Vạn Lộc cảnh đẹp, người
tài
Sách cổ Hoan châu bi ký (văn bia châu Hoan - tức Nghệ An
nay) chép: "Hoan Châu cảnh đẹp, Vạn Lộc nổi danh, tướng
dòng nhà tướng, khác hẳn thường tình, uy phong lẫm liệt,
tướng mạo đường hoàng. Rồng mây gặp hội, công nghiệp vẻ
vang. Duyên may hòa hợp, sánh người tao khang ". Những
dòng xưng tụng ấy nói về làng quê đất đẹp, người tài Vạn
Lộc, nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Làng xã
ven biển Cửa Lò ấy do Thái úy, quận công, phò mã Nguyễn
Sư Hồi (1444 - 1506) chỉ huy khai khẩn. Vị quận công này là
con trưởng công thần khai quốc, Thái sư quận công Nguyễn
Xí, danh tướng phò Lê Lợi từ Lam Sơn, xông pha trận mạc,
có công đuổi giặc, lập triều Lê. Ba năm sau ngày đưa cha về
quê an táng và lập đền thờ (tại làng Thượng Xá, nay là xã
Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc), năm 1469 Nguyễn Sư Hồi xin
trấn thủ vùng các cửa biển Nghệ An, khai hoang lập ấp, làm
mạnh phòng thủ vùng biển hệ trọng này. Vua Lê Thánh Tông
chuẩn tấu, phong ông làm Trấn thủ thập nhị hải môn (trấn thủ
12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng). Ông đóng căn cứ
với hạm thuyền mạnh ở Cửa Xá (nay là Cửa Lò) quê hương.
Thế là một vệt làng mới ven biển được lập ra, Nguyễn Sư
Hồi được ban cấp các làng Vạn Lộc, Tân Lộc
Câu chuyện ấy ở quãng cuối đời vị quận công họ Nguyễn.
Ông tuổi nhỏ được cha dạy văn, luyện võ, lớn lên có tài thao
lược. Năm 1460, Lê Nghi Dân cùng vây cánh Lê Bân, Phạm
Ðồn nổi loạn tự xưng vua, lại cho tay chân lẻn vào cung cấm
giết vua Nhân Tông và Hoàng thái hậu. Cha con Nguyễn Xí
cùng các trung thần dẹp được loạn, rước Lê Tư Thành lên
ngôi, hiệu là Thánh Tông. Nguyễn Sư Hồi được vua sủng ái,
ban nhiều bổng lộc, phong chức Nhập nội thái úy, tước quận
công, cho dự triều chính, lại kén làm Phò mã đô úy.
Thuở mới thành làng, đất này có tên Hải Ngung, còn gọi
Hải Giang (tên khác là sông Cấm). Cửa sông ra biển gọi Cửa
Xá hay Lô Tân, Xá Tân, sau có thể Lô đọc thành Lò mà
thành Cửa Lò. Vạn Lộc có thế phong thủy tuyệt đẹp "hổ phục
rồng chầu". Bốn phía núi non quần tụ: "trước mặt là núi Rồng
(Long Sơn), chếch sau là núi Bảng (Bảng Nhãn Sơn), sau
lưng là núi Bầu (Lô Sơn), xa sau, ngoài biển là các đảo Lan
Châu, Hòn Ngư, Hòn Mát, xa bên trái là núi Voi, núi Mão,
núi Cờ, núi Kiếm. Làng quay về hướng bắc, nhìn ra sông
Cấm ăm ắp nước quanh năm. Nay thì khúc sông này thành
một vùng cảng Cửa Lò. Vùng biển này là vùng "nhân kiệt".
Sau các danh tướng, công thần Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi,
là đông đảo các nhà khoa bảng có công chính trị, giáo dục,
học thuật, văn chương, như Phạm Nguyễn Du, Sơn phòng
chánh sư Nguyễn Thức Tự, tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu, phó
bảng Hoàng Văn Cự, các ngự y Phạm Văn Dụ, Hoàng
Nguyên Cát,Hoàng Nguyễn Lễ, v.v. Riêng một làng Vạn Lộc
có một phó bảng, một tiến sĩ, 18 cử nhân, hương cống, 46 tú
tài. Làng được ngợi ca: "Văn giành đỉnh bút. Võ chiếm đề
đao, không đâu sánh kịp". Cũng là thắng địa: "Thanh Hóa
Nho Quan, Nghệ An Vạn Lộc".
Vạn Lộc nay là điểm du lịch không ngày nào vắng khách.
ở đây có cảnh trí núi non, sông nước hùng vĩ mà bình dị.
Nhiều di tích lịch sử - kiến trúc ít thấy ở một phường phố
trong vùng: đền Vạn Lộc (thờ Nguyễn Sư Hồi), chùa Phổ
Am, nhà lưu niệm Phạm Văn Tâm (chiến sĩ Xô-viết - Nghệ
Tĩnh).
Ðền Vạn Lộc gồm ba tòa (chữ tam), mỗi tòa ba gian, mái
ngói mũi hài, nóc đắp hình hai rồng chầu mặt trời. Trung điện
xây cất sớm nhất, thời Lê. Sau vài lần trùng tu, nay được sửa
sang tôn tạo, ngôi đền nhìn ra sông Cấm này khá bề thế, lưu
giữ trên rường, bẩy, đồ thờ nghệ thuật chạm trổ đặc sắc của
miền biển các thời Lê, Nguyễn. Cổ vật quý hiếm là hai ngai
thờ, hai bộ song kiếm, cùng bộ bát bửu (tám loại binh khí)
chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng giữ được từ thời Lê, bên
cạnh những lư hương, hạc chầu đồng đen đầu thời Nguyễn.
Lễ hội tưởng niệm Nguyễn Sư Hồi ba năm một lần, vào các
năm "hỏa" (Tý, Ngọ, Mão, Dậu) ngày Rằm tháng Giêng.
Rước linh đình, tế lễ và mở hội võ vật, chọi gà, kéo co, cờ
tướng, múa lân, đặc sắc và sôi động nhất là đua thuyền gợi
nhớ về một thuở cha ông khai hoang lấn biển, đánh cá, chiến
chinh giữ làng giữ nước. (Theo VOV)