Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Gốm nghệ thuật Việt Nam doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (109.92 KB, 4 trang )

Gốm nghệ thuật Việt Nam
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong tháng 12/2008 đã diễn ra triển lãm Gốm
nghệ thuật Việt Nam, với sự tham gia của 216 tác phẩm của 134 tác giả đại diện cho
16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là cơ hội để nhìn nhận sự phát triển của gốm
nghệ thuật Việt Nam đương đại.

Nghệ sỹ cũng làm gốm
Gốm Việt Nam có bề dày lịch sử, phát triển qua nhiều thời kỳ, với những đặc trưng
từng giai đoạn của gốm men dân tộc như: gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm hoa
lam… và các dòng gốm khác tiêu biểu như gốm Bát Tràng, Biên Hòa, Thủ Dầu Một,
Lái Thiêu, Thổ Hà, Hương Canh, Móng Cái… Ở giai đoạn nào gốm Việt Nam cũng
mang những dấu ấn đặc sắc, kết hợp nghệ thuật và truyền thống. Trước nhu cầu xã
hội ngày càng cao, các nghệ nhân làm gốm ngày càng ý thức về tính mỹ thuật của
sản phẩm và đã có những cải tiến. Các sản phẩm gốm ngày nay không chỉ là những
vật dụng dùng hàng ngày mà còn là tác phẩm nghệ thuật.

Gốm nghệ thuật cũng được làm bằng các chất liệu của gốm truyền thống như: sành,
gốm phủ men, gốm màu, đất nung, sành nâu, sứ vẽ vàng… nhưng ở đó kết hợp các
yếu tố tạo hình của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, kế thừa tinh hoa của gốm
truyền thống với những tìm tòi mới trong màu men, vẽ trang trí…, tạo nên những
sản phẩm gốm có giá trị thẩm mỹ cao. Đội ngũ sáng tạo ra các tác phẩm gốm nghệ
thuật ấy không chỉ là các nghệ nhân, mà còn có một số lượng lớn là nghệ sỹ, với
những ý tưởng mới, cách thể hiện độc đáo. Do đó, bên cạnh những làng nghề truyền
thống đã đi vào bản đồ gốm của thế giới với những nghệ nhân tài hoa, một lực lượng
nghệ sỹ gốm đã xuất hiện, đóng góp vào sự phát triển của gốm hiện đại Việt Nam.

Để có được một tác phẩm gốm đẹp, các nghệ sỹ phải đầu tư nhiều thời gian và công
sức. Nghệ sỹ Ahki Bùi, làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, cho biết: “Tác phẩm gốm nghệ
thuật đòi hỏi dụng công hơn các sản phẩm gốm bình thường. Ví dụ, để tạo ra tác
phẩm Luồn lách tham dự triển lãm, tôi đã mất 3 ngày để hoàn thành sản phẩm. Bởi
nó gồm nhiều công đoạn, làm xong một phần, phải đợi khô mới có thể làm tiếp các


phần khác. Mỗi lần thực hiện lại cho ra đời các sản phẩm khác nhau. Như vẽ tranh,
làm gốm nghệ thuật cũng chỉ tạo ra các tác phẩm đơn chiếc…”

Kén người thưởng thức
Ngoài những đặc điểm chung về chất liệu, gốm nghệ thuật là một loại hình nghệ
thuật kén người thưởng thức. Nghệ sỹ Nguyễn Văn Chi, người đã có thâm niên làm
gốm nghệ thuật tại Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, công chúng cũng có nhu cầu về gốm
nghệ thuật. Tuy nhiên, đội ngũ sáng tạo chưa cho ra đời những tác phẩm có giá trị,
đáp ứng được nhu cầu đời sống. Mặt khác, không phải ai cũng cảm nhận được vẻ
đẹp của gốm. Gốm nghệ thuật chọn lựa đối tượng khách hàng có trình độ thẩm mỹ
nhất định. Hiện tại giữa nhu cầu thẩm mỹ, trang trí và người sáng tạo gốm nghệ
thuật còn có một khoảng cách…” Không chỉ vậy, giá thành của gốm nghệ thuật
thường không rẻ. Tùy vào mức độ phức tạp trong quá trình thực hiện, tính thẩm
mỹ, ý tưởng của sản phẩm, một tác phẩm gốm nghệ thuật thường có giá cao gấp
nhiều lần so với gốm dân dụng, làm cho gốm nghệ thuật chưa đến được với đông
đảo người tiêu dùng.
Qua triển lãm Gốm nghệ thuật Việt Nam 2008, nhìn chung, chưa nhiều tác phẩm
gốm nghệ thuật có sự thống nhất giữa tính mỹ thuật và ứng dụng. Do cách làm thủ
công, nhiều công đoạn phức tạp, tỉ mỉ, sản phẩm gốm mỹ thuật mới dừng lại là thứ
đồ trưng bày xa xỉ… khiến thị trường gốm nghệ thuật Việt Nam còn trầm lắng. Để
có các sản phẩm gốm vừa có tính thẩm mỹ, vừa có công năng sử dụng, việc tìm tòi,
sáng tạo ra những kiểu dáng mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu là một
yêu cầu cần thiết của ngành gốm Việt Nam. Điều này cũng tác động trực tiếp đến sự
phát triển của các làng gốm truyền thống.

×