Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Nhà Nông Trị Bệnh Chổi Rồng docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.15 KB, 4 trang )




Nhà Nông Trị Bệnh Chổi
Rồng

Xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A có hơn 90ha trồng nhãn tiêu da bò,
và phần lớn trong số đó đang bị nhiễm bệnh chổi rồng. Một số nhà vườn linh
hoạt trồng nhãn Ido hoặc lấy bo nhãn Ido ghép gốc nhãn tiêu da bò bị bệnh
chổi rồng, hiệu quả thật bất ngờ.

Vườn nhãn Ido ở xã Nhơn Nghĩa A cho trái sai oằn.
Nhãn ghép này hầu như không bị nhiễm bệnh hoặc có tỷ lệ nhiễm rất thấp.
Đây là hướng đi mới cho những vườn nhãn tiêu bị bệnh chổi rồng nặng.
Hơn 200 gốc nhãn Ido của ông Nguyễn Văn Hòa, ở ấp Nhơn Phú, xã Nhơn
Nghĩa A dù mới cho trái chiếng nhưng “sai oằn”, đạt năng suất khoảng 4 tấn
trái. Theo ông Hòa, Ido là giống nhãn mới được mua từ nhà vườn ở tỉnh Vĩnh
Long. Nhãn này hình dạng trái như nhãn tiêu nhưng cơm dầy, hạt nhỏ, vị ngọt
dịu, vỏ trái mỏng. Vì vậy, nhãn Ido được người tiêu dùng ưa chuộng và bán
giá cao. Đặc biệt là nhãn Ido không nhiễm bệnh hoặc ít nhiễm bệnh chổi rồng.
Ông Hòa cho biết: “Trước đây, tôi trồng nhãn tiêu da bò, nhưng đi tham quan
thấy nhãn Ido năng suất cao hơn nên mới mua về trồng, giờ nhãn tiêu nhiễm
bệnh chổi rồng số lượng lớn, còn nhãn này rất ít bệnh, mà trái to hơn, bông
dài hơn, năng suất cao hơn nhãn tiêu. Một số nhà vườn đã thu hoạch bán 1kg
nhãn này bằng tiền 2kg nhãn tiêu”.
Không riêng gì ông Hòa chuyển sang trồng nhãn Ido, mà nhiều nhà vườn
khác ở Châu Thành A cũng chọn trồng nhãn này. Riêng tại xã Nhơn Nghĩa A
có 7ha trồng nhãn Ido. Ông Đỗ Văn Chính, ở ấp Nhơn Phú 1, trồng nhãn Ido
xen kẽ vào 26.000m2 nhãn tiêu da bò. Năm 2011, vườn nhãn của ông cũng
như nhiều vườn nhãn khác bị bệnh chổi rồng khá nặng, thiệt hại hơn 50%
năng suất, một số cây mất trắng. Nhưng một số cây nhãn Ido mà ông trồng


xen trong vườn nhãn tiêu thì lại không bị bệnh chổi rồng. Đến năm 2012, ông
Chính áp dụng quy trình xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn khá chặt chẽ, tuy
vậy tỷ lệ bệnh trên vườn nhãn tiêu vẫn còn 10-30%, chứ không hết hẳn. Sang
năm nay, nhãn Ido bắt đầu cho trái chiếng, vẫn miễn dịch với bệnh chổi rồng
hoặc tỷ lệ không đáng kể, mặc dù quy trình xử lý bệnh như nhau. Ông Chính
kể: “Lúc trước tôi cũng chưa tin lắm về hiệu quả của nhãn Ido, nên chỉ dám
trồng xen kẽ với nhãn tiêu. Thấy nhãn tiêu dù tôi phun thuốc nhiều lần nhưng
vẫn nhiễm bệnh, còn nhãn Ido trồng sát bên thì không bị gì, tôi tiếc hùi hụi,
phải hồi đó trồng hết nhãn Ido thì bây giờ trúng lớn”.
Hiện ông Chính có hơn 400 gốc nhãn Ido (trong đó có 300 gốc trồng bằng
nhánh chiết, hơn 100 gốc trồng bằng cách ghép với gốc nhãn tiêu da bò).
Nhưng theo ông Chính, thì trồng bằng gốc ghép cho trái sai, dễ để trái hơn,
rút ngắn thời gian cho trái so với trồng bằng nhánh chiết từ 1-1,5 năm. Với
hiệu quả này, ông Chính cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục cưa bỏ một số gốc
nhãn tiêu bị bệnh chổi rồng để ghép lại nhãn Ido.
Một số nhà vườn trồng nhãn ở đây cũng cưa bỏ nhãn da bò bị bệnh chổi rồng
ghép lại nhãn Ido, trong đó có nhà vườn Đỗ Các Lốt, ở ấp Nhơn Phú 1. Anh
Lốt cho biết: “Lúc trước, nhãn này bị bệnh chổi rồng nặng, định đốn bỏ
nhưng nhiều người nói có thể xử lý được. Sau đó mới đi tham quan vườn
ghép nhãn Ido vô gốc nhãn tiêu, kết quả đạt 100% nên cũng học hỏi ghép cho
vườn nhãn nhà mình, chứ để như vầy là không có ăn”.
Theo ngành chuyên môn, cách làm này rất linh hoạt, ngoài rút ngắn thời gian
mà có thể giữ lại gốc nhãn tiêu. Anh Trần Chí Tâm, cán bộ kỹ thuật xã Nhơn
Nghĩa A, cho biết: Hiện tại nhãn Ido rất có giá, về dịch bệnh thì trên nhãn này
cũng có biểu hiện bị quắn đọt giống như bệnh chổi rồng trên nhãn tiêu, nhưng
bông vẫn còn cho trái, chưa xác định rõ là có phải bị nhiễm bệnh chổi rồng
hay không. Tuy nhiên, ở nhãn Ido đọt nhãn có biểu hiện bệnh này rất thấp. Về
lâu dài thì không biết như thế nào, nhưng hiện tại thì mọi mặt đều có ưu điểm
hơn nhãn tiêu da bò. Vì vậy, nhà vườn nên trồng xen nhãn Ido vào vườn nhãn
tiêu, hoặc lấy bo nhãn Ido ghép vào gốc nhãn tiêu, chứ không nên đốn bỏ toàn

bộ nhãn tiêu để trồng nhãn Ido. Cố gắng giữ lại gốc nhãn tiêu, vì nếu chẳng
may trên nhãn Ido có nhiễm loại dịch bệnh nào đó hoặc bị rớt giá thì có thể
cưa bỏ đọt nhãn Ido, lấy lại gốc nhãn tiêu da bò cho trái tiếp tục.

×