Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Hiển linh Trấn Vũ quán docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (190.52 KB, 5 trang )



Hiển linh Trấn Vũ quán


Khi nhắc đến đền thờ thần Trấn Vũ ta thường nghĩ ngay đến
Trấn Vũ quán (đền Quán Thánh ở đường Thanh Niên,
phường Quán Thánh, Ba Đình), mà ít người biết rằng ở thôn
Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng có
một ngôi đền thờ thần Trấn Vũ.

Vẻ đẹp và giá trị văn hóa của ngôi đền Trấn Vũ ở thôn Ngọc
Trì không kém so với đền Quán Thánh. Trước đây đền Trấn
Vũ thuộc tỉnh Bắc Ninh, vả lại cũng không ở vị trí trung tâm
như đền Quán Thánh nên ít người biết đến.

Tương truyền đức Trấn Vũ là linh hồn của Ngọc Hoàng
thượng đế, hóa thân xuống trần tu hành đắc đạo, có công diệt
trừ yêu ma, khắp trăm họ được hưởng phúc lành, thần còn
giúp Thục An Dương Vương diệt Bạch tinh kê, xây dựng
thành Cổ Loa. Đền Trấn Vũ nằm hữu ngạn đê sông Hồng, là
một trong những thắng tích của Hà Nội. Đền được xây dựng
cách đây ngót 8 thế kỷ. Khi vua Lê Nhân Tông đem quân
chinh phạt phương Nam có nghỉ lại ở xã Cự Linh, Bắc Ninh
(nay là Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội), đức vua được thánh tổ
ứng mộng. Sau khi thắng giặc trở về, vua bèn cho lập đền
thờ, trong đền có tượng, bài vị ghi dòng chữ vàng “Hiển linh
Trấn Vũ quán”. Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất quy
xà hội tụ, phía trước là cánh đồng rộng mênh mông. Trên
đồng nổi lên một gò đất như hình mai rùa, phía sau đền chính
là đê sông Hồng trông tựa hình rồng đang uốn lượn. Đền


quay về hướng bắc, cùng hướng với đền Quán Thánh ở Ba
Đình.

Phía trước đền là hồ bán nguyệt, sân đền có hai cột trụ cao,
hình vuông, đỉnh cột đắp hai con sấu chầu vào nhau, trên bốn
mặt trụ có các hình long, ly, quy, phượng đắp nổi trang trí,
xưa kia thân cột còn có những câu đối nhưng thời gian đã bào
mòn. Qua sân gạch nhỏ là đến tiền tế. Hàng hiên nhà tiền tế
là bốn cột đá xanh vuông, chân cột phình to. Tiền đường gồm
năm gian, ba gian giữa nền gạch thấp như nền hiên làm nơi
hành lễ, nền hai gian bên cao hơn nửa mét so với nền gian
giữa làm nơi tiếp khách, thụ lộc. Các cột cái gian tiền đường
bề thế, đứng trên bệ đá tạo sự chắc chắn và tôn vẻ uy nghiêm
cho ngôi đền. Tiếp đến là Trung đường rồi Thượng điện.

Đền Trấn Vũ nay dùng làm nơi thờ nhiều vị là do chùa, đình,
nghè bị chiến tranh tàn phá nên nhân dân trong làng rước bài
vị về đây thờ chung. Thượng cung, ngoài pho tượng Trấn Vũ
còn có tượng mười hai nguyên soái được tạc bằng đất, tương
truyền đó là các vị đi theo ngài diệt trừ yêu ma, sắp thành hai
dãy sát tường chầu vào giữa. Mỗi pho tượng có một hình thù
kỳ quái. Trung tâm của ngôi đền chính là pho tượng đức Trấn
Vũ, đó là một trong ba pho tượng đồng lớn nhất thờ ở các
đình chùa miền Bắc nước ta. Trên bia ký tại đền có ghi: “Đến
tiết Đông chí năm Mậu Thân (1788) khởi công đúc lại tượng
đồng, lòng thành u tối được chứng giám. Hai bên hợp lại, của
cải sức dân dùng không kể. Đến tháng tám năm Nhâm Tuất
(1802) mọi người tới họp mặt, thấy vàng bọc ngoài tượng lấp
lánh, chất ngọc rực rỡ. Xét thấy có thể lưu truyền vẻ lẫm liệt
muôn đời, thỏa lòng mong đợi của nhân dân khắp nơi”. Bức

tượng được hoàn thành sau 14 năm lao động của những bậc
thầy trong nghề đúc đồng và những đóng góp về vật chất của
nhân dân. Tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ
của nghệ thuật, kỹ thuật tạo tượng lớn nguyên khối trong
nghề đúc đồng cổ truyền nước ta. Đây là pho tượng đồng
được phủ bằng sơn thếp. Tượng cao 3,8m, nặng 4 tấn. Tượng
trong tư thế ngồi thẳng, uy nghiêm, đầu để trần, mặc long bào
màu đen, tay trái để trước ngực bắt quyết, tay phải cầm gươm
thất tinh, mũi gươm chống trên lưng rùa. Đó chính là hình
tượng của một đạo sĩ. Vẻ đẹp của pho tượng toát lên thần thái
ung dung, đĩnh đạc đầy quyền năng đạo pháp của đức thánh.

Trải qua bao cơn binh biến, đền Trấn Vũ thôn Ngọc Trì vẫn
gìn giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, xứng
đáng là một danh thắng của thủ đô. Nơi đây cũng là điểm đến
thăm quan du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước.

×