Nuôi dạy con riêng của người bạn đời
Bây giờ, gia đình đã có cả cha và mẹ để chia sẻ gánh nặng lo toan cuộc
sống, có 2 người để tạo lập các quy tắc chung cho cả nhà, và cũng là 2
nguồn thu nhập chính. Bởi vì người lớn đang yêu và muốn về sống chung
trong một ngôi nhà, họ cho rằng lũ trẻ cũng sẽ vui vẻ chào đón những
thành viên mới. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đơn thân tái kết hôn
đều phát hiện ra rằng làm cha/mẹ kế không dễ dàng gì. Mặc dù bạn muốn
gia đình mới của mình sẽ không khác gì so với những gia đình bình
thường khác, nhưng các gia đình có con riêng có sự khác biệt so với
những gia đình mới kết hôn lần đầu và đối mặt với những thử thách độc
nhất vô nhị. Những thách thức này sẽ giúp bạn hiểu ra rằng: điều gì là
bình thường trong một gia đình tái kết hôn, từ đó các bậc phụ huynh có
thể sẽ phải học cách chấp nhận những thứ như chúng vốn có hoặc tạo ra
những điều chỉnh cần thiết.
Bài viết này sẽ đưa ra những thông tin trợ giúp hữu ích cho bạn - các ông
bố/bà mẹ kế.
Hầu hết các gia đình có con riêng của vợ/ chồng đều phải đối phó với
những vấn đề sau:
Lòng tin bị chia rẽ
Thường thì những đứa con riêng trong các gia đình cảm thấy bị giằng xé
giữa sự trung thành với người mẹ/ cha đẻ của mình với người cha/ mẹ kế.
Một đứa trẻ chấp nhận hay có tình cảm yêu thương người mẹ/ cha kế
thường sẽ cảm thấy rằng mình đã phản bội lại người cha/mẹ đẻ.
Thuộc về cả 2 gia đình có thể là một thách thức
Ngay cả khi trẻ chỉ thăm cha/ mẹ đẻ lúc không có mặt vợ/chồng bạn, trẻ
vẫn thuộc về cả 2 gia đình, với những quy định khác nhau, những hoạt
động và giá trị nền tảng khác nhau. Điều này làm phát sinh những vấn đề
sau mỗi chuyến thăm nom bố/mẹ đẻ (hoặc bố/mẹ đẻ thăm bé). Bạn có thể
sẽ phải nghe: "Mẹ đẻ của cháu/con luôn cho phép cháu/con làm điều đó!".
Xây dựng các mối quan hệ thân thiện là một điều thực sự cần thiết!
Các bậc cha mẹ muốn đứa con riêng của vợ/ chồng nhanh chóng cảm
thấy yêu thương, tin tưởng và tôn trọng mình. Những cảm xúc này thường
cần phải có thời gian để hình thành, củng cố và phát triển. Một đứa trẻ bị
đẩy vào tình huống bắt buộc phải thể hiện những cảm xúc mà chúng chưa
thực sự cảm nhận được sẽ khiến chúng cảm thấy đó là điều sai trái và bị
áp đặt.
Những quy tắc/kỷ luật cha/mẹ kế đưa ra cần có thời gian và sự tin
tưởng
Người cha/mẹ kế thường cảm thấy rằng mình có thể giúp người bạn đời
bằng cách đặt ra một vài nguyên tắc kỷ luật mới. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em
thường không bằng lòng với những nguyên tắc kỷ luật của cha/mẹ kế, và
sẽ nói, hoặc ít nhất nghĩ rằng: "Cô/chú không thể bắt cháu phải làm cái gì,
cô/chú không phải là mẹ/ bố đẻ của cháu".
Bị bắt bẻ giữa chừng
Cha mẹ luôn có bản năng bảo vệ, trung tín đối với con cái mình, nhưng
đồng thời họ cũng muốn người chồng/ vợ mới cảm thấy mình giống như là
người bố/ người mẹ thực sự của bé. Ví dụ, khi một người mẹ đẻ bênh vực
con mình, cô biết người chồng mới có thể cảm thấy khổ tâm, nhưng khi cô
đồng ý để người chồng mới thay đổi luật lệ, cô biết con cô có thể cảm thấy
bị phản bội.
Kỷ luật và Nuôi dạy con kế
Dưới đây là một số hướng dẫn để bạn có thể thực hiện hiệu quả việc thiết
lập quy tắc trong gia đình mới:
• Hãy để cha/mẹ đẻ của bé xử lý hầu hết các nguyên tắc kỷ luật trong suốt
vài tháng/ năm đầu tiên. Trẻ chấp nhận tiếp thu sự hướng dẫn và kỷ luật
dễ dàng hơn nhiều từ người mà chúng tin tưởng, yêu thương và đã sống
cùng so với một người mới. Điều này cho phép cha/mẹ kế tập trung vào
xây dựng một mối quan hệ bền vững.
• Hãy thảo luận về các quy tắc và kết quả của nó như một cặp đôi song
hành. Nói về những vấn đề trong hành vi cư xử và mong muốn của mình
với người bạn đời mới của bạn. Điều này cho phép cha/mẹ kế tham gia
vào việc thiết lập kỷ luật thậm chí dù người cha/mẹ đẻ có trực tiếp điều
khiển các mối quan hệ, cách cư xử, và các quy tắc với con.
• Để các bậc cha/mẹ kế chăm nom bé khi cha/mẹ đẻ đi vắng. Nói với con
bạn trước khi bạn đi, "Bố đã nhờ (tên mẹ kế) trông nom con khi bố đi
vắng". Điều này giúp trẻ hiểu rằng đơn giản là mẹ kế sẽ thực hiện các quy
tắc xử sự, kỷ luật mà 2 bên bố mẹ đẻ và bố mẹ kế đã thỏa thuận. Nếu có
thể, bạn hãy đợi tới khi bố/mẹ đẻ của bé trở về để thi hành những hình
phạt kỷ luật.
• Hãy luôn ghi nhớ rằng khả năng điều chỉnh các nguyên tắc kỷ luật của
người cha/mẹ kế sẽ hoàn thiện dần theo thời gian. Hãy dành thời gian để
phát triển mối quan hệ yêu thương, vui vẻ, tích cực, trước khi người
cha/mẹ kế có thể chia sẻ một cách bình đẳng việc thiết lập các quy tắc
ứng xử trong gia đình. Điều này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn với
những đứa trẻ lớn.
8 yếu tố cần cân nhắc khi thực hiện vai trò làm cha/mẹ kế nuôi dạy
con
1. Hãy thực tế. Không gia đình nào đạt được tất cả các mục tiêu mong
muốn hay luôn luôn hạnh phúc, vui vẻ. Nuôi dạy con đôi khi là một công
việc vô cùng khó khăn.
2. Kiên nhẫn. Xây dựng những mối quan hệ thân thiện đôi khi mất hàng
năm, chứ không phải chỉ vài tháng.
3. Gặp gỡ và nói chuyện với những gia đình trong hoàn cảnh tương tự.
Một số cơ quan, tổ chức hay nhóm hội có trợ giúp những trường hợp này.
4. Không đòi hỏi rằng trẻ phải gọi bố/mẹ kế là "Bố" hay "Mẹ".
5. Đọc sách báo để tìm hiểu và học hỏi về những gia đình có con riêng
"bình thường" và nuôi dưỡng tính nhẫn nại.
6. Cố gắng chấp nhận những cảm giác của bản thân bạn, và từ từ thảo
luận nó với người bạn đời của mình.
7. Hai bạn hãy nói chuyện với nhau về luật lệ và hình phạt với bé.
8. Tìm kiếm những sự trợ giúp từ bên ngoài. Nói chuyện với một chuyên
gia cố vấn có thể giúp bạn đối phó được với các vấn đề nảy sinh, xây
dựng một gia đình thương yêu, quan tâm chia sẻ, và bền vững.