Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Tài liệu BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT MỸ THUẬT CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG? pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.86 KB, 9 trang )






BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT MỸ THUẬT CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?



Nói chung, các bảo tàng thường được chia thành bốn loại: bảo tàng quốc gia (lưu
giữ những bộ sưu tập quan trọng của đất nước), bảo tàng ngành nghề, bảo tàng địa
phương và các bảo tàng độc lập (tư nhân, tổ chức). Giống như ngân hàng ký ức,
vấn đề quan trọng nhất đối với một bảo tàng có lẽ là phải trở thành những nguồn tư
liệu lịch sử sống động, có một không hai, đem tới cho công chúng một cái nhìn sâu
sắc về quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện vật cần được trưng bày, ngoài mục đích
phục vụ nghiên cứu, còn vì sự cần thiết cho cá nhân, cộng đồng, xã hội, và hơn thế,
còn bởi vì chúng ẩn chứa và nuôi dưỡng cái đẹp.
Bảo tàng nghệ thuật là môi trường học tập nghệ thuật và thẩm mỹ lý tưởng, dù
chính thức hay không chính thức, dù là sự tham gia thực hành tích cực hay chỉ là
việc quan sát thụ động (Hein, G. E, 1998). Tại Bảo tàng Anh, mỗi phòng ban đều
được thiết lập và hoạt động như những cơ sở nghiên cứu khoa học, như ban Cận
Đông cổ đại, ban Mỹ thuật cổ Ai Cập, ban Mỹ thuật cổ Nhật Bản, ban Nghệ thuật
Châu Âu thời kỳ Tiền sử, Cổ đại, Trung cổ và Hiện đại. Ban Giáo dục (Bảo tàng
Anh) thậm chí còn lập ra những "Ngày học tập" để mọi người có cơ hội khảo cứu
chuyên sâu hơn những nền tảng văn hoá, nhân dịp một cuộc triển lãm hoặc trong
phạm vi của một bộ sưu tập, và thường có mời các chuyên gia giảng bài hay tổ
chức hội thảo ngay tại phòng triển lãm (gallery talks). Đa số các bảo tàng đều có
các dịch vụ giáo dục cho công chúng. Rất nhiều nhà giáo dục đang tìm tới các bảo
tàng với các mục tiêu giáo dục cụ thể. Nhiều bảo tàng có chương trình hàng năm
với các hoạt động được lên kế hoạch dài hạn nhằm hỗ trợ giáo viên, bồi bổ kiến
thức và kích thích sự quan tâm của các em học sinh đối với nghệ thuật và lịch sử.


Ngày nay, tầm quan trọng của bảo tàng nghệ thuật càng được tăng cường trong vai
trò cung cấp nhiều cơ hội khác nhau cho trẻ em và người lớn hội nhập với thế giới,
qua đó, họ có thể phát triển các kỹ năng thẩm mỹ hay văn hóa quan trọng cần thiết
đối với cuộc sống ngày đang càng mang tính nhân văn hơn. Với sự nổi lên của các
công nghệ mới, các viện bảo tàng có thể đáp ứng như cầu giáo dục tương tác cho
công chúng. Một số bảo tàng lịch sử còn có khu vực "Khảo cứu”, thực chất là một
trung tâm khoa học thực hành. Du khách có thể tiến hành thí nghiệm với hàng trăm
đối tượng, được sử dụng thêm các thiết bị và công cụ khoa học, khuyến khích mọi
người quan sát, tìm tòi các mối quan hệ và rút ra kết luận riêng. Công nghệ tiên
tiến cũng hỗ trợ các bảo tàng nghệ thuật bắt kịp thế giới không gian internet ngày
nay. Hầu như tất cả các bảo tàng hiện nay đều có một địa chỉ trên World Wide
Web. Không có gì ngạc nhiên khi các viện bảo tàng bắt đầu sử dụng Internet như
một phương tiện mở rộng nguồn tài nguyên giáo dục đến tận từng gia đình. Trên
trang web của bảo tàng, người truy cập có thể dễ dàng tải về những thông tin, tài
nguyên, sự kiện, các danh sách nghệ sĩ, triển lãm, tác phẩm, có thể đọc thêm nhờ
các đường liên kết tới các trang web hữu ích có chủ đề hay loại hình văn hóa khác
nhau, chẳng hạn như lịch sử nghệ thuật, văn hóa, khoa học Trang web của bảo
tàng nghệ thuật cũng có thể là phương tiện hữu ích để tổ chức cuộc điều tra trực
tuyến về hoạt động của chính bảo tàng, cho phép mọi người trao đổi các ý tưởng
thông qua các bản lấy ý kiến (comment). Bằng cách sử dụng các công nghệ của thế
kỷ 21, bảo tàng nghệ thuật không chỉ có khả năng thực hiện vai trò thiết yếu như
một nguồn tài nguyên giáo dục thẩm mỹ mà còn góp phần cải biến việc học tập
thành một niềm vui và kinh nghiệm đáng nhớ của con người.
Nếu nhìn sâu hơn về khía cạnh vật chất, các bảo tàng nghệ thuật cũng có đóng góp
đáng kể vào doanh thu của đất nước, vì đó là một nguồn thu hút du lịch. Mặc dù
thực tế hầu hết các bảo tàng, như Bảo tàng Anh, được tài trợ bởi chính phủ và
ngành xổ số kiến thiết, và do đó, khách vào thăm bảo tàng là miễn phí, các viện
bảo tàng một khi thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới chính là tạo ra sự tăng
trưởng lợi nhuận cho các khách sạn, ngành công nghiệp thực phẩm và bán lẻ khi
lượng du khách tăng lên hàng năm. Thêm vào đó, có nhiều viện bảo tàng dù không

được chính phủ tài trợ hoàn toàn song lại là những địa điểm thu hút khách (ví dụ
bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud), tuy chúng hướng tới mục tiêu giải trí nhiều
hơn là giáo dục.
Vì vậy, không hề ngạc nhiên khi nhiều bảo tàng bị cáo buộc là "tầm thường hóa
quá khứ, đùa rỡn với lịch sử, tập trung vào các đối tượng không xứng đáng". Lưu ý
đến di sản văn hóa, các nhà phê bình cảnh báo rằng thật thiếu chín chắn khi bảo
tàng có xu hướng thỏa mãn những thị hiếu tầm thường, và nhiều hoạt động liên kết
nặng về dịch vụ du hý được coi như là sự hạ thấp phẩm giá. Trong một số đặc biệt
của tạp chí Pháp Beaux Arts tháng 3/2010, nhà phê bình nghệ thuật Emmanuelle
Lequeux cảnh báo về sự nổi lên của một nền “văn hóa hàng hóa” (“merchandised
culture”). Bà cho rằng sẽ dẫn đến “sự suy tàn của các bảo tàng quốc gia nếu như
các chính phủ giảm bớt nguồn tài trợ cho các nhà bảo tàng mà lại trông đợi vào
việc những cơ sở phụng sự nghệ thuật đó tự kiếm thêm các khoản thu nhập riêng
cho họ” [qua những biện pháp “vụ tiền bạc”]. Có lẽ điều đó cũng đúng nếu căn cứ
theo những định nghĩa chặt chẽ về chức năng của bảo tàng, nhưng từ quan điểm cá
nhân người xem mà nói, các bảo tàng cũng chẳng có tội tình gì lớn khi họ thêm
vào vài thứ “lạc đề” so với các khái niệm liên quan tới di sản, song mang lại lạc thú
cho khách thăm. Ngạn ngữ Anh có câu: chỉ ép học mà không được vui chơi sẽ biến
một bé ngoan thành trẻ hư (all work no play makes Jack a dull boy).
Hơn nữa, viện bảo tàng nghệ thuật còn có vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh
giữa những gì được ghi nhớ và những gì bị lãng quên. Song chính xác thì ai là
người có quyền quyết định ai / cái gì được nhớ / phải quên? Nhà nước, dân chúng
và doanh nghiệp đều đóng góp tiền của cho các bảo tàng thông qua các hình thức
đánh thuế, thế nhưng rốt cuộc, ký ức quốc gia lắm khi chỉ nhớ tới những người nổi
bật, những kẻ quyền thế. Có nhiều âm mưu làm giả, bóp méo, chế tác và thiết kế
lại lịch sử nghệ thuật tùy theo “khẩu vị” hay ý thích của người nắm quyền thiết lập
những bộ sưu tập và/hay trưng bày các hiện vật [được cho là có tính nguyên bản,
có giá trị lịch sử]. Họ thích lịch sử nghệ thuật được mô tả thật đẹp đẽ. Tuy nhiên,
khi hiển thị lịch sử, người ta phải tôn trọng tầm quan trọng của những sự kiện (đôi
khi là bi kịch) và cần kể lại khéo léo với một mức độ chính xác nhất định. Hiện

nay, nhiều người nắm trọng trách quyết định các nội dung của bảo tàng đang phải
đối mặt với sự cám dỗ của chứng bệnh “mất trí nhớ một cách có chọn lọc” (the
temptation of selective amnesia), mà theo Adorno (1995) “bị xuyên tạc, bóp méo
so với nguyên gốc, bị chia cắt khỏi các nền văn hóa sống động mà chúng đã từng là
một phần hữu cơ, những hiện vật/đồ tạo tác một khi được đặt trong bảo tàng có
nghĩa là đã sa vào quá trình chết.”
Rõ ràng là trong thời đại kinh tế phát triển hiện nay, để đạt được các yêu cầu về cơ
sở vật chất đối với một bảo tàng, hay đơn giản là gallery nghệ thuật, thường là
không khó khăn lắm; song những yêu cầu về chất lượng phục vụ giáo dục và
thưởng lãm - mang tính “trừu tượng” hơn - có thể cũng khó thỏa mãn hơn, nhất là
những tiêu chí đảm bảo phương hướng hoạt động lấy người xem làm trung tâm.
Trong khi những tiêu chuẩn về khả năng tiếp cận của công chúng đối với bảo tàng
hoặc các bộ sưu tập là chìa khóa trong việc xây dựng nền tảng cho một cơ sở (bảo
tàng), thì các đòi hỏi về dịch vụ công và giáo dục phải là nội dung và mục đích cơ
bản nhất mà một bảo tàng luôn luôn phải chú trọng và thỏa mãn.
Trong thời đại toàn cầu hóa có sự đa dạng hóa và giao lưu văn hóa mãnh liệt, bảo
tàng nghệ thuật và các gallery nghệ thuật là những nơi còn có các hoạt động truyền
bá, phối hợp triển lãm lưu động,trao đổi hiện vật… với các bảo tàng hay gallery
nước ngoài có các truyền thống văn hóa đa dạng khác nhau, bên cạnh nhiệm vụ
chính là bảo tồn và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi các nghệ sĩ
bản địa mang đậm bản sắc quốc gia, lãnh thổ. Mọi người đến đó để tìm hiểu các
truyền thống văn hóa thông qua các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác được tạo ra
trong các truyền thống khác nhau. Hơn nữa, giờ đây, các bảo tàng và gallery nghệ
thuật (quốc gia hay quốc tế) còn thu thập và hiển thị các tác phẩm nghệ thuật có
giá trị, bất kể chủng tộc, sắc tộc, quốc gia, xã hội và nền văn hóa của người nghệ
sĩ. Bảo tàng và gallery nghệ thuật giờ đây là những không gian độc đáo, nơi người
xem có thể vượt qua các rào cản (về tri thức, văn hóa, tín ngưỡng, chủng tộc) ngăn
cách và chia rẽ con người, như vậy, bảo tàng và gallery nghệ thuật đóng vai trò rất
quan trọng trong việc tăng cường sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa mọi người
trong cộng đồng. Các cá nhân thường gặp gỡ, đối thoại với các truyền thống văn

hóa khác thông qua các triển lãm và các chương trình nghệ thuật mà bảo tàng và
gallery nghệ thuật cung cấp.
Không có lý do gì để nghĩ rằng khi tới thăm một bảo tàng hay gallery, mọi người
sẽ chỉ thụ động ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật, các bức tranh hay hình ảnh
xưa cũ hơn là khi họ đọc một cuốn sách (Raphael, Samuel, 1994). Mọi người, ngay
cả trẻ em có cha mẹ hướng dẫn, nói chung đều có khả năng ra những quyết định
thích hợp và biết phân tích, đánh giá về những triển lãm trong bảo tàng hay gallery
thay vì loá mắt tin ngay vào những gì được chứng kiến. Một cách tổng quát, bảo
tàng nghệ thuật có thể đem lại cho mọi người khả năng nắm bắt xác thực về sự vận
động và phát triển của thế giới nghệ thuật. Bất kỳ người xem là ai, một nhà lãnh
đạo quốc gia, một thủ lĩnh cộng đồng, một cử tri hiểu biết, hoặc đơn giản chỉ là
một quan sát viên đang muốn nhìn ngắm cuộc đời qua các tác phẩm nghệ thuật,
hoặc giả đó là những chuyên gia đang nghiên cứu nghệ thuật hay sử học mỹ thuật
nhằm đánh giá về hiện tại hoặc dự đoán cho tương lai của nền mỹ thuật… - thông
qua các hiện vật bảo tàng, đều cần phải và nên được khuyến khích các thói quen tư
duy về văn hóa tối cần thiết gắn với giá trị sống còn của tư cách đạo đức và trách
nhiệm người công dân.

×