Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Tài liệu Người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (249.72 KB, 10 trang )





Người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống
Việt Nam

Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua
không cần Thượng Đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua
không cần tới một điều cao hơn: chính là đời anh, quyền năng sáng tạo."
Đó là câu nói của danh họa Vincent VanGogh mà Giáo sư họa sĩ Lê văn
Đệ thường nói với các học sinh trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định
ngày xưa.
Họa sĩ Lê văn Đệ (24/8/1906-16/3/1966) sinh tại Mỏ Cày, Bến Tre,
trong một gia đình nhà nho. Thân sinh là cụ Lê Quang Hòe. Gia đình có
13 người con, Lê văn Đệ là con thứ mười nên ở nhà có tên là Dix
(Mười). Học trung học tại trường Taberd Sài Gòn rồi thi vào trường Cao
đẳng Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội, năm 1925. Ông học với giáo sư
họa sĩ người Pháp Victor Tardieu và Joseph Inguivaberty. Các bạn cùng
thời với ông sau này đều nổi tiếng, như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê
Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn…
Sau 5 năm theo học, ông đậu thủ khoa năm 1930, khóa I Cao đẳng Mỹ
thuật Đông Dương, và được học bổng du học Pháp.
Thời gian này ông đã tạo được điểm son trong lịch sử mỹ thuật VN: Hội
Nghệ sĩ Quốc gia Pháp, tại Paris ngày 1/5/1932 tổ chức cuộc triển lãm
tranh, tượng; ông đoạt giải nhì với ba tác phẩm Mụ Thầy Bói, Bến Ga
Monparnass, và Người Đàn Bà Cài Đầu.
Trong những năm học tại Paris, tác phẩm của ông luôn gây được sự chú
ý tại thủ đô Ánh Sáng. Với thành tích rực rỡ này ông được nhận thêm
học bổng tu nghiệp tại Ý và Hy Lạp.
Theo Đông Dương Tuần báo, vào năm 1934 , có hơn 40 tờ báo Pháp đề


cập đến tác phẩm của ông. Ông được Bộ Văn hóa Pháp chọn mua bức
tranh Trong Gia Đình, và được treo trang trọng ở Bảo tàng Mỹ thuật
Luxembourg.
Năm 1936, Tổ chức Báo chí Công giáo bảo trợ tại Rôma mở cuộc triển
lãm tranh, tượng, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của 30 quốc gia trên thế
giới: tác phẩm của ông đoạt giải nhất.
Sau đó ông được mời phụ trách trang trí trong điện VATICAN và được
ban thưởng Giáo Hoàng Bội Tinh, đây là một vinh dự cho dân tộc Việt
Nam. Công trình do ông chỉ đạo thực hiện đã được báo chí Ý, Pháp, và
nhiều nước trên thế giới đánh giá cao về chất lượng, tuy số lượng không
nhiều. Đa phần tác phẩm của ông nằm trong các sưu tập ở bảo tàng
Pháp, Ý, và một số tranh chân dung các chức sắc trong tòa Thánh
Vatican như: chân dung Đức Giáo Hoàng PIO XI, chân dung Đức Hồng
Y Verdier, chân dung các thiếu nữ Ý, Pháp và một số tranh tôn giáo:
Đức Mẹ Từ Bi, thánh Madeleine dưới chân Thập Giá (bức này được
Viện bảo tàng Mỹ thuật giáo sĩ thừa sai Vatican mua), Mẹ và Con (Viện
bảo tàng Mỹ thuật Aix Lachapelle đặt mua)
Năm 1936, ông được Đức cha Celso-Costantins, Thư ký Bộ Truyền giáo
Vatican rửa tội với tên thánh Celso-Léon Lê văn Đệ. Với bản chất là
người dân Nam Bộ, mộc mạc, bình dị, thích cái đẹp thôn dã của quê
hương, nên ông quyết định trở về nước sau gần 10 năm học tập, nghiên
cứu, sáng tác và nổi danh ở Châu Âu.
Thời gian về nước là giai đoạn ông hoàn thiện kỹ thuật vẽ tranh lụa, phối
hợp nền hội họa Thủy Mặc nghìn năm của Trung Quốc, với bố cục và tỷ
lệ vàng của các họa sĩ thời phục hưng ở Châu Âu, sáng tạo ra nền hội
họa tranh lụa truyền thống VN. Bản chất lụa Việt Nam, là loại lụa tơ
tằm, có gân, thớ lụa không mịn và đều như lụa Trung Quốc. Phần lớn
họa sĩ miền Bắc dùng lụa Hà Đông, ở miền Nam dùng lụa Tư Cua ở Gia
Định. Trước lúc vẽ, lụa được căng lên khung gỗ, và tẩy bằng chanh hoặc
phèn chua đề phòng dán, mọt gặm nhấm.

Khi vẽ thì không vẽ theo lối công bút của Trung Quốc mà là nhuộm màu
từng bước, mỗi lần vẽ xong phải rửa cho cặn màu trôi đi, sau đó lại
nhuộm thêm cho đến khi thấy độ màu ổn định mới thôi. Một bức tranh
lụa đẹp, ngoài nội dung, bố cục, màu sắc, phải thể hiện được sự óng ả
của thớ lụa, chất lụa. Nếu vẽ rửa nhiều nước thì độ mướt của chất lụa sẽ
giảm, chà cọ nhiều tơ lụa sẽ bị xù lông, hoặc mặt lụa bị lì, lụa không còn
độ bám của màu nữa, lúc đó người vẽ phải thay lụa mới. Màu trắng
trong tranh thường được chừa lại bằng nền lụa, ngoài nét ra, các mảng
thường được dùng cọ bản để đánh màu cho tan đều, chuyển độ trung
gian giữa nét và khối hòa quyện vào nhau. Chính vì thế, tranh của ông
thường óng ả, mềm mại, thớ lụa rõ ràng, bố cục mạch lạc, quý phái, dễ
tạo nên cảm giác có một lớp nước rất mỏng, trong trẻo, dịu dàng, đưa
người thưởng ngoạn quên đi phần nào cái đau khổ của phận người, của
một kiếp phù sinh.
Năm 1942, ông quy tụ các họa sĩ tài danh lúc bấy giờ, lập ra nhóm Nghệ
thuật An Nam, tổ chức nhiều triển lãm gây tiếng vang lớn, với những tác
phẩm đi vào lòng người như: bức tranh lụa Rèm Thưa, Mẫu Tử, … tại
Hội chợ Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần I ở vườn Tao Đàn Sài Gòn; bức
Nắng Hè là một trong những bức tranh lụa nổi tiếng nhất vào những năm
cuối đời ông; năm 1959 Sở Văn hóa Thông tin Hoa Kỳ đã in trang nhất,
bìa lịch tết để tặng bạn đọc.

Tranh lụa Lê Văn Đệ

Đến năm 1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, một số giáo sư và
sinh viên Mỹ thuật di cư vào Nam. Chính phủ thời bấy giờ quyết định
thành lập trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, và cử họa sĩ Lê
văn Đệ làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Những sinh viên khóa đầu
tiên do vị thầy khả kính Lê văn Đệ hướng dẫn đều đã thành danh như
họa sĩ Hiếu Đệ, Trương Thị Thịnh, Vũ Thị Ngà, Nguyễn Văn Minh,

Nguyễn Thanh Thu (điêu khắc gia), Lê Thành Nhơn (ĐKG), Đỗ Quang
Em, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm … và nhiều họa sĩ nổi
tiếng khác.Giáo sư họa sĩ Lê Văn Đệ là Giám đốc của trường, nhưng
ông là một con người bình dị, thích cái đẹp thôn dã, giàu lòng vị tha, và
đặc biệt rất thương học trò; nên ông chọn dạy lớp căn bản cho các tân
sinh viên. Đối với học sinh, ông là người nổi tiếng sửa bài hay nhất, chỉ
cần một nét quệt ngón tay của thầy vào bài là sẽ thấy ngay chỗ sai, nét
than bay bớt đi, nét nhấn khối đậm thêm, bố cục mới được chắc, đậm
nhạt, âm dương giao hòa.Từ thưở ấu thơ cắp sách đến trường, chúng ta
đã được thầy cô dạy dỗ những bài học đạo đức đầu tiên, giúp chúng ta
nên người như hôm nay; là một người trò chúng ta không thể nào quên
truyền thống “không thầy đố mày làm nên” mà ông cha ta đã truyền dạy
từ bao đời nay. Chính thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của
chúng ta bay cao, cung cấp hành trang, kiến thức cho chúng ta vào đời,
giúp chúng ta thành công trên con đường học vấn. Thế nhưng sau khi ra
đời có mấy ai còn nhớ về thầy cô giáo cũ của mình?Tháng 11 là tháng
cầu cho các linh hồn, và ngày nhà giáo VN 20/11 sắp đến; đây cũng là
dịp chúng ta và các đồng nghiệp thắp lên một nén hương lòng, tưởng
nhớ đến một họa sư bậc thầy có công đặt nền móng vững chắc cho nền
Nghệ thuật Hiện đại Việt Nam.


×