Tải bản đầy đủ (.pdf) (2 trang)

Tài liệu HÌNH TƯỢNG CON NGỰA TRÊN ĐỒ GỐM CỔ VIỆT NAM pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (112.68 KB, 2 trang )

HÌNH TƯỢNG CON NGỰA TRÊN ĐỒ GỐM CỔ
VIỆT NAM


Gốm cổ Việt Nam rất phong phú, đa dạng không chỉ bởi hình dáng, màu men mà còn bởi các đồ
án hoạ văn trang trí.

Những đồ gốm vẽ hình chim, cá, thú thường là những phẩm vật mang tính nghệ thuật, có giá trị
kinh tế cao, và dường như nó được sản xuất phục vụ cho tầng lớp trên của xã hội đương thời
hay là để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trong vô số đồ gốm hoa lam và đồ gốm vẽ màu
của Việt Nam thế kỷ 15 được tìm thấy trên con tàu đắm dưới lòng đại dương ở gần đảo Cù Lao
Chàm (Hội An) năm 1997-2000, có khá nhiều loại gốm trang trí vẽ hình chim, thú. Trong đó đáng
lưu ý nhất là những đồ gốm vẽ hình con ngựa. Ngựa được vẽ tưng bừng và sống động trên
những chiếc Kendi (loạI bình rượu có vòi hình bầu vú), trên những vò rượu lớn hay trên bình tỳ
bà và các loại đĩa lớn. Những hình ngựa này được diễn tả trong nhiều tư thế khác nhau: đang
phi nước đại hay đang bay trong làn mây xanh hoặc đang rong ruổi trên chặng đường dài cùng
những ông quan đội mũ cánh chuồn Trên nhiều đồ gốm cao cấp khác, chúng ta cũng bắt gặp
hình ảnh người cưỡi ngựa, phía sau có người hầu. Trên một vò rượu sành lớn, mà hiện nay
đang được coi là phẩm vật cao quý của Thổ tù Đinh Công Kỷ, vị quan lang cai quản xứ Mường
Động ở vào thời Lê (thế kỷ 17) cũng chạm khắc cảnh quan quân cưỡi ngựa rất sinh động.

Những đồ gốm trang trí, hình ngựa thường được xem là những đồ vật quý, vì hình dáng của nó
thường rất đẹp. Hơn nữa trong thời kỳ cổ đại, con ngựa là đề tài rất được thị trường ưa chuộng.
Người ta thích mua những đồ vật trang trí đẹp, nhưng mang tính văn hoá và hàm chứa những
giá trị tư tưởng. Ngựa là con vật như vậy.

Con ngựa, Trung Quốc gọi là Mã, Nhật Bản gọi là Uma. Ấn Độ, tên Phạn của nó là Asu có nghĩa
là "mau lẹ", còn tên Ariăng của nó là Asuba có nghĩa là "chạy". Trong cuộc sống đời thường,
ngựa là con vật kéo xe hoặc cưỡi, dùng trong chiến trận; săn bắn và du hành, có nơi dùng trong
lao động nông nghiệp. Trong quan niệm cổ xưa, ngựa là con vật có bản tính mau lẹ, hăng hái,
được xếp dưới nguyên lý Dương của tự nhiên, và được coi là biểu trưng cho yếu tố Lửa. Tốc độ


của ngựa được so sánh với sự di chuyển của Mặt Trời. Chính vì đặc trưng này mà người ta
dùng biểu tượng ngựa để tượng trưng cho Mặt Trời. Có nơi, ngựa là vật hiến tế trong tín ngưỡng
thờ thần Mặt Trời.

Trong các sử thi Ấn Độ đều thấy nói nhiều đến tín ngưỡng thờ cúng Mặt Trời, tục này sau đã lan
truyền sang châu Âu và châu Á. Sự mau lẹ của con ngựa cùng với sức mạnh và năng lực có thể
đi được chặng đường rất xa của nó khiến cho người ta gán cho nó những tên gọi như Gío Tây,
Chân Mau, Tia Chớp, Thiên Lý Mã, Phi Mã…Phi Mã là con ngựa Ấn Độ tên là Assa Batanan, nó
là con “ngựa quý, thân trắng tuyền và đầu màu đen, có sức mạnh kỳ lạ, bay trong không trung”.
Vì đặc tính này, ở Ấn Độ và nhiều nước khác, người ta đã thể hiện hình ảnh ngựa trong nghệ
thuật với những đôi cánh như thiên thần, chẳng hạn như hình chạm khắc Budda Gaya trong các
điện thờ Hán ở bên Trung Quốc. Người Phương Tây quan niệm rằng ngựa có cánh xuất phát từ
con ngựa Pôgase có cánh của thần thoại HyLạp. Trên đồ gốm cổ Việt Nam cũng trang trí những
hình ngựa có cánh. Những con ngựa này được diễn tả trong tư thế đang bay trong không trung.
Như thế, con ngựa trong nghệ thuật gốm Việt Nam cũng hoá thân vào huyền thoại, và ít nhiều nó
đã mang màu sắc tôn giáo như con ngựa trong văn hoá Ấn Độ hay văn hoá Trung Quốc.

Cư dân Hồi giáo ở Đông Nam Á cũng có tục thờ ngựa, họ coi ngựa là con vật linh thiêng. Có lẽ vì
tín ngưỡng này mà đồ gốm vẽ ngựa của Việt Nam rất được cư dân Hồi ưa chộng. Theo một số
tài liệu nước ngoài, đồ gốm Việt Nam thế kỷ 14 và 15 không những đã xâm nhập vào đời sống
sinh hoạt cộng đồng cư dân HồI, mà còn được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ có tính cách
linh thiêng. Những đồ gốm này được đánh giá cao, đến nỗi sở hữu gốm được coi như tiêu biểu
cho cương vị xã hội, và được lưu truyền cho các đời sau như là những đồ gia bảo. Đối với hiện
vật dùng trong nghi lễ, giá trị đồ gốm tuỳ thuộc vào những gì có liên quan đến yếu tố linh hồn và
tổ tông hơn là sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Đây cũng có thể là lời giải đáp cho sự hiện diện của
nhiều đồ gốm vẽ ngựa trên con tàu đắm Hội An mà tôi đã nêu trên.

Theo quan niệm của Ấn Độ, ngựa là một trong những chòm sao của hoàng đạo phương Tây, nó
được hình tượng hoá qua người bắn cung Sagittarius xuất hiện ở vòng cung thứ chín dưới dạng
hình nhân mã, cũng tương tự như cung ngọ trong mười hai cung của phương Đông, mỗi cung

tượng trưng cho một con vật (Tý, sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Mùi…), và mỗi con vật không chỉ biểu
hiện cho một năm mà còn biểu hiện cho ngày và giờ.

Ở Phương Đông cũng như phương Tây, ngựa thường được gán cho những phẩm chất của sự
thanh khiết, sự cao quý và sự khôn ngoan. Đặc biệt ở Trung Quốc người ta rất coi trọng ngựa,
đánh giá nó rất cao vì nó liên quan đến việc thi cử. Các văn nhân chuẩn bị cho môn đồ của mình
đi thi được gọi là “mã sư”, nơi giảng dạy gọi là “ốc mã”, còn bản thân các học trò được gọi là “mã
sinh”. Dưới thời Lê Sơ ở Việt Nam, các học trò trường Quốc Tử Giám cũng được gọi là mã sinh,
và khi họ đỗ tiến sĩ thì được vua ban thưởng và cho cuỡi ngựa về thăm quê (vinh quy bái tổ).
Trên một số đồ gốm cổ Việt Nam cũng tái hiện đề tài “vinh quy bái tổ”, biểu đạt hình ảnh một tân
quan ngồi trên lưng ngựa, xung quanh có người hầu cầm lọng hay cầm cờ xí. Trên tranh Đông
Hồ cũng có bức tranh vinh quy bái tổ như trên đồ gốm.

Như vậy, từ quan niệm cổ xưa, qua hình tượng con ngựa trang trí trên đồ gốm cổ, ta có thể thấy
ngựa bao giờ cũng giữ vị trí quan trọng trong đờI sống của con người. Nhạy cảm, nhanh nhẹn và
thông minh-ngựa không chỉ là người bạn đường của con người mà là người bạn chí tình. Vì đức
tính quý báu này, ngườ ta đã lấy hình ảnh con ngựa để ẩn dụ những ý tưởng mang tính nhân
văn sâu sắc. Nhà tiên tri Môhamét đã diễn tả một cách khéo léo vị trí của ngựa trong đời sống
của con người như sau: “Ngựa là nguồn hạnh phúc và nguồn an ủi giàu có đối với con người.
Trên lưng Ngươi (ngựa) là chỗ ngồi của sự danh giá và thân Ngươi là sự giàu có. Và mỗi hạt
thóc cho ngươi sẽ làm cho kẻ phạm tội được hưởng ân huệ khoan dung”.

Như thế, từ con vật đời thường, với bản tính tốt đẹp mà con người đã gán cho nó, thần thánh nó,
huyền thoại nó - ngựa đã trở thành hình tượng nghệ thuật, trở thành con vật linh thiêng, hoá thân
vào đời sống văn hoá tâm linh, và thăng hoa vào nền nghệ thuật của dân tộc việt Nam và nhiều
nước trên thế giới.

TS. BÙI MINH TRÍ
(Viện khảo cổ học Việt Nam)



×