giữa nhiều trạng thái tinh thần trong một không gian tĩnh lặng ít sự kiện, bộc lộ phần
tiềm ẩn rất sâu trong tâm thức con người, chính là lúc tứ tuyệt có khả năng thể hiện chiều sâu tâm linh của
con người khá hữu hiệu.
5- Tính biểu trưng cao và tính cân xứng nhịp nhàng
Người Trung Quốc thường hướng tới việc tạo ra những hình ảnh tượng trưng một cách hệ thống. Chúng
dệt nên một màng lưới huyền thoại rộng rãi cho phép tinh thần con người tự do liên kết với thế giới khách
quan. Thơ ca Trung Quốc và Việt Nam đã sáng tạo và tích luỹ được một hệ thống biểu trưng phong phú:
mây trắng (tính hư ảo của mọi vận mệnh trên trần thế), sông (không gian, thời gian, cái vĩnh hằng), cánh
hồng (chí lớn người anh hùng), đá vàng (sự bền vững)…
Vì không thể là đa ngôn, tứ tuyệt có một hệ thống hình ảnh vừa dày đặc về mật độ, vừa phong phú về ý
nghĩa biểu trưng, làm cho bài thơ trở nên hàm súc và giàu sức gợi. Một cánh buồm, một dặm liễu gợi
cảnh ly biệt. Một con thuyền nhỏ trở thành biểu tượng cho số phận lênh đênh, trôi dạt. Trong từ ngữ, xuất
hiện nhiều công thức ước lệ bộc lộ xu hướng khái quát hoá: hoa đào năm ngoái, chim bay mất, đám mây
cô đơn, hoa ngày xưa, hoa tàn hoa nở, đài cao, tiếng sáo, nước chảy trôi … Theo Bút pháp thơ ca Trung
Quốc, những ẩn dụ đầy ước lệ này không biến thành sáo mòn, khô cứng vì tuân theo một tính tất yếu bên
trong với một cấu trúc không lặp lại của chỉnh thể bài thơ [F. Cheng, 3].
Nghệ thuật nói chung thường dùng kết cấu cân xứng để diễn tả cái đa dạng trong tính hoàn chỉnh của thế
giới. Đó là nhịp tuần hoàn, chảy trôi của trời đất: Sen tàn cúc lại nở hoa(Nguyễn Du). Là quy luật của
thói đời: Thớt có tanh tao ruồi đổ đến, Gang không mật mỡ kiến bò chi (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Là hai
cách ứng xử với thời cuộc: Anh lại chốn mây xanh, Tôi về nơi núi biếc (Mạnh Hạo Nhiên). Là một khái
quát về số phận: Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi (Nguyễn Trãi). Là một không gian vĩnh hằng mở ra
đối xứng các chiều: Nắng xuống trời lên sâu chót vót, Sông dài trời rộng bến cô liêu (Huy Cận)… Tính
cân xứng góp phần làm cho hình tượng trở thành một chỉnh thể trong miêu tả, cảm xúc.
Là một chỉnh thể hình tượng trọn vẹn (dù ở cấp độ vi mô) tứ tuyệt tập trung rất cao tính cân xứng trong tỷ
lệ câu-bài, ý-bài, hình ảnh-câu, để diễn tả không chỉ bề mặt mà cả chiều sâu của cấu trúc thế giới. Ví như
chỉ qua hai cái tên mang tính đối xứng, Chế Lan Viên đã dựng lại rất có hồn cuộc đời người chiến sĩ vô
danh:
Người con trai miền Bắc có một danh hiệu thứ hai mình đánh giặc ở phương Nam/Tên vay mượn góp
phần xương máu nhất/Tên giả khắc rõ ràng trên bia đục bằng tôn/Còn tên thật khắc chìm dâng Tổ quốc
(Hai danh hiệu)
***
Nếu văn hoá phương Đông là một thế giới vĩ mô, thì có thể gọi tứ tuyệt là một thế giới vi mô của chính
nền văn hoá đó. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là tứ tuyệt là một bản sao, một mô hình đồng dạng
tuyệt đối thu nhỏ của văn hoá phương Đông, mà tứ tuyệt được xem như là kết quả của một hệ tư duy nghệ
thuật độc đáo, với những khả năng nghệ thuật đặc biệt. Để từ đó, có thể soi ngắm, thể nghiệm được phần
nào những bí mật của thơ trữ tình và cả một nền văn hoá lớn. Cũng như một giọt nước có thể phản chiếu
cả bầu trời.
Lê Lưu Oanh- Đinh Thị Nguyệt
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1-2001
_______________
Chú thích:
1. I.X.Lixêvich,Tư tưởng văn họcTrung Quốc cổ xưa, NxbVăn học, 1993, HN
2. Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long, Nxb Văn học, 1999, HN
3. F.Cheng, Bút pháp thơ ca Trung Quốc, Về thi pháp thơ Đường, Nxb Đà Nẵng, 1997
4. Phan Ngọc, Thơ là gì?, TCVH, 1/1991
5. Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Về thi pháp thơ Đường, Nxb Đà Nẵng, 1997