Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài
I . Mở bài
Nguyễn Minh Châu là nhà văn mở đường tài năng và tinh anh nhất của văn học
ta hiện nay . Ông đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm
điểm những khám phá nghệ thụât của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong
hành trình nhọc nhằn kiếm tiền hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Chiếc thuyền
ngoài xa là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông . Truyện đã xây dựng thành
công hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài , một người lao động lam lũ , bất
hạnh , trải đời và sáng đẹp tình yêu thương , đức hi sinh , vị tha .
II. Thân bài .
Truyện Chiếc thuyền ngoài xa in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn
Minh Châu, rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở
giai đoạn sáng tác thứ hai. Truyện ra đời trong hoàn cảnh đất nước ta đang dần đổi
mới , cuộc sống kinh tế có nhiều mặt trái , nhiều tồn tại khiến người ta phải băn khoăn
. Truyện ngắn lúc đầu được in trong tập Bến quê (1985), sau được nhà văn lấy làm tên
chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987).
Mọi diễn biến của tác phẩm đều được soi chiếu qua lời kể và suy nghĩ của nhân
vật Phùng . Để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển thật ưng ý,
Phùng đi tới một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh thời chống Mĩ. Phùng đã
chụp được một bức ảnh thật đẹp và toàn bích. Nhưng chính từ chiếc thuyền ngoài xa
thật đẹp ấy lại bước xuống một đôi vợ chồng hàng chài , lão đàn ông thẳng tay quật vợ
chỉ để giải toả nỗi uất ức, buồn khổ của mình. Thằng Phác, con lão che chở người mẹ
đáng thương. Phùng xông ra buộc lão phải chấm dứt hành động độc ác. Lão đàn ông
đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của toà án huyện. Ở đây, anh đã
nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài với bao cảm thông và ngỡ ngàng, ngạc
nhiên. Anh hiểu :không thể đơn giản và sơ lược khi nhìn nhận mọi hiện tượng của
cuộc đời.
Từ câu chuyện về một bức tranh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức
ảnh, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” mang đến một bài học đúng đắn về cách
nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra
bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.
Trong tác phẩm nhân vật người đàn bà hàng chài chính là tâm điểm trong câu
chuyện của Phùng . Nhân vật này chủ yếu xuất hiện trong phát hiện thứ hai của Phùng
về chiếc thuyền chài lưới và xuất hiện trong chính câu chuyện cuộc đời chị kể ở toà án
huyện . Cuộc đời , số phận , tính cách , cảnh ngộ của chị gây xúc động , trăn trở mạnh
mẽ không chỉ với tác giả mà còn với người đọc .
Ấn tượng đầu tiên về người đàn bà là khi chị bước ra từ chiếc thuyền đánh cá
đẹp như mơ . Nhưng đối lập với vẻ đẹp mờ ảo được nhìn từ xa , khi lại gần , những
nét khắc khổ trong số phận của chi hiện rõ trên dáng vẻ khuôn mặt . Nhà văn không
đặt tên cho nhân vật mà chỉ dùng danh từ chung “ người đàn bà hàng chài” như một
mẫu số khái quát nên số phận bất hạnh , cực khổ của bao người phụ nữ hàng chài khác
trong xã hội . Chị bước ra từ con thuyền , xuất hiện ngay trước mắt nghệ sĩ Phùng với
dáng người to lớn , thô kệch , mặt rỗ , khuôn mặt tái nhợt sau một đem thức trắng kéo
lưới , dáng vẻ mệt mỏi . Chị lặng lẽ để cho chồng đánh : lão rút trong người ra một
chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như
lửa cháy, dùng cái thắt lưng quật tới tấp lên lưng người đàn bà , lão vừa đánh vừa thở
hồng hộc, hai hàm răng ngiến vào nhau ken két .Cứ mỗi nhát quất xuống lão lại
nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn “ Mày chết đi cho ông nhờ .Chúng mày chết
đi cho ông nhờ” . “ Người đàn bà có vẻ cam chịu nhẫn nhục không hề kêu một tiếng
,không chống trả ,cũng không tìm cách trốn chạy . Bạo lực trong gia đình thuyền chài
ấy diễn ra thường xuyên “ Ba ngày một trận nhẹ ,năm ngày một trận nặng”. Rồi thằng
Phác , thằng con trai mà chị yêu quý nhất lao vào bố khiến tim chị đau nhói , xấu hổ ,
thương con , lo lắng , sợ hãi con trai có thể làm điều gì dại dột với bố . Nước mắt chị
tràn ra , thấm vào những nốt rỗ chằng chịt trên mặt . Chỉ bằng vài chi tiết chọn lọc ,
nhà văn đã gợi ra bao điều đau xót về bi kịch cuộc đời của một người phụ nữ cực khổ ,
lam lũ , bất hạnh .
Số phận , cuộc đời chị dần dần hiện ra rõ nét khi chị đến toà án huyện theo yêu
cầu của chánh án Đẩu , bạn chiến đấu cũ của nghệ sĩ Phùng sau khi anh can ngăn bạo
lực trong gia đình chị và bị lão chồng vũ phu của chị đánh bị thương . Ban đầu khi đến
toà án , chị rất sợ sệt , khép nép , một điều quý toà , hai điều quý toà , xưng con , chỉ
dám ngồi mon men ở mép ghế . Khi nhận được lời khuyên “ chị không sống nổi với
người chồng vũ phu ấy đâu” của chánh án , người đàn bà ra sức van xin “ quý toà bắt
tội con cũng được , bỏ tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó” . Lời van xin ấy
chứa đựng bao éo le mà người ngoài cuộc đều ngạc nhiên , không hiểu được . Khi
chánh án Đẩu nghiêm giọng , nói rõ chủ trương của toà , chị bỗng thay đổi hẳn thái độ
,xưng chị với Phùng và Đẩu . Chị kể lại câu chuyện cuộc đời mình như lời giải thích
cho việc chị phải chấp nhận một người chồng vũ phu mà không thể bỏ .
Câu chuyện bắt đầu từ việc chị lấy chồng. Chị vốn mặt rỗ , xấu gái , may được
người thanh niên đánh cá thương và lấy làm vợ . Khi ấy hắn là anh con trai cục tính
nhưng hiền lành lắm , không bao giờ đánh đập chị . Cuộc sống trở nên khó khăn trong
những ngày biển động . Vợ chồng con cái cả tháng liền toàn ăn xương rồng luộc chấm
muối . Thuyền thì nhỏ mà con thì nhiều , nhà nào cũng cũng gần chục đứa . Đàn ông
trên thuyền nếu không uống rượu thì đánh vợ mỗi khi khổ quá . Chị khẳng định bao
nỗi vất vả , cực khổ nếu trên thuyền không có đàn ông , đặc biẹt là khi biển nổi giông
bão . Trên thuyền bắt buộc phải có người đàn ông chèo lái , làm chỗ dựa và cùng nuôi
nấng một đàn con đông đúc . Chị tâm sự rằng trên thuyền cũng có nhiều lúc vui, vui
nhất là vợ chồng sống hoà thuận , nhìn đàn con được ăn no . Chị khẳng định , đàn bà
trên thuyền phải sống cho con chứ không sống cho mình .
Những lời giãi bày chân thực trên là câu chuyện xúc động, éo le về cuộc đời
người đàn bà hàng chài. Câu chuyện đó đã đưa ra những lí do sâu sắc mà chị không
thể nghe theo lời khuyên giản đơn của chánh án Đẩu mà bỏ chồng . Cách xử sự của
chị là không thể khác . Bởi , nếu bỏ chồng , chị không thể một mình nuôi nấng đàn
con chị vô cùng thương yêu. Một mình người đàn bà không thể chèo lái con thuyền
trên biển khơi rộng lớn . Giọng văn sâu lắng của tác phẩm bộc lộ xót thương trước
hoàn cảnh thân phận của người đàn bà và thái độ trân trọng của nhà văn trước tình yêu
thương , đức hi sinh , lòng vị tha cao cả của chị . ở chị , dù cái nghèo khổ có lấn át đến
đâu , chị vẫn toả sáng vẻ đẹp cao thượng của người phụ nữ Việt Nam .
Đồng thời, qua câu chuyện , nguyên nhân của nạn bạo hành gia đình được bộc
lộ rõ . Nạn bạo hành gia đình có nguồn gốc từ chính sự nghèo khổ , từ nhận thức hạn
hẹp của người dân về xã hội . Câu chuyện ấy đưa ra bài học nhân sinh sâu sắc : không
nên nhìn đời và giải quyết mội việc một cách đơn giản phiến diện mà cần phải có cái
nhìn đa chiều , thấu hiểu mọi góc khuất của cuộc sống . Qua đó ta hiểu được cái nhìn
đầy trăn trở của nhà văn về đời sống nhân dân sau chién tranh. Kẻ thù của nhân dân là
sự đói nghèo, tối tăm, lạc hậu về văn hoá, sự tha hoá về nhân cách .
III . Kết bài
Truyện Chiếc thuyền ngoài xa qua những phát hiện của Phùng thân phận cay
đắng , đầy bi kịch , nghèo khổ của người đàn bà hàng chài, đã bộc lộ những lo lắng ,
trăn trở của nhà văn về nhân cách đời sống con người, bộc lộ lòng thương cảm, trắc
ẩn, trân trọng những vẻ đẹp trong tâm hồn người dân lao động. Truyện đậm chất tự sự,
triết lý, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu .