7 thói quen tạo nên những đứa trẻ có tương lai
thành công
1. Làm việc có kế hoạch
Một số trẻ nhỏ thường không tìm thấy tất hoặc khăn quàng đỏ buổi sáng
trước khi đi học hoặc mỗi lần đến kỳ thi lại cuống cuồng học đêm học ngày
để bổ sung kiến thức Bé nhà bạn có những biểu hiện như vậy không?
Nếu có, bạn cần kiên nhẫn và quyết tâm "xử lý" thói quen làm việc (học
hành) không theo kế hoạch của bé. Có thể bé chưa biết cách nên bạn cần
hướng dẫn bé trước khi làm việc gì cần phải suy nghĩ xem làm như thế
nào, bắt đầu từ đâu, định làm trong bao lâu và bao giờ thì xong. Bạn vừa
phải là người hướng dẫn, giám sát và đôi khi lại phải "đóng vai" bạn đồng
hành với bé trong lúc thực hiện công việc.
2. Tập thể dục hàng ngày
Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ (mà thực chất là các vị phụ huynh) chỉ biết đến
học mà quên mất cần phải rèn luyện cơ thể hàng ngày. Không cần mất
quá nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cần dành ra 15 - 30 phút để tập thể dục
hoặc tham gia hoạt động thể thao có tác dụng rất tốt. Bé không chỉ được
giải phóng về mặt cơ thể mà tinh thần còn được thư giãn, giảm bớt áp lực
học hành.
Thói quen rèn luyện cơ thể mỗi ngày là một hoạt động lành mạnh và rất có
lợi cho sức khỏe của bé. Đặc biệt sau này khi lớn lên, phải tham gia vào
nhiều hoạt động và chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nếu có nền tảng thể
lực tốt, bé sẽ có lợi thế hơn nhiều người khác.
3. Vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày
Rửa tay trước khi ăn cơm, đánh răng vào mỗi tối, vệ sinh cá nhân hàng
ngày, quần áo luôn gọn gàng, sạch sẽ, không nhổ nước bọt và vứt rác
bừa bãi là biểu hiện của một công dân tương lai hiểu rõ cách bảo vệ sức
khỏe bản thân và lối sống văn minh, lịch sự, yêu quý bản thân mình và tôn
trọng người khác.
4. Không dựa dẫm vào người khác khi làm việc của mình
Tự mình làm việc, học tập là để tích lũy kinh nghiệm và "xây dựng" sức
mạnh trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Vì vậy, nếu bé nhà bạn
cứ đợi phải nhắc mới đi tắm, học bài, đánh răng hoặc mỗi khi gặp bài
tập khó hay việc khó đều chỉ biết chờ bố mẹ làm hộ mà trước đó không tự
mình nghĩ cách thì đó là dấu hiệu cho thấy lớn lên bé có nguy cơ trở thành
người chỉ biết ỷ lại và dựa dẫm vào người khác.
5. Mỉm cười với người khác
Shelley - nhà thơ người Anh - từng viết: "Nụ cười, đó là biểu hiện của lòng
nhân từ, là suối nguồn của niềm vui và là cách dễ nhất để tiếp xúc với
người khác".
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hay gặp phải những tình huống rất
dẫn đến mâu thuẫn, từ chuyện nhỏ như bị dẫm lên chân, bị xô đẩy trên xe
buýt đến chuyện lớn như bị nói xấu sau lưng, bị vu oan Với những tình
huống như thế này, nếu biết mỉm cười trước khi tỏ ra tức giận và buông lời
lẽ cay nghiệt thì bạn đã làm giảm mâu thuẫn xuống nhiều lần, tránh được
những rắc rối không đáng có, thậm chí có khi còn tạo được mối quan hệ
tốt.
Vì vậy, ngay từ nhỏ hãy dạy bé luôn mỉm cười với người khác để nuôi
dưỡng lòng khoan dung, độ lượng và thái độ mềm mỏng, suy nghĩ tích
cực trước mọi thách thức trong cuộc sống sau này.
6. Đã nói là làm
Đây là biểu hiện của một con người có trách nhiệm, tự tin vào bản thân
mình và luôn cố gắng vượt qua khó khăn.
Không quá khó để khẳng định một em bé có biểu hiện này khi lớn lên sẽ
trở thành một người tốt, một công dân mẫu mực và cũng là người được
bạn bè tin tưởng, được cấp trên tin cậy mỗi khi giao nhiệm vụ. Tính cách
này đặc biệt quan trọng đối với các bé trai, bởi đây là một phần trong bản
lĩnh của người đàn ông trưởng thành.
7. Biết sửa sai
Biết dũng cảm nhận lỗi đã là một biểu hiện đáng khen ngợi của bé nhưng
biết suy nghĩ về lỗi lầm của mình, nhận thức về hậu quả gây ra để từ đó
không mắc lại sai lầm lần nữa còn đáng biểu dương hơn. Bởi ngay cả
người lớn nhiều khi cũng không có biểu hiện này.
Thói quen này của bé không phải tự nhiên sinh ra mà bạn phải là người
phân tích và hướng bé có suy nghĩ sửa sai mỗi khi mắc lỗi dù nhỏ đến
mấy. Nhưng cần chú ý là bạn đang dạy dỗ con chứ không phải là chỉ trích,
phê bình. Đừng khiến bé quá sợ hãi đến nỗi đánh mất lòng tự tin khi làm
các công việc tiếp sau đó.