Đi chợ thông minh -
chuyện nhỏ hay lớn?
Đi chợ là chuyện không mới với phụ nữ, nhưng đi chợ cũng có lúc vui,
lúc buồn và nhiều trăn trở, nhất là khi thị trường thực phẩm ngày càng
đa dạng, nhưng cũng càng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thật khó để lựa chọn
được thực phẩm tốt. Vấn đề đặt ra cho người nội trợ là không nhỏ: mua
thức ăn gì cho ngon, hợp với túi tiền mà vẫn đảm bảo sức khỏe của gia
đình. Đi chợ cho khôn, cho khéo tưởng là chuyện nhỏ hóa ra lại không
nhỏ chút nào.
Thế nào là đi chợ khéo?
“Khéo ăn thì no”, nhưng để ăn cho no và đủ chất thì lại phụ thuộc vào “tài
năng” đi chợ của người nội trợ. Vậy đi chợ thế nào là khéo?
Đi chợ thông minh là chuyện không dễ… Ảnh: Inmagine
Khéo tính: bạn cần tính xem gia đình mình có bao nhiêu nhân khẩu, và có
những ai cần chế độ ăn đặc biệt để tính ra số lượng thực phẩm cần mua. Số
lượng thực phẩm phải vừa đủ, không thừa không thiếu và phù hợp với ngân
sách của gia đình bạn, tránh lãng phí và tránh lưu cữu thực phẩm vì như thế
chất lượng dinh dưỡng cũng như hương vị của thức ăn cũng không còn đảm
bảo nữa.
Khéo chọn: bạn chỉ cần thuộc nằm lòng hai “bí kíp” sau: nếu là thực phẩm
tươi sống, hãy chọn “tươi thì thật tươi, sống thì phải sống” (tức chọn rau quả
phải gần ngày thu hoạch , chọn gia cầm, hải sản còn sống là tốt nhất); nếu là
thực phẩm công nghiệp, nên chọn sản phẩm còn mới, nguyên vẹn và đọc kỹ
tất cả thông tin trên nhãn sản phẩm.
Để có một bữa ăn “chuẩn” về dinh dưỡng
Về lý thuyết, như chúng ta đều biết, bữa ăn “chuẩn” về dinh dưỡng là bữa ăn
cung cấp đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng (gồm có chất bột đường,
chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng) từ các nhóm thực phẩm đa dạng
để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng toàn diện của cơ thể. Để tiện cho các bà nội
trợ khi đi chợ, dưới đây là khẩu phần dinh dưỡng tiêu chuẩn cho 1 người /
ngày:
< 6g muối; < 20g đường / ngày (càng ăn nhạt càng tốt)
4-5 chén tinh bột (đa dạng từ cơm, bún, phở, bánh mì…)
120g chất đạm (đa dạng từ thịt, cá, trứng, sữa…)
300g rau xanh
200g trái cây tươi
30g chất béo
> 2 lít nước
Tỷ lệ dinh dưỡng cân đối cho một khẩu phần ăn: chất bột đường chiếm 55 –
65%, chất đạm 15%, và chất béo chiếm 15-25%.
Bữa ăn dành cho bà mẹ mang thai và trẻ em
Với bà mẹ mang thai, bữa ăn hàng ngày không khác với bữa ăn bình thường,
mẹ chỉ cần đảm bảo uống thêm 600ml sữa mỗi ngày là đủ nhu cầu dinh
dưỡng.
Với trẻ em, thực phẩm quan trọng nhất là sữa, tiếp đến là cơm, bún, thịt, cá,
rau, trái cây và cuối cùng là nước.
Một số lưu ý về dinh dưỡng khác:
Tỷ lệ đạm động vật / đạm thực vật: với trẻ em là 2:1, với người lớn là
1:1
Nên có hai loại dầu ăn trong bếp: dầu salad để xào và ăn sống, dầu
cooking để chiên.
Trẻ càng nhỏ thì càng nên ăn béo và không kiêng mỡ động vật; người
lớn nên ăn dầu thực vật thay cho mỡ.
Chỉ ăn đồ ngọt trong trường hợp đói lả, cần lại sức nhanh. Không cho
trẻ ăn đồ ngọt trước bữa ăn.
Không cho trẻ dưới 6 tháng uống thêm nước ngoài sữa; và thay thế
nước bằng sữa cho trẻ suy dinh dưỡng.
Hạn chế sử dụng thực phẩm bảo quản lâu ngày như các loại khô,
mắm, dưa muối…
Cách chọn mua thực phẩm công nghiệp
Người tiêu dùng thông minh cần biết cách đọc nhãn sản phẩm. Ảnh:
Inmagine.
Thực phẩm công nghiệp đã trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ
ăn uống của các gia đình ngày nay, do sự tiện lợi và đáp ứng một số nhu cầu
dinh dưỡng đặc biệt (như sữa công thức cho trẻ em, bà mẹ và người có bệnh
lý đặc biệt). Các sản phẩm này thường được quảng cáo rất rầm rộ nên đôi
khi lại đem đến sự hoài nghi và định kiến đối với người tiêu dùng. Tuy
nhiên, dù có quảng cáo theo cách nào thì sản phẩm thực phẩm công nghiệp
vẫn phải tuân thủ và chịu sự quản lý nghiêm ngặt về quy định ghi nhãn. Là
người tiêu dùng hiểu biết, người nội trợ thông minh, bạn phải biết mình đang
mua gì về nhà. Để làm được điều đó, bạn cần biết cách đọc hiểu thông tin
trên nhãn các sản phẩm này để cân nhắc chi tiêu và đối chiếu với nhu cầu
dinh dưỡng của gia đình.
Các bước đọc nhãn sản phẩm thực phẩm công nghiệp:
1. Kích thước khẩu phẩn: nhằm xác định thành phần dinh dưỡng ghi trên
nhãn được tính cho lượng thực phẩm như thế nào.
2. Lượng calorie: để biết sản phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể như
thế nào và từ nguồn tốt hay xấu.
3. Hàm lượng chất béo, cholesterol, đường, sodium…: cần giới hạn càng
thấp càng tốt.
4. Hàm lượng vitamin & khoáng chất: cần cung cấp đủ lượng (theo giá
trị dinh dưỡng tiêu chuẩn / ngày – có thể được in bổ sung dưới nhãn thành
phần dinh dưỡng).
5. Bảng tham khảo giá trị dinh dưỡng tiêu chuẩn theo ngày.
6. Tỷ lệ dinh dưỡng của sản phẩm so với giá trị dinh dưỡng tiêu chuẩn:
nhằm xác định sản phẩm đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu (<5% được
xem là thấp, >25% được xem là cao.
Người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau khi chọn mua thực phẩm công
nghiệp:
Bao bì nguyên vẹn, sạch đẹp, không móp méo.
Hạn sử dụng càng gần ngày sản xuất và càng xa ngày hết hạn càng tốt.
Thành phần và giá trị dinh dưỡng.
Cách sử dụng, chế biến và bảo quản sản phẩm. (Cần lưu ý cả điều
kiện bảo quản ở cả nơi bày bán sản phẩm.)
Tên tuổi và uy tín của nhà sản xuất và nhà phân phối.
Cảm quan khi sử dụng (đánh giá bằng thị giác và khứu giác khi quan
sát sản phẩm).