Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Tài liệu Locronan, xứ cổ của công chúa Da Lừa pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.28 KB, 11 trang )



Locronan, xứ cổ của công
chúa Da Lừa

Tôi đến Locronan vào một sáng mùa hè cùng Sophie, một
giáo viên tiểu học người thành phố Brest. Sophie cho biết
Locronan là một trong những thị trấn đẹp nhất nước
Pháp nói chung và của vùng Bretagne nói riêng. Hàng
năm, nơi đây đón một lượng khách du lịch nội địa lẫn
quốc tế khổng lồ. Sophie đã từng thăm Việt Nam nên cô
cho tôi một so sánh “Locronan giống Hội An vậy đó!”.


Nhà thờ Chính tòa

Công chúa Da Lừa

Sau khi đỗ xe, Sophie cùng tôi đi bộ vào thị trấn. Gió mùa hè
của vùng Bretagne vẫn lành lạnh, nắng nhạt màu vàng chanh
và những đóa hoa cẩm tú cầu lộng lẫy làm tôi choáng ngợp.
Và kìa, Locronan hiện ra dần dần theo mỗi bước chân chúng
tôi gõ nhịp lên những viên đá lót đường trơn bóng. Những
viên đá này đã tồn tại từ thế kỷ thứ mười sáu, sau mấy trăm
năm được biết bao đôi chân bước qua, bao cuộc đời in dấu
lên đó, đá trở nên lún ngày càng sâu và bóng loáng thật độc
đáo.


Quảng trường Nhà thờ, khu trung tâm Locronan


Những căn nhà theo lối kiến trúc Phục hưng bằng đá granit
xám, mái ngói đen tuyền phủ rêu phong, dây leo xanh rờn
bám chặt vào tường và trên bậu cửa sổ mọc đầy hoa. Nhà chỉ
cao từ một đến hai tầng, hoàn toàn bằng đá granit, cửa bằng
gỗ dày cũ kỹ. Thị trấn trông cổ xưa như ta chưa hề sống vào
thời đại văn minh, như ta đang ở nước Pháp cùng với người
đẹp Angelique, lãng tử D’Artagnan, hoặc thậm chí trong câu
chuyện cổ tích “Công chúa Da Lừa”. Ở quảng trường nhà
thờ, khu trung tâm Locronan với chiếc giếng cổ bằng đá càng
làm người ta thấy mình quả đang trở về với quá khứ của
nước Pháp thế kỷ thứ mười sáu.


Tòa thị chính

Nơi đây xưa kia là nguồn cung cấp nước cho cả thị trấn, ngày
ngày những thiếu nữ vùng Bretagne đeo tạp dề viền đăng-ten,
đội mũ rộng vành, chân mang guốc gỗ lót rơm, đeo đôi thùng
nước đến đây tắm giặt. Những chiếc xe ngựa chở du khách
dạo một vòng quanh ngôi làng bé nhỏ, tiếng vó ngựa chầm
chậm như nhắc mọi người nhớ đến một thời yên tĩnh nhưng
cũng không kém phần khó khăn như trong các bộ phim vua
chúa và những “người nông dân nổi dậy”. Locronan nhiều
phen cũng là một phim trường với đầy đủ tòa thị chính, nhà
thờ, tiệm bánh mì, tiệm rượu, tiệm tạp hóa vẫn in dấu rêu
phong. Các bảng hiệu vẫn được treo theo lối cổ, đung đưa
trong gió, khiêm tốn chẳng một hình ảnh quảng cáo nào. Các
bộ phim vào thời xưa như Angelique, Hoàng hậu Margot, Ba
người lính ngự lâm pháo thủ… đều được quay tại đây.


Bánh crêpe và rượu trái cây cidre


Tác giả bên giếng nước cổ

Trong cuộc sống văn minh ngày nay, Locronan ý thức được
vai trò bảo tồn kiến trúc cổ nên người dân không bao giờ cho
phép bản thân mình được phá hủy nét xưa. Tại Tòa thị chính,
bảng tên “Mairie” vẫn nhuốm màu thời gian với các chậu hoa
màu hồng phấn êm đềm bao quanh ngôi nhà xám. Tiệm bánh
mì, nhà hàng, quán cà phê và các shop quà lưu niệm cũng
thế, mọi thứ đều in dấu rêu xanh và các vết mốc trắng trên
nền đá granit đen.

Đến Locronan, chẳng du khách nào muốn từ chối bước vào
tiệm “Crêperie”. Đó là tiệm ăn chuyên bán bánh crêpe, đặc
sản vùng Bretagne. Cô phục vụ đưa chúng tôi tấm thực đơn
chỉ vỏn vẹn vài ba loại crêpe. Muốn ăn mặn thì kẹp với
jambon, thịt nguội xông khói, trứng, xúc xích. Muốn ăn ngọt
thì dùng với mứt trái cây (confiture) và chocolat. Thế thôi!
Vậy mà người Bretagne vô cùng tự hào với đặc sản này của
mình.


Thư viện tiếng Celtique

Ngoài ra, nơi đây không phục vụ các thức uống hiện đại như
nước ngọt có gaz và các loại rượu bia công nghiệp. Bạn chỉ
có thể gọi nước trái cây lên men, rượu loại tự nấu đựng trong
bình bằng đất nung và… nước lọc. Bởi đơn giản thật “vô

duyên” khi thấy một lon Coca trong khung cảnh hoàn toàn cổ
xưa này.

Đã đến Locronan ăn bánh crêpe, du khách cũng sẽ gọi rượu
trái cây lên men gọi là “cidre”. Cidre làm từ nho, táo, lê…
Tuy là rượu trái cây nhưng không cẩn thận vẫn say túy lúy.
Bánh crêpe gần giống như bánh xèo của mình, chỉ có bột mì
đen tráng ra trên chảo rộng, bỏ thịt nguội, bơ, phó mát hoặc
mứt vào, xếp lại, cho ra đĩa và ăn. Khách có thể đứng xem
đầu bếp tráng bánh, khói bốc lên nghi ngút thơm lừng và…
nuốt nước bọt.

Công bằng mà nói, ăn crêpe mau ngán vì chẳng có rau sống
kèm theo như bánh xèo, chẳng có nước chấm cũng không có
tí ớt cay cay. Nhưng nếu vừa ăn bánh vừa “chiêu” mấy ngụm
rượu trái cây thơm nồng nàn, nhìn qua cửa sổ ngắm Locronan
cổ kính, không say trong lòng mới là lạ. Sophie hỏi tôi có
ngon không mà chưa kịp trả lời thì chính cô đã đưa ngón tay
ra dấu “number one”, vẻ mặt dương dương tự đắc lắm.

Không đến mức “number one” nhưng chẳng muốn làm mích
lòng người Bretagne, tôi giơ hai ngón tay ra dấu “victory”
chiến thắng lên. Sophie cười hí hửng. Cô không biết tôi muốn
nói “number second”. Tôi hứa “Lần sau nếu lại qua Việt
Nam, tôi sẽ làm bánh xèo, một loại bánh crêpe Việt đãi cô!”.
Khi đó nếu Sophie chê bánh xèo Việt Nam cũng chỉ “number
second” thì đáng đời tôi.

Tiếng Celtique và đăng-ten (dentelle)



Shop lưu niệm

Tại quảng trường lớn ở Locronan, ngoài vài cửa hàng bán
quà lưu niệm, các tiệm “Crêperie” bán bánh crêpe, tiệm
“Cidrerie” bán rượu trái cây, thư viện tiếng Celtique với dòng
chữ “Librairie Celtique” tưởng chẳng có gì thu hút lại được
nhiều người bước vào. Celtique là thứ tiếng “dân tộc”, ngôn
ngữ cổ của người Bretagne cho đến nay vẫn còn một số
người già sử dụng. Thậm chí, dù bị cho là “tử ngữ”, người ta
vẫn duy trì Celtique với một vẻ tự hào kỳ lạ.

Tại Locronan nói riêng và vùng Bretagne nói chung, các câu
lạc bộ người nói tiếng Celtique vẫn hoạt động và các sự kiện
ngôn ngữ của những câu lạc bộ này rất rình rang. Thư viện
tiếng Celtique tại Locronan ngày nay tuy mang dáng vẻ du
lịch nhiều hơn, nhưng các cuốn sách cổ, các loại sách học vỡ
lòng, các tấm bưu thiếp in thứ ngôn ngữ này vẫn được trưng
bày rất đẹp mắt như muốn nước Pháp hiện đại hãy luôn trân
trọng nó.

Nằm kề bên các cuốn sách cổ với ngôn ngữ Celtique là
những sản phẩm thủ công cổ truyền của vùng
Bretagne.Những chiếc dù trắng bằng đăng-ten, khăn trải bàn
thêu, rèm cửa sổ, gối, áo… tất cả đều được làm tay, công
phu, trắng tinh khiết và mềm mại như thứ vải ren của những
công nương, tiểu thư sống đời nhung lụa. Ngày nay với cuộc
sống hiện đại và các sản phẩm công nghiệp tiện lợi, thứ đăng
- ten Bretagne bày bán tại Locronan quả là một món quà đắt
giá cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.


Đóa tú cầu Bretagne


Hoa cẩm tú cầu ven phố

Tiếng chuông nhà thờ Saint Ronan đổ từng hồi chuông ngân
nga. Chúng tôi tiếp tục tham quan thị trấn bé nhỏ. Thấy tôi
nhào vô… nghĩa trang chụp hình tới tấp, Sophie bật cười như
nắc nẻ. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy nghĩa trang nào tuyệt
đẹp như nơi đây. Các ngôi mộ đều bằng đá xưa cổ, hoa mọc
dày đặc, sắc sảo, các ngọn thánh giá được chạm trổ công phu
kiểu dáng đa dạng.

Được chết tại nơi đây mới sung sướng làm sao! Những bồn
hoa cẩm tú cầu đủ màu như những chiếc bánh kem phồng lên
đồ sộ trong khung cảnh cổ kính này càng làm Locronan mang
một dáng vẻ đặc biệt: cổ nhưng không cũ, yên tĩnh nhưng
vẫn sống động, đẹp dịu dàng, đơn giản mà vẫn kiêu sa.

Rời Locronan sau một buổi sáng Chủ nhật đẹp trời, Sophie
hài lòng đã hướng dẫn cho tôi đến thăm một nơi tuyệt vời. Vẻ
mộc mạc nhưng kiêu hãnh của cô thật đặc trưng cho tính
cách người Bretagne. Như đóa cẩm tú cầu đang rung rinh
trong gió kia, đẹp, đẹp và đẹp.

×