13 công ty thay đổi cách mua sắm của con người
Zara, Amazon, Walmart, Apple, Victoria's Secret… đều có mặt trong danh sách này.
Nhờ tiến bộ của thương mại điện tử, bán lẻ đã có những đổi thay hơn bất kỳ ngành
nào khác. Trong đó, một số công ty tiên phong đã vươn lên và tiến hành cách mạng
về cách con người nhận thức và mua sắm. Một số đã thay đổi chiến lược kinh doanh
để đáp ứng phong cách tiêu dùng gấp gáp ngày nay. Một số khác lại khiến thương
mại điện tử trở nên cá nhân hoá hơn bao giờ hết.
Những công ty sau đây đã thay đổi hoàn toàn trải nghiệm mua sắm của con người,
từ cách thức mua bán trong cửa hàng đến việc làm thế nào tìm được một món hàng
online. Danh sách bao gồm từ những đại gia bán lẻ cho đến các doanh nghiệp sáng
tạo mới ra đời.
1. Zara: Thay đổi bộ mặt ngành thời trang
Trụ sở: Arteixo, Tây Ban Nha
Năm sáng lập: 1975
Chiến lược mang tính cách mạng của Zara bao gồm tốc độ lưu kho và đưa ra sản
phẩm mới nhanh chóng mặt. Điều này buộc các hãng thời trang tên tuổi phải bắt kịp
bằng việc đưa ra nhiều bộ sưu tập hơn. Tầm nhìn về “thời trang nhanh” của Zara phù
hợp với mức chú tâm ngắn hạn của người tiêu dùng ngày nay, vì thế công ty có thể
mở rộng ra toàn thế giới.
2. Amazon: Thủ lĩnh thương mại điện tử
Trụ sở: Seattle, bang Washington
Năm sáng lập: 1994
Amazon đã nâng cao chuẩn mực mua sắm, khiến những nhà bán lẻ tên tuổi như
Target phải nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Amazon đang
bước chân vào lĩnh vực thực phẩm và thời trang và có thể hình thành siêu cửa hàng
online đầu tiên trên thế giới. Công ty đang nỗ lực thực hiện giao hàng trong ngày và
có thế thay đổi hoàn toàn thế giới bán lẻ nếu thành công.
3. Walmart: định hình tương lai thương mại điện tử
Trụ sở: Bentonville, bang Arkansas
Năm sáng lập: 1962
Công ty bán lẻ lớn nhất thế giới không thế tiếp tục chậm chân với thương mại điện tử.
WalmartLabs (phòng nghiên cứu Walmart), trung tâm sáng tạo của hãng này đang
nghiên cứu mọi thứ từ công cụ tìm kiếm chuyên biệt đến phân tích thói quen mua
sắm của người tiêu dùng hay các giải pháp phân phối – những bệ phóng cho Walmart
trong tương lai.
4. UPS: Giữ hàng an toàn hơn
Trụ sở: Sandy Springs, bang Georgia
Năm sáng lập: 1907
UPS chuyển phát hàng tỷ gói hàng mỗi năm. Khi ngày càng nhiều người đặt đơn
hàng online, UPS thích ứng bằng cách đưa ra những tủ khoá "gopost" đặt bên ngoài
bưu điện. Tủ này cho phép người tiêu dùng tự lấy đồ ở một nơi an toàn, không cần
thông qua bên thứ ba.
5. Pinterest: Thay đổi cách các công ty giới thiệu sản phẩm
Trụ sở: San Francisco, bang California
Năm sáng lập: 2010
Pinterest là hệ thống nơi mọi người có thể chia sẻ sở thích, bằng cách “gắn” những
bức hình liên quan đến sở thích đó lên những “tấm bảng” ảo, sắp xếp chúng thành
các nhóm ý tưởng và chia sẻ đến mọi người. Các công ty bán lẻ như Etsy (kinh doanh
sản phẩm thủ công) và Whole Foods (bán thực phẩm tươi) đã gặt hái lợi ích từ trang
này. Các nhà bán lẻ khác từ Gap đến Target cũng đã thay đổi các chiến dịch
marketing để gắn với Pinterest.
6. Target: Thành công với chương trình khách hàng thân thiết
Trụ sở: Minneapolis, bang Minnesota
Năm sáng lập: 1902
Thẻ khách hàng thân thiết REDcard của Target là một trong số đơn giản và đẹp nhất
trong ngành bán lẻ. Loại thẻ mang đến trải nghiệm khác biệt cho những khách hàng
chịu trả tiền đúng hạn thông qua các hình thức giảm 5%, không có lệ phí năm hoặc
không phụ phí.
7. Apple: Thiết kế các cửa hàng luôn là tâm điểm chú ý
Trụ sở: Cupertino, bang California
Năm sáng lập: 1976
Apple đã thay đổi hoàn toàn thị trường bán lẻ khi ra mắt thiết kế đơn giản, tinh tế
của chuỗi của hàng. Công ty có trị giá lớn nhất thế giới không dừng lại: họ luôn nối
tiếp bằng những cửa hàng mới và độc đáo, đẹp đẽ hơn của hàng trước đó.
8. Tory Burch: Trở thành một đế chế nhờ xác định đúng đối tượng khách hàng
Trụ sở: Manhattan, bang New York
Năm sáng lập: 2004
Tory Burch trở nên nổi tiếng nhờ mẫu thiết kế giày bệt. Từ đó, thương hiệu đã mở
rộng ra quần áo, phụ kiện và trang sức. Bí quyết của thành công này là Tory Burch
đã nhắm đến một nhóm khách hàng đầy tiềm năng: những người trung lưu có khả
năng chi tiêu nhưng chưa đến mức giàu có.
9. eBay: Cách mạng thanh toán qua PayPal
Trụ sở: San Jose, bang California
Năm sáng lập: 1995
Hệ thống PayPal của eBay đã thay đổi cách thức thanh toán của người tiêu dùng.
Những cải tiến gần nhất còn bao gồm chương trình hợp tác với McDonald của Pháp
cho phép khác hàng trả trước online. Rất nhiều chương trình tương tự sẽ được tung
ra tại Mỹ trong năm nay.
10. Victoria's Secret: Năng lực marketing khiến mọi nhà sản xuất thời trang ao ước
Trụ sở: Columbus, bang Ohio
Năm sáng lập: 1977
Khả năng marketing của Victoria's Secret's với tiêu điểm là show thời trang hàng
năm là đỉnh cao trong ngành này. Công ty đã thách thức khủng hoảng kinh tế với
doanh thu kỷ lục trong ba năm liền.
11. Macy's: Thương hiệu lâu đời nhưng luôn đi tiên phong
Trụ sở: Cincinnati, bang Ohio
Năm sáng lập: 1858
Macy's tiếp tục khẳng định vị thế và nắm bắt các xu hướng bán lẻ mới thông qua
những ý tưởng sáng tạo. Intel và Macy’s đã hợp tác tạo ra hệ thống cảm ứng thông
minh với tên gọi Beauty Spot dành cho khách hàng muốn tự tìm hiểu thông tin về
mỹ phẩm. Hệ thống này đã cách mạng hoá trải nghiệm mua sắm truyền thống, từ
việc cung cấp tin tức về những xu hướng mới nhất, đưa lời khuyên về sản phẩm dựa
trên kiểu trang điểm khách hàng mong muốn đến kết thúc giao dịch. Nó còn giúp
liên kết với các quy trình quản lý sản phẩm trong các cửa hàng lớn, giao nhận và
thanh toán điện tử.
12. Ikea: Một trong những nhà bán lẻ lớn đầu tiên đặt chân đến Ấn Độ
Năm sáng lập: 1943
Nhà sản xuất đồ nội thất lớn nhất thế giới đưa ra kế hoạch quy mô nhằm xâm nhập
thị trường Ấn Độ đang phát triển, với việc mở 25 cửa hàng trong tương lai gần. Công
ty luôn nỗ lực cải tiến công năng và thiết kế sản phẩm, cũng như có hoạt động
marketing được coi như chuẩn mực của ngành.
13. Marks & Spencer: Chuỗi cung ứng “xanh”
Trụ sở: London, Anh
Năm sáng lập: 1884
Marks & Spencer, nhà bán lẻ quần áo của Anh, có chiến lược phát triển bền vững
mạnh hơn bất kỳ công ty lớn nào. Họ khuyến khích các tín đồ mua sắm đổi quần áo
cũ lấy phiếu mua hàng, cũng như sử dụng các chai nhựa tái chế để tạo chất
polyester cho quần áo (thay vì dùng dầu thô).
Nguồn: VNEXPRESS