Đền Quan Thánh thờ
thần trấn cửa Bắc Thăng
Long
Nằm trên góc đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) và
phố Quán Thánh (trông ra Hồ Tây), đền Quan Thánh là nơi
thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - thần trấn cửa Bắc thành Thăng
Long. Sách xưa kể lại, đền có từ thời Cao Biền (thế kỷ thứ
IX) ở phía nam sông Tô. Sau Lý Thái Tổ dời đô (1010), mở
rộng thành cũ đã dời đền về Tây Bắc thành (tức vị trí hiện
nay).
Trải qua các triều đại, đền Quan Thánh đã được tu sửa nhiều
lần song về cơ bản không có nhiều thay đổi và được đánh giá
là một quần thể kiến trúc đẹp. Ngay trước cổng đền là 4 cột
trụ cao xây theo lối cũ. Cổng tam quan được xây trên những
tấm đá lớn, trên có gác chuông với quả chuông cao tới 1,5 m
- niên đại Đinh Tỵ, đời Lê Hy Tôn. Hai bên cửa phía trong
đền có chữ Tẫn nhập, Huyền xuất (vào cửa Tẫn ra cửa
Huyền). Theo các nhà nghiên cứu thì đây là chữ lấy trong
sách Đạo đức kinh: Huyền Tẫn chi môn thi vị thiên địa (cửa
Huyền Tẫn là gốc của trời đất).
Qua cổng là sân rộng, trong sân có bể cá vàng và núi non bộ.
Đền có hai lớp: lớp ngoài là nhà đại bái cao ráo, nguy nga với
cột xà, cửa võng đều sơn son thếp vàng. Hai bên tả hữu treo
biển đồng chữ bạc của vua Thiệu Trị ban, trên có khắc bài
thơ của chính ông, và một khánh đồng do một đại đô đốc thời
Tây Sơn cung tiến, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1795). Trong
nội cung đáng chú ý nhất là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ
bằng đồng đen cao 3,72m, nặng 4 tấn, tay trái bắt quyết, tay
phải cầm gương có rắn quấn chống lên lưng rùa (rắn tượng
trưng cho sức mạnh, rùa tượng trưng cho sự trường tồn). Với
những nét tạc tinh xảo, điệu nghệ, pho tượng được nhắc đến
như một công trình nghệ thuật phản ánh kỹ thuật đúc đồng và
nghệ thuật tạc tượng điêu luyện của ông cha ta thế kỷ 17.
Ngoài ra, hậu cung còn tượng bốn vị nguyên soái khác cũng
được thờ tự. Tương truyền, thánh Huyền Thiên có 36 nguyên
soái giúp việc trừ tà ma yêu quái. Song hiện ở đền chỉ đắp
tượng trưng 4 vị. Đặc biệt, bên sát tường phía nam nhà bái
đường có một pho tượng ngồi trong khám. Nhiều người bảo
đó là tượng Trùm Trọng, một ông trùm phường đúc đồng
Ngũ Xá đã đúc pho tượng thánh Trấn Vũ. Sau khi ông trùm
qua đời, các học trò đúc tượng thầy đặt vào quán thờ. Tuy
nhiên, theo hai bộ sách Trấn Vũ Quán Lục ghi chép về sự
tích cũng như vẽ lại toàn bộ các tượng và đồ tế khí trong đền
(soạn đời Tự Đức thứ 7 - năm 1847) do vị trụ trì Đạo Thông
biên soạn thì không thấy nói có tượng Trùm Trọng(?).
Bên cạnh những cổ vật trên, trong đền còn có nhiều bia nói
về việc trùng tu sửa chữa đền. Cổ nhất là tấm bia có niên đại
Vĩnh Trị thứ hai (1677) do trạng nguyên Đặng Công Chất và
tiến sĩ Ngô Sĩ Dương soạn, nói về việc sửa đền và đúc tượng.
Tấm bia muộn nhất là bia có niên đại cuối Thành Thái thứ 5
(1894) do Kinh lược Hoàng Cao Khải soạn nói về đợt tu sửa
lớn vào năm đó.
Qua các hiện vật còn lưu giữ đến ngày nay, đền Quan Thánh
được đánh giá là một di tích có giá trị cao về văn hóa nghệ
thuật, từ các mảng chạm khắc trên những cấu kiện bằng gỗ
cho đến những bức tượng được thờ tự trong đền. Với bố cục
mặt bằng cũng như không gian hài hòa cân đối, nhất là cảnh
quan thoáng đãng, có hồ Tây trước mặt tạo nên một vọng
cảnh đẹp, đền Quan Thánh đã góp phần tô điểm cho cảnh đẹp
cổ kính, thơ mộng của vùng du lịch Hồ Tây, Hà Nội.