Suy nghĩ về việc học nhân mùa tựu trường
Đã lại thêm một mùa tựu trường, mùa của những đám mây bàng bạc trôi trên
không và lá ngoài đường rụng nhiều. Lòng ta lại như chú bé ngày đầu đi học trong văn
của Thanh Tịnh.
Có bao giờ ta tự hỏi vì sao đoạn văn Tôi đi học lại sống lâu như vậy trong ký
ức của ai đã từng là học trò? Có phải vì nó đã được in vào sách tập đọc cấp một? Có
phải vì mùa đến trường lặp lại hàng năm nên dễ nhớ? Hay vì đó là tâm trạng quá điển
hình của một chú bé ngày đầu làm "sinh viên" lớp 1?
Sớm mai hôm ấy, sớm mai đầy sương thu và giá lạnh, chú bé được mẹ âu yếm
dắt tay đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này chú đã quen đi lại lắm lần
nhưng lần này bỗng lạ. Cảnh vật chung quanh như có nhiều thay đổi lớn. Tất cả thực
ra chỉ vì hôm nay "tôi đi học". ý nghĩa sâu sắc làm nên sự điển hình bất hủ của một
tâm trạng nằm trong ba chữ Tôi đi học.
Sự học là chiếc bản lề mở ra phía sáng, khép lại giữa bóng tối.
Sự học là nhịp cầu bắc bên này bờ mông muội sang bên bờ chân lý.
Học cho nên người, học để không chỉ sống phần "con".
Học để biết chung sống cùng nhau trong cộng đồng, trong một thế giới ngày
càng chật hẹp khi mà ranh giới của địa hạt thông tin ngày càng nhoà đi.
Học để biết uống nước đun sôi để nguội.
Học để biết không ai có thể suy nghĩ hộ và quyết định cho hiểu biết của chính
ta.
Học để biết ơn Đác-uyn, Men-đen, những Niu-tơn, Anh-xtanh, Biết ơn những
nhà bác học dám cấy lên cơ thể của chính mình những vi trùng thí nghiệm Và vô
cùng nhiều những ngọn đuốc khác đã dẫn đường cho tương lai nhân loại.
Học để biết ơn con người có 200 ngàn năm câm lặng trước 300 ngàn năm biết
nói. Học để biết một Cổ đại loé sáng, mộtĐêm trường Trung cổ tối tăm, một Phục
hưng xanh lại màu nhân bản, một Cổ điển mực thước, một ánh sáng bừng lên lý trí và
một Hiện đại đầy quyến rũ mà còn đó bao ngổn ngang gò đống
Để biết chớp mắt là một chiều dài thời gian niên đại.
Học để thấy trong một giọt nước có phân tử, có nguyên tử, có 1H 2O. Học để
biết giọt nước ở Việt Nam cũng giống như giọt nước ở bên kia bờ đại dương, ở Nga, ở
Đức. Giọt nước có thể soi bóng mọi gương mặt người.
Và như vậy cũng chỉ có học mới giúp em làm một - con - người mang tầm vóc
nhân loại.
Chính ý nghĩa lớn lao của sự học đã khiến chú bé mơ hồ dự cảm về những đổi
thay kỳ diệu kể từ khi con người bước chân đến lớp. Có thể nói mọi con đường đi lên
của nhân loại đều bắt đầu từ nhà trường.
Chú bé của Thanh Tịnh náo nức mà cũng "hoang mang", là bởi chú đang gánh
trách nhiệm quá lớn lao được làm người tiếp nhận và kế thừa cả kho trí thức vĩ đại của
nhân loại. Sứ mạng của kẻ sĩ là vậy.
Dẫu còn nhiều trăn trở, dẫu còn nhiều thiệt thòi, dẫu còn khó khăn, dẫu "hoang
mang" thì cũng xin hãy "náo nức" mà nói rằng xin cảm ơn đời được còn làm một bông
hoa phượng trong sân trường và hạnh phúc thay nếu được viết 3 chữ Tôi đi học mãi
mãi ở thì hiện tại.
Suy Nghĩ về việc học - Học để làm gì? - Bài làm 2
Học để làm gì? Câu hỏi ấy nghe ra thật là tầm thường cũ rích, tưởng như không
ai để ý đến; nhưng cứ như những câu trả lời của các nhà học giả xưa nay thì có một
câu vắn tắt mà có thể bao quát được toàn thể và công dụng sự học là:
Học để làm người
Theo câu nói ấy, có kẻ lại cãi rằng: Vậy thì không học không làm người được
sao? Kìa như ông Hán Cao Tổ không học mà làm một ông vua anh hùng; ông Hoắc
Quang không học mà làm được công nghiệp lớn. Bên Âu Tây, nhiều nhà đại chính trị
đại sáng tạo, hoặc trọn đời ở trong các mỏ, các công xưởng mà làm được công việc to
đó thì sao? Còn ở trên đời biết bao nhiêu người vào trường nọ, đậu bằng kia, đào mãi
trong trăm ngàn bộ sách, miệng nói ra rành là chuyện văn hào đông tây, mà xét đến
phẩm cách tính chất, có điều mất cả tư cách làm người nữa. Thế thì câu nói "học để
làm người" không phải là không đúng sao?
Phải, chỉ nói trống không là "học", thì có hơi không rõ ràng mà lẫn lộn như
trên, nên trước phải hiểu cái "học làm người" này không phải như người mình thường
gọi là "đi học". Theo lối thông thường người mình thì có ôm sách tới trường, có thầy
dạy, có thi có đỗ, mới gọi là học. Nhưng cái học làm người này thì khác hẳn thế. Sao
vậy? Cái học làm người này, nói về học khoá cần thiết thì người thông thường ai cũng
có thể theo sức lực cùng bản năng của mình mà làm hết phận sự; mà nói đến chỗ cao
diệu thì dầu thánh hiền hào kiệt cũng không ai dám tự phụ, rằng đã làm được hoàn
toàn cực điểm. Bởi vì, đã là "người" thì ai cũng là người, mà nói đến sự làm người thì
rất là mênh mông mà không có hạn lượng. Trăm năm ngắn ngủi, trẻ, lớn, già, chết
không cái gì mới lạ. Song kẻ thì thánh hiền hào kiệt, kẻ thì ngu tiện dung phàm; người
thì có công với nhân loại, muôn đời ai cũng hinh hương, người lại hại giống hại nòi,
trăm miệng cũng đều thoá mạ. Không những thế mà thôi, làm một người về thời đại
cổ, và làm một người ở thời đại nay khác nhau; làm người ở nước giàu mạnh với làm
người ở nước hèn yếu khác nhau, suy ra đối với nước nhà mình và đối với thế giới
nhân loại chung, nên làm người thế nào. Cảnh địa của người trăm chiều không đồng
nhau thì cái cách làm người cho xứng đáng thích hợp cũng không phải cùng một cách.
Những chuyện mấy bậc vĩ nhân đông tây xưa nay, biết bao nhiêu điều đủ làm gương
cho người sau học theo mà người nào có chân tướng người nấy, mỗi người dạy cho
người sau một việc; bắt chước được một việc thì dầu ai đọc thuộc trăm nghìn quyển
sách cũng chẳng hơn chi.
Cái trường học để "làm người" đó tức là cái cõi đời ta ở vậy. Bao nhiêu sự
khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho
ta. "Làm người" ở đời đã khó như trên đã nói thì "học làm người" chắc không phải
chuyện dễ.
Trong cái trường học mông mênh kia, trắng vàng chen lộn, sự lành sự ác, điều
dở điều hay không thiếu thứ gì; nên ai đã đem thân tòng học ở cái trường ấy thì cần
phải có cặp mắt biết quan sát và cái não biết phán đoán để lựa những chuyện đáng làm
theo, cùng những chuyện đáng chữa cãi.
Cái mục đích chân chính của sự học là thế đó. Học như thế mới mong bổ ích
cho đời, làm được một phần việc trong xã hội. Trái lại, nếu mới cặp sách đến trường
mà trong não đã mơ tưởng đến chức kia hàm nọ, thấy người ta xuống ngựa lên xe, mà
cũng ao ước cho được cửa cao nhà rộng, thì cái bả hư vinh, cái mồi phú quý ấy chắc
không sao nhắc ta lên cái địa vị làm một người chân chính ở đời được. Vậy ai muốn
khỏi cái tiếng hư sinh thì cần phải "học để làm người"; mà học để làm người không
phải nhất định có cắp sách đến trường và thi đỗ bằng này bằng nọ, nhưng chính là noi
gương kim cổ mà học theo, làm cho hết nghĩa vụ một người đối với nhân quần xã hội
vậy.