Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

chất thơ thạch lam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.45 KB, 15 trang )

1
Thạch Lam là một trong những cây bút xuất sắc của nhóm Tự lực văn đoàn và
của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Dẫu đời văn ngắn ngủi nhưng không
ai có thể phủ nhận được những đóng góp của Thạch Lam đối với nền văn học Việt
Nam. Sáng tác của Thạch Lam không chỉ hấp dẫn người đọc bởi ý nghĩa nhân văn
sâu sắc mà còn bởi giọng điệu thủ thỉ tâm tình, chất thơ bàng bạc trên từng trang
văn. Ba truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ và Dưới bóng hoàng lan là
những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của tác giả: Truyện không có
cốt truyện, mạch đi của truyện là dòng chảy tâm trạng với những biến thái tinh vi,
chất trữ tình và hiện thực đan cài, đằng sau tác phẩm thấp thoáng một cái tôi giàu
lòng nhân hậu.
* *
*
Chất thơ là tính chất trữ tình – tính chất được tạo nên từ sự hòa quyện giữa vẻ
đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể
khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn.
Chất thơ trong truyện ngắn được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu
hiện một cách tinh tế cái mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của
chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn
trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn.
“Chất thơ” trước tiên hiểu theo nghĩa rộng phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có
thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh
thẳm, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc, “chất thơ” cũng có thể
tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người như: Sự nhớ nhung, sự uyển
chuyển của các điệu múa
Khi những vật liệu tự thân chứa đựng “chất thơ” được sử dụng trong tác phẩm
văn học thì tác phẩm đó không ít thì nhiều sẽ giàu “chất thơ” hơn những tác phẩm
khác. Tuy nhiên, vật liệu giàu “chất thơ” sẽ mãi bị giới hạn ý nghĩa và thẩm mỹ nếu
như nhà văn không sử dụng các thủ pháp để sắp xếp vật liệu, tạo ra một chỉnh thể
2
thẩm mỹ để nội dung và hình thức không thể tách rời. Chất thơ ở ba truyện ngắn


trên của Thạch Lam được biểu hiện ở những phương diện sau:
1. Thế giới của tình đời, tình người thiết tha (Phương diện nội dung)
Nếu phải trả lời câu hỏi nội dung của ba truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan
Gió lạnh đầu mùa và Hai đứa trẻ là gì? Tôi xin được trả lời ngắn gọn. Cái đẹp.
Dưới bóng hoàng lan là vẻ đẹp của một khu vườn cổ tích lọt thỏm giữa cuộc
đời còn lắm bề bộn, bon chen, xô bồ với con mèo già, bể nước mưa, giàn hoa thiên
lý và đặc biệt là người bà như một bà tiên phúc hậu. Thạch Lam đưa người đọc trở
về với những miền quê êm đềm, yên ả của nông thôn Việt Nam:“Thanh lách cửa gỗ
để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người, trên con đường gạch
Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo
chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí… Yên tĩnh quá, không
một tiếng động nhỏ trong căn vườn… Thanh bước xuống giàn thiên lý. Có tiếng
người đi, rồi bà chàng mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào… Ngoài
khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng, lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân
cây bút cao lên trước mặt.” Một thế giới hoàn toàn yên bình, tĩnh lặng và đẹp như cổ
tích. Con đường gạch, giàn cây, bóng mát và đặc biệt là hương hoa đã xoa dịu tâm
hồn con người sau một quãng đường dài đầy bụi bặm. Trở về với quê hương chính là
trở về với dân tộc, trở về với những nét đẹp truyền thống được lưu giữ từ thuở xa
xưa. Trong khung cảnh ấy, tâm hồn con người trở nên trong sáng hơn, thuần khiết
hơn, đẹp đẽ hơn. Đó là vẻ đẹp của tình người. Vẻ đẹp của tình bà cháu thắm thiết.
Vẻ đẹp của một mối tình trai gái được bao bọc trong hương hoàng lan thoang
thoảng. Đó chưa thể gọi là một tình yêu nhưng cũng không dừng lại ở một tình bạn
như tình bạn ngày nào bởi có cái nhìn âu yếm và cách xưng hô của cô gái, có cử chỉ
nắm tay của chàng trai. Tình cảm chỉ dừng lại ở đó. Tất cả cứ khẽ khàng, nâng niu
như đứng trước một cái gì dễ vỡ.
Gió lạnh đầu mùa là vẻ đẹp của tình yêu thương con người. Viết về mùa đông,
với cái rét khắc nghiệt nhưng câu chuyện lại mang đến cho chúng ta cảm giác ấm
3
áp đến lạ kì. Cái ấm áp của tình người không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Cái ấm
áp của một gia đình bé nhỏ nhưng dạt dào yêu thương từ vú giá, mẹ đến các con,

đặc biệt đối với đứa em gái nhỏ đã mất. Cái ấm áp được tạo nên nhờ những đứa trẻ
nhỏ với tâm hồn ngây thơ, trong sáng chưa vướng chút bụi trần. Và đặc biệt là cử
chỉ của Sơn, đem áo cho bạn không toan tính, không đắn đo.
Hai đứa trẻ cũng toát lên vẻ đẹp của tình đời, tình người thiết tha. Giữa cái
lạnh lùng, hiu hắt của phố chợ lúc chiều tàn, tình người cứ cháy lên nồng nàn, sưởi
ấm những tâm hồn hiu quạnh. Nghèo khổ làm cho con người khốn đốn, túng quẫn
nhưng nghèo khổ không thể dập tắt được tấm lòng cảm thông giữa những người
cùng cảnh ngộ. Liên là một cô bé sinh ra để yêu thương, Tình cảm không chỉ
nghiêng tràn cho An, chị Tý, bác Xẩm mà còn cả bà cụ Thi điên. Không chỉ yêu
thương con người trong Liên còn có tình yêu quê hương mặn mà, tha thiết. Sợi dây
kết nối những “bóng tối” nhỏ bé của đám người lầm than, đói khổ ấy là tình cảm.
Tình cảm họ dành cho nhau qua những câu hỏi thăm, những ánh nhìn và cả tiếng
thở dài thương xót. Bên cạnh đó, Hai đứa trẻ còn là vẻ đẹp của bức tranh làng quê
yên ả sau những lũy tre làng của đất nước Việt Nam.
Thạch Lam là nhà văn của cảm giác. Trước những biến động của cuộc sống nhà
văn đã dùng cảm giác để giữ nhân vật của mình ở lại với cái đẹp. Còn trước đổi thay
của thời tiết thì sao? Nhà văn lại cũng đánh thức cảm giác của con người qua một
đêm trời trở lạnh:“Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết
trước. Vừa mới ngày hôm qua trời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng
mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà
ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi.
Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm
cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt” (Gió lạnh đầu mùa).
Rồi cảm giác về mùi hương cùng tình yêu ở buổi đầu hò hẹn: “đi qua hai bên
bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát… có cái gì dịu
ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải” (Dưới bóng hoàng lan).
4
Ai rồi cũng trải qua mối tình đầu đầy ngọt ngào và thơ mộng. Ai rồi cũng có sự
hồi hộp của buổi hò hẹn đầu tiên. Đọc Thạch Lam tất cả những cảm giác về tạo vật,
cuộc sống và tình yêu bỗng bừng dậy. Nó thức tỉnh tâm hồn con người, giúp ta yêu

hơn, trân trọng hơn những xúc cảm ngọt ngào, những phút giây hạnh phúc đã có và
đang có trong cuộc đời. “Qua kẽ lá của cành bàng, hàng ngàn ngôi sao lấp lánh, một
con đom đóm vào dưới mắt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy, rồi hoa rụng xuống
vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng hạt. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm
giác mơ hồ khó hiểu” (Hai đứa trẻ).
Cái đẹp trong truyện ngắn của Thạch Lam là những cái đẹp gần gũi, giản dị.
Những cái đẹp mà trên đường đời bận bịu con người muốn dừng chân đứng lại để
thư giãn. Cái đẹp làm con người thấy yêu thêm cuộc sống này, những gì đang có,
đang được tận hưởng. Cái đẹp giúp con người sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
2. Truyện không có cốt truyện
Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa và Hai đứa trẻ thuộc kiểu truyện ngắn
trữ tình. Chính đặc điểm này đã chi phối đến các yếu tố khác của truyện: nhân vật,
ngòi bút khi miêu tả thiên nhiên qua cả lời văn giọng văn và đặc biệt là cốt truyện.
Truyện của Thạch Lam là truyện mà dường như không có cốt truyện. Hay nói
chính xác cốt truyện là trên cơ sở diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên. Những sự
việc, chi tiết, tình tiết dường như chỉ là cái cớ điều quan trọng là những tình tiết, sự
kiện bên trong, những dấu mốc và câu chuyện được dẫn dắt. Cảm xúc, tâm trạng của
nhân vật làm nên tính chất trữ tình. Cốt truyện Hai đứa trẻ khá đơn giản, đó là cảnh
một phố huyện nghèo được miêu tả trong một khoảng thời gian ngắn từ chiều muộn
cho đến đêm. Nơi ấy, có những người dân nghèo, ngày nào cũng tái diễn những công
việc đơn điệu, buồn tẻ và đặc biệt trong thế giới ấy có hai đứa trẻ được mẹ giao cho
trông coi một cửa hàng nhỏ, đêm chúng cố thức để đợi chuyến tàu đi qua. Có gì đáng
kể đâu trong những cái ngày thường tẻ nhạt ở một phố huyện tù mù ánh đèn dầu.
Vậy mà, qua sự cảm nhận và miêu tả của nhà văn đã khiến lòng ta biết bao vấn
vương suy nghĩ. Truyện Hai đứa trẻ không có cốt truyện, mạch truyện không vận
5
động theo mạch của những tình tiết, sự kiện mà vận động theo mạch cảm xúc, tâm
trạng nhân vật. Để làm được điều này, nhà văn đã đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân
vật Liên - một cô gái chưa hoàn toàn bước ra khỏi thời ấu thơ, một cô gái có tâm hồn
thuần khiết và nhạy cảm. Từ điểm nhìn ấy, bức tranh đời sống được tái hiện với sự

đan xen, song hành và xâm nhập của cảm giác thực tại và hồi ức quá khứ mà dường
như, cái nổi trội lên, chi phối sự vận động của mạch truyện lại là hành trình tìm lại
những kí ức quá khứ từ chính cái hình ảnh đang hiện diện trong thực tại - hình ảnh
đoàn tàu. Triển khai mạch truyện theo hướng này, ngòi bút Thạch Lam có xu hướng
hướng nội, đi vào thế giới bên trong với những cảm xúc, cảm giác nhiều khi rất
mong manh, mơ hồ, thoáng qua, những biến thái tinh vi của tâm hồn trước ngoại
cảnh: nỗi buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn, những hoài niệm da diết về
một Hà Nội trong kí ức tuổi thơ, những cảm giác xa xôi không biết…
Diễn biến của truyện Gió lạnh đầu mùa cũng chỉ xoay quanh việc bé Sơn cho
đứa bạn nghèo chiếc áo khi mùa lạnh đến, song tác phẩm đã chuyển tải một thông
điệp sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn: gió lạnh nhưng tình người không lạnh.
Trong ba truyện thì Dưới bóng hoàng lan là truyện ngắn giàu chất thơ hơn cả.
Thanh - nhân vật chính của truyện sau hai năm xa nhà làm việc trên tỉnh trở về thăm
nhà. Một thế giới cổ tích mở ra trước mắt chàng đó là người bà hiền hậu nhân ái, là
khu vườn thoảng hương ngọc lan và đặc biệt là cô bạn gái xinh xắn từng chơi đùa
với chàng thủa ấu thơ. Hôm sau, Thanh ra đi mang theo những kỷ niệm đẹp đẽ, dịu
êm và cả hương ngọc lan thoang thoảng ngọt ngào.
3. Nhân vật tâm trạng
Nhân vật văn học có hai phương diện qua hành động, ngôn ngữ, đối thoại và
những biểu hiện bên trong đó là những cảm xúc, suy tư, tình cảm, suy nghĩ. Thạch
Lam không chú ý vẻ bề ngoài mà đi sâu vào đời sống nội tâm. Thạch Lam không đi
sâu miêu tả con người bên ngoài mà đi sâu vào biểu hiện bên trong. Con người Liên
vóc dáng ra sao, da dẻ, mái tóc không có nhưng diễn biến tâm trạng rất tinh tế, sâu
sắc. một tầng lớp nữa, Thạch Lam không đi sâu và con người lí trí, con người nhận
6
thức mà tác giả lại đi sâu thể hiện khía cạnh đời sống tâm hồn, những tình cảm,
những cảm xúc của nhân vật.
Nhân vật của ông được sản sinh từ những giọt nước mắt mủi lòng của một cậu
bé, chứng kiến những đứa bạn cùng lứa tuổi đang từng khắc phải chống lại cái đói,
cái rét mà động lòng sẻ áo trong Gió lạnh đầu mùa; đó là con người được sản sinh từ

những xót thương của người nghèo với kẻ nghèo, của người lầm than với kẻ lầm
than như trong Hai đứa trẻ.
Thế giới nhân vật trong truyện Thạch Lam thường nặng lòng với quá khứ, một
quá khứ êm đềm và đẹp đẽ. Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, chỉ cần một dấu hiệu nào
đấy của cảnh, việc là có thể gợi dậy trong lòng họ biết bao nỗi niềm. Mùi ẩm mốc
của quần áo của nhắc bé Sơn (Gió lạnh đầu mùa) nhớ đến cái rét năm xưa, nhớ tới
người em đã mất. Hương ngọc lan thoang thoảng trong vườn bà ngoại (Dưới bóng
hoàng lan) dẫn Thanh đi vào miền ký ức đẹp đẽ của những ngày ấu thơ. Mùi thơm
của gánh phở bác Siêu (Hai đứa trẻ) gợi nhớ đến những thức quà Hà Nội. Và đặc
biệt, các âm thanh ồn ào náo động, ánh sáng lấp lánh của chuyến tàu đêm đưa Liên
và dòng ký ức về một Hà Nội xa xăm. Hoài niệm về quá khứ và mơ mộng với đoàn
tàu: Cuộc sống thường nhật với gánh nặng mưu sinh không thể xoá bỏ trong Liên
niềm nhớ tiếc quá khứ. Thậm chí, chính cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày lại khiến nỗi
nhớ ấy thêm da diết, khắc khoải: dù kỉ niệm còn lại không nhiều, nhưng quá khứ
luôn trở về trong Liên bằng ánh hồi quang rạng rỡ nhất “Hà Nội xa xăm, Hà Nội
sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Chính nỗi nhớ quá khứ luôn thường trực đã khiến
Liên khi đối diện với hình ảnh thực của chuyến tàu đêm lại đắm mình trong những
mơ tưởng xa xôi để “sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết” mà chuyến tàu ấy
gợi lên trong tâm hồn cô. Chuyến tàu đi qua như đưa cô đến một thế giới khác, lâng
lâng trong niềm hạnh phúc, niềm vui ít ỏi.
Nhân vật của Thạch Lam là những nhân vật nhạy cảm, giàu cảm xúc. Trong
Gió lạnh đầu mùa, tác giả để cho nhân vật cảm nhận cái lạnh hiện hữu trong không
gian, thấm vào cảnh vật. Là một cậu bé nhạy cảm, Sơn nhận thấy “những cây lan
7
trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Sơn cũng cảm thấy: “Chân trời
trong hơn mọi hôm…Mặt đất răn lại và nức nẻ những đường nho nhỏ”. Sơn nhìn
thấy cả những giọt nước mắt đã cố giấu đi của mẹ mình khi nhắc đến em Duyên đã
mất. Mặc dù được mặc những tấm áo ấm áp nhưng Sơn vẫn dễ dàng cảm nhận được
cái lạnh thấm vào da thịt bạn mình: “Sơn nhận thấy môi chúng nó tím lại và qua
những chỗ rách, da thịt thâm đi, mỗi cơn gió đến, chúng nó lại run lên, hai hàm răng

va đập vào nhau.” Có gắn hành động Sơn cho bé Hiên chiếc áo trong mạch diễn biến
tâm lý, trong hệ thống chi tiết, lời văn miêu tả của tác phẩm mới thấy hết được tính
chất đẹp đẽ trong hành động của em. Tuy đó là một hành động bột phát chợt đến
nhưng đó lại là hệ quả tất yếu của những con người có đời sống tâm hồn phong phú,
giàu lòng nhân ái như chị em Sơn. Sơn làm ta cảm động và yêu mến. Một đứa bé trai
nhưng lại giàu cảm xúc, một đứa bé còn nhỏ tuổi nhưng dạt dào yêu thương. Hơn
hết, một đứa bé được sinh ra trong một gia đình đủ đầy lại dành những tình cảm
đáng quý cho những đứa bạn kém may mắn hơn mình. Không chỉ tình cảm, em còn
hành động. Hành động cho áo chẳng một chút đắn đo em chỉ thấy “ấm áp vui vui”.
Đó là cái ấm áp vui vui của niềm vui được mang lại hạnh phúc cho người khác, được
sẻ chia với người khác.
Trong truyện Dưới bóng hoàng lan, dư vị trữ tình tỏa ra từ không gian trong
lành, mát rượi, thoảng hương ngọc lan, từ những câu đối đáp khẽ khàng của các nhân
vật và tên gọi là những thanh không dấu (Nga - Thanh), đặc biệt là ở các cảm giác
yên bình dịu ngọt trong tâm hồn Thanh- người vừa từ chốn thị thành ồn ã trở về.
Truyện mở đầu bằng cảm giác xúc động đến nghẹn giọng “khi Thanh từ giã cái bức
nóng của phố xá bước chân vào ngôi nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương
mến sau hai năm xa cách. Sự chăm sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt của
phảng phất đâu đây đã đem đến chàng sự nhẹ nhõm, “tươi mát như tắm suối”.
Cũng đi vào khám phá vẻ đẹp tâm hồn với những xúc cảm tinh tế của nhân vật,
truyện Hai đứa trẻ có cấu tứ như một bài thơ trữ tình đượm buồn. Nỗi buồn man
mác của Liên được bắt đầu và có nguyên cớ từ cảnh chiều muộn ở phố huyện “Liên
8
ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập dần đầy và cái
buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu
sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. “Chiều,
chiều rồi.” Lời văn của tác giả nhưng dường như lại ẩn chứa bao nỗi lòng của cô bé
Liên. Lại một buổi chiều của cuộc đời con người lại đi qua, lại như những buổi chiều
khác, buồn bã, mệt nhọc.
Chiều tàn, đêm xuống. Phố huyện bị bao trùm bởi một màn đêm u tối, sợ hãi.

Liên làm cho cô có “những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Niềm vui duy nhất trong
ngày của chị em Liên là được ngắm chuyến tàu đêm từ Hà Nội về. Con tàu như một
con thoi ánh sáng xuyên qua màn đêm u tối của phố huyện, tỏa sáng chốc lát, làm ấm
lòng người trong khoảnh khắc. Một khoảnh khắc thôi nhưng con người đã phải chờ
suốt ngày để tận hưởng, cái hạnh phúc hiếm hoi đấy đối với những người dân phố
huyện lớn lao làm sao. Nó đã khơi dậy trong Liên những mơ ước, hy vọng dù mơ hồ
nhưng đầy ý nghĩa trước cảnh sống quẩn quanh, buồn tẻ của chị em Liên và cả
những người dân nghèo nơi phố huyện. Ở nhân vật Liên có vẻ đẹp của một tâm hồn
trẻ thơ trong sáng và thuần khiết, tự nhiên như chưa từng chịu một tác động tiêu cực
nào của cuộc sống. Những rung động tinh tế trước cuộc sống xung quanh: Chỉ một
mùi nồng nồng, âm ẩm bốc lên đã khiến Liên ngỡ đó là mùi riêng của đất quê; không
khí vắng lặng đìu hiu của phố huyện đã lay động tâm hồn Liên để cô cảm nhận được
cái buồn của buổi chiều quê và khiến đôi mắt cô cũng như ngập đầy bóng tối của
buổi chiều quê đó; khi đêm xuống, Liên thích thú ngắm bầu trời đêm với ngàn sao
lấp lánh để mơ mộng về con vịt theo sau ông Thần Nông, về dòng sông Ngân Hà
trong các câu chuyện cổ; tâm hồn Liên trong sáng và nhạy cảm đến độ có thể bắt
nhạy với những dấu hiệu mơ hồ nhất của thế giới quanh mình: những con đom đóm
lập loè, những khe sáng, hột sáng lọt qua khe cửa, từng loạt hoa bàng rụng khẽ
xuống vai áo…
Ở cái tôi Thạch Lam ẩn kín sau nhân vật: Dường như, Thạch Lam đã viết
truyện ngắn Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa bằng chính những trải nghiệm tuổi thơ ở
9
phố huyện Cẩm Giàng. Đọc truyện, không thể không nhận thấy cái tình âu yếm mà
Thạch Lam dành cho nhân vật. Cái tình âu yếm ấy một mặt xuất phát từ cái nhìn
nhân hậu, yêu thương mà người lớn dành cho lứa tuổi này, một mặt là do nhà văn đã
hoá thân vào nhân vật, là sự ám ảnh của tuổi thơ gắn liền với phố huyện Cẩm Giàng.
Sự cộng hưởng của những cảm xúc này để tạo cho những trang viết Thạch Lam một
sự hoà quyện giữa chất thực và chất thơ để tạo thành một sức hút da diết, bền lâu của
tác phẩm.
4. Không gian nghệ thuật

Không gian hiện lên trong ba tác phẩm là không gian bàng bạc chất thơ, dẫu đó
là cái phố huyện nghèo nàn, chất thơ vẫn len lỏi và tỏa sáng.
Dưới bóng hoàng lan có thể ví như một khu vườn cổ tích còn sót lại trên cõi
nhân gian này. Khu vườn với gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua
vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong
không khí.”, có “Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp
hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá.” và phảng phất trong không
khí là hương hoa hoàng lan dịu nhẹ bao trùm cả khu vườn. Cái hay trong Dưới bóng
hoàng lan là đã tạo ra được một trường nghĩa về quê về không gian quê. Đó là chốn
thanh bình “ Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong thửa vườn, tựa như bao
nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa”, “sự yên tĩnh trầm mịch”. Đó
là cảnh tượng “gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày xưa” và
hình ảnh người bà vẫn tóc bạc phơ hiền từ. Đó là nơi chôn dấu những kỷ niệm tuổi
thơ êm đềm của Thanh mà chàng luôn thầm nhớ rằng “ Căn nhà với thửa vườn này
đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn
sàng chờ đợi để yêu mến chàng”. Không gian quê ấy tràn ngập tình yêu thương của
bà cháu, của một mối tình thuở nhỏ. Nơi ấy có người mà Thanh vẫn hằng mong nhớ.
Đối với Thanh quê mới là nơi chàng muốn trở về chứ không phải tỉnh. Quê là lý
tưởng, đồng nhất với sự trở về với mơ ước.Hương hoàng lan là chút hương đầy lưu
luyến gợi nhắc Thanh về một vùng quê thanh bình yên ả mà chàng muốn trở về.
10
Hương hoàng lan cũng làm minh chứng tình yêu của Thanh và Nga – một mối tình
không ngỏ
Thạch Lam không cầu kỳ trong việc lựa chọn chi tiết, hình ảnh để làm nên
không gian đầy chất thơ ấy. Tất cả đều hết sức gần gũi thân thuộc với con người.
Tuy nhiên, trong khi bài trí, sắp xếp chi tiết, hình ảnh nhà văn đã chú ý chọn một
“điểm nhấn”. Điểm nhấn ấy có thể là một sự việc, một cảnh sắc hay một hương vị
được các nhân vật nhận biết bằng trực cảm và sự tự nhận biết ấy gợi dẫn biết bao xúc
cảm, thức dậy những vùng ký ức đẹp đẽ.
Ở Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã xây dựng hai không gian đối lập và tương phản

nhau. Không gian của cuộc sống con người tù túng, tăm tối với cảnh chợ tàn, kiếp
người tàn và những đồ vật tàn. Nhưng vượt lên trên không gian ấy là không gian
thấm đẫm chất thơ, chất thơ toát lên từ “hiện thực tăm tối”. Mở đầu tác phẩm, tác giả
vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh làng quê Việt Nam yên ả, thanh bình khi
hoàng hôn buông xuống: “Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran
ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.”. Lúc về đêm, “Trời đã bắt đầu đêm, một
đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát.” và trên bầu trời “hàng ngàn ngôi
sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt
đất hay len vào những cành cây.”
Đến với Gió lạnh đầu mùa người đọc bị hấp dẫn bởi không gian của một ngày
mùa đông giá rét: đất khô trắng, gió vi vu, trời u ám Đó là không gian hiện thực
khắc nghiệt làm cho cuộc sống con người, đặc biệt đối với những đứa trẻ nghèo càng
thêm khốn khó. Đối lập với cái khắc nghiệt của thiên nhiên, là không gian được làm
nên bởi tình yêu ấm áp. Không gian của gia đình em Sơn, khi mọi người quây quần
bên nhau trò chuyện, nhớ lại mùa rét năm nào, nhớ em Duyên đã mất. Không gian
kết thúc câu chuyện cũng gợi lên trong lòng người đọc bao cảm xúc. Mẹ Sơn và mẹ
Hiên, hai người phụ nữ ở hai thế giới khác nhau đã ngồi cùng bên nhau chuyện trò.
Cử chỉ của mẹ Sơn cho mẹ Hiên vay tiền là một cử chỉ đáng trân trọng. Nó làm sáng
lên tình người giữa ngày đông giá rét.
11
5. Ngôn ngữ
Người đọc không thấy trong sáng tác Thạch Lam “cái mỉa mai cay độc đến dằn
dữ của Vũ Trọng Phụng, cái khinh bạc lạnh lùng của Nguyễn Tuân, cái chất triết lý
và cái cay đắng đến uất nghẹn của Nam Cao”, truyện của ông nhẹ nhàng như những
cơn gió mơn man, êm ái như lụa, song sức cuốn hút lại mạnh như triều dâng. Đó là
nghệ thuật sắp đặt ngôn từ. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Thạch Lam không có cái
cầu kỳ, gọt đẽo. Nó là ngôn ngữ của bình dân, nó tự nhiên như người ta đang chuyện
trò với nhau, đang hát và đang kể cho nhau nghe khúc đoạn trữ tình của bài ca cuộc
sống - Ngôn ngữ đầy chất thơ.
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Thạch Lam là thứ ngôn ngữ ít tạo hình tượng mà

chủ yếu là gợi cảm giác. Thạch Lam ít sử dụng ngôn ngữ đối thoại mà chủ yếu là độc
thoại nội tâm, kết hợp với những từ chỉ cảm giác: Cảm thấy, ngậm ngùi, rùng mình
nghĩ, hình như…Một chút bảng lảng buồn lặng lẽ của cái không gian: “Chiều. Chiều
rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng ruộng
theo gió nhẹ đưa vào …”, một chút êm ái, nhẹ nhàng của “cây hoàng lan cao vút,
cành lá rủ xuống như chào đón hai người” đã đem đến người đọc mỹ cảm sâu sắc.
Nó sâu sắc nhờ ngôn ngữ tả của ông, một thứ ngôn ngữ vừa giản dị, vừa giàu cảm
xúc, lại “bảng lảng” một chút gì đó rất khó nắm bắt.
Các từ diễn đạt các hoạt động tâm lí chiếm tần số rất cao nhưng không gây cảm
giác đơn điệu, nhớ nhớ lại nhìn, chợt nhớ…lớp từ chỉ trạng thái tâm lí mơ hồ:
thoáng, thoáng qua, thoáng thấy, thoáng nghe…và đặt cạnh chúng là những tính từ
cảm giác cảm tưởng kiểu như dịu ngọt, chăng tơ, tươi non, thoang thoảng… Những
từ ngữ như “mát mẻ”, “nhớ” gợi lại những cảm giác nhẹ nhàng, êm ái lặp đi lặp lại
như trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của nhà văn Thạch Lam. Những từ ngữ
như “mát mẻ”, “nhớ” chỉ thoảng qua mới xuất hiện thì không có ý nghĩa gì, nhưng
khi chúng lại gắn với hình ảnh “cây hoàng lan” và cả gắn với tình cảm không rõ ràng
giữa nhân vật Thanh - người kể chuyện với cô gái hàng xóm tên Nga; khiến câu
12
chuyện trở nên có chiều sâu tình cảm và chiều rộng thời gian, dù cho truyện ngắn
không hề có cốt truyện kịch tính.
Câu văn ngắn, nhịp văn chậm rãi, thong thả. Dù diễn tả cái náo nức bên trong,
cái sôi động của ước mơ, Thạch Lam vẫn rất nhẹ nhàng, vẫn tự nén ngòi bút. Chuyến
tàu rực sáng vụt qua, Liên xúc động mạnh khi kỉ niệm xưa dồn dập hiện về “Hà Nội
xa xăm, Hà nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Đây là một trong số ít những câu văn
kết hợp lối trùng điệp và những thanh trắc tạo điểm nhấn và ngay câu sau Thạch
Lam viết ngắn hơn, nhẹ hơn, như ghìm giữ lại niềm xúc động: “Con tàu như đem
một chút thế giới khác đi qua”. Thạch Lam thường sử dụng kiểu cú pháp đẳng lập,
đều đều, nhịp độ khoan thai điềm tĩnh mà vẫn gây những chấn động nhẹ nhàng, thấm
thía chính là ở độ nén của cảm xúc mà nhà văn tạo ra trong những câu văn.
Ngôn ngữ cuốn hút người đọc bởi ở những câu văn vừa giàu nhạc điệu vừa giàu

tính tạo hình: “Chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru văng vẳng tiếng ếch nhái kêu
ran ngoài đồng ruộng…” (Hai đứa trẻ). Đây là một câu văn chứa đầy thanh bằng với
hai chữ chiều được lặp lại gợi âm hưởng buồn man mác. Nếu chỉ để kể thì thừa một
chữ “chiều” nhưng để thể hiện cảm xúc của con người trước không gian lại rất cần
sự lặp lại chữ “chiều” ấy. Hay khi miêu tả thời gian về đêm của phố huyện, Thạch
Lam viết: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió
mát.” (Hai đứa trẻ).
6. Giọng điệu
Giọng điệu nổi bật trong ba tác phẩm trên, cũng như là giọng điệu ta thường bắt
gặp trên những trang văn của Thạch Lam đó là giọng điệu nhẹ nhàng, truyền cảm tựa
như những lời thủ thỉ tâm tình. Là một thành viên của Tự lực văn đoàn, Thạch Lam
có ảnh hưởng của trường phái lãng mạn. Song trong cái lãng mạn của Thạch Lam có
vẻ tươi sáng của ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay, nó thức tỉnh trong sâu thẳm
con người một chút mơ mộng, một niềm vui sống.
Giọng văn Thạch Lam có sức sôi cuốn kỳ diệu là vì vậy. Càng đọc càng say,
càng đọc càng bị cuốn hút. Nó như kiểu “lạt mềm buộc chặt”, càng đi sâu vào người
13
đọc càng không thể dứt ra. Chất giọng ấy đã diễn tả một cách tinh tế những cung bậc
tình cảm của con người. Một nỗi buồn khe khẽ, vơ vẩn, mơ hồ của một cô bé trong
cảnh chiều tàn nơi phố huyện: “Chiều. Chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng
tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối,
muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen: đôi mắt chị
bóng tối ngập đầy dần vào cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây
thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ
khắc của ngày tàn.” (Hai đứa trẻ)
Giọng văn buồn man mác khi diễn tả tâm trạng của nhân vật Thanh rời xa “khu
vườn cổ tích” lên thành phố: “Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung
sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng, Nga sẽ vẫn đợi
chàng vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa, cô lại giắt hoàng lan trong
mái tóc để tưởng nhớ mùi hương.” Hay tâm trạng của Sơn khi nhìn thấy những áo cũ

gợi nhắc đến mùa rét trong kí ức: “Sơn nhận ra cũng những cái áo Sơn đã mặc năm
ngoái, năm kia: một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sơn
cầm giơ những cái áo lên, thấy mát lạnh cả tay. Từ bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của
vải gấp lâu trong hòm, làm Sơn nhớ lại những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm,
ngày Sơn còn nhỏ.”
Hay giọng văn khắc khoải, tiếc nuối cho một quá khứ tươi đẹp: “Liên cầm tay
em không đáp. Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và
hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội
xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới
khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn
của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất
quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng.”
Giọng điệu ấy như một thanh nam châm cuốn hút người đọc, đi vào tận thẳm
sâu trái tim và ngự trị mãi bền vững ở đó. Ông viết truyện như những lời thì thầm
nhưng lại có âm vực loang rộng đến cả thế giới.
14
* *
*
Đến với Thạch Lam bao giờ người đọc cũng có một cảm giác dịu nhẹ. Không
thể tìm thấy ở ông những sự ồn ào, đay nghiến. Những trang văn của ông như những
lời thủ thỉ tâm tình đến với người đọc về con người, về cuộc sống. Dưới bóng hoàng
lan, Hai đứa trẻ và Gió lạnh đầu mùa là ba bài thơ trữ tình đẹp trong toàn bộ sáng
tác của ông.
15
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Tuấn Anh, Lê Dục Tú (Tuyển chọn và giới thiệu) (2001),
Thạch Lam về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.
2. Thạch Lam (2004), Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học.
3. TS Hoàng Thị Mai, “Chất thơ trong “Bến quê” của Nguyễn
Minh Châu”, Tạp chí Giáo dục, số 155 (kì 1-2/2007), tr 27-33.

4. Bùi Việt Thắng (2011), Truyện ngắn – Những vấn đề lý thuyết
và thực tiễn thể loại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. GS Trần Đình Sử (chủ biên) (2006), Giảng văn văn học Việt
Nam, NXB Giáo dục.
6. Nhiều tác giả (2009), Văn học Việt Nam (1900 – 1945), NXB
Giáo dục.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×