Đi đông đi tây
Thành phố mang tên nữ thần Athena
TTO - Trên quê hương Hy Lạp, mỗi thành phố đều có một vị thần bảo hộ. Thuở xa
xưa, phía nam đồng bằng Attique có một vùng đất giàu có, tươi đẹp nhưng chưa vị
thần nào cai quản. Nữ thần Athena - vị thần của trí tuệ, trí thức và chiến thắng - liền
ghi tên mình vào đó, cùng lúc thần Poseidon cũng nộp đơn.
Thế mới thật gay go. Một bên là thần biển Poseidon đầy quyền năng và là anh ruột
của thần Zeus, còn một bên là nữ thần Athena - con gái cưng của thần Zeus, được
sinh ra từ chính cái đầu của vị thần này. Để tránh những rắc rối xảy ra, thần Zeus tổ
chức một cuộc thi dưới sự giám định của hội đồng các thần Olympia, nội dung:
thần nào ban cho vùng đất ấy một tặng vật có ý nghĩa nhất thì sẽ giành được quyền
bảo trợ. Thần Poseidon hăm hở ra tay: “Hãy xem, đây là tặng vật của ta”. Đoạn
thần xoay cây đinh ba giáng một phát vào vách đá, từ vết nứt của vách đá, một con
ngựa chiến tuyệt đẹp vọt ra - biểu tượng cho sức mạnh và chiến trận. Đến phiên nữ thần Athena, đầu đội
mũ trụ, tay cầm giáo dài, oai phong và quyến rũ, “Còn đây là tặng vật của ta”. Nói xong, nàng xoay người
phóng mạnh ngọn giáo xuống đất. Từ vết nứt của đất, một ngọn cây từ từ mọc lên, cành lá xanh tươi, xum
xuê trái chín. Đó là cây ôliu, biểu tượng của hòa bình, trí tuệ, tự do và phồn vinh. Hội đồng giám khảo nhất
trí quyết định, phần thắng thuộc về nữ thần Athena. Thế là từ đó, vùng đất do nữ thần Athena bảo hộ có tên
là Athenes, và cành ôliu không chỉ biểu tượng cho Athenes mà còn cho cả Hy Lạp.
Athenes, một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới
Athenes có lịch sử ngót nghét 3.000 năm tuổi, dân số hiện nay khoảng 5 triệu người. Athenes trở thành thủ
đô Hy Lạp từ năm 1832 sau khi thoát khỏi ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố được quy hoạch và
xây dựng lại dưới triều vua Otto I theo thiết kế của các kiến trúc sư người Đức. Thời cổ đại, Athenes là
quốc gia thành bang lẫy lừng nhất Hy Lạp. Đặc biệt sau thắng lợi trong cuộc chiến chống quân xâm lược
Ba Tư, trong việc thực hiện thành công định chế dân chủ, và dưới sự lãnh đạo xuất sắc của Pericles (461-
429 trước Công nguyên), Athenes trở thành trung tâm văn hóa rực rỡ. Thử hình dung, khi nhân loại hãy còn
như cánh đồng um tùm cây cỏ thì Athenes đã là mảnh đất nở rộ hoa thơm quả ngọt, với những thành tựu về
kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn học, thi ca, kịch nghệ, sử học, triết học, y học, toán học, thể chế dân chủ...
và cả thi đấu thể thao; với những nhà tư tưởng, nghệ sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia, chính trị gia, khoa học
gia lỗi lạc mà công trình của họ còn mãi với thời gian. Athenes trở thành chiếc nôi của nền văn minh Tây
phương. Ngày nay, Athenes là một trong những thành phố lịch sử nổi tiếng nhất thế giới.
Tôi đến Athenes một ngày sau khai mạc Olympic 2004. Từ phi trường, xe bus đưa chúng tôi về thành phố.
Trước mắt tôi, Acropole lồng lộng dưới nắng chiều - đẹp đến ngẩn ngơ. Đêm, Athenes dạt dào giai điệu của
quá khứ, cái nồng nàn của hiện tại, cái bay bổng của tương lai, nó khiến lòng ta lâng lâng niềm cảm khái.
Thế là tôi bị bỏ bùa - Athenes với hàng ngàn năm văn hóa đã quyến rũ tôi hơn cả so với những cuộc thi đấu
dưới cái nóng nhừ người ở các sân vận động chẳng mấy ai xem.
Tôi bắt đầu những ngày lang thang với Athenes. Acropole là ưu tiên số một, tất nhiên. Acropole tên gọi từ
Akro polis, nghĩa là thành phố trên cao. Acropole là quần thể kiến trúc đẹp đẽ, huy hoàng, tráng lệ nhất mà
con người từng sáng tạo nên. Acropole ngự trị trên một ngọn đồi phía tây thành phố, và vẫn tồn tại như thế
từ 2.500 năm nay như để ấn chứng cho vinh quang của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Nổi bật nhất trong các
công trình của quần thể kiến trúc Acropole là đền Parthenon - thờ nữ thần Athena. Đó là công trình kiến
trúc bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 447 đến 432 trước Công nguyên, do hai kiến trúc sư Ictinos
và Calicrates thiết kế, dưới sự chỉ đạo toàn diện của Phidias, cùng sự bảo trợ hết mình của Pirecles. Đền dài
70 mét, ngang 31 mét, cao 14 mét, chia làm ba phần: tiền sảnh, gian thờ (nơi đặt tượng nữ thần Athena cao
12 mét bằng ngà voi và vàng), và phòng lưu giữ châu báu. Bao quanh ngôi đền là hành lang cột. Hai mặt
chính mỗi mặt 8 cột, hai mặt còn lại mỗi mặt 17 cột. Phần điêu khắc trang trí là công trình nghệ thuật tuyệt
tác của nghệ sĩ thiên tài Phidias. Parthenon là ngôi đền nổi bật nhất của Hy Lạp, là kiệt tác kiến trúc và
nghệ thuật có một không hai của nhân loại. Tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ chói lọi đích thực của nó qua giản
đồ trưng bày ở Viện Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia. Không biết thuở xưa người Hy Lạp đã nghĩ gì khi đứng
trước ngôi đền thiêng liêng và mỹ lệ ấy. Sau khi nhà nước Hy Lạp và Athenes cổ đại tan rã, như vạn pháp ở
đời, quần thể kiến trúc Acropole cũng bắt đầu cuộc hồng trần: Có thời người Byzantin biến Parthenon
thành nhà thờ Công giáo, người Thổ biến Parthenon thành đền thờ Hồi giáo, quân Thổ dùng Parthenon làm
kho đạn, người Venecia nã pháo nổ tung ngôi đền rồi thẳng tay cướp phá, ngài đại sứ Thomas Bruce cầm
nhầm số lớn phù điêu và diềm trang trí nghệ thuật đem về bán cho chính phủ Anh, còn thời gian thì cứ lặng
lẽ phủ lớp tàn phai. Ngày nay, khi đã trở thành phế tích, mỗi ngày hàng vạn du khách đổ về đây chiêm
ngắm và thán phục tinh hoa của một nền văn minh đã qua. Dưới ánh tà dương, Acropole có vẻ đẹp lạ lùng
không gì sánh được, làm con tim ta xúc động và nhói đau. Cho nên sẽ là một sai lầm nếu người ta tìm cách
làm cho quần thể này “sống lại”, bởi khi ấy nó sẽ chẳng còn nói lên được điều gì. Đó là cảm tưởng của tôi
khi đứng trước ngôi đền nổi tiếng Abu Simbel ở Ai Cập. Ước gì người ta đừng cưa từng mảnh ngôi đền rồi
ghép lại ở một nơi cao hơn. Ước gì người ta cứ để nó chìm sâu dưới mặt nước hồ Nasser - đó là số phận
của nó. Rồi nhân loại sẽ truyền tụng về nó như một công trình tuyệt tác, một vẻ đẹp như bao vẻ đẹp đích
thực khác ở đời: có rồi không, tồn tại rồi tan biến. Và nó sẽ còn mãi với thiên thu.
Âm nhạc và con người
Để thưởng thức hương vị Athenes xưa, du khách hay tìm đến khu Plaka phía đông bắc Acropole, là khu
phố cổ nhất của Athenes. Plaka còn nguyên nét lãng mạn một thời đã qua: những con đường nho nhỏ, xinh
xinh, quanh co rợp bóng; những ngôi nhà thời thuộc Thổ, các cửa hàng lưu niệm mở cửa cho đến sau nửa
đêm... Người ta có thể tìm thấy ở đây tất cả, từ những bức tượng bằng vôi đến những chiếc áo thun, hạt dẻ,
những kẻ đánh giày, vẽ hình... những người bán hàng lúc nào cũng cởi mở và dễ thương. Tạt vào một quán
ăn thưởng thức món thịt cừu rô ti, nhâm nhi cốc bia Zorbas, và nghe nhạc. Âm nhạc và nhảy múa chiếm vị
trí quan trọng trong đời sống người Hy Lạp. Cũng huyền bí như Tây Tạng nhưng âm nhạc Tây Tạng xa
xăm, da diết và buồn, còn nhạc Hy Lạp rộn ràng, giục giã khiến người nghe chỉ muốn sống, muốn nhảy
múa, muốn yêu thương. Buổi tối cánh đàn ông Athenes thường tới đây uống rượu ouzo và đàm đạo. Người
Hy Lạp không thích gì hơn một buổi nói chuyện cởi mở, hùng hồn. Cũng dễ hiểu thôi, bởi Hy Lạp là cái
nôi của thể chế dân chủ và nền triết học Tây phương. Về khuya, du khách có thể nhảy múa vũ điệu Hy Lạp
cùng với mọi người. Tôi thích điệu Zorba. Chỉ có bốn động tác giản đơn thôi, ai ngờ khi tiết tấu trở nên sôi
nổi, dồn dập mới biết ai là người Hy Lạp chính hiệu, ai chẳng phải con dân của các vị thần. Dù có nhiều
người nước ngoài, đặc biệt là dân Albani nhập cư, nhưng Athenes không hề có các khu phố theo sắc tộc
như các thủ đô khác. Tính đồng nhất Hy Lạp là nét đặc trưng của các ngõ phố Athenes.
Athenes hiện đại tập trung quanh ba quảng trường lớn: Syntagma, Omonia và Monastiraki. Quảng trường
Syntagma có tòa nhà quốc hội vốn là hoàng cung cũ. Năm 1843, từ trên balcon tòa nhà này vua Otto I đã
đọc bản hiến pháp đầu tiên của Hy Lạp, vì thế quảng trường còn có tên là Quảng trường Hiến pháp. Trước
tòa nhà quốc hội có Đài Chiến sĩ vô danh được chăm chút ngày đêm bởi đội quân Evzones, phục trang theo
truyền thống: mũ bê rê màu đỏ, áo veste đỏ, jupe ngắn, tất da màu trắng, giày bằng gỗ đỏ có gù bông to ở
trên. Họ, chỉnh chu và trang trọng, như đang thay mặt cho cả dân tộc tri ân những chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ
quốc. Tháng 9.1997, Athenes được chọn là nơi tổ chức Thế vận hội 2004. Thành phố thay đổi nhiều từ
ngày đó. Nhiều công trình đẹp đẽ và hiện đại vừa được hoàn thành trên quảng trường này. Hẳn 2.500 năm
sau nhân loại lại có dịp trầm trồ về những di tích từng phục vụ cho Olympic thứ 100. Bất giác nghĩ đến
nước mình, những công trình như thế thường hư hỏng sau đôi ba năm, thậm chí ngay sau lễ khánh thành.
Quanh Syntagma có nhiều cửa hàng, quầy rượu, tiệm sách, quầy báo chí... Quảng trường là nơi hò hẹn số
một của Athenes. Tôi thích lân la ở đây, nhâm nhi cốc cà phê, nhìn ngắm người qua lại. Từ trạm metro,
từng tốp người đẹp tỏa ra, ngời ngời trong nắng. Nằm giáp ranh giữa Đông và Tây, người Hy Lạp trông
giống châu Âu hơn châu Á. Nhưng về nhan sắc thì con gái Hy Lạp đẹp hơn con gái châu Âu - thanh cảnh
hơn và nõn nà như búp huệ trắng. Có lẽ vì các nàng là hậu duệ của nữ thần Athena. Thuở xưa, không biết
người ta có tế thần bằng các cô gái xinh đẹp và đồng trinh không? Một đất nước từng khai sinh ra nền dân
chủ đầu tiên của nhân loại chắc không ai làm thế.
Ấn tượng về một nền văn minh cổ đại
Tôi không thích Quảng trường Omonia - tiếng Hy Lạp có nghĩa là hòa nhịp - bởi nó không rộng lại là đầu
mối của sáu trục lộ giao thông trọng điểm lúc nào cũng ồn ào chộn rộn, chẳng giống với cái tên cúng cơm
của nó chút nào. Bù lại, đây là điểm xuất phát tiện lợi đi đến các viện bảo tàng vốn là điểm sáng nghệ thuật
của bài thơ Athenes: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Byzantin, Bảo tàng Benaki, Bảo tàng Quân sự,
Bảo tàng Nghệ thuật Cycladique..., xa hơn một chút về phía bắc là Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia - nơi trưng
bày đầy đủ các tác phẩm và hiện vật vô giá của lịch sử Hy Lạp từ khởi thủy đến cuối thời kỳ cổ đại. Cũng
như Bảo tàng Le Caire của Ai Cập, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia giàu có tới mức chỉ cần nhặt nhạnh những
thứ không biết để đâu của một góc khuất nào đó cũng đủ làm nên một bảo tàng tầm cỡ cho một quốc gia.
Tại đây du khách còn được chiêm ngưỡng bức tượng tuyệt mỹ được tìm thấy ở biển Egee - Tượng thần
Zeus đang tạo sấm sét. Thơ thẩn trong các viện bảo tàng ở Athenes là một cái thú, nhưng hình như không
phải du khách nào cũng nghĩ như vậy.
Quảng trường Monastiraki nằm về phía bắc Acropole, gần Agora, khu chợ cũ của Athenes thời cổ đại.
Quanh quảng trường là khu phố thương mại nhộn nhịp, đông đúc, quyến rũ nhất Athenes; với nhiều những
nhà hàng đặc sản vừa ngon, vừa rẻ, vừa Hy Lạp, lúc nào cũng đông nghịt du khách. Tôi chọn Nhà hàng
Batraktaris, bởi ngồi đây có thể nhìn ra toàn bộ quảng trường. Nhà hàng không hẹp nhưng chật ních những
người là người. Mythos là loại bia được ưa chuộng nhất Hy Lạp, nhưng tôi thích Zorbas hơn. Đó là loại bia
mang tên một nhân vật của N. Kazantzaki (nhà văn Hy Lạp, tác giả của Alexis Zorba - mà tôi rất thú vị) -
Alexis Zorba. Chắc nhiều lần cậu chàng đã đến đây. Những lúc thế này, thế nào Zorba cũng chọn một góc
khuất nào đó, lặng lẽ quan sát nhân gian uống rượu để xác quyết rằng rốt lại chỉ mình anh ta biết uống rượu
một cách điệu nghệ thôi. Liên tưởng ấy làm tôi thêm hứng khởi. Tôi thương lượng với một nhạc công trong
ban nhạc đang chơi, anh ta vui vẻ nhường cho tôi cái Tombourint. Cứ như thể một nghệ sĩ chuyên nghiệp,
tôi ngồi xuống ghế và ra hiệu cho ban nhạc tiếp tục. Cả nhà hàng dậy lên tiếng vỗ tay vì niềm vui bất ngờ.
A, hóa ra Hy Lạp thế kỷ XXI vẫn còn nguyên tâm hồn Zorba.
Tôi chia tay Athenes năm ngày trước khi Olympic 2004 bế mạc. Nếu ai hỏi tôi ấn tượng về Thế vận hội, tôi
sẽ trả lời ngay, đó là nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Còn ấn tượng về Athenes, câu trả lời sẽ là: Parthenon.
Giữa một Athenes hiện đại bỗng sừng sững một Acropole điêu tàn của 2.500 năm trước! Parthenon như
một tấm gương qua đó chúng ta soi mình, mà chỉ những ai có huệ nhãn mới thấy được bóng dáng của nhân
loại bên trong.
NGUYỄN VĂN DŨNG
Nơi giao hòa của Đông - Tây
TTO - Tôi đến Istanbul vào một buổi sáng cuối thu năm 2003, trên trời giăng kín
những đám mây xám xịt âm u như đe dọa sẵn sàng đổ những cơn mưa xuống bất
kỳ lúc nào. Trên chuyến xe vào thành phố, người hướng dẫn đoàn hỏi: “Trên xe có
ai đã đến Thổ Nhĩ Kỳ chưa?”.
Một anh chàng Hàn Quốc giơ tay lên. Người hướng dẫn hỏi tiếp: “Vậy anh có còn
giữ đồng tiền nào của Thổ không?”. “Có chứ”. “Giấy bao nhiêu vậy”. “Hai triệu
lira”. Anh bạn Hàn Quốc vừa nói vừa móc túi giơ cao tờ giấy bạc trong tay. Cả xe ồ
lên ngạc nhiên và đổ dồn mắt vào tờ giấy bạc trong tay anh bạn Hàn Quốc. Tôi
nghĩ trong bụng: “Anh chàng này lần trước qua đây chơi bời gì mà về rồi còn giữ
lại tới 2 triệu đồng?”. Người hướng dẫn nói tiếp: “Không có gì đáng ngạc nhiên cả,
vì tờ giấy bạc đó chỉ tương đương 1,5 đôla Mỹ mà thôi! Tờ giấy bạc lớn nhất của
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là tờ 20 triệu lira!”. Và đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Istanbul, Thổ Nhĩ
Kỳ này.
Một thành phố đầy tính lịch sử
Istanbul, từng một thời được biết đến dưới tên “Thành Constantinople”, là một thành phố mang đầy tính
lịch sử, với vị trí độc đáo của nó. Là thành phố duy nhất trên thế giới trải dài giữa hai lục địa (Á và Âu),
Istanbul cũng là thành phố duy nhất trên thế giới đã từng được chọn làm thủ đô của ba đế quốc: La Mã,
Byzantine và Ottoman. Thành phố nằm ở hai bên của eo biển Bosphorus, một nửa thuộc Á châu và nửa bên
kia thuộc Âu châu, là nơi tiếp giáp của Đông và Tây, của Á và Âu, nằm trên chặng đầu của “Con đường tơ
lụa” huyền hoặc, là nơi hội ngộ và giao hòa của những tôn giáo lớn: Thiên Chúa (Chính thống) giáo, Do
Thái giáo và Hồi giáo. Trên đường vào thành phố, chúng tôi đi qua hai nghĩa trang đơn giản kề sát bên
nhau, và được giải thích một cái là nghĩa trang của người Do Thái giáo, cái kia là nghĩa trang của người Hồi
giáo! Có nơi nào trên thế giới có được cảnh yên bình như vậy không nhỉ?
Cũng với đặc điểm “đặt hai chân trên hai lục địa”, đã có một chiếc cầu treo độc nhất vô nhị, cầu Bosphorus
nối hai nửa thành phố và cũng là hai châu lục này với nhau. Ở một phía đầu cầu có một cái bảng nhỏ ghi
dòng chữ “Welcome to Europe”, qua tới đầu cầu bên kia là một bảng khác cũng tương tự như vậy, nhưng
ghi “Welcome to Asia”! Rất tiếc là xe đang chạy trên cầu không được phép dừng lại nên tôi không chụp
được hai bảng chữ ngộ nghĩnh này.
Ngày đầu tiên chúng tôi thả bộ xuống phố, tới quảng trường Taksim cổ kính của Istanbul. Ngay trước mặt
quảng trường là những khu phố ngoằn ngoèo quanh co như phố cổ Hà Nội, đường thì mấp mô chỗ cao chỗ
thấp, và hai bên là những dãy nhà với kiến trúc bằng đá xưa cũ, thuần một màu xám xịt. Dọc phố có những
hàng bán bánh mì với kiểu thịt nướng thật ngộ (gọi là kebap), từng lát thịt mỏng được xếp chồng lên nhau
và xiên trên một lõi sắt, quay đều quanh trục với một góc là lửa đỏ hừng hực... rồi xắt từng lát theo chiều
dọc, kẹp vào bánh mì như kiểu Việt Nam ta! Quảng trường và những con đường chung quanh tấp nập
những người đang rảo bước, chủ yếu là người địa phương chứ du khách không nhiều. Những chàng trai, cô
gái Thổ đẹp sắc sảo và quyến rũ với mái tóc dài đen nhánh, cặp mắt to, sâu và cũng đen như mái tóc, sóng
mũi cao, những nét đặc trưng của dân miền biển Địa Trung Hải, nhìn thật trẻ trung, khỏe khoắn trong
những bộ áo khoác da cũng màu đen.
Đền thờ Hồi giáo và hầm chứa nước lớn nhất Istanbul
Nói đến Thổ Nhĩ Kỳ là phải nói đến những đền thờ Hồi giáo, gọi là Mosque. Ở đây đâu đâu cũng có
Mosque, nhưng khác với Mã Lai, Indonesia, đền Mosque ở đây đều mang hình dáng của kiến trúc cổ, được
xây dựng bằng đá và có lịch sử tính bằng đơn vị trăm năm! Nổi tiếng nhất vẫn là Blue Mosque, hay Sultan
Ahmed Mosque, được xây dựng vào thế kỷ XVII. Đền được mang tên này vì có nội điện được trang trí trên
nền của màu xanh blue, dù rằng đó không phải là trang trí gốc. Đền làm hoàn toàn bằng đá, với quy mô thật
đồ sộ và kiến trúc phức tạp hơn một đền Mosque thông thường, với một mái vòm (dome) chính thật to ở
giữa và rất nhiều các vòm nhỏ bao bọc chung quanh, phía ngoài là những tháp nhọn vươn lên trên nền trời
xám xịt của cơn mưa mùa thu. Đây cũng là đền Mosque duy nhất có đến sáu tháp canh (minaret) chung
quanh. Trong chính điện, người ta đang tôn tạo, phục hồi lại những hoa văn, hình ảnh trang trí ngày xưa,
không còn lại một chút vết tích nào sự chiếm lĩnh của màu “blue” như trước đây nữa.
Ngay trước mặt Blue Mosque là đền Hagia Sophia (the Church of Holy Wisdom) với một lịch sử độc đáo
không kém: được xây dựng từ thế kỷ thứ IV, bị phá hủy rồi xây dựng lại vào thế kỷ thứ VI, Hagia Sophia
khởi đầu là một nhà thờ Chính thống giáo (Orthodox Church), được đổi lại thành Mosque vào năm 1453
khi người Turk (Thổ) chiếm thành Constantinople, cho đến năm 1935 được đổi lại thành Bảo tàng
Ayasofya tới nay.
Khi bước vào trong đền, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trên tường, trên trần, ngoài những nét vẻ độc đáo
của nghệ thuật mosaic trên những tranh khảm trên tường, là những hình ảnh của chúa Giê Su vẫn còn lưu
lại trên đó. Đó chính là những dấu vết còn sót lại của thời kỳ đầu tiên khi đền còn là một nhà thờ Orthodox,
một nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp tiêu biểu của thời kỳ đế quốc Byzantine, khi thành Constantinople
được chọn làm thủ đô của đế quốc hùng mạnh này. Nhà thờ Hagia Sophia chính là kiểu mẫu hiếm hoi còn
sót lại của kiến trúc Byzantine, với những hình ảnh và hoa văn được trang trí bằng nghệ thuật mosaic trên
tường, trên trần cùng với những hàng cột cẩm thạch trong chính điện. Khi đạo quân Turk của đế quốc
Ottoman chiếm đóng thành Constantinople và một lần nữa chọn thành làm thủ đô của đế chế Ottoman, nhà
thờ được “cải biên” lại thành đền Hồi giáo và xây dựng thêm các tháp xung quanh, tạo nên một kiến trúc
kết hợp hài hòa giữa nhà thờ Chính thống giáo và đền Hồi giáo, để ra đời một kiểu dáng mẫu mực của đền
Mosque sau này! Nghe lại lịch sử, nhìn lại những hình ảnh của chúa Giê Su và các thánh trên tường của
một đền thờ Hồi giáo, tôi có một cảm giác thật lạ lùng. Hóa ra là thế, ngày xưa những con người của cả hai
tôn giáo đã từng có thời “sống chung hòa bình” như vậy, thậm chí còn giao hòa với nhau để cho ra một kiến
trúc độc đáo của đền thờ Mosque có mặt khắp nơi trên thế giới ngày nay! Những khối đá xám lạnh lùng
như trơ ra dưới cơn mưa nhỏ, thách thức một lịch sử nghìn năm!
Istanbul còn có những độc đáo khác nữa, như hệ thống hầm chứa nước dẫn từ khu rừng Belgrade về để
cung cấp cho cả thành phố, được xây dựng từ thế kỷ thứ... VI! Chúng tôi ghé thăm Basilica Cistern, hầm
chứa nước lớn nhất Istanbul, với diện tích 143 x 65m, trữ lượng 80.000m3 nước và được chống đỡ bằng cả
một rừng gồm 336 cây cột cẩm thạch cao 9m! Có theo những bậc thang bằng đá lần bước xuống hầm chứa
nước lạnh lẽo này mới cảm thấy khâm phục cái vĩ đại của người xưa. Cả một khu hầm nước rộng mênh
mông dưới đất, trần được lát và gia cố bằng những cột đá cẩm thạch cùng với những cấu trúc mái vòm như
tổ ong để chịu lực, vì thời đó chưa có bê tông cốt thép để đúc đà và sàn cho trần. Người tourguide dắt
chúng tôi len lỏi qua những hành lang âm u trong hầm nước đến một góc tối âm u, ở đó dưới ánh sáng của
một ngọn đèn chiếu hắt lên, hiện ra một hình ảnh lờ mờ dưới chân cột. Đến gần bên, chúng tôi mới nhận ra
đó chính là một khối đá tạc hình đầu Medusa với những lọn tóc rắn uốn éo nổi tiếng, được đặt nằm ngang
đỡ dưới chân cột. Và gần đó, lại một cột đá khác với đầu Medusa được đặt ở vị trí lộn ngược đầu xuống
dưới. Nghe nói rằng theo truyền thuyết, người Thổ Nhĩ Kỳ xưa đã ghép hai khối đá hình đầu Medusa vào
góc hai cột đầu tiên của hầm nước để trấn giữ cho hầm khỏi bị yêu quái phá phách! Hầm được sửa chữa và
mở cửa cho tham quan từ năm 1987. Du khách đến đây khó lòng quên được cảm giác khi đứng trong khu
hầm âm u, lạnh lẽo và nghĩ đến những con người đã có mặt ở đây hàng nghìn năm trước!
... và những nét đặc sắc khác
Buổi tối chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng tên là Orient House và lại khám phá ra một nét đặc sắc khác của
Istanbul. Trước khi đến, chúng tôi đã đặt bàn và được hỏi là người ở đâu tới. Vì trong đoàn có cả người
Việt Nam và Hàn Quốc nên chúng tôi ghi cả hai quốc tịch. Khi đến nơi chúng tôi mới hiểu, vì bàn của
chúng tôi đã được đặt sẵn một lá cờ Hàn Quốc nhỏ, và chủ quán đích thân tới xin lỗi vì... lâu nay chưa có
người Việt Nam nào đến đây nên không chuẩn bị sẵn lá cờ Việt Nam cho chúng tôi! Ông hứa (?) lần sau
quay trở lại đây sẽ có cờ Việt Nam sẵn sàng. Các bạn nếu có dịp ghé quán này, nhớ nhắc lời hứa đó giúp tôi
nhé! Nhìn quanh chúng tôi thấy mỗi bàn đều có một lá cờ nhỏ, tính chung khoảng hơn mười quốc tịch khác
nhau. Và chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi một người giống như MC của nhà hàng
đứng ra chào mọi người, sau đó đi một vòng, mỗi khi ghé một bàn, ông ta lại xem lá cờ đặt trên bàn rồi nói
lời chào và hát một đoạn ngắn một bài hát nổi tiếng của nước đó bằng chính ngôn ngữ đó!!! Ông ta không
hề bị trở ngại nào khi đi vòng quanh biểu diễn khả năng độc đáo của ông, cho đến khi ghé qua bàn... chúng
tôi! Và dĩ nhiên chúng tôi phải “hỗ trợ” ông bằng cách cùng hát lên một bài dân ca Việt Nam. Ngoài những
tiết mục lễ hội, đám cưới truyền thống, một trong những tiết mục chính và không thể thiếu là màn... múa
bụng! Thật bõ công chờ đợi, khi chúng tôi được thưởng ngoạn tới ba màn múa bụng của ba cô vũ nữ nổi
tiếng ở Istanbul. Màn múa bụng thật ấn tượng, mặc dù những vũ nữ múa bụng không hề có vòng số 2 mỏng
dính như chúng tôi tưởng tượng, mà đều có thân hình hơi “tròn trịa”, kể cả vòng bụng là nơi “hoạt động”
tích cực nhất trong suốt màn biểu diễn. Nếu được xem màn biểu diễn này dưới ánh lửa trại bập bùng, nhạc
nền Ba Tư âm u chung quanh là những lều trại thì thật là hoàn hảo, y như thời... đế quốc Ottoman!!
Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm và mua sắm tại khu Grand Bazaar. Từ Bazaar xuất phát từ tiếng Ba Tư cổ
(Persian) có nghĩa là “chợ có mái che”, nay được dùng với nghĩa “tiệm tạp hóa” của Anh, Mỹ. Con đường
lát đá dẫn đến một trong các cửa vào khu Grand Bazaar thật đẹp, với hàng cây phong và những băng ghế đá
rải rác trên đường vào để du khách có thể ngồi lại nghỉ ngơi chốc lát. Đây là khu Bazaar lớn nhất thế giới,
đúng như tên “Grand Bazaar” của nó, với khoảng 4.000 cửa hàng bán đủ những loại hàng hóa khiến bạn
như bị mê hoặc và lạc đi trong mê cung huyền bí của thế giới phương Đông, với vô vàn những cửa tiệm
trưng bày thảm dệt tay, đồ da thuộc, các loại gia vị, các loại nữ trang, đồ gốm, đồ lưu niệm... Càng đi sâu
vào trong thế giới của Grand Bazaar, bạn càng như chìm sâu vào thế giới cổ tích của xứ Ba Tư, với tiếng
kèn ma quái đâu đây, cho đến khi bạn chợt bừng tỉnh vì tiếng cự nự cãi nhau giữa một chủ tiệm và một du
khách vì đã lỡ trả giá... đúng giá trị của món hàng (thường là bằng 30% giá chào mời!). Và càng chợt tỉnh
ra khi cầm lên một món đồ mỹ nghệ xinh xắn, đầy nét đặc trưng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khi xoay đế lên để
xem nhãn thì thấy ngay dòng chữ... “Made in China”! Đúng là thời buổi... toàn cầu hóa!
Còn nhiều nữa, những nét đẹp, nét cổ kính phương Đông trộn lẫn kiến trúc phương Tây với bao nhiêu dấu
tích của lịch sử nghìn năm thăng trầm, với đoạn đường tơ lụa huyền thoại băng qua thành phố, với những
phế tích còn lại của đoạn tường thành nổi tiếng “The Theodosian Walls” bao bọc quanh thành
Constantinople một thời. Ba ngày ở Istanbul dường như chưa đủ để thỏa mãn sự háo hức lẫn với tò mò của
chúng tôi trong khi lang thang đây đó và đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Những gì chúng tôi được
chiêm ngưỡng, được thưởng thức có lẽ mới chỉ là một phần nhỏ của cả một thế giới kỳ bí, huyền ảo, được
che phủ bởi lớp áo đầy của thời gian mà chỉ có những kẻ kiên nhẫn và nhàn tản mới có thể nhấc được tấm
áo ấy lên để thấy được cả một thế giới cổ xưa bừng lên trước mắt. Chúng tôi rời Istanbul trong niềm tiếc
nuối đó. Hãy đến thăm Istanbul một lần trong đời, để chiêm nghiệm lịch sử, và để thấy sự nhỏ bé nhưng vĩ
đại của một mảnh đất!
LƯU ĐÌNH THỊNH
Carneval - Một ngày lạc vào xứ thần tiên
TTO - Vào tháng hai hàng năm, khi người dân Hy Lạp và Ý say sưa trong những
ngày hội tôn vinh thần rượu nho (Dionysos) và thần biển (Saturn) của mình thì
nước Đức cũng nô nức chuẩn bị lễ hội Carneval để đón chào những vị thần ánh
sáng và xua đuổi ma quỷ mùa đông...
Mọi con đường đều đổ về... Cologne
Xuất hiện từ những giai đoạn đầu tiên trong lịch sử xây dựng thành phố cách đây
180 năm, lễ hội Carneval đã có hình thái gần giống như những gì chúng ta thấy
hiện tại: được tổ chức trong ba ngày, mà cao điểm nhất là ngày thứ hai Hoa hồng
(Rosenmonntag) với hàng trăm cuộc diễu hành lớn nhỏ xung quanh quảng trường
nhà thờ Dom. Trên chuyến tàu đông nghịt người đổ về Cologne, mọi hành khách
hầu như bị kẹt cứng giữa những bộ cánh thiên thần, những chú hề mũi đỏ và bầy quỷ nhe răng dữ tợn... Dịp
này, đám sinh viên Việt Nam láu cá tranh thủ kéo nhau đi du lịch chui, tức là đi chơi không mất tiền vé xe
bởi vì ngay việc giơ máy lên chụp một kiểu ảnh trong tàu xe còn khó thì làm gì còn đường cho mấy bác
nhân viên soát vé vốn đã khá mập mạp của DB (Đường sắt liên bang Đức)!
Cologne - thành phố của lễ hội - chưa bao giờ đúng với tên gọi của nó như lúc này. Không khí của ngày lễ
đã bao trùm khắp ngõ ngách. Trước giờ diễu hành, người ta có thể đi loanh quanh trong khu trung tâm,
ngắm nghía thỏa thuê những bộ phục trang lạ mắt của những người tham gia lễ hội. Carneval tại Cologne là
lễ hội hóa trang lớn nhất ở Đức. Ngay tại nhà ga đã có mấy chục nhóm hóa trang tụ tập. Chú lùn, cướp
biển, tù nhân, robot và các nhân vật thần thoại trong phim hoạt hình hiện tại hay trong quá khứ đều được tái
hiện tại đây. Năm nay Cologne đón mừng Carneval với chủ đề “Tất cả chúng ta đều là Cologne”. Lễ hội
được tổ chức rất lớn với 100 xe hoa, 124 ban nhạc cùng 10 ngàn người diễu hành. Có tới 140 tấn bánh kẹo,
700 ngàn thỏi chocolate và 220 ngàn bánh pralinen từ trên xe hoa được tung ra tặng cho người xem lễ hội
đứng hai bên đường.
Ngoài tiếng Đức của dân địa phương, còn có thể nghe được nhiều thứ tiếng khác như Anh, Pháp, Tây Ban
Nha... Khách tham quan đến đây từ sớm, chen kín hai bên đường. Ngày xưa, Carneval chỉ dành riêng cho
giới quý tộc và thượng lưu, dân thường không được phép tham gia. Ngày nay, lễ hội này đã phổ biến đến
mọi tầng lớp. Đến hẹn lại lên, mọi người ăn vận quần áo, đeo mặt nạ hay hóa trang thành những nhân vật
nổi tiếng rồi cùng kéo ra trục đường chính của thành phố chờ đoàn xe diễu hành.
Một người bạn Đức cho biết, ở Cologne, hầu như ai cũng có một vài bộ hóa trang để sử dụng cho những
dịp như thế này. Trong cái lạnh 50C mà được ngắm nghía các nàng thỏ Playboy đuôi bông tất lưới chạy lon
ton bên cạnh những thiên thần tóc vàng thì Carneval quả là thú vị. Đến 12 giờ trưa, dòng người bắt đầu đổ
về những tuyến đường có diễu hành. Người lớn, trẻ em đứng ngồi lố nhố hai bên lề đường và trên những lễ
đài đã được dựng sẵn. Giờ cao điểm của cuộc vui đã bắt đầu...
Như bước ra từ chuyện cổ tích
Đoàn của các trường học đi đầu gồm 42 xe nối đuôi nhau. Mỗi trường cố gắng hóa trang theo cách riêng
biệt. Trường mang tên nhà bác học nổi tiếng Einstein mô phỏng trên xe nguyên mô hình phòng thí nghiệm,
thêm công thức E = mc2 làm khẩu hiệu. Giáo viên và học sinh đi hai bên đội bộ tóc bù xù giả làm nhà bác
học người Đức. Trường khác gồm học sinh từ khắp châu Âu, mỗi em mặc áo có cờ nước mình, vừa đi vừa
đánh trống. Đặc biệt, mỗi thành viên của đoàn đều mang theo một túi chứa đầy kẹo bên trong...
Lần lượt diễu hành tiếp đó là đoàn xe do sáu chú ngựa kéo, được trang trí bằng hoa tươi và ruy băng lộng
lẫy. Bầy ngựa to lớn sừng sững với bộ lông đen mượt, gõ móng xuống nền đá, hòa với tiếng kèn tiếng trống
tạo nên một bầu không khí thật phấn khích. Những chú ngựa đẹp nhất được cưỡi bởi các công nương tay
ôm hoa duyên dáng hoặc các bá tước đội tóc giả, mặc lễ phục nỉ đỏ, mũ cắm lông phất phơ kiêu hãnh. Tất
cả đều đẹp lộng lẫy như bước ra từ chuyện cổ tích. Đội kèn tấu lên khúc nhạc truyền thống rộn rã khiến
người già, trẻ nhỏ, ai ai cũng không kìm được bước chân nhún nhảy... Đoàn diễu hành của các trường học
trong vùng đi qua là tới các đội của các tổ chức hành chính thành phố như bưu điện, cứu hỏa, rồi đến những
tập đoàn, công ty lớn...
Cứ mỗi lần một chiếc xe hoa đi qua là lũ trẻ hô to câu thần chú “Ka-me-la” để rồi một trận mưa bánh kẹo,
đồ chơi, thú bông lại được tung xuống cho đám đông phía dưới. Một điều dễ thấy là công ty nào càng giàu
thì bánh kẹo càng ngon, càng nhiều. Không chỉ trẻ em, cả người lớn cũng tranh thủ nhặt vài viên kẹo, vài
cành hoa hoa như một hình thức “lấy lộc”. Bé nào nhỏ quá, không chen lấn được thì sẽ có người đến tận
nơi cho vào túi những thanh chocolate ngon lành. Từ đoàn diễu hành, các em học sinh quăng đủ thứ kẹo về
phía hai bên đường, nào chocolate, kẹo dẻo, nào bánh, kẹo trái cây...
Khi gần hai mươi xe đi qua, túi kẹo của ai cũng đầy ấp. Trời lạnh, mà mồ hôi đổ ra như tắm. Người Đức có
điểm đặc biệt là dịp nào cũng uống bia. Carneval cũng không là ngoại lệ. Mấy thanh niên tay cầm chai bia,
tay kia quơ quơ chụp kẹo, cùng hò hét theo với đoàn người. Cuộc diễu hành kéo dài đến sáu giờ chiều, bọn
trẻ vui vẻ ra về với túi kẹo nặng trĩu, còn các cô gái thu hoạch được cơ man là hoa. Rồi những chuyến xe
cuối cùng chầm chậm đi ngang qua khán đài, mọi người nán lại làm vài kiểu ảnh kỷ niệm. Ở góc xa văng
vẳng tiếng nhạc, hò la và bên kia đường vẫn tiếp tục “Ka-me-la! Ka-me-la!”...
Chỉ riêng trong ba ngày lễ, có khoảng một triệu người từ những thành phố khác nhau trên nước Đức và cả
du khách nước ngoài đã kéo đến Cologne để tham gia lễ hội độc đáo và lớn nhất trong năm của thành phố
này. Đây không chỉ là một cách thu hút khách du lịch, mà còn là dịp cho những công ty giới thiệu tên tuổi
với khách hàng bằng cách thức quảng cáo thật dễ thương. Theo ước tính, chỉ riêng hội Carneval năm nay
làm tăng thu nhập cho kinh tế Đức đến 5 tỉ euro từ sự mua sắm quần áo, mặt nạ hóa trang, ăn uống, bia
rượu của dân chúng và chi tiêu của khách du lịch đến nước Đức tham dự Carneval và Rosenmontag.
Liệu đến bao giờ Việt Nam chúng ta mới học được cách biến những lễ hội văn hóa thành cơ hội vàng như
thế?
THÙY DƯƠNG - T. MINH
San Marino, nước cộng hòa tí hon
TTO - Châu Ân có một quốc gia bé nhỏ, nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ nên
có mức sống khá cao, điển hình là đại công quốc Luxembourg, các công quốc
Monaco, Liechtenstein, Andorre, San Marino.
Tất cả các quốc gia đó đều theo chế độ quân chủ nhưng không có vua, chỉ có các
ông hoàng cai trị. Riêng San Marino bé nhỏ nhưng lại theo chế độ cộng hòa. Trong
một dịp may, chúng tôi đã đến San Marino.
Quốc gia chỉ có 27 ngàn dân
Sáng sớm, chúng tôi rời thủ đô Roma nằm ở miền tây nước Ý, băng qua phía đông
đến bờ biển Adriatique, đi dọc theo bờ biển lên phía bắc, đến chiều thì nghỉ ở thành
phố Rimini. Đây là một thành phố du lịch với những bãi biển đẹp, nhiều khách sạn sang trọng. Nếu phần
lớn các thành phố ở châu Âu khá im lìm, vắng vẻ, thì Rimini về đêm lại sáng rực, náo nhiệt với những quán
ăn, nhà hàng, hiệu buôn... Du khách đi lại rất tấp nập...
Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành đi San Marino cách Rimini 22km về phía tây. Đường đi vào vùng đồi
núi vẫn rộng rãi, hiện đại, nhưng cứ lên cao dần, những ngọn đồi cứ nhấp nhô xuất hiện và những ngôi nhà
trên sườn dốc trông thật thơ mộng.
Sau khi chạy ngoằn ngoèo theo một con đường dốc khá cao, xe đưa chúng tôi lên đến đỉnh núi cao nhất
(ngọn núi Titan cao 750 mét) và cũng là khu vực trung tâm của San Marino. Xe dừng lại ở một quảng
trường để chúng tôi tản bộ dọc các phố. Hàng quán chỉ có vài tiệm cà phê, vài cửa hàng bán sách báo và
quà lưu niệm im lìm, vắng vẻ. Chẳng thấy bóng dáng người đi đường, cũng chẳng có xe cộ chạy trên
đường! Rồi chúng tôi cũng hiểu ra: mang danh một thành phố, nhưng nơi đây đúng hơn là một thị trấn nhỏ
nằm trên sườn núi cao nên dân số rất ít. Cả quốc gia San Marino chỉ có 27 ngàn người sống rải rác trên các
triền núi và các thung lũng dưới chân núi với tổng diện tích có 61km2 mà thôi!
Chỗ chúng tôi xuống xe là quảng trường nhỏ mang tên Garibaldi - người anh hùng dân tộc của nước Ý
(1807-1882). Trong quá trình đấu tranh, khi bị quân xâm lược Áo truy đuổi, Garibaldi và hai ngàn chiến
binh của ông đã đến tị nạn tại San Marino. Người dân ở đây đã ân cần đón tiếp và chăm sóc họ để sau đó
họ lại lên đường tranh đấu. Từ quảng trường Garibaldi, chúng tôi trèo lên pháo đài cao nhất trên đỉnh núi
Titan có tên Guaita.
Như tổ chim đại bàng
San Marino có ba pháo đài nổi tiếng đều được xây dựng trên đỉnh núi Titan mà cao nhất là Guaita, được
xây dựng vào thế kỷ thứ X. Pháo đài thứ hai tên là Ceste được xây dựng từ thế kỷ XIII, pháo đài cuối cùng
tên là Montale. Các pháo đài đều đứng cheo leo bên bờ vực, tượng trưng cho ý chí bảo vệ nền độc lập và tự
do của cư dân địa phương và được dùng làm nền cho quốc huy, quốc kỳ của San Marino. Từ bãi biển ở
Rimini cách xa hơn 20km người ta có thể nhìn thấy các công trình kiến trúc cổ xưa này.
Lên đến pháo đài Guaita, chúng tôi đi dọc bức tường thành bảo vệ để ngắm quang cảnh bên dưới. Cả một
không gian rộng lớn đến tận chân trời xa tít lọt vào trong tầm mắt! Một cảm giác thích thú giống như đang
được khống chế đất trời. Pháo đài Guaita gợi nhớ hình ảnh một tổ chim đại bàng bất khả xâm phạm trên
đỉnh núi cao. Có cảm giác người dân San Marino cũng giống như những con chim đại bàng đã hàng ngàn
năm kiên cường bảo vệ pháo đài tự do trên đỉnh núi cao của mình.
Bất giác, tôi so sánh San Marino với Monaco - một quốc gia còn bé nhỏ hơn San Marino, với diện tích chỉ
có 2km2. Monaco là một quốc gia rất hiện đại, nhiều kiểu kiến trúc cao tầng nằm san sát nhau, du khách lúc
nào cũng đông nghẹt, cuộc sống thật náo nhiệt với rất nhiều thú vui, trò giải trí mà nổi tiếng nhất là sòng
bạc Monte Carlo. Trái lại, San Marino là một quốc gia chỉ gồm toàn kiến trúc cổ xưa, không có nhà cao
tầng và hình như không có trò giải trí gì hết, du khách vào đây có cảm giác như mình đang lạc vào thế giới
của những thế kỷ trước.
Một chút lịch sử
Người San Marino tự hào rằng họ là dân nước cộng hòa lâu đời nhất trên thế giới.
Khu cư dân đầu tiên trên núi Titan xuất hiện vào thế kỷ thứ IV, khi họ theo một người thợ đá tên Marinus
đến đây lập nghiệp. Một cộng đồng tự quản dần dần được hình thành. Vào thế kỷ thứ IX, cư dân ở đây
được hưởng quy chế tự trị và đến thế kỷ XIII thì chế độ cộng hòa ra đời. Trong quá trình lịch sử, San
Marino nhiều lần bị xâm lược nhưng người dân ở đây đã kiên cường đấu tranh để bảo vệ nền tự do chống
lại các lãnh chúa quý tộc Ý và có lúc chống lại cả giáo hoàng.
Đặc biệt, người San Marino rất ngưỡng mộ hoàng đế Napoléon Bonaparte của nước Pháp. Vào những năm
1896-1897, khi còn là một viên tướng chỉ huy cuộc hành quân sang nước Ý để đánh đuổi quân Áo,
Bonaparte từng tuyên bố: “Cần phải bảo vệ San Marino như một biểu tượng về tự do!”. Napoléon
Bonaparte còn gửi một đặc sứ là nhà toán học Monge đến tận núi Titan để bày tỏ tinh thần hữu nghị với
nước cộng hòa San Marino. Trong lịch sử của San Marino, chưa bao giờ nền độc lập và tự do của nước
cộng hòa này được công nhận một cách dứt khoát và long trọng như lần đó. Hiện nay, con đường dài nhất ở
thành phố San Marino mang tên Napoléon Bonaparte.
Thể chế chính trị của San Marino không giống bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nước cộng hòa này có
chính phủ nhưng không có tổng thống và thủ tướng. Bản hiến pháp hiện hành ra đời từ ngày 8.10.1600. Cơ
quan quyền lực cao nhất là Đại hội đồng (Grand Conseil), tức là quốc hội, gồm 60 đại biểu được dân chúng
bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ năm năm. Đại hội đồng bầu chính phủ có 10 thành viên với tên gọi là Đại hội
nhà nước (Congrès d’Etat), mỗi thành viên là một bộ trưởng. Đại hội Nhà nước bầu ra hai đại úy nhiếp
chính (Capitaine-Régent), tức là hai đồng thủ tướng, nhiệm kỳ chỉ có sáu tháng. Bất kỳ quyết định nào của
chính phủ đều phải có sự đồng thuận của hai vị đại úy nhiếp chính.
Từ năm 1922, San Marino được chấp nhận là một thành viên của Liên hiệp quốc và thành viên của Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF). Đội bóng đá của San Marino năm nào cũng tham gia các cúp bóng đá châu Âu,
nhưng luôn bị loại ngay từ vòng đầu.
Với dân số 27 ngàn người, mỗi năm San Marino đón hơn 3,5 triệu du khách. Do đó, nguồn thu từ du lịch
chiếm hơn một nửa GDP của nước này.
Viện bảo tàng độc đáo
San Marino có một số nhà Hèo, lâu đài cổ có giá trị lịch sử, nhưng quy mô đều nhỏ, không to lớn như các
công trình kiến trúc ở các nước châu Âu. Có lẽ thú vị hơn là việc ngắm các vệ binh đứng gác ở các pháo
đài, trụ sở cơ quan, với những bộ trang phục rất đẹp, nhiều màu sắc chứ không phải là tòa nhà.
Viện bảo tàng ở San Marino không nhiều, nhưng có một bảo tàng rất độc đáo mà du khách hay đến tham
quan: Viện bảo tàng Các dụng cụ tra tấn! Có lẽ trên thế giới chỉ có duy nhất viện bảo tàng như vậy. Du
khách thường có cảm giác rờn rợn khi bước vào đây. Toàn bộ lịch sử khủng khiếp về các cách tra tấn, hành
hạ thể xác và tinh thần, giết người một cách dã man được dựng lại với hơn 100 loại dụng cụ được trưng
bày. Một cái mũ tròn bằng sắt đủ siết vào đầu người, hai chiếc lưỡi cào sắt siết vào nhau để bẻ gãy đầu gối,
những chiếc kìm để rứt thịt ra từng mảnh, chiếc lồng sắt để nhốt người dựng đứng... Có những dụng cụ là
nguyên bản có từ thế kỷ XVII, XVIII còn được lưu giữ. Có những dụng cụ là phiên bản được dựng theo sự
mô tả trong các tài liệu cổ xưa.
San Marino còn có Viện bảo tàng Tội ác thời Trung cổ. Ở đó người ta dựng lại những cảnh tra tấn man rợ
từ thời xa xưa. Tất cả những hiện vật và cảnh trưng bày trong hai viện bảo tàng là những bản cáo trạng
hùng hồn để người ta lấy đó làm bài học ngăn chặn tội ác. Có lẽ vì thế mà người dân San Marino luôn giữ
được những nét thanh bình, ấm êm trong cuộc sống của họ.
TRẦN VĨNH AN
Ngọn gió lành Buenos Aires
TTO -Ở Nam Mỹ, người ta gọi Buenos Aires là "Paris của Nam bán cầu":Paris có
dòng sông Seine hiền hòa chảy qua, càng dễ làm tôi liên tưởng đến Rio de la Plata
(Dòng sông Bạc) ở Buenos Aires.
Ở đây cũng có xe điện ngầm (năm tuyến chia làm 69 trạm), có những trạm xe làm
tôi chợt sững người đứng lại ngắm nhìn và tự hỏi không biết tôi đang ở châu Âu
hay Nam Mỹ chỉ vì không khí ở đó giống Paris quá. Tôi nói đùa với cô bạn đi cùng,
Buenos Aires chỉ thiếu một ai đó viết bằng tiếng Việt về thành phố này như nhạc sĩ
Phạm Trọng Cầu với Mùa thu không trở lại hay nhà thơ Nguyên Sa trong Paris có
gì lạ không em... Được vậy thì Buenos Aires nổi tiếng và quen thuộc với người
Việt như Paris thôi.
Kỷ niệm buồn
Với tôi, Buenos Aires như một cô nàng xinh đẹp và bướng bỉnh. Nàng làm tôi chết mê chết mệt vì vẻ đẹp
của nàng và có những lúc nàng làm tôi buồn lòng nhưng không biết nói với ai mà phải “ngậm bồ hòn làm
ngọt”. Vừa ra khỏi sân bay, còn chưa tỉnh giấc sau chuyến bay dài, một thành viên trong đoàn bị móc mất
hộ chiếu và vé máy bay (cùng hàng loạt những rắc rối đi kèm). Ngồi trong Đại sứ quán Việt Nam tại
Buenos Aires cùng anh bạn mất hộ chiếu để xin cấp giấy thông hành tạm, tôi cảm thấy giận chính mình vì
tội quá chủ quan. Chúng tôi đã quên lời dặn dò cẩn thận của bà lãnh sự - Đại sứ quán Argentina tại Hà Nội
(hôm chúng tôi xin thị thực nhập), về tệ móc túi ở Buenos Aires. Đây phải chăng là mặt trái của những gì
du khách đang được “hưởng” khi nền kinh tế Argentina tuột dốc sau cuộc khủng hoảng năm 2001 kéo theo
hàng loạt bất ổn xã hội. Trước đây, vật giá và tiêu dùng ở Buenos Aires thuộc hàng cao nhất Nam Mỹ. Nay
du khách đã thấy “dễ thở” hơn sau khi nhiều ngân hàng đồng loạt bị vỡ nợ và đồng peso liên tục mất giá.
Ngọn gió lành
Đối với chúng tôi, mất giấy tờ là một việc không may, nhưng từ thế kỷ XIV đến mãi tận sau Thế chiến thứ
hai, Buenos Aires luôn là “ngọn gió lành”, như những người di dân từ châu Âu đặt tên cho nó. Sau khi tìm
thấy nhiều vàng ở Peru, người Tây Ban Nha đã tiếp tục mở rộng bờ cõi xuống Chilê sau đó vượt dãy Andes
vào vùng đất phía nam của Nam Mỹ này. Gặp nhiều thổ dân với các đồ trang sức làm bằng bạc, người Tây
Ban Nha gọi vùng đất mới là Argentina (Đất Bạc). Đất đai màu mỡ ở đây rất thích hợp để phát triển các
đàn gia súc và những chàng gaucho (những người chăn bò) mạnh mẽ, độc lập đã ra đời. Họ thường là
những mestizos (con lai) mang hai dòng máu Tây Ban Nha và da đỏ.
Buenos Aires giờ đây có nhiều sắc dân châu Âu sinh sống hơn. Người gốc Ý chiếm gần 40% trên tổng số
39 triệu dân của nước này, hầu hết sống tập trung quanh Buenos Aires. Ngoài ra, người gốc Tây Ban Nha
chiếm 30% dân số, Argentina từng có một cộng đồng người Anh lớn hơn bất kỳ nơi nào khác ngoài nước
Anh... Những cộng đồng di dân này đã làm thay đổi vùng đất mới rất nhiều. Ngôn ngữ chính là tiếng Tây
Ban Nha, nhưng đa số người dân đất cảng Buenos Aires, còn được gọi là potenos, đều nói được một chút
tiếng Anh. Tiếng Tây Ban Nha ở đây rất khác với tiếng Tây Ban Nha ở mẫu quốc. Tôi rất ngạc nhiên khi
nghe người ta chào nhau bằng buongiorno (chào buổi sáng trong tiếng Ý) thay cho buenos dias (chào buổi
sáng trong tiếng Tây Ban Nha). “Tạm biệt” được thay bằng chau, một biến thể của ciao (chào tạm biệt
trong tiếng Ý).
Ẩm thực
Phố trung tâm của Buenos Aires có nhiều khu rất giống quận 16 giàu có của Paris. Không khí se lạnh của
những ngày đầu xuân tháng chín (nằm ở Nam bán cầu nên thời tiết ở đây rất khác phần còn lại của thế giới)
thật dễ chịu. Khi dạo khu trung tâm Microcentro, đi ngang qua một loạt các quán sá bên đường, quán cà phê
Tortoni như níu chân tôi lại bằng mùi thơm lừng của cà phê và mùi bơ sữa. Phía trong được trang trí ấm
cúng bằng gỗ, các ghế bọc da màu đỏ theo kiểu thế kỷ XIX, trên các bức tranh ảnh treo tường tôi thấy có
nhiều người nổi tiếng đã từng ghé qua đây, thiên tài Einstein, Josephine Baker nàng Vệ nữ đen trong giới
kinh doanh biểu diễn, nữ hoàng quần vợt Sabatini, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton... Trong nền nhạc
piano du dương, tôi gọi một ly cà phê cortado (một loại cà phê sữa) thơm béo, bánh sừng trâu giòn tan và
ngồi ngắm thiên hạ. Người Argentina thích gọi một loại thức uống mùi chanh có cồn là sidra rồi ngồi tán
gẫu với bạn bè. Ở những quán khác gần đó, nước bột trà maté có màu xanh nhạt, được uống bằng ấm và
ống hút bằng bạc cũng được nhiều người thích. Tối đó về lại khách sạn, đọc quyển 1000 nơi bạn nên đến
trước khi qua đời (1000 Places to See Before You Die) của Patricia Schultz, tôi mới biết đây là quán cà phê
cổ, nổi tiếng nhất ở Argentina, mở cửa vào năm 1858.
Người Argentina hãnh diện khi được khen là những chuyên gia về món thịt nướng. Món nướng phổ biến
nhất là bò nướng ăn kèm khoai tây và xà lách. Nhìn thực đơn các món bò của Nhà hàng Cabana Las Lilas,
tôi như bị lạc vào ma trận, không biết gọi món nào. Người ta nói thịt bò Argentina thuộc loại ngon nhất trên
thế giới và người Argentina là thực khách kỳ phùng về bò các món, mỗi người trung bình ăn 70kg thịt bò
một năm (gấp đôi người Mỹ). Tôi bắt chuyện với ông quản lý nhà hàng (có một đều rất lạ là phần lớn phục
vụ bàn ở hầu hết các nhà hàng tại Buenos Aires đều là nam) về thịt bò ở đây, được biết người ta dùng
khoảng 70km2 đất chuyên nuôi bò để phục vụ riêng cho nhà hàng, mỗi năm khoảng 90 tấn thịt bò được xơi
tái. Khi ăn thịt bò phải uống rượu vang đỏ mới đúng điệu, mà phải là Malbec vì Malbec được xem là quốc
tửu của Argentina, quốc gia xuất khẩu rượu vang lớn thứ năm trên thế giới.
Tham quan
Những ngày còn lại, tôi rong ruổi khắp các góc phố của Buenos Aires. Khu La Boca của người lao động mà
tôi đặt tên là khu Sắc Màu vì nhà cửa ở đây được sơn phết đầy màu sắc sinh động. Ngắm các đôi nghệ sĩ
đường phố biểu diễn tango thật lãng mạn. Tuy không chuyên nghiệp và bóng bẩy như những nghệ sĩ ở các
milonga (nơi chuyên diễn tango) nhưng họ diễn rất tình. Tôi đi bộ hàng giờ dưới những cây ngọc lan tây
(magnolia) tham quan nghĩa trang Recoleta, nơi được đánh giá là điểm tham quan sinh động nhất của thành
phố với hơn 7.000 ngôi mộ, thiết kế khác nhau của những gia đình danh giá nhất của Buenos Aires. Họ là
những nguyên thủ, anh hùng quân đội, chính trị gia, giới giàu có và những nhân vật nổi tiếng. Có một ngôi
mộ làm bằng cẩm thạch đen, luôn có hoa tươi và dòng người chụp ảnh, đó là mộ của Evita Peron, vợ kế của
nhà lãnh đạo Juan Peron nổi tiếng của Argentina. Bà xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, luôn đấu tranh
đòi nữ quyền, trợ cấp y tế và phúc lợi cho người nghèo. Tầng lớp công nhân thành thị tôn sùng Evita, họ
xin cả tòa thánh Vatican phong thánh khi bà mất năm 33 tuổi vì bệnh ung thư.
Ngày đến Buenos Aires, vali của tôi nhẹ tênh, vậy mà ngày cuối trước khi về, nó đã nặng trĩu với những
món quà lưu niệm, rượu vang và các mặt hàng làm bằng da bò mua được ở Phố Forida. Buổi tối cuối cùng,
tôi diện bộ đồ đẹp nhất để vào xem diễn tango chia tay Buenos Aires. Ngồi thả mình cùng điệu nhạc trữ
tình thường viết về những tình yêu đã mất, những mong ước không trọn vẹn... là một kỷ niệm khó quên về
Argentina. Tôi thích thú ngắm những bước đi lả lướt kèm những đoạn dừng thật ấn tượng của các vũ công,
thích ngắm những gương mặt thoáng buồn dường như họ đang về những trăn trở trong tình yêu.
Nếu ví Paris như một phụ nữ sang trọng và kiêu sa thì Buenos Aires là một típ phụ nữ khác, giản dị và đằm
thắm. Xin mượn câu viết trên mộ của Evita thay cho lời kết, “... Argentina Tôi vẫn mãi ở bên bạn”, mãi
trong tâm trí của du khách như chúng tôi.
LƯU ĐÌNH THỊNH
Khi Thiếu Lâm Tự kinh doanh
TTO - Thiếu Lâm Tự từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới. Đối với người Việt Nam
chúng ta, Thiếu Lâm Tự cũng rất quen thuộc thông qua các bộ truyện võ hiệp
Trung Hoa, các bộ phim điện ảnh và truyền hình.
Người Trung Quốc gọi Thiếu Lâm Tự là “Quốc tự”, là cái nôi của nền võ thuật
Trung Hoa, đồng thời là cội nguồn của Phật giáo Thiền tông Trung Quốc.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, Thiếu Lâm Tự còn có
một bộ mặt mới: trở thành một thương hiệu kinh doanh nổi tiếng.
Từ nhiều lỗ thủng trên cây cổ thụ đến vết lõm trên nền gạch
Tôi đến Thiếu Lâm Tự vào một ngày cuối tháng tư năm nay. Rời Trịnh Châu (thủ phủ của tỉnh Hà Nam)
vào buổi sáng sớm, chúng tôi đi theo đường cao tốc về phía tây nam, hơn một tiếng đồng hồ thì đến huyện
lỵ Đàng Phong. Từ đây vào Thiếu Lâm Tự chỉ còn 10km.
Chùa nằm trên núi Thiếu Thất, thuộc dãy Tung Sơn. Từ dưới chân núi, đã thấy san sát hai bên đường nhiều
võ đường xây cất theo lối hiện đại. Đấy là những trường dạy “Thiếu Lâm công phu” được mở ra để thu
nhận học sinh từ mọi miền của đất nước Trung Hoa. Hàng ngàn võ sinh ở lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên
đang hăng say luyện tập trên các sân trường.
Đường đi vào Thiếu Lâm Tự rộng rãi như vào một công viên. Khoảng sân rộng lớn trước cửa chùa tấp nập
du khách. Hai bên sân là hai dãy hàng quán bán đồ lưu niệm, nhiều nhất là “Thập bát ban vũ khí” mà các
nhà sư chùa Thiếu Lâm thường sử dụng. Nhìn vào những món hàng cồng kềnh đó, tôi nghĩ chỉ du khách
nội địa mới có thể mua đem về, còn du khách nước ngoài như chúng tôi giỏi lắm chỉ mua được một thanh
đoản kiếm hay một khúc đoản côn mà khi rời Trung Quốc bằng máy bay đều không được xách tay theo quy
định của ngành hàng không. Loa ở các gian hàng rót vào tai du khách, không phải các bản nhạc mà là
những bài kinh tụng như để nhắc nhở du khách rằng bạn đang đi vào cõi Thiền.
Trước tiên, du khách bước qua cổng gọi là Sơn Môn (cửa lên núi), trên cổng treo tấm bảng với ba chữ
“Thiếu Lâm Tự”, đấy là bút tích của vua Khang Hy nhà Thanh để lại khi ông viếng chùa này. Từ Sơn Môn,
du khách đi giữa hai hàng bia đá đến Thiên Vương Điện. Nơi đây có tượng của bốn vị Thiên Vương, mà
nhiệm vụ là phù hộ dân chúng, bênh vực cái thiện, diệt trừ cái ác.
Tiếp đến là Đại Hùng Bảo Điện, tòa kiến trúc lớn nhất trong chùa. Cô hướng dẫn viên lưu ý du khách nhìn
vào cây bạch quả có hàng ngàn năm tuổi, trên thân có rất nhiều lỗ trống to như có viên đạn găm vào. Đó
chính là dấu vết của các nhà sư để lại khi họ luyện công, đã dùng ngón tay đâm thủng thân cây.
Đại Hùng Bảo Điện là nơi diễn ra các buổi cầu kinh long trọng, các buổi đại lễ. Bên trong, có điện thờ Phật
Thích Ca, tượng mười tám vị La Hán, tượng Đạt Ma Tổ Sư - người sáng lập ra Phật giáo Thiền Tông và
môn võ Thiếu Lâm. Điều gây ấn tượng lớn nhất đối với du khách là trên nền gạch của điện có năm mươi
vết lõm rất sâu, vốn là dấu chân của các nhà sư khi họ luyện công ở đây.
Câu chuyện biến tuyết từ màu trắng thành màu đỏ
Chúng tôi đi tiếp đến Tàng Kinh Các, nơi lưu giữ kinh sách và các bí kíp võ công của môn phái Thiếu Lâm.
Hiện nay, chỉ còn ngôi nhà trống rỗng, kinh sách bị đốt cháy rất nhiều vào thời..., số còn lại được cất giữ
nơi khác.
Giữa sân, có đặt một nồi đồng to lớn đường kính 2m, nặng 65kg, đây là một trong những nồi nấu cơm từ
xưa còn sót lại. Trong lịch sử phát triển của chùa, có lúc số nhà sư lên đến hai ngàn người. Mỗi bữa ăn phải
nấu đến hàng mấy chục nồi cơm như thế. Nồi cơm quá to nên không thể đứng bên cạnh đảo cơm được, mà
các nhà sư phải móc chân lên giàn giáo bên trên, chúc ngược đầu xuống, hai tay dùng một cái muôi to
tướng để đảo.
Trong số những sảnh điện phía sau chùa, đáng chú ý nhất là Lập Tuyết Đình với bức tượng của một nhà sư
cụt tay đặt ngoài sân: đó là Huệ Khả - vị tổ sư thứ hai của chùa Thiếu Lâm. Tương truyền rằng có một
thanh niên rất sùng kính Đạt Ma Tổ Sư nên đến đây xin được truyền đạo. Bị Đạt Ma Tổ Sư từ chối, người
thanh niên đó không nản chí, hết ngày này đến ngày khác cứ quỳ trước cửa. Đến mùa đông, tuyết rơi ngập
cả sân chùa, chàng trai đó không ngại rét buốt, vẫn tiếp tục quỳ ngoài trời. Cuối cùng, Đạt Ma Tổ Sư bước
ra và bảo: “Nếu nhà ngươi có thể làm tuyết màu trắng chuyển sang màu đỏ, ta sẽ nhận ngươi làm đồ đệ!”.
Chàng trai bèn dùng thanh kiếm chặt đứt một cánh tay của mình, máu chảy xuống xối xả, rõ ràng tuyết
xung quanh chuyển từ màu trắng sang màu đỏ. Xúc động trước tấm lòng chí thành cầu đạo của chàng trai,
Đạt Ma Tổ Sư thu nhận chàng và đó là Nhị Tổ Huệ Khả của chùa Thiếu Lâm. Nơi Huệ Khả đứng dưới
tuyết cầu đạo chính là Lập Tuyết Đình (lập tuyết = đứng dưới tuyết).
“Cửu niên diện bích” của Đạt Ma Tổ Sư
Chùa Thiếu Lâm được xây dựng năm 495, dưới triều Bắc Ngụy (386 - 534). Năm 517, một nhà sư Ấn Độ
tên là Bồ Đề Đạt Ma (vốn là con một vị tiểu vương ở miền nam Ấn Độ) đến đây tu hành và sáng lập ra Phật
Giáo Thiền Tông, đồng thời truyền bá võ công, gọi là Thiếu Lâm công phu. Tương truyền rằng, ông ngồi
thiền trong một hang núi bên trên chùa Thiếu Lâm, mặt quay vào tường đá trong suốt chín năm liền, đến
nỗi khuôn mặt của người in hằn lên đá. Đó là câu chuyện ly kỳ Cửu niên diện bích mà du khách nào đến
Thiếu Lâm Tự cũng được nghe kể lại. Bồ Đề Đạt Ma còn là tác giả của bộ Dịch cân kinh, “bí kíp” tuyệt
đỉnh của Thiếu Lâm Tự.
Trong lịch sử hơn 1.500 năm, Thiếu Lâm Tự trải qua những thời kỳ phát triển rực rỡ, nhưng cũng có những
giai đoạn đen tối, u buồn. Nhiều vương triều Trung Quốc được các nhà sư ủng hộ để dẹp loạn, do đó Thiếu
Lâm Tự cũng được các triều đình đề cao. Tiêu biểu nhất là câu chuyện vào năm 620, mười ba vị sư đã giúp
Thái tử Lý Thế Dân (về sau là vua Đường Thái Tông) đánh thắng tướng nhà Tùy là Vương Thế Sung, giúp
nhà Đường thống nhất Trung Quốc. Câu chuyện này được thể hiện trên bức bích họa trong Đại Hùng Bảo
Điện có tên Mười ba nhà sư Thiếu Lâm giải cứu vua Đường.
Thiếu Lâm Tự nhiều lần bị đốt phá, lần cuối cùng là vào năm 1928 bởi bọn quân phiệt ở địa phương. Các
sảnh điện ở đây hiện nay đều là những kiến trúc được xây dựng lại trên nền cũ.
Thiếu Lâm Tự mà du khách viếng thăm ngày nay thực chất là một viện bảo tàng. Tại đây, chỉ có một vài
nhà sư trẻ làm nhiệm vụ trông nom, bảo quản, không thấy bóng dáng của các vị cao tăng, không có cảnh
đọc kinh hay luyện võ như ta vẫn xem trong phim. Đằng sau khuôn viên chùa Thiếu Lâm, còn có những tu
viện dành riêng làm nơi ăn ở và luyện võ của các vị chân tu. Du khách không được vào, vì đây là nơi truyền
dạy những bí kíp của Thiếu Lâm công phu. Còn tại các võ đường mà chúng tôi thấy rất nhiều ở dưới chân
núi, người ta chỉ dạy những môn võ phổ thông. Dù không trông thấy, nhưng chúng tôi vẫn nghe được âm
thanh những binh khí chạm vào nhau và tiếng huỳnh huỵch bên ngoài bức tường bao quanh ngôi chùa.
Ra khỏi chùa, đi một quãng độ vài trăm mét, du khách đến thăm khu vực có tên là Rừng Tháp (Tháp Lâm)
với hàng trăm tháp lớn nhỏ khác nhau, nhưng không tháp nào vượt quá chiều cao 15m. Mỗi vị sư trụ trì của
chùa, sau khi qua đời, tro cốt được đặt trong một tháp ở đây.
Vị CEO khoác tăng bào
Du khách đến thăm Thiếu Lâm Tự đều nghe nói đến tên nhà sư Thích Vĩnh Tín, vị phương trượng của chùa
hiện nay. Muốn gặp ông không phải là chuyện dễ, vì ông luôn bận rộn đi chu du khắp nơi trong nước và cả
ở nước ngoài để quảng bá “thương hiệu” của Thiếu Lâm Tự.
Thích Vĩnh Tín năm nay 42 tuổi, tên thật là Lưu Ứng Thành, quê quán ở tỉnh An Huy, đến chùa vào năm
1981. Năm 1987, ông là chủ nhiệm Ban quản lý Thiếu Lâm Tự. Năm 1999, ông được bầu làm phương
trượng (sư trụ trì của chùa), khi mới 34 tuổi, trở thành vị phương trượng trẻ nhất trong lịch sử 1.500 năm
của Thiếu Lâm Tự.
Khác hẳn các phương trượng trước kia có cuộc sống khắc khổ, nghiêm nghị, xa cách với bên ngoài, Thích
Vĩnh Tín đã hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thị trường. Trong quyển Thiền lộ tập, ông viết: “Phật
giáo không tỵ thế, nếu tỵ thế, Phật giáo sẽ sớm diệt vong”. Ông còn nói: “Điện ảnh, truyền hình và Internet,
đều là các công cụ giao lưu của thế giới hiện đại, phải sử dụng những công cụ đó để phục vụ Phật giáo và
văn hóa truyền thống”.
Ngay từ những năm 1996, trong lúc ở Trung Quốc chưa mấy người biết đến Internet, ông đã xây dựng
website đầu tiên về các ngôi chùa Trung Quốc. Sau đó, ông cho công bố trên website một số bí kíp võ công
của nhà chùa, điều này đã gây ra một số tranh cãi và những phê phán. Ông đã cử những đoàn võ thuật
Thiếu Lâm, trong đó có nhiều vị cao tăng, đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Năm 2006, Thiếu Lâm Tự và
tập đoàn truyền thông Thâm Quyến hợp tác tổ chức cuộc đại tỉ thí võ thuật toàn cầu Ngôi sao Kungfu.
Thích Vĩnh Tín muốn nâng “võ thuật” Thiếu Lâm lên tầm “võ học”, “võ đạo”. Ông thiết lập quan hệ hợp
tác nghiên cứu với nhiều trường đại học nổi tiếng ở Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh
Hoa, Đại học Nhân Dân nhằm xây dựng một nền Thiếu Lâm học, giống như Đông Phương học, Đôn Hoàng
học (nghiên cứu di sản văn hóa Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc), Hồng học (nghiên cứu tác phẩm Hồng Lâu
Mộng). Tháng 8.2006, ông sang Úc, mua mảnh đất rộng 12km2 với dự định xây dựng một Trung tâm văn
hóa Thiếu Lâm ở đây. Theo Thích Vĩnh Tín, thì văn hóa Thiếu Lâm không chỉ có võ thuật mà phải bao gồm
cả ba yếu tố võ, thiền, y. Ông đang xin phép chính quyền cho phép mở “Thiếu Lâm dược cục” ở góc tây
nam khu chùa.
Cách đây bốn năm, kênh truyền hình Mỹ, Discovery, đã làm một bộ phim về Thích Vĩnh Tín có tên là Tân
Thiếu Lâm Tự Phương trượng. Còn bản thân Thích Vĩnh Tín cũng đang xây dựng một bộ phim truyền kỳ
về các võ tăng của Thiếu Lâm, dự kiến sẽ trình chiếu vào thế vận hội Bắc Kinh 2008. Báo chí Mỹ gọi ông
là một CEO (Tổng giám đốc điều hành) mặc áo cà sa. Thực tế là ông đang quản lý một doanh nghiệp lớn,
trong đó khu vực nhà chùa chỉ là một bộ phận. Năm 1981, khi Thích Vĩnh Tín đến chùa, Thiếu Lâm Tự
đang trong tình trạng hoang phế. Một năm sau, bộ phim Thiếu Lâm Tự của Hồng Kông ra đời (trong đó Lý
Liên Kiệt - một môn sinh của Thiếu Lâm, thủ vai chính), khiến cho ngôi chùa này trở thành tiêu điểm chú ý
của quốc tế. Ngày nay, Thiếu Lâm Tự là một khu vực xây dựng hiện đại, có nhiều trường võ thuật, nhà
hàng, khách sạn, quán ăn... đều là tài sản của chùa.
Chúng tôi đến thăm Thiếu Lâm Tự, cũng nghỉ tại khách sạn của chùa có tên là Thiền. Cung cách phục vụ
cũng giống như các khách sạn ở thành phố, nhân viên khách sạn đều là người bên ngoài làm thuê cho chùa,
không có vị sư nào cả. Nếu muốn ăn chay, thì có một nhà hàng đồ chay ở bên ngoài khách sạn. Buổi sáng,
du khách xem biểu diễn võ công trong một sảnh đường bên cạnh khách sạn. Buổi tối, nếu bỏ ra 200 nhân
dân tệ (400 ngàn đồng Việt Nam) để mua vé, du khách có thể thưởng thức một chương trình võ thuật với
âm nhạc, vũ đạo, có sự tham gia của hơn 600 diễn viên. Sân khấu ngoài trời nằm ở thung lũng Đại Tiên
Câu, cách chùa Thiếu Lâm 7km, xung quanh là vách đá dựng đứng. Trong thung lũng có sẵn khe suối, tùng
bách, cầu đá, hình thành một sân khấu thiên nhiên thật thơ mộng và hùng vĩ. Kỹ xảo ánh sáng tối tân, nhạc
thiền êm dịu sâu lắng, kết hợp với vũ đạo và biểu diễn võ công điêu luyện, tạo nên một chương trình nghệ
thuật đặc sắc không giống bất cứ cuộc biểu diễn nghệ thuật nào trên thế giới!
Đúng là thời hiện đại. Khi Thiếu Lâm Tự kinh doanh, họ kinh doanh giỏi chẳng kém những “Thiếu Lâm
công phu” nổi tiếng”...
TRẦN VĨNH AN
Trẻ trung Madrid
TTO - Nằm giữa trung tâm bán đảo Iberian, thủ đô Tây Ban Nha trải rộng trên các
ngọn đồi dưới chân rặng Sierra de Guadarrama, ở độ cao 640 mét so với mặt nước
biển - là thành phố cao nhất châu Âu. Diện tích 607km2. Dân số gần bốn triệu
người.
Madrid nổi tiếng với các địa danh lịch sử, các viện bảo tàng, công viên ngát xanh,
đường phố sôi động, quán bar ngoài trời, tất nhiên cả những trận đấu bò cuồng
nhiệt, và giai điệu Flamenco quyến rũ.
Nếu “châu Âu là lục địa già cỗi”, thì Madrid là một ngoại lệ - Madrid sôi nổi và trẻ
trung.
“Thủ đô đi bộ”
Madrid được mệnh danh là thủ đô đi bộ. Thành phố chập chùng cao thấp, với những con đường lả lướt, uốn
lượn. Buổi chiều và tối, các con đường lớn nhỏ đều đông kín người. Đi chán chê ê ẩm, đến khi mỏi gối
chồn chân, thì cứ việc tọa xuống một quán nước bên đường. Madrid, trừ những đại lộ xe cộ ngợp trời, còn
khối những con đường chỉ dành cho người đi bộ, ở đó luôn có các quán giải khát lộ thiên bao giờ cũng
đông đảo khách hàng. Họ ngồi nghỉ ngơi, nhâm nhi cốc vin đặc sản, chuyện trò, đôi khi nhấm nháp chút
chút, rồi lại tiếp tục lên đường. Về khuya, tuy đã bớt đi một số vào các nhà hàng, vũ trường, rạp hát...
nhưng đường phố vẫn nhộn nhịp những người. Đêm, hình như dân Madrid không chịu ngủ. “Cổ nhân bỉnh
chúc”, tưởng chỉ các cụ xưa ham chơi, nào dè nay thành cách sống của con người hiện đại.
Dân Madrid vui vẻ, sôi nổi, lịch thiệp, tốt bụng. Ngay giữa lòng châu Âu, nhưng xem ra người Tây Ban
Nha nói chung và dân Madrid nói riêng đậm chất Nam Mỹ hơn là một thành viên cố cựu của lục địa già. Từ
nét mặt, màu da, màu mắt, dáng người, nhất là con gái - con gái Madrid mắt nâu, da bồ quân, mạnh khỏe,
ngon lành không khác mấy những cô nàng ngồn ngộn khi nào cũng chực hút hồn cánh nam tử.
Dân Madrid thích thể thao, đặc biệt mê bóng đá - bóng đá là vua. Khắp đất nước Tây Ban Nha, đâu đâu
cũng có sân bóng, đội bóng. Trong đó, đội bóng Hoàng gia Real Madrid của họ là nhất. Sân vận động
Santiago Bernabeu với 130.000 chỗ ngồi luôn chật kín người mỗi lần đội “Những chú kền kền trắng” con
cưng của họ thi đấu. Vui nhất là trong số những cổ động viên la hét cuồng nhiệt ấy đôi khi có cả đức Giáo
hoàng.
Thủ đô văn hóa châu Âu
Tây Ban Nha có nền văn hóa rực rỡ và lâu đời. Năm 1992, Madrid được chọn làm thủ đô văn hóa châu Âu.
Madrid có nhiều tượng đài, công trình nghệ thuật, kiến trúc, nhà hát, thư viện, viện bảo tàng... trong đó