Tải bản đầy đủ (.pdf) (22 trang)

LUẬN VĂN: quá trình hoạch định chính sách, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (655.93 KB, 22 trang )








LUẬN VĂN:

quá trình hoạch định chính sách,
xây dựng đất nước Việt Nam ngày
càng phồn thịnh








Lời Mở đầu

Hiện nay có rất nhiều nước đã thành công trong việc phát triển kinh tế của mình.
Trong chuyên đề này chúng tôi đề cập đến Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu
trong trào lưu công nghiệp hoá ở Đông á. Hàn Quốc đã tập trung cao độ những công ty
lớn và những mục tiêu đầy tham vọng nhất.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế sau thời kỳ mở cửa Việt Nam đang
triển khai kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo chúng phù hợp với hoàn cảnh chúng ta hiện
nay.
Tôi hy vọng chuyên đề này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ tốt
công tác nghiên cứu góp phần vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng đất nước


Việt Nam ngày càng phồn thịnh.


















I. Giới thiệu khái quát về con người, đất nước Hàn Quốc sau
Chiến tranh
Cuộc chiến tranh Triều Tiên, có lẽ được xem là cuộc chiến mang tính huỷ diệt nhất
trong lịch sử thế giới, đã tàn phá Nam Triều Tiên cũng như Bắc Triều Tiên. Seoul đã đổi
chủ đến bốn lần, mỗi lần là một cuộc chiến khốc liệt. Chỉ có một phần nhỏ của xứ sở, ở
miền đông nam, là không bị phương Bắc xâm phạm. Trong số hai mươi triệu người Nam
Triều Tiên khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1953, khoảng 1/4 là những người phiêu tán
không cửa không nhà, hầu như không có của cải. Trên 1 triệu thường dân và 320.000
binh sĩ ở miền Nam đã hy sinh. Một đại đa số những người tử vong là những người trai
tráng mà nếu còn sống họ sẽ đóng góp cho lực lượng lao động và cho thu nhập của gia
đình họ.

Vào năm 1953, Nam Triều Tiên có một cơ sở công nghiệp thậm chí còn èo oặt hơn
của Đài Loan năm 1949. Nam Triều Tiên đã không đạt được mức tổng sản lượng quốc
dân GDP là 100 USD một năm cho đến năm 1963. Tại Triều Tiên, người Nhật đã thuần
hoá sông Yalu vào thập niên 1930 bằng cách xây dựng những nhà máy thuỷ điện cực lớn,
cung cấp 90% điện năng của cả nước Triều Tiên. Nhưng khi đất nước bị phân đôi tất cả
những phương tiện này đã thuộc về Bắc Triều Tiên.
Tại Nam Triều Tiên, đường biên giới mới tại vĩ tuyến thứ 38 đã phân cách giả tạo
đất nước thành hai nửa mà dưới thời cai trị của người Nhật đã phát triển như một nền
kinh tế bổ túc nhau. Các nhà lãnh đạo chính trị đã bắt đầu phát triển các mối liên kết đất
nước vào cuối thập niên 1940, giờ đây lại phải xây dựng một căn bản chỉ trong miền
Nam. Các công ty đã phải định hướng lại những tuyến cung cấp và thị trường của mình.
II. Quá trình công nghiệp hoá
1. Xây dựng nền tảng cho cuộc công nghiệp hoá
1.1 Sự đoàn kết.
Các nhà lãnh đạo thực dân Nhật Bản không hề dành cho người Triều Tiên có dịp để
ngoi lên những vị trí lãnh đạo đích thực. Syngman Rhee người đã nắm nền chính trị của
Nam Triều Tiên từ cuối thế chiến thứ hai cho tới năm 1960, là một nhà nhà ái quốc đã



qua thử thách. Ông đã bị tù đày từ năm 1898 đến 1904 vì hoạt động yêu nước, và từ lâu
đã bảo vệ chính nghĩa của Triều Tiên các cơ quan quốc tế như Hội Quốc Liên.
Kể từ hậu bán thế kỷ 19, Triều Tiên đã bị xâu xé vì những cuộc nổi dậy ở một mức
độ to lớn. Các phong trào phản kháng thường đề xuất chuyện công bằng xã hội và chính
quyền nhân đạo nhưng lại chẳng hề kêu gọi các nhà đầu tư xét đến chuyện xây dựng hay
khuếch trương các nhà máy. Vào mùa xuân 1919, người Nhật đã thẳng tay đàn áp phong
trào đòi quyền độc lập.
Vào cuối thập niên 1950, những cuộc dấy động của công chúng chống lại Syngman
Rhee đã tăng cho đến khi họ lật đổ được chính quyền của ông ta vào tháng 4 năm 1960.
Phác Chính Hy đã nắm được quyền lực vào năm 1961 thông qua một cuộc đảo chính

quân sự và đã củng cố quyền hành của mình bằng sự đàn áp đối lập mạnh mẽ. Nhiều
người đã lo sợ rằng sự mất đoàn kết sẽ khiến cho miền Nam dễ làm mồi cho cuộc tiến
công của miền Bắc.
Sau khi đất nước bị phân đôi, miền Bắc đã bắt đầu bằng một cơ sở công nghiệp khá
đồ sộ, có được nguồn viện trợ của Liên Xô. Quyết định giảm bớt viện trợ kinh tế của Mỹ
trong thập niên 1960, tiếp đó là sự ra đời của học thuyết Nixon trong thập niên 1970
nhằm làm giảm sự hiện diện về quân sự của Mỹ tại Châu á và việc Caacter tỏ ý muốn rút
quân đội Mỹ ra khỏi Triều Tiên đã kích thích mạnh mẽ cho Nam Triều Tiên tìm kiếm
một căn bản kỹ nghệ độc lập thích đáng hỗ trợ cho những nỗ lực phòng thủ đất nước của
riêng mình.




1.2 . Nguồn nhân lực có động cơ và có kỷ luật.
Trong những nỗ lực để công nghiệp hoá, Nam Triều Tiên ngoài diện tích rộng lớn
còn có lợi thế dân chúng rất có kỷ luật, một ý thức dân tộc rất sắc nét, và một sức sống
dân tộc rất mạnh mẽ.



Quyết tâm và sức sống của người Triều Tiên có thể là khó đo lường chính xác,
nhưng dẫu sao những điều đó cũng là có thực. Quyết tâm của xứ sở này rõ ràng là đã
được tôi luyện do chế độ thực dân áp bức của Nhật Bản trước kia và cuộc chiến tranh
Triều Tiên khốc liệt, và nó lại càng kiên cố hơn khi người Nam Triều Tiên đạt được niềm
tin từ sự thành công kinh tế của họ. ở thời điểm đỉnh cao của tốc độ phát triển của tốc độ
phát triển của Nhật Bản, người Nhật Bản trung bình chưa bao giờ làm việc đến 50 giờ
một tuần. Trong suốt thời phát triển nhanh chóng của Nam Triều Tiên, tuần làm việc đã
lên tới mức 60 giờ một tuần, và vào cuối thập niên 1980 tuần làm việc vẫn tiếp diễn ở
mức bình quân 55 giờ, nhiều hơn 10 giờ một tuần so với bất kỳ một nước công nghiệp

hoặc đang công nghiệp hoá nào khác. Hàn Quốc đã bắt đầu xúc tiến công nghiệp hoá
trong năm 1965 với trình độ công nghệ và đồng lương khá thấp hơn nhiều so với Nhật
Bản năm 1955 và thế là đã đạt được sức cạnh traanh kỹ nghệ bằng các nỗ lực cá nhân rất
lớn. Trong các đề án xây dựng ở Trung Đông, các công nhân Triều Tiên là vô địch về
mức sẵn sàng làm việc nhiều giờ dưới một khí hậu nóng như thiêu đốt. Trong những năm
gần đây, nhiều người Nhật tiếc cho sự suy tàn về đạo đức lao động của người Mỹ, nhưng
những lời bình của họ về Triều Tiên thì lại giống y như các than phiền của người Mỹ về
người Nhật " Người Triều Tiên, một số người Nhật nói, làm việc dai đến độ không ngờ
nổi, như là người máy vậy. Họ có một " tinh thần khao khát " và không ngớt cuỗm mất
những bí mật công nghiệp của ta ".
Người Hàn Quốc tiếp cận với học vấn cũng với lòng sốt sắng tương tự. Vào thời
điểm độc lập, gần nửa dân số Triều Tiên là mù chữ, nhưng không có xứ nào lại có bước
tiến nhanh về học vấn hơn họ, đặc biệt là trong học vấn đại học. Và cũng không có thanh
niên nước nào sốt sắng bằng họ trong việc theo đuổi tri thức và thông tin, chủ yếu là từ
Mỹ và từ Nhật Bản lẫn từ Châu Âu. Các sinh viên không hề thua kém bất kỳ ai trong
chuyện chuẩn bị các kỳ thi vào đại học. Số lượng các sinh viên trong các trường đại học
tại Mỹ và Nhật Bản gộp lại nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, và một phần lớn đã quay trở
về đất mẹ của họ, đặc biệt trong những năm gần đây khi kỹ năng của họ đang có nhu cầu
lớn. Người Hàn Quốc đã thu thập thông tin không chỉ trong khoa học kỹ thuật, mà cả
trong kinh tế học và các khoa học xã hội khác, lẫn trong các khoa nhân văn. Thế là họ đã
thu được, không chỉ thông tin chuyên biệt, mà cả một cảm thức rộng rãi về sự phát triển
của lịch sử.



1. 3. Kiến thức về Nhật Bản.
Không có nước nào bằng Hàn Quốc hiểu cặn kẽ về chính quyền doanh nghiệp, kỹ
thuật học và thậm chí ngôn ngữ của người Nhật. Dưới thời cai trị của người Nhật, người
Triều Tiên đã không nắm được các chức vụ hàng đầu trong chính quyền hay trong những
công ty lớn, nhưng một số đã học được về tổ chức lớn trong khi đang giữ những chức vụ

thấp hơn, và một số khác đã đứng đầu các công ty nhỏ làm ăn với các công ty của Nhật.
Trong năm 1990, 250. 000 học sinh trung học là đang học tiếng Nhật, chiếm xấp xỉ 70%
tổng số học sinh trung học không phải là người Nhật trên toàn thế giới đang học tiếng
Nhật. Pắc Chung Hy người đã cai trị Nam Triều Tiên từ 1961 đến 1979, từng theo học
một học viện quân sự của người Nhật và đã phục vụ 2 năm trong quân đội Mãn Châu
trong thế chiến thứ 2 với cấp bậc trung uý. Ông ta và nhiều người đồng thế hệ với ông
không chỉ có mối thiện cảm với sự tổ chức của người Nhật, mà còn duy trì cả những quan
hệ mật thiết tại nước Nhật. Sau cuộc phát triển kinh tế bắt đầu vào giữa thập niên 1960
cộng với chuyện miền Pusan của Hàn Quốc gần sát với Shimonoseki của Nhật Bản, và
phát thanh truyền hình, ấn phẩm của Nhật Bản đã đầy rẫy, thì sự giao tiếp với khoảng
600. 000 đến 700. 000 người Triều Tiên vẫn đang sống ở nước Nhật đãgiúp cho người
Triều Tiên tiếp cận tốt với thông tin của người Nhật Bản.
Bởi cả độ sâu thấm nhuyễn của người Nhật Bản lẫn chất áp bức của chủ nghĩa thực
dân Nhật, mà Hàn Quốc đã có một tình cảm vừa yêu vừa ghét sâu đậm. Trong bất cứ tình
huống nào, trong từng lĩnh vực một không có nước nào hưởng lợi từ việc hiểu được sự
thành công của Nhật Bản cho bằng Hàn Quốc
1. 4. Nông nghiệp có hiệu năng.
Sau khi thoát khỏi sự cai trị của người Nhật Bản, Nam Triều Tiên đã thực thi cuộc
cải cách ruộng đất, và với sự hỗ trợ của người Mỹ, đã tiến hành một chương trình năng
động để canh tân nông nghiệp. Năm 1961 khi cuộc công nghiệp hoá bắt đầu, gần 2/5 tổng
sản lượng quốc gia của Hàn Quốc là xuất phát từ nông nghiệp và nông nghiệp vẫn xoay
quanh chuyện trồng lúa vào những năm sau chiến tranh Triều Tiên, sản xuất nông nghiệp
đã gia tăng cực nhanh hơn cả thời kỳ trước thế chiến thứ 2. Vào thập niên 1970, Hàn
Quốc đã đạt được năng suất lúa trên mỗi hecta cao nhất, so với bất kỳ nước nào trên thế



giới. Năng suất nông nghiệp không chỉ giúp họ không phải nhập khẩu lương thực mà còn
cho phép một số nông gia mở các xưởng công nghiệp nữa.
2. Cách tiếp cận công nghiệp hoá của nhà nước.

Cuộc gấp rút hướng đến công nghiệp hoá của Hàn Quốc đã khởi đầu nghiêm chỉnh
từ năm 1961. Nỗ lực của Hàn Quốc để công nghiệp hoá đã dựa vào một số nhà lãnh đạo
quân sự mạnh muốn dồn sức cho việc phát triển kinh tế, một số sĩ quan quân đội trẻ có
đầu óc kinh doanh, một giới thư lại thiếu kinh nghiệm nhưng lại có tài, một cơ sở rộng rãi
gồm những thương nhân có kỷ luật sẵn sàng làm việc để xây dựng một căn bản kinh tế
cho cuộc phòng vệ chống miền Bắc và một quyết tâm của đất nước muốn bắt kịp các
thành công của người Nhật.
Khi Phác Chung Hy nắm quyền vào tháng 5 năm 1961, ông đã quyết định rằng sau
khi không còn viện trợ của Mỹ nữa thì Hàn Quốc cần phải có năng suất hàng hoá cần
thiết cho cuộc phòng thủ đất nước. Ông muốn cải thiện đời sống của dân chúng đang chịu
cảnh nghèo đói, và ông đã nhận thức rằng mình cần đến sự tiến bộ kinh tế để bảo vệ vị trí
chính trị của mình chống lại những ai xem việc nắm quyền của ông là bất hợp pháp. ông
đã xem sự tiến bộ kinh tế là một sứ mệnh. Trong 100 ngày đầu tiên của mình ông đã
thành lập một Uỷ ban hoạch định kinh tế để điều phối việc triển khai nhanh chóng và
công bố kế hoạch 5 năm lần thứ nhất sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm 1962.
Hăm hở phát triển kỹ nghệ và biết rằng khi người Mỹ bắt đầu rút khỏi, Hàn Quốc sẽ
phải xuất khẩu để mua trang thiết bị nhằm sản xuất ra hàng hoá của riêng mình. Phác vào
năm 1961 đã tức thời bắt đầu khuyến khích sản xuất công nghiệp cho xuất khẩu. Hàn
Quốc trong sự gấp rút của mình đã tức thời lao ngay vào việc phát triển công nghiệp định
hướng cho việc xuất khẩu trong khi việc thay thế nhập khẩu vẫn còn ở những bước ban
đầu. Chính phủ bắt đầu đề ra các chỉ tiêu xuất khẩu cho các công ty và cung ứng tài
nguyên cần thiết để giúp họ thực hiện những chỉ tiêu đó và các công ty đã làm việc theo
đó. Năm 1962, Hàn Quốc đã xuất khẩu tổng giá trị hàng hoá là 42 triệu USD và chỉ có 9
triệu USD là hàng chế biến. Vào năm 1970, Hàn Quốc đã xuất khẩu 1 tỷ USD giá trị
hàng hoá, và vào những năm 1981 là 21 tỷ USD gần như hoàn toàn là hàng chế tạo.
Đỉnh quyền lực Phác đã tuyển một nhóm gồm các nhà điều hành doanh nghiệp có
khả năng và các kỹ trị gia kinh tế họp đều đặn với ông. Ông cũng bắt đầu gặp gỡ với một




nhóm khoảng 50 cố vấn học giả, nhưng khi thấy rằng một số lời khuyên của họ thiếu thực
tiễn, chẳng lâu sau ông đã giải tán nhóm này và thuê một ít người trong số họ làm phụ tá
trong Hội đồng tối cao của ông. Ông nổi tiếng là người biết nghe lời khuyên của những
người hiểu biết, mau chóng học hỏi và làm những gì cần phải làm cho nền kinh tế. Chính
quyền thì nhỏ nên các quyết định vẫn được tập quyền cao độ. Nếu Tưởng Giới Thạch
giống như một vị chủ tịch hội đồng cho phép các siêu kỹ trị gia của mình quyền tự trị
đáng kể trong việc phát triển kinh tế, thì Phác Chung Hy lại giống như một viên tướng
đang ở tại trận tiền, tự mình đưa ra những quyết định quan trọng.
Một số những người ủng hộ sớm nhất của Phác Chung Hy là những viên tướng
quân sự, gốc từ Bắc Triều Tiên đã từng phục vụ chung với ông trong quân đội Mãn Châu.
Nhưng ông ta và những người thuộc số đang trở thành những cộng sự những doanh gia
lẫn những viên chức quân sự thân cận nhất của ông ta đều có gốc từ Kyongsang-do, miền
đông nam của bán đảo Triều Tiên. Phác đã lớn lên gần Taegu, trạm dừng chính đầu tiên ở
phía Bắc cảng Pusan trên tuyến đường sắt quan trọng đi Seoul, do người Nhật xây dựng
và về sau đã mở rộng sang Mãn Châu. Và vào lúc Phác trưởng thành, miền này đã được
thương mại hoá hoàn toàn, chịu ảnh hưởng sâu đậm của người Nhật, thế là ông ta và bè
bạn mình đã lớn lên với một sự hiểu biết rành về phát triển kinh tế hơn so với hầu hết lớp
trẻ ở những miền khác. Phác thường thông qua các bạn bè để lựa chọn những cố vấn mà
ông có thể tin được, nhưng không như Syngman Rhee, ông ta đủ mạnh để kháng lại
những bạn bè kém khả năng vốn chỉ muốn được khen thưởng thôi, và tuyển những ai có
thể làm được việc.
Các cố vấn kinh tế ngoại quốc chính yếu cho Hàn Quốc từ cuối chiến tranh Triều
Tiên cho đến 1965 là người Mỹ. Người Mỹ góp một vai trò trong việc canh tân nông
nghiệp và trong việc xây dựng lại đường xá cầu cống, trong việc củng cố các bờ sông làm
tăng điện năng và nhập khẩu công nghệ mới. Vào giữa thập niên 1960 khi Hoa Kỳ dần
kết thúc chương trình viện trợ và khi Phác bắt đầu bình thường hoá quan hệ với Nhật
Bản, vai trò của Nhật nhanh chóng trở nên quan trọng. Nhật Bản bắt đầu mở rộng các
khoản cho vay và Phác cùng với cộng sự của mình đã quay sang Nhật Bản để tìm kiếm
công nghệ, thiết bị sản xuất và một mô hình toàn cục cho sự phát triển. Tuy nhiên chuyện
các tình cảm bài Nhật nổi lên năm 1965, khi các sinh viên biểu tình chống Phác vì quay




lại bang giao với Nhật, đã khiến cho các viên chức chính quyền không tiện nói hết về
mức gần gũi đích thực của các quan hệ kinh tế của Nam Triều Tiên với Nhật.
Hàn Quốc bắt đầu công nghiệp hoá với một căn bản kỹ thuật và một mức sống cực
kỳ thấp kém. Bởi có ít kỹ nghệ ngoại trừ ngành dệt ở miền Nam trước chiến tranh Triều
Tiên, nên Hàn Quốc đã thiếu những kỹ sư và những nhà quản trị có kinh nghiệm để giúp
cho việc tái thiết. Quyết tâm tiến bước với tốc độ nhanh nhất có thể được, chính phủ Hàn
Quốc đã vay của nước ngoài rất nhiều. Người Hàn Quốc lao vào các dự án ngay khi các
kế hoạch hoặc kỹ thuật học cần thiết đều chưa sẵn sàng hẳn đâu vào đó và rồi ứng biến,
làm việc đến hết sức chịu đựng để giải quyết bất kỳ vấn nạn nào phát sinh. Đôi khi sự
hành động mau chóng là cần thiết và trong những tình huống như thế Hàn Quốc đã được
lợi từ đẳng cấp tập quyền của mình và một vị tổng thống tích cực, một con người hành
động dứt khoát và đã thi hành các kế hoạch mà không hề trì hoãn.
Đường lối tiếp cận của Hàn Quốc bắt đầu bằng cuộc hiện đại hoá bằng cách củng cố
nông nghiệp và cơ sở hạ tầng rồi chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Vào đầu thập niên
1960 Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất phân bón nhằm thay thế nguồn
cung cấp mà trước kia lấy từ miền Bắc hay từ nước ngoài. Họ cũng bắt đầu sản xuất ra
máy móc nông nghiệp và tăng cường các cơ sở hạ tầng bằng cách canh tân các xa lộ, các
cảng và phương tiện giao thông. Với công cuộc đô thị hoá, đất nước đã bắt đầu phát triển
một cơ sở hạ tầng đô thị, và khi sản lượng công nghiệp đã vượt qua sản lượng nông
nghiệp, họ đã hướng đến trong các thập niên 60 và 70, việc tổ chức các cộng đồng nông
thôn để khuyến khích phát triển nông thôn mà không đè nặng lên ngân sách quốc gia.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng Hàn Quốc đã cố gắng nhanh chóng sản xuất hàng hóa của
chính mình cho tiêu dùng thường nhật hơn là dựa vào nhập khẩu, và trước năm 1961 họ
đã đạt được sự tiến bộ lớn trong việc giảm bớt tỷ lệ hàng tiêu dùng nhập khẩu và tăng tỷ
lệ những hàng được dùng để mở rộng năng suất công nghiệp. Họ đã khuyến khích sản
xuất vải vóc, quần áo, giày thể thao và về sau là hàng điện tử để xuất khẩu. Với một nền
kinh tế nhỏ bé hơn của Nhật Bản, Hàn Quốc không thể dựa vào thị trường quốc nội, và

đã trở nên phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu so với Nhật. Họ đã cố gắng nâng cấp công
nghệ để vừa mở rộng quy mô xuất khẩu lẫn để cải tiến năng suất, nhằm kiếm cách giữ
được sức cạnh tranh quốc tế đồng thời tăng được mức lương lên.



Lúc đầu, do Hàn Quốc không thể tự làm ra được thiết bị sản xuất, và tự mình chế
biến các nguyên liệu thô nên đã nhập khẩu thiết bị công nghệ từ Nhật Bản. Trong ngành
dệt, chẳng hạn sợi hoá học hoặc phẩm dầu hoả để chế sợi lúc đầu là phải nhập. Hăm hở
vươn tới trước nhưng thiếu công nghệ riêng của mình, các ngành máy móc và điện tử của
Hàn Quốc thường bắt đầu bằng việc lắp ráp các bộ phận được sản xuất từ Nhật Bản. Khi
người Triều Tiên bắt đầu đóng tàu, không chỉ các thanh truyền mà còn nguyên cả khối
máy là đều nhập từ Nhật. Nhưng người Triều Tiên đã học càng học càng tốt, càng làm ra
nhiều bộ phận cho những sản phẩm mà họ đã lắp ráp và rồi tiến đến lắp ráp những sản
phẩm phức tạp hơn. Với việc có quá ít những kỹ thuật gia so với ở Nhật Bản, người Triều
Tiên không thể sản xuất được nhiều sản phẩm rộng rãi và đương nhiên là họ đã tập trung
vào một nhóm nhỏ những lĩnh vực đang đầy hứa hẹn. Khi người Hàn Quốc thu được kinh
nghiệm trong việc sản xuất một sản phẩm nhất định nào đó, họ đã tiếp tục dấn tới để thu
hẹp hoặc xoá bỏ khoảng cách biệt về chất lượng so với Nhật Bản.
Thế nhưng nhu cầu nhập các bộ phận và trang thiết bị từ Nhật của Hàn Quốc đã tạo
ra một sự mất cân đối rất lớn về mậu dịch giữa hai nước. Các nhà thư lại Nhật Bản, nôn
nóng thôi thúc đất nước chuyển sang công nghệ cao, đã khuyến khích các công ty Nhật
nhượng lại những sản phẩm thuộc cấp thấp trong bậc thang công nghệ cho những nước
như Hàn Quốc. Trong thực tế các công ty Nhật đang dõi theo việc thâm nhập vào kỹ
nghệ Mỹ, đã cố gắng hết mức để tiếp tục sản xuất thật nhiều trong nước có thể được.
Cho đến cuối thập niên 1980, Nhật Bản hầu như không mua hàng chế tạo nào từ Hàn
Quốc cán cân mậu dịch của Nhật Bản với Hàn Quốc vẫn còn ở mức nhập siêu, nhưng
bởi vì Hàn Quốc đã xuất khẩu được hàng hoá sang Mỹ, nên hầu như suốt thập niên 1980,
họ đã đạt gần tới mức cân bằng các kết toán mậu dịch của mình.
Từ buổi đầu của nỗ lực công nghiệp hoá, người Triều Tiên đã e ngại về sức chi phối

của người Nhật lên nền kinh tế của mình, và với sự miễn cưỡng của các công ty Nhật
trong việc chia sẻ các kỹ thuật học của họ. Hàn Quốc cũng giống như Nhật vào thập niên
1960 khi âu lo về sức chi phối của người Mỹ, đã duy trì kiểm soát khắt khe đối với đầu tư
trực tiếp của người Nhật, vốn của ngưòi Nhật, và các sản phẩm của người Nhật, Hàn
Quốc cũng đã bảo hộ các kỹ nghệ non trẻ của mình cho đến khi chúng đã có một tầm cỡ
cực vững và thậm chí lúc đó vẫn chống chuyện mở cửa thị trường của mình cho các sản
phẩm nước ngoài. Hàn Quốc vẫn là một trong vài nước hoàn toàn không nhập xe hơi của



Nhật, một chính sách mà Nhật đã trả đũa lại khi Hàn Quốc bắt đầu sản xuất ra xe hơi có
sức cạnh tranh trong các thị trường quốc tế thông qua sự cảnh giác thường xuyên ở mọi
cấp độ, các quan chức và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Triều Tiên đã thành công trong
việc kìm hãm mức độ đầu tư trực tiếp của người Nhật và ngăn chặn được sự chi phối về
tài chính của Nhật Bản. Kinh nghiệm của Triều Tiên, dĩ nhiên trái ngược hẳn với hoàn
cảnh tại Hoa Kỳ và Đông Nam á, những nơi mà sự đầu tư trực tiếp của người Nhật tăng
lên nhanh chóng vào hậu thập niên 1980. Người Triều Tiên hăm hở tìm kiếm kỹ thuật
học nơi người Nhật, nhưng họ đã chiến đấu, như người Nhật đã từng chiến đấu trước kia,
để giữ quyền kiểm soát trong đôi tay của mình.
Các công ty Nhật thấy được kinh nghiệm của công nghiệp Mỹ, đã hết sức cẩn trọng
chuyện chia sẻ công nghệ với những nước khác vì sợ rằng điều đó có thể dẫn đến điều mà
họ gọi là cái "boomerang" tức là sự xâm nhập trở lại của những sản phẩm dùng đến công
nghệ đó vào chính những thị trường riêng của họ. Thế nhưng có một người Nhật thì lại
sẵn sàng muốn chia sẻ kỹ thuật học của họ theo những hoàn cảnh nhất định nào đó, như
khi người Triều Tiên có chọn lựa nhận công nghệ từ các đối thủ cạnh tranh với họ, người
Nhật hay nước ngoài. Ngay cả khi người Nhật phải miễn cưỡng chia sẻ, họ cũng không
thể ngăn hoàn toàn dòng chảy của kỹ thuật học được. Nhiều người phương Tây đã từ bỏ
việc thâu thập kỹ thuật học từ người Nhật, nhưng người Triều Tiên thì vẫn một mực thâu
thập thật nhiều kỹ thuật học từ Nhật hơn là từ Mỹ, và nhiều hơn mức mà phần lớn người
phương Tây có thể nghĩ ra.

Trong một số trường hợp, người Triều Tiên đơn thuần là xin cấp giấy phép công
nghệ hoặc mua quyền sử dụng bằng sách chế. Họ cũng cần mẫn trong chuyện nghiên cứu
thông tin đã phổ biến sẵn. Trong thập niên 1980, mỗi năm có hàng trăm người Triều Tiên
được nhận vào các học viện kỹ thuật và các chương trình đào tạo kỹ thuật của các trường
đại học Nhật Bản. Đối với học vấn trên đại học, người Triều Tiên thường là đến học ở
Hoa Kỳ. Có lúc, xấp xỉ phân nửa số 30 sinh viên chuyên ngành đóng tàu tại viện MIT là
người Triều Tiên.
Còn trong trường hợp sắt thép, một nhóm những nhà lãnh đạo kinh doanh sáng suốt
người Nhật, đứng đầu là Shigeo Nagano, đã quyết định rằng việc có quan hệ quốc tế hoà
bình tại Đông á đòi hỏi phải có sự khang kiện kinh tế tại những nước khác. Thế nên New



Japan Steel đã giúp đỡ bằng cách bán công nghệ của mình để lập ra nhà máy thép lớn của
Triều Tiên tại Pohang, nhà máy này bắt đầu sản xuất ra thép vào năm 1973. Vào năm
1983, Pohang đã sản xuất được 9 triệu tấn thép thô một năm, nhiều hơn mức sản xuất của
Đài Loan. ở Pohang, cách bố trí nhà máy, sự tổ chức và phong cách quản trị, máy móc,
và thậm chí cả bộ đồng phục của các viên kỹ sư thép hầu như đã chẳng khác gì hết với
những nhà máy thép lớn của Nhật Bản. Vào cuối thập niên 1980, khi kỹ nghệ thép của
Hàn Quốc đã tiến bộ nhanh chóng hơn mức dự định của người Nhật, những người thừa
kế Shigeo Nagano đã ngần ngại trong việc chia sẻ thêm kỹ thuật học của họ. Đối với
những đợt hiện đại hoá mới về thép của họ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên
1990, đương nhiên, người Triều Tiên đã quay sang người Châu âu.
Khi người Hàn Quốc mua máy móc từ người Nhật, họ đã mặc cả để học càng nhiều
càng tốt về các bộ phận kỹ thuật sửa chữa. Họ đã làm việc như những người đối tác và
những nhà cung cấp cho các công ty của Nhật. Họ đã mời các những nhà tư vấn Nhật,
những người nghỉ hưu, và những người khác nữa mà vì lý do nào đó sẵn sàng chia sẻ kỹ
thuật học, người Triều Tiên chuyên làm chuyện “thiết kế ngược”, thận trọng tháo rời
những sản phẩm thành công của nước ngoài để nghiên cứu chúng và tạo ra những sản
phẩm giống bản gốc. Hàn Quốc quả không có đối thủ, thậm chí cả với Nhật Bản, trong

chuyện tốc độ mà họ đã đi từ chỗ hầu như không có kỹ thuật học công nghiệp nào vươn
lên hàng những quốc gia kỹ nghệ của thế giới.
Ngay sau khi có thể vay mượn được vốn cần thiết vào cuối thập niên 1960, Hàn
Quốc đã quyết định khuyếch trương kỹ nghệ nặng và ngành hoá chất. Họ theo đuổi
chương trình trong suốt thập niên 1970, mặc dù các dự án đã phải dẫn đến những món nợ
cực lớn với các cơ quan nước ngoài và lạm phát. Những sản phẩm công nghiệp nặng đầu
tiên của Hàn Quốc đã tham gia vào thị trường ngay sau cú sốc đầu tiên, khi thế giới đang
đi vào một cơn suy thoái. Vào cuối thập niên 1970, do không thể bán đủ sản phẩm của
mình để trả những khoản nợ, Hàn Quốc đã gặp phải những khó khăn kinh tế nghiêm
trọng. Lúc đầu khi Triều Tiên khuyếch trương công nghiệp nặng vào đầu thập niên 1970,
một số nhà lãnh đạo Đài Loan đã lo sợ mình bị tụt lại xa phía sau. Về sau, khi những mất
cân đối về mậu dịch và các khoản nợ của Hàn Quốc thì cứ phình to lên, người Đài Loan
mới an tâm rằng mình thận trọng hơn và họ đã nhanh chóng lo trả các món nợ nước ngoài
của mình. Nhưng mặc dù có những vấn nạn, chương trình công nghiệp nặng của Triều



Tiên vẫn cứ tiến bước vào đầu thập niên 1980. Hàn Quốc đã tiếp tục theo đuổi một nỗ lực
công nghiệp nặng trong sắt thép, đóng tàu và xe hơi. Mặc dù họ đã cho vay mượn rất
nhiều để tài trợ cho cuộc khuyếch trương này, nhưng một thoáng cơ may đã kéo dài từ
năm 1985, lúc đồng yên của Nhật tăng lên đáng kể so với đồng đô la, cho đến năm 1988,
lúc đồng won của Triều Tiên cao giá hơn so với đồng đô la, đã cho phép người Triều
Tiên đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc chi trả những khoản nợ nần của họ.
3. Các doanh nhân
Uỷ ban kế hoạch kinh tế và Bộ thương mại và công nghiệp của Triều Tiên đã đưa ra
cho các công ty Triều Tiên những chỉ thị tỷ mỉ. Thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hoạt
động ngân hàng, chính phủ Hàn Quốc có thể quyết định chuyện những công ty nào được
nhận những khoản vay nào đó ở mức lãi suất nào đó. Nhưng tự bản thân công ty phải
chịu trách nhiệm về những lời và lỗ của mình.
Các nhà lập kế hoạch của Hàn Quốc hiểu cách Nhật Bản đã chuẩn bị ra sao vào thập

niên 1960 cho chuyện mở cửa tất yếu các thị trường của mình do kết quả của những áp
lực bên ngoài. Nhật Bản đã chuyển sang gia tăng quy mô của các công ty của mình, nhằm
cho phép họ làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên một quy mô lớn và thế là
tránh được các nhập khẩu thông qua các áp lực của thương trường. Người Hàn Quốc trở
nên tin rằng để cạnh tranh trên các thị trường quốc tế và trụ vững được trước sự đe doạ
của hàng nhập khẩu của nước ngoài, họ cũng sẽ cần đến những công ty đồ sộ. Chính phủ
Hàn Quốc tích cực thúc đẩy những công ty của mình gấp rút mở rộng quy mô.
Vào sau chiến tranh Triều Tiên, công nghiệp phần lớn tập trung ở các thành phố
đông nam là Taegu và Pusan, bởi những nơi này đã từng được Nhật phát triển, và chúng
cũng là những miền đô thị lớn duy nhất không từng bị miền Bắc chiếm. Phác Chung Hy
và các đồng sự của ông đã tuyển kỹ những công ty thành công, có những doanh nhân nổi
tiếng là giỏi và giành cho những công ty đó các khoản vay của nhà nước với lãi suất thấp,
những khích lệ về thuế, và bất kỳ tài nguyên nào cần thiết nhằm củng cố họ trở thành
chaebol đa dạng hoá hùng mạnh, dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của một công ty chủ vì
rằng các công ty chaebol hầu như mới mẻ hoàn toàn, được thành lập trong thời hậu chiến,
nên chúng khác hẳn với zaibatsu già đời của người Nhật. ở Nhật Bản, Mitsubishi đã từng
làm ăn cả thế kỷ nay, Sumitomo và Mitsu thì đã từng nhiều thế kỷ nay. Ngay cả trước thế



chiến thứ 2, khi các zaibatsu vẫn còn dưới quyền kiểm soát của những công ty chủ, quyền
sở hữu cũng đã được tách khỏi quyền điều khiển. Nhưng còn tại Hàn Quốc, ngay cả trong
cuối thập niên 1980, trên 40 thuộc 50 chaebol hàng đầu vẫn còn dưới quyền kiểm soát
chặt chẽ của những nhà sáng lập đầu tiên.
Nhà sáng lập, nói chung, đã khởi nghiệp trong một doanh vụ sinh lợi ở một lĩnh vực
duy nhất nào đó như xay gạo, chế biến thực phẩm, xây dựng, buôn bán, dệt, hay bất động
sản. Khi cuộc kinh doanh cho thấy là thành công, doanh nhân đó đa dạng hoá sang những
lĩnh vực mới và đầy hứa hẹn, thường là vay mượn để khuyếch trương nhằm tận dụng
những cơ may phát triển. Các nhà sáng lập là những nhà lãnh đạo vững vàng, hoàn cảnh
của họ đòi hỏi nhiều sáng kiến, cái nhìn táo bạo, những phản ứng đầy thuyết phục và mau

lẹ. Như với những nhà sáng lập lớn tại nhiều nước, sự thành công và kinh nghiệm đã làm
tăng thêm lòng tự tin của họ và cũng khiến họ có khuynh hướng tự mình đưa ra tất cả các
quyết định cuối cùng hay quan trọng. Có lẽ các nhà sáng lập chaebol có khuynh hướng
liều lĩnh hơn so những người ở địa vị tương tự ở hầu hết các nước khác là bởi vì có chính
quyền đứng đằng sau lưng họ, sẵn sàng giúp đỡ họ.
Gợi ý để các công ty mở rộng sang những lĩnh vực mới đôi khi xuất phát từ chính
quyền, vốn đã nắm chặt trong tay những cơ sở tài chính. Các nhà lập kế hoạch của nhà
nước khi tin rằng có thể mở thêm một lĩnh vực quan trọng mới, họ đã khuyến khích các
công ty có những khả năng về quản trị và kỹ thuật thích đáng. Trong một lãnh vực mới
hoặc một mặt hàng quan trọng mới, họ cố gắng khuyến khích phát triển ít nhất hai công
ty chính sao cho sự cạnh tranh giữa họ sẽ làm giảm hiểm hoạ độc quyền và cung cấp
cùng dạng cạnh tranh có trọng điểm giữa các công ty vốn đã từng có. Khi các công ty thất
bại, các viên chức chính quyền tạo ra những khích lệ để động viên những công ty khác
nhập cuộc nhằm tránh những vấn nạn về thất nghiệp. Thế là chaebol đa dạng hoá thuộc
tầm cỡ lớn đã mở rộng cực kỳ nhanh chóng hơn là khi chỉ dựa vào động lực thị trường
không thôi.
Một lãnh vực đã đóng một vai trò quan trọng độc đáo vào sự phát triển của các
chaebol là ngành xây dựng. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, việc tái thiết đường sá, thiết
lộ, đê sông, cơ sở cảng, và công trình công cộng đã là một ưu tiên khẩn thiết. Người Mỹ
đã cung cấp trang thiết bị xây dựng hiện đại, mà người Triều Tiên đã nhanh chóng thủ



đắc được. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, khi người Mỹ muốn tìm những nhà
thầu cho công trình xây dựng tại Việt Nam, các công ty Triều Tiên, vốn lúc ấy đã có kinh
nghiệm trong cách làm việc với quân đội Mỹ, đã thường là những người bỏ thầu thấp
nhất. Sau cú sốc dầu hoả năm 1973, các nước sản xuất dầu, giàu sụ với số của cải mới có
được nhưng lại thiếu kỹ sư tài giỏi và những công nhân thiện chí, đã hợp đồng các dự án
với những công ty xây dựng ngoại quốc. Các chaebol của Triều Tiên đã hoàn thành tốt và
đã giành được một phần suất khá lớn những hợp đồng thầu xây dựng dân dụng. Năm

1979, riêng ở ả Rập Saudi không thôi, đã có 68 công ty và 93. 000 công nhân Triều Tiên.
Hai phần ba công nhân xây dựng Triều Tiên là những cựu chiến binh, có kỷ luật cao,
thông thạo với máy móc hiện đại, và quen với nếp sống nơi doanh trại. Họ sẵn sàng làm
việc dài giờ để kiếm được thật nhiều hơn mức có thể kiếm được nơi miền quê hương
nghèo khổ của mình. Các chaebol của Triều Tiên như Huyndae, Dealim và DongAh đã
từng có thời phát triển ồ ạt và nhanh chóng bởi sự thành công của họ trong nghề xây
dựng ở Trung Đông và một số công ty nhỏ đã dần lớn lên để trở thành chaebol. Qua gần
một thập niên, những công ty này gộp lại thế là đã tạo ra nhiều tỷ đô la ngoại tệ hàng
năm, nhờ đó họ mở rộng cơ sở kỹ nghệ ở trong nước.
Một số sở hữu chủ gia đình của chaebol Triều Tiên thì thu được nhiều tài sản đáng
kể, mặc dù nhiều người đã tái đầu tư đáng kể số thu nhập vào những kinh doanh của họ.
Cho đến cuối thập niên 1980, khoảng cách biệt giữa thang lương của công nhân áo xanh
và công nhân áo trắng vẫn còn lớn. Trong một số chaebol, các chủ nhân đã bị chỉ trích là
thuộc phe nhóm xuất thân từ miền Taegu, vốn cũng gồm cả những cả những nhân vật
chính trị hàng đầu. Thông tin bên trong có liên quan đến việc những những chaebol này
thu được một số tiền quỹ của họ ra sao đã không được công bố đầy đủ, và các doanh
nhân có liên quan bị công kích là hưởng được sự thiên vị và chính quyền thì nhận hối lộ.
Cùng lúc đó, tuy nhiên, không một ai nghi ngờ gì chuyện các nhà sáng lập chaebol là
những doanh nhân rất có hiệu quả và làm ăn chăm chỉ.
Chaebol của Hàn Quốc nói chung bao gồm một nhóm công ty đa dạng thuộc những
lĩnh vực khác nhau, do một công ty chủ độc nhất điều khiển. Nhà sáng lập của một
chaebol thường là đặt bà con của mình vào coi sóc những công ty gia nhập hoặc những
công ty nhánh quan trọng nhằm duy trì quyền kiểm soát cá nhân đáng tin cậy. Thu nhập
của công nhân áo xanh, qua suốt 3 thập niên phát triển, thì cao hơn so với các công ty



Nhật. Lòng trung thành chưa phát triển cao lắm, và công nhân đã nhanh chóng bỏ đi khi
những công ty đang khuyếch trương, thiếu những nhà quản trị và kỹ thuật gia tài giỏi,
đưa ra những điều kiện tốt đẹp đáng kể để câu nhử công nhân bỏ sang. Mặc dù thu nhập

của công nhân áo trắng cũng cao theo tiêu chuẩn của người Nhật, nhưng vào thập niên
1980 thì các chaebol cực lớn đã bắt đầu triển khai như tại Nhật Bản, một ban nhân viên
áo trắng chuyên nghiệp, có tính chuyện thâm niên, triển vọng thuê mướn dài hạn và một
tập hợp phúc lợi khá hậu hĩ hơn so với những xí nghiệp nhỏ. Hơn nữa, bởi liên quan đến
chuyện trung thành, các chủ nhân thường là một nhóm nòng cốt nhỏ gồm những nhân
viên được tín cẩn đặc biệt và các thành viên gia đình, vốn có thăng tiến nhanh hơn những
nhân viên áo trắng bình thường. Chỉ vào cuối thập niên 1980, với sự bành trướng nhanh
chóng và đã qua cái thời của thế hệ sáng lập, hầu hết các chaebol mới bắt đầu trải qua
một cuộc cách mạng về quản trị. Tuy nhiên, thế hệ thứ hai của các gia đình chaebol
thường là vẫn tiếp tục chiếm giữ những chức vụ chủ chốt, vốn vẫn chưa mở ra những nhà
quản trị ăn lương, chưa được tín cẩn mấy.
Hàn Quốc cũng đã phát triển một lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ, rất thành công, đa
dạng và năng động, vốn đã tận dụng được những cơ may mới. Nhiều nhà sản xuất nhỏ
của Triều Tiên để giành được những khách hàng chắc chắn và nâng cấp công nghệ của
mình đã bắt đầu liên kết với những nhà sản xuất lớn.
III. Một vài đặc điểm so sánh với sự phát triển kinh tế ở Việt
nam
Đầu những năm 1980, tình trạng khủng hoảng sâu sắc của nền kinh tế Việt Nam
buộc chính phủ phải tiến hành cải cách triệt để, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập
trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường mở. Sau khoảng một thập niên thực
hiện cải cách nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tổng sản
phẩm quốc dân tăng trung bình hàng năm 7, 5%, lạm phát đã được đẩy lùi từ 500 -
700%/năm xuống còn khoảng 10%/năm.
Liên hệ với những điểm đã phân tích ở trên về kinh nghiệm phát triển kinh tế của
Hàn Quốc có thể thấy rõ những nét tương đồng và không tương đồng trong quá trình thực
hiện đổi mới nền kinh tế ở Việt Nam với quá trình phát triển ở Hàn Quốc như sau :



1. Về huy động các thành phần kinh tế.

Trong phát triển kinh tế thị trường, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, chính phủ
Việt Nam đã định rõ phương hướng phát triển kinh tế trong giai đoạn mới là chuyển sang
nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế
với nhiều thành phần với vai trò tích cực của kinh tế nhà nước. Chính sách phát triển kinh
tế nhiều thành phần đã thay đổi một cách cơ bản nhận thức trước đây về phương hướng
phát triển nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nó đã giải phóng khu vực kinh tế
tư nhân, lực lượng lớn nhất của nền kinh tế quốc dân, mở cho họ nhiều cơ hội mới, kinh
doanh năng động và tăng trưởng nhanh chóng. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt
để nhà nước thực thi cơ chế kinh tế mới : cơ chế thị trường. Vai trò chủ đạo của kinh tế
nhà nước hiện nay cũng được hiểu theo một cách khác trước. nếu như trước đây khu vực
kinh tế nhà nước giữ vị trí thống trị trong nền kinh tế thì qua việc thực hiện cải cách đã
làm thay đổi mối tương quan đó. Với sự phát triển khá mạnh của nền kinh tế tư nhân
thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và những biến đổi theo xu hướng thị trường trong
các xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, trong nền kinh tế đã hình thành hai khu vực chính
là kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân với những hoạt động kinh doanh vừa cạnh tranh
vừa hợp tác. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại đáng lưu ý: tình trạng không rạch
ròi về chức năng đã làm giảm đi tính hiệu quả trong hoạt động kinh tế của từng khu vực.
Xu hướng thị trường hoá trong khu vực kinh tế nhà nước chưa được đẩy mạnh. Vai trò
điều tiết nền kinh tế của khu vực kinh tế nhà nước chưa được thực hiện tốt như ở Hàn
Quốc. ở Việt Nam, quá trình đổi mới kinh tế quốc doanh có phần chậm chạp, giữ được ổn
định, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Lời giải đáp tốt nhất cho vấn đề này vẫn chưa tìm
ra.
2. Mở cửa nền kinh tế.
Nếu như "mở cửa" đã đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế Hàn Quốc thì mở cửa
cũng đã trở thành một đầu tàu trong công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam trong hơn một
thập kỷ qua. Chính sách mở cửa có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện những bước đi đầu tiên của nền kinh tế mở khởi đầu
bằng việc coi chương trình xuất khẩu là chương trình quyết định các chương trình kinh tế
khác (1986), rồi đến việc công bố luật đầu tư nước ngoài năm 1987 và chương trình tiếp




nhận ODA những năm gần đây. Tuy vậy so với Hàn Quốc về điểm này, trong quá trình
thực hiện chính sách về mở cửa, Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn
chưa giải quyết được: một chính sách thương mại quốc tế thích hợp vẫn còn đang là vấn
đề chưa được xác định rõ ràng. Mặc dù nguyên tắc của một nền kinh tế mở đã được
khẳng định, nhưng những đường nét cụ thể cho một chiến lược kết hợp hay thay thế nhập
khẩu với hướng vào xuất khẩu chưa được định ra, việc tiếp nhận các chương trình đầu tư
và viện trợ nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do còn thiếu luật pháp, bộ máy quản lý
quan liêu, các chính sách về thuế, tỷ giá hối đoái trong thương mại chưa đủ sức thuyết
phục.
Đối với Việt Nam, để khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn và rút ngắn quá trình công
nghiệp hoá, qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước, chúng tôi thấy nước ta cần và có thể
thực hiện chiến lược bổ sung giữa hướng vào xuất khẩu và thay thế nhập khẩu, không
cần tuần tự đi qua chiến lược thay thế nhập khẩu mất một vài chục năm rồi mới chuyển
sang hướng vào xuất khẩu như nhiều nước đã làm, như thế sẽ chậm, mà có thể bắt đầu
thực hiện ngay chiến lược hướng vào xuất khẩu đồng thời với việc thực hiện có chọn lọc
và có điều chỉnh một số chính sách biện pháp cần thiết để bảo vệ và nâng cao sức cạnh
tranh và hiệu quả của các ngành công nghiệp non trẻ đã có.
3. Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
ở Việt Nam, giáo dục phổ thông khá phát triển. Đó là một vốn quý, một lợi thế.
Như vậy đối với lao động phổ thông ở Việt Nam, nhìn chung trình độ học vấn không
thấp, tuy nhiên chất lượng đào tạo nghề nghiệp còn thấp, xu hướng chung của công nghệ
mới hiện nay đòi hỏi lao động kỹ thuật nhiều hơn lao động thông thường, do đó vấn đề
đào tạo đội ngũ người lao động có chất lượng cao đáp ứng những yêu cầu mới của thị
trường, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vừa là vấn đề cấp bách trước mắt,
vừa lâu dài trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

4. Về công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Việc chuyển sang quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nền kinh tế thị

trường mới là bước khởi đầu. Mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nền kinh tế lấy



công nghiệp nặng làm nền tảng trước đây có lẽ thích hợp với Nga nhiều hơn là Việt Nam,
ít nhất là trong 2 - 3 thập kỷ tới. Song một mô hình công nghiệp hoá theo hướng mới vẫn
chưa được xác định thực một cách rõ ràng. Việt Nam mới chỉ đi những bước chập chững
trong những chặng đường đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy
quá trình này đã được triển khai thực hiện một cách tích cực ở nhiều hướng khác nhau, có
một số mặt thuận lợi do công cuộc đổi mới và tình hình quốc tế và khu vực đem lại, song
so với nhiều nước đang phát triển khác thì Việt Nam vẫn còn rất hạn chế như việc huy
động và sử dụng các nguồn vốn còn kém, khu vực kinh tế nhà nước chưa mang lại hiệu
quả cao, kinh doanh tư nhân chưa lớn mạnh, luật pháp còn thiếu, bộ máy quản lý quan
liêu, cồng kềnh, tham nhũng cao, hiệu quả thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội còn yếu
kém, nói chung chưa có một cơ chế quản lý năng động đủ đáp ứng nhu cầu của quá trình
công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tăng trưởng nhanh.
Phải chăng Việt Nam cần thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá mới không
phải theo một nguyên tắc tĩnh và cứng nhắc lấy công nghiệp nặng làm then chốt như
trước đây, mà dựa trên nguyên lý động, linh hoạt của sự thay đổi về lợi thế so sánh ? Để
trả lời câu hỏi này, không những cần nghiên cứu lợi thế so sánh của Việt Nam, mà còn
cần nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước nhất là những bài học kinh nghiệm thành
công của Hàn Quốc.























Kết luận

Trong số tất cả những con rồng nhỏ, Hàn Quốc đã có mức tập trung cao độ những
công ty lớn và những mục tiêu đầy tham vọng nhất. Không có quốc gia nào cố gắng cật
lực và đã vươn xa nhanh cực kỳ đến thế, từ thủ công lên công nghiệp nặng, từ nghèo đói
lên phú thịnh, từ những nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm lên những nhà hoạch định, những
nhà quản trị và những kỹ sư hiện đại.
Bằng chứng Hàn Quốc đã tương phản mạnh mẽ với nhận thức về bất kỳ một nguyên
nhân đơn lẻ có tính chất quyết định nào của thành công kinh tế. Thay vào đó, bằng chứng
Hàn Quốc đã cho thấy sự kết hợp những yếu tố luôn gắn liền với quá trình phát triển.
Không có nền kinh tế nào có thể thành công được nếu thiếu 3 yếu tố : hướng ngoại, ổn
định kinh tế vĩ mô và đầu tư vào con người. Kinh nghiệm phong phú gợi ra rằng những
công thức có tính chất phổ biến và rộng khắp là không thể và có những hoàn cảnh cụ thể
của từng nước sẽ đóng vai trò quyết định. Tuy vậy phần lớn kinh nghiệm cho thấy sự
đóng góp quan trọng của các chính sách kinh tế ổn định và có tính cạnh tranh, nới lỏng
kinh doanh. Điều thú vị là, điểm mấu chốt của quá trình hoạch định chính sách là vai trò

tích cực của chính phủ trong việc theo dõi tiến hành phát triển, vạch ra những kế hoạch
dài hạn, thay đổi cho phù hợp cơ cấu thể chế nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách.








Tài liệu tham khảo
1. Kinh nghiệm phát triển của các nền kinh tế Đông - Đông Nam á và ý nghĩa đối với
Việt Nam - PTS Đỗ Đức Định
2. Tổng quan về kinh nghiệm Đông á - Danny M. Leipziger và Vinod Thomas.
3. Những bài học của Đông á - Những nền tảng chung về thành công của Đông á - Peter
A. Petri.
4. Sự thần kỳ của Đông á - Xây dựng cơ sở cho tăng trưởng - John Page.
5. Những bài học gần đây của sự phát triển - Lawrence H. Summer and Vinod Thmas.
6. Đông á và Đông Nam á năm 2020 - Jean Raphel Chaponniere.
7. Phát triển kinh tế ASEAN - Phân tích về vai trò của nhà nước - Hal Hill.
8. Nhật Bản và công nghiệp hoá ở châu á - Yutaka Kosai và Trần Văn Thọ.
9. Kinh tế chính trị học của chính sách công nghiệp ở Hàn Quốc - Ha Joon Chang.
10. Bốn con rồng nhỏ - Trào lưu công nghiệp hoá ở Đông á - ezra F. Vogel.

×