Theo dõi chặt dòng tiền từ ngân hàng qua
chứng khoán
. Ngoài những nội dung đã được đề cập trong bản dự thảo về tái cấu trúc hàng hóa,
công ty chứng khoán, cơ sở nhà đầu tư…, nhằm đưa thị trường chứng khoán trở
thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, Đề án cũng nhấn mạnh đến việc tăng
cường giám sát dòng tiền từ ngân hàng qua thị trường chứng khoán.
Một là, đề án nêu rõ chủ trương nâng cao điều kiện thành lập tổ chức kinh doanh
chứng khoán, hạn chế việc thành lập mới, đảm bảo duy trì số lượng các tổ chức
kinh doanh chứng khoán phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hai là, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu cơ chế cho phép các
tổ chức kinh doanh chứng khoán khi bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động
được phép chuyển đổi thành công ty đầu tư chứng khoán, hoạt động theo pháp luật
chứng khoán hoặc đăng ký kinh doanh hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp, để
giải quyết các tồn đọng, nghĩa vụ tài chính với khách hàng.
Ba là nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách, quy định về miễn giảm thuế
thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán sau khi hợp nhất,
sáp nhập… để khuyến khích việc hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại các tổ chức kinh
doanh chứng khoán. Đồng thời, đề án thể hiện quan điểm của Chính phủ về việc
khuyến khích các tổ chức tín dụng, tập đoàn có tình hình tài chính lành mạnh là
công ty mẹ, chủ nợ hay đối tác hỗ trợ việc lành mạnh hóa tình hình tài chính của tổ
chức kinh doanh chứng khoán như: cấp vốn, bổ sung vốn, xóa nợ hoặc chuyển đổi
nợ thành vốn cổ phần, khoanh nợ…
Được nhắc đến khá nhiều trong đề án liên quan đến thị trường chứng khoán là việc
khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán
Việt Nam. Theo đó, nội dung đề án nêu rõ mục tiêu thu hút vốn đầu tư gián tiếp
nước ngoài trung và dài hạn, góp phần phát triển thị trường chứng khoán. Ngoài
các yêu cầu cải tổ về mặt cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thông thoáng hơn
cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán, đề án đưa ra hai
nội dung khác.
Một là, nghiên cứu điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước
ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam; mở cửa thị trường dịch vụ chứng khoán
theo các cam kết quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế và lộ trình phát triển thị
trường chứng khoán.
Hai là, xây dựng cơ chế chuyển đổi từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài sang công ty cổ phần để niêm yết. Đây là điểm đã được nhắc đến từ lâu,
nhưng thực tế triển khai cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
vẫn còn nhiều vướng mắc.
Ngoài hai vấn đề trên, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham gia tái
cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng được nhắc lại nhiều lần, theo
nguyên tắc tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài
tham gia mua lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước theo cam kết
WTO, cho phép tổ chức nước ngoài mua sở hữu toàn bộ tổ chức kinh doanh chứng
khoán.
Tuy nhiên, ngoài cơ chế khuyến khích tham gia, đề án cũng một lần nữa nhắc lại
yêu cầu tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm thu hút vốn nước ngoài
trung và dài hạn, kiểm soát dòng vốn ngắn hạn; giám sát và chủ động có giải pháp
xử lý tình huống đối với dòng lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài theo đề
án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Mục tiêu quan trọng của nội dung tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên thị trường
chứng khoán là việc nâng cao điều kiện niêm yết, phát hành đi kèm với thông
thoáng hơn về các mặt thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động quản
trị, quản trị rủi ro, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế đối với các doanh
nghiệp, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng được yêu cầu tăng
cường chất lượng để đảm bảo tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng
khoán. Đa dạng hóa các loại sản phẩm cũng được chú trọng thông qua đề xuất
nghiên cứu xây dựng cơ chế triển khai thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện; hưu trí bổ
sung và các cơ chế khác để khuyến khích hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư,
đầu tư vào các sản phẩm mới.
Về phát triển cơ sở nhà đầu tư, đề án tập trung vào 2 vấn đề là phát triển nhà đầu
tư tổ chức và tăng cường bảo vệ cổ đông thiểu số. Đây vốn là hai vấn đề còn rất
yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhà đầu tư trên thị trường hiện nay
đa số là nhà đầu tư cá nhân và bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam vẫn đứng
trong tốp cuối cùng của các nước trên thế giới theo đánh giá của các tổ chức quốc
tế.
Đối với sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không hoạt động
trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…, đề án một lần nữa nhắc lại yêu
cầu các đơn vị này phải xây dựng đề án, lộ trình thoái vốn khỏi các tổ chức kinh
doanh chứng khoán. Đối với mối liên hệ giữa khu vực ngân hàng và chứng khoán,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện cơ chế giám sát dòng lưu chuyển vốn từ
khu vực ngân hàng tới thị trường chứng khoán thông qua quan hệ sở hữu giữa các
ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh doanh chứng khoán; nâng cao năng lực
giám sát quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại đối với dòng tiền chuyển từ
hệ thống ngân hàng vào thị trường chứng khoán.