Những khám phá thú vị
về thời Ai Cập cổ đại
1. Rượu vang từ thời vua Tutankhamun
Sau một phát hiện tình cờ những chiếc bình đựng rượu trong
lăng mộ vị pharaoh trẻ Tutankhamun, các nhà khảo cổ Tây
Ban Nha lao vào nghiên cứu xem vị vua đoản mệnh này
“mê” rượu vang trắng hay đỏ! Kết quả phân tích hóa học từ
đáy bình cho thấy acid syringic, một chiết xuất thường thấy
từ nho đỏ! Cũng dễ hiểu vì người Ai Cập cổ thường hay
trồng nho đỏ để ép thành nước cốt.
2. Thời xưa đã có ngành phẫu thuật tạo hình!
Các nhà khảo cổ học đã rất sửng sốt khi phát hiện trong một
ngôi mộ ở Thebes hai ngón chân… giả làm bằng gỗ lót da
cực kì tinh vi, gắn trên cơ thể một… xác ướp. Có thể xem đó
là món đồ giả cơ thể đẹp nhất và xưa nhất từng được tìm thấy
trong lịch sử loài người. Chưa dừng lại, người ta còn kiểm tra
thử khả năng đi lại của người dùng với hai ngón chân giả
này. Kết quả là người tàn tật có thể khôi phục đến 80% khả
năng đi lại ban đầu.
3. Trẻ em quý tộc cũng được ướp xác
Trên hình là xác ướp còn khá nguyên vẹn của một em bé 6
tuổi, qua đời vì bệnh sốt rét. Các nhà khảo cổ học tìm thấy
em được chôn kèm với đá malachite xanh, và được kẻ mắt
màu xanh lá theo quan niệm bảo vệ sức khỏe của người Ai
Cập cổ và cũng là dấu hiệu quyền quý thời Cleopatra. Theo
kết quả khám nghiệm ADN, em bé này có thể là con lai trong
một gia đình quý tộc Ai Cập - La Mã, vì bộ gen có chứa
những tính chất giống người châu Âu ngày nay!
4. Xác ướp nữ hoàng Tiye
Một xác ướp nữ quý tộc mang tên “Lão Bà” được cho là nữ
hoàng Ai Cập Tiye, vợ của pharaoh Amenhotep III, mẹ của
pharaoh Akhenaten và là mẹ chồng của hoàng hậu Nefertiti!
Một nghiên cứu tình cờ phát hiện ra rằng mẫu tóc trên xác
“Lão Bà” hoàn toàn trùng khớp với mẫu tóc được tìm thấy
trong lăng mộ vua Tutankhamun, người đang được xác định
là con trai hay cháu trai của bà!!!
5. Người lùn nổi tiếng
Bức tượng nổi tiếng trên được tạc nhằm ghi công Seneb, một
người lùn làm quan nổi tiếng trong hoàng cung dưới thời
pharaoh Pepi II. Ở Ai Cập xưa, người lùn không bị xem là
tàn tật mà trái lại, được trọng vọng và thường được vua chúa
cất nhắc vào vị trí quản thư hoàng gia. Điển hình là Seneb,
nhờ sự sủng ái của pharaoh, ông không những được hưởng
nhiều ruộng đất, gia súc mà còn được ban một người vợ đẹp
tên Senites.
6. Thuyền độc mộc “hàng cổ”
Tháng 3/2006, các nhà khảo cổ khai quật được gần Biển Đỏ
một con thuyền độc mộc chở hàng khá nguyên vẹn và được
xếp vào loại “hàng cổ” nhất nhì thế giới. Từ những hàng hóa
trên thuyền, có thể xác định rằng đây là sản phẩm của người
Ai Cập cổ đại! Vậy là từ 4000 năm trước, người Ai Cập đã
biết đóng thuyền và phát triển ngành hàng hải. Thật là đáng
ngưỡng mộ.
7. Thành phố biến mất!
Từ vệ tinh không gian, các nhà khoa học tình cờ phát hiện ra
tàn tích của một thành phố cổ 1600 tuổi thuộc lãnh thổ Ai
Cập, chỉ cách thủ đô Cairo chừng 320 km về phía nam.
Sau khi thẩm định những mảnh gốm và tiền cổ, họ phán đoán
rằng đây từng có thể là một trung tâm thương mại khổng lồ
của Ai Cập khi giao dịch với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kì và Libya.
Quả là không phải địa danh nào cũng có thể mãi vững bền
qua thời gian được như kim tự tháp Giza hay thần điện
Luxor.
8. Biển cát từng là “biển” rừng!
Có một vùng sa mạc ở phía Đông Sahara, thuộc Ai Cập,
được gọi là “Great Sand Sea”, nơi mà cách đây 10 triệu năm
trước từng là rừng. Các nhà nghiên cứu khí hậu môi trường
cho rằng vào khoảng thời gian đó, những cơn mưa rào nhiệt
đới đã mang lại sự sống cho rất nhiều sinh vật, biến nơi đây
thành một thảm rừng xanh tốt. Sau đó, họ cho rằng mưa giảm
dần đến mức sự sống cũng giảm dần.
9. Nghệ thuật từ thời… còn trong hang!
Các bạn có thể thấy một bức bích họa trong hang khá ngộ
nghĩnh đang miêu tả cảnh… bơi lội của người Ai Cập cổ.
Khoảng 8000 năm trước, khi người dân vùng tây nam Ai Cập
còn sống trong hang, những hồ nước mưa lớn khá quen thuộc
với họ. Và vì vậy, bơi lội trở thành thú tiêu khiển “thời
thượng”. Tất cả điều này chấm dứt khi mưa rào nhiệt đới
không còn, biến Sahara thành sa mạc “cỡ lớn”.
10. Vẻ đẹp của hoàng hậu Nefertiti
Bức tượng bán thân 3.300 tuổi của vị hoàng hậu nổi tiếng
xinh đẹp Nefertiti phần nào minh chứng được những lời đồn
đại của nhân gian. Ngay cả khi chỉ là mô phỏng, chúng ta
cũng có thể phần nào hình dung được một vẻ đẹp hoàng gia
đầy kiêu hãnh và sắc sảo.
Một vấn đề khác chính là một mắt, vốn được làm từ đá thạch
anh, còn thiếu trên bức tượng. Có người cho rằng có rơi mất
trong sa mạc, nhưng cũng có ý kiến cho rằng hoàng hậu bị
viêm giác mạc!!!
11. Bí ấn cách xây Kim tự tháp đã được giải?
Đã có những bằng chứng rằng vật liệu xây nên kim tự tháp
không hoàn toàn là những khối đá vôi khổng lồ. Ngược lại,
phần lớn trong số đó là hỗn hợp của đá vôi, đá hoa cương,
thạch anh, đất sét và nước. Bằng chứng là vết tích của silic
dioxit trong đá là hàm lượng nước tương đối cao, một điều
bất thường ở một nơi thường xuyên khô cằn như thế. Quả
thật nếu thành phần của vật liệu xây dựng như thế, chúng ta
có thể giải thích dễ dàng hơn cách mà người xưa có thể xây
dựng nên một công trình vĩ đại như thế.
12. Gương mặt thật của pharaoh Tutankhamun
Nhờ kĩ thuật tái tạo gương mặt từ xương sọ thông qua chụp
cắt lớp xác ướp, các nhà khoa học đã phục dựng thành công
gương mặt của vị vua trẻ tuổi đoản mệnh nổi tiếng.
Tutankhamun có chiếc mũi khá thanh thoát, nhưng răng hô
như thỏ và cằm lẹm. Tuy nhiên, họ cho rằng nếu cười, vị vua
trẻ hẳn sở hữu một gương mặt dễ nhìn và thân thiện.