Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tài liệu Hình tượng con người trong điêu khắc kiến trúc đình làng Việt thế kỷ XVII pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (257.38 KB, 8 trang )

Hình tượng con người trong điêu
khắc kiến trúc đình làng Việt thế kỷ
XVII

Cuối thế kỷ XVII là giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc kiến
trúc đình làng Việt và nhiều ngôi đình nổi tiếng xuất hiện trong giai đoạn này như:
đình So, đình Chu Quyến (Hà Tây), đình Kiền Bái (Hải Phòng), đình Diềm (Bắc
Ninh ) .
Hiện chưa có một thống kê đầy đủ về số lượng những ngôi đình thế kỷ XVII, nhưng
có thể khẳng định chúng chiếm một tỷ lệ khá lớn trong loại hình đình làng Việt, tập
trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và rất nhiều trong số đó còn bảo lưu được các
giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật.
Đi liền với những công trình kiến trúc công cộng làng xã là sự phát triển đến đỉnh
cao của nghệ thuật điêu khắc dân gian, góp phần tạo nên giá trị độc đáo của kiến
trúc đình làng thế kỷ XVII. Trong điêu khắc trang trí trên kiến trúc đình làng giai
đoạn này, hình tượng con người nổi lên như một hình ảnh trung tâm, một điểm
nhấn độc đáo(1).


Điêu khắc gỗ tại đình Hà Hiệp – Hà Tây
Nghệ thuật đã phát triển lên một trình độ mới, thể hiện ý thức về cuộc sống tinh
thần của người dân đương thời. Hình tượng con người không những phong phú về
chủ đề, ý tưởng mà còn đa dạng về thủ pháp nghệ thuật diễn đạt và chiếm một vị trí
trang trọng trong đình. Có thể chia theo hai nội dung chính:
- Hình tượng con người mang yếu tố thần thoại, ước lệ được thể hiện ở những mảng
trạm khắc theo các chủ đề: “Vũ nữ thiên thần” “người cưỡi rồng, phượng, hạc”,
“táng mả Hàm Rồng” “Người cưỡi hổ”
- Với hình tượng con người phản ánh cuộc sống xã hội đương thời được thể hiện ở
cảnh”Đấu vật”, “uống rượu”; “đánh cờ”; “mẹ con”; “cưỡi ngựa”, “chọi gà, lễ hội”,
“nam nữ tình tự”, “thiếu nữ tắm hồ sen”, “chèo thuyền”, “đi săn”.
Với hình tượng con người mang yếu tố thần thoại nổi bật với những hình tượng vũ


nữ thiên thần có cánh và không có cánh.Tượng vũ nữ ở vị trí ván gió cánh gà
thường chạm chính diện với khuôn mặt trái xoan , mũi thấp , môi mỏng , cổ cao
thanh tú , đôi khi thể hiện rõ cả 3 ngấn (Đình Diềm – Bắc Ninh). Có khi tượng vũ nữ
lại có những đặc điểm chung là ngực nở bụng thon , cánh tay dài với những ngón
tay búp măng mềm mại.
Bên cạnh đó còn rất nhiều hình tượng con người khác như những đạo sĩ ngồi bó gối
trầm tư (đình Hạ Hiệp), người bắt lợn (đình Hạ Hiệp, đình Hương Canh…), chồng
nụ, chồng hoa, thôn nữ ngồi trên đầu rồng, đá cầu (đình Hạ Hiệp, đình Hương
Canh), cưỡi ngựa, cưỡi voi, quản tượng… Với hàng trăm con người đã vẽ lên bức
tranh làng quê xưa: có điều thiện và tội ác, có hạnh phúc và khổ đau, có nụ cười và
nước mắt, có khát vọng, lạc quan và bi luỵ, đau thương… Tuỳ từng đề tài mà cách
diễn đạt, mô tả, nhấn mạnh từng đặc điểm khác nhau. Đạo sĩ thường có khuôn mặt
đăm chiêu (đình Hạ Hiệp), cảnh đấu vật, đi săn thì nhấn mạnh các bắp thịt cuồn
cuộn của nhân vật chính (đình Hạ Hiệp, Đại Phùng, Hoàng Xá), cảnh nam nữ tình
tự, cảnh thiếu nữ… lại chú ý diễn tả khuôn mặt vui vẻ, viên mãn; các cô gái được
diễn tả với khuôn ngực căng tròn, đầy sức sống (đình Phù Lão); Người nông dân
thường có đặc điểm: đầu tròn, to, cạo trọc; đàn bà thường có khuôn mặt đầy đặn,
phúc hậu, để tóc dài, xoã hoặc búi thành búi lớn trên đỉnh. Nói chung hình ảnh con
người đa phần đều mang những nét cơ bản của người bản địa, thuộc chủng tộc Nam
á, với những đặc điểm: người thấp, đậm, mặt tròn, mũi to, sống mũi thấp, môi dày,
mắt to… Cũng có một vài mảng chạm người đàn ông có vóc dáng khá cao lớn, mũi
cao, và đặc biệt dựa vào trang phục (áo dài, chân đi ủng, đầu đội mũ phớt rộng
vành…), có thể đó là những người phương Tây đến nước ta buôn bán trong giai
đoạn này; Những bức chạm mô tả người đàn ông trong các cảnh đấu vật, đi săn,
táng mả hàm rồng… thường có thân hình vạm vỡ, ngực nở, đôi khi các cơ bắp được
phóng đại lên quá mức. Nhìn chung, hình tượng con người trong điêu khắc kiến
trúc đình làng thế kỷ XVII thường có tỷ lệ giữa đầu và thân mang tính ước lệ, chỉ
bằng 1/3.
Một đóng góp quan trọng của điêu khắc đình làng là sự phản ánh cuộc sống hiện
thực của nông thôn Việt Nam thế kỷ XVII. Hoàn cảnh kinh tế xã hội lúc đó không

chỉ có sự thay đổi về vật chất mà còn mang lại những trào lưu tư tưởng mới. Chính
vì thế, khi ngọn lửa của cuộc nội chiến vừa tắt, thôn xóm mới trở lại yên bình, người
dân đã bắt tay xây dựng đình, chùa. Người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện cách nhìn
lãng mạn của họ về một thế giới đang hồi sinh: cảnh náo nhiệt của hội làng, phút
giây đoàn tụ chồng vợ, cuộc hò hẹn của bạn tình, sự nồng nàn của ái ân, nụ cười
không tắt của cuộc rượu, phút thư nhàn của buổi săn… tất cả đều tươi mát tình
nhân ái, tính nhân văn. Song, cái chất lãng mạn của điêu khắc đình làng không
mang tính dung tục, thấp hèn. Có rất nhiều cảnh tình tự không hề khơi dậy cảm
giác xác thịt mà chỉ thể hiện tình yêu và cái đẹp cùng ý thức phản kháng mãnh liệt
của con người đương thời.
Có thể thấy qua những bức chạm của đình làng Việt thế kỷ XVII rất nhiều mặt của
đời sống xã hội: trong lao động – cảnh đi săn thú, trong sinh hoạt – vợ chồng gãi
chân cho nhau, đá cầu, đấu khiên, hát chèo, nam nữ tự tình, uống rượu… Ngoài ra
còn khá nhiều bức chạm mô tả về tầng lớp quan lại: cảnh người hầu quạt cho quan,
cảnh quan cưỡi ngựa, cảnh cướp con, đòi nợ và đặc biệt là cảnh phạt vạ gái chửa
hoang ở sân đình (đình làng Phù Lão)… Tính hiện thực thể hiện ngay trong từng
chi tiết: Khẩu súng kíp, đao, kiếm, cung của thế kỷ XVII; Y phục của con người
thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội đương thời: (váy, mũ miện, hạt cườm của
phụ nữ; áo dài, ủng, mũ phớt của đàn ông…); Những nhạc cụ cổ xưa (kèn, sáo,
trống, thanh la…) hay các trò chơi dân gian (đấu vật, chọi gà, đá cầu…) vv… Đó là
những tư liệu phong phú, sống động cho các ngành khoa học như: Dân tộc học, Văn
hoá dân gian, Lịch sử quân sự…
Thông qua tính hiện thực của đề tài, điêu khắc trang trí đình làng Việt thế kỷ XVII
còn thể hiện tính đấu tranh sâu sắc. Dưới chế độ phụ quyền Nho giáo, người phụ nữ
bị khinh miệt, coi rẻ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “phụ nhân nan hoá”)….
Vì vậy, người phụ nữ không được tới đình làng. Vậy nhưng điêu khắc đình làng lại
dày đặc hình ảnh người phụ nữ. Họ tự do thể hiện tình yêu với chồng, với con, với
bạn bè; tự do vui đùa, ca hát… Có thể nói, không ở một công trình kiến trúc dân
gian nào khát vọng yêu đương lại được bộc lộ mạnh mẽ như ở đình làng Việt.


Điêu khắc gỗ tại đình Phù Lưu – Bắc Ninh
Bên cạnh chủ đề ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, một phần nội dung nghệ thuật đã
trở thành tiếng nói tố cáo chế độ phong kiến đương thời. Đó là cảnh những tên quan
bụng phệ ngồi trên sập có thê thiếp hầu quạt. Cảnh phạt vạ của làng với một cô gái
đang bụng mang dạ chửa (đình Phù Lão). Đây chính là những lời tố cáo đanh thép.
Tóm lại, dù phản ánh hiện thực cuộc sống hay phản ánh ước mơ, khát vọng của
người nông dân đương thời thì những tác phẩm điêu khắc trang trí đó vẫn mang
đậm tính dân gian, dân dã. Người thợ chạm khắc gỗ thế kỷ XVII đã tự vượt ra khỏi
khuôn khổ gò bó để tạo nên những tác phẩm sinh động, cởi mở. Chỉ với vài nét đục,
vài đường chạm sơ phác nhưng những tác phẩm điêu khắc đó đã trở nên có hồn, vô
cùng sống động. Hơn thế nữa các đề tài thể hiện lại vô cùng phong phú, cho thấy đời
sống và sinh hoạt của người dân rõ ràng đã có ảnh hưởng đến nghệ thuật trang trí
kiến trúc và ngược lại, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc lại là tấm gương phản ánh
cuộc sống của người xưa.
Ghi chú:
1. Thực tế sang thế kỷ 18 ta vẫn gặp một số đình làng mô tả hình tượng con người
trên điêu khắc kiến trúc (đình Hồi Quan – Bắc Ninh, đình Hoành Sơn – Nghệ
An…).



×