Bước đầu tìm hiểu về bộ sưu tập
trống đồng ở bảo tàng Bình Dương
Bình Dương là một tỉnh nằm ở miền Đông Nam bộ, có diện tích tự nhiên
2.681,01km2. Là vị trí hết sức thuận lợi cho việc sinh sống và lập nghiệp của các cư dân
qua các thời kỳ lịch sử.
Những công trình nghiên cứu về văn hóa thời tiền sử ở Bình Dương được giới khoa học
biết đến từ cuối thế kỷ thứ XVII đầu thế kỷ XVIII như các học giả người Pháp
T.V.Holbe, K.Malleret…Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước
(năm 1975). Nền văn hóa cổ tiếp tục được khảo sát, nghiên cứu, điều tra, thám sát và khai
quật trong đó có di tích Bưng Sình – Phú Chánh (Tân Uyên). Qua quá trình khai quật đã
thu thập được nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cao về giá trị lịch sử, phong phú về chất
liệu và loại hình và tiêu biểu nhất là bộ sưu tập Trống đồng Đông Sơn.
Trống đồng là loại cổ vật đặc biệt được tìm thấy nhiều nhất ở Việt Nam và ở khu vực
Đông Nam châu Á. Đây là loại tư liệu có giá trị đặc trưng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa
học. Trống đồng giúp cho chúng ta biết được những thông tin về nền văn hóa, kinh tế,
khoa học kỹ thuật của một thời đại lịch sử chưa có văn tự. Trống đồng được tìm thấy ở
địa điểm Bừng Sình – Phú Chánh (Tân Uyên)
Đã từ lâu, trống đồng đã trở thành đề tài hết sức hấp dẫn, lôi cuốn rất nhiều nhà khoa học
quan tâm, nghiên cứu về vấn đề này nhưng cũng có nhiều học giả đưa ra những giả thiết
nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Chỉ có nhà Bác học F.Heger người Áo đưa ra cách phân
loại trống đồng có sức thuyết phục nhất. Ông căn cứ vào hình dáng bên ngoài của trống
để làm cơ sở phân loại. Ông chia trống đồng ra làm 4 loại: I, II, III, IV và lấy chữ cái đầu
tiên của tên ông mà đặt tên cho trống như: H1, H2, H3, H4 hay còn gọi là trống đồng
Heger loại I, II, III, IV. Căn cứ vào cách phân loại này thì bộ sưu tập trống đồng phát
hiện được trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc trống H1.
Đặc biệt cho đến nay, bộ sưu tập Trống đồng Đông Sơn ở Bình Dương gồm 6 chiếc nằm
ở hai địa danh khác nhau (chiếc thứ nhất thuộc địa danh Bình Phú, có đến 5 chiếc được
phát hiện trên cùng một địa điểm thuộc ấp Phú Bưng (Bưng Sình), xã Phú Chánh, huyện
Tân Uyên.
Trống thứ nhất được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tên gọi là Trống đồng
Bình Phủ. Nhưng theo “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức, thì trong
huyện Thuận An thuộc thị trấn Phiên An có hai thôn mang tên Bình Phú: thôn Bình Phú
thuộc tổng Bình Cách và thôn Bình Phú thuộc tổng Thuận Đạo. Còn theo địa bạ của Gia
Định dưới thời Nguyễn thì có thôn Bình Phú thuộc tổng Thuận Đạo Thượng, huyện
Thuận An, tỉnh Gia Định. Như vậy có tên gọi Trống đồng Bình Phủ là do Pháp phát âm
sai biệt về âm tiết, nên từ “Phú” thành “Phủ”. Có lẽ nên gọi Trống đồng Bình Phú thì
đúng hơn. Trống đồng Bình Phú được phát hiện vào ngày 27-9-1934 tại địa danh Bình
Phú, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Nhưng không có tài liệu nào ghi chép
người có công phát hiện và trường hợp phát hiện, cũng như bây giờ trên địa bàn tỉnh Bình
Dương không có địa danh Bình Phú. Hiện nay, Trống đồng Bình Phú đang được trưng
bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trống đang được trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương
là phiên bản phục chế. Trống có kích thước chiều cao 46cm, đường kính mặt 50cm,
đường kính đáy 51cm.
Trống thứ 2, 3, 4, 5, 6, có tên gọi là Trống đồng Phú Chánh I, II, III, IV, V:
Trống đồng Phú Chánh I được phát hiện rất tình cờ vào năm 1995, anh Nguyễn Văn
Hùng một người dân ở ấp 6, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong quá
trình cuốc đất trồng khoai anh đã phát hiện được chiếc trống thứ nhất cùng với một mảng
đáy chum gỗ. Trống Phú Chánh I cao 47,5cm, đường kính mặt 57,5cm, đường kính đáy
56,5cm. Đây là Trống có kích thước lớn nhất trong bộ sưu tập trống ở Bình Dương.
Trống được thể hiện qua các phần trang trí như sau:
Tâm trống: Trang trí hình ngôi sao nổi 10 cánh, khép trong 2 vòng tròn đều đồng tâm
cách nhau 0,6cm; hai vòng tròn đều có đường kính 14cm, giữa các cánh sao có trang trí
một hình lông công đơn giản, gồm 12 đường nổi, đỉnh tạo từ hai cung nhỏ đồng tâm và ở
góc đỉnh bố trí một vòng tròn chấm giữa. Ngoài tâm trống, mặt trống còn bố trí 7 băng
hoa văn, trong đó ngoài băng 4 với hình 4 con chim đang bay ngược chiều kim đồng hồ,
chim có kích thước từ mỏ đến đuôi dài 15cm, chiều rộng của băng này 3,7cm. Sáu băng
còn lại cách đều nhau với chiều rộng 1,4cm, hai chỉ nổi cách nhau 0,5cm với motype nối
tiếp nhau như: Băng 1: hình chữ N gãy nối nhau; Băng 2 và 6: những vòng tròn chấm
giữa; Băng 3, 5, 7: hoa văn trang trí là những đoạn thẳng song song, cách đều nhau hình
răng lược; băng giáp với vành trống rộng 3,2cm không tráng trí hoa văn.
Tang trống: Trang trí theo trật tự và kích thước của mặt trống gồm hai băng tròn đều
chấm giữa và hoa văn kiểu răng lược cách đều nhau gồm chỉ nổi cách nhau 0,5cm, khống
chế băng hoa văn có chiều rộng 1,4cm.
Lưng trống: Thẳng hơn chỏi được trang trí 8 băng hoa văn theo trục dọc của trống. Hoa
văn trang trí là những hình vạch chéo song song và cách đều theo chiều thẳng đứng, đối
xứng nhau. Chiều rộng mỗi ô 0,5cm. Phần dưới lưng trống là hai băng vòng tròn chấm
giữa rộng 1,2cm, khép lại bởi 2 chỉ nối song song cách đều nhau 0,5cm. Cuối cùng là
băng hình răng lược có cùng kích thước với các băng trên.
Trống có cặp quai kép có chiều rộng 3,5cm trang trí hoa văn thừng tết trên mặt.
Nhìn chung, bộ sưu tập trống đồng Bình Dương có cùng một motype trang trí tương đối
giống nhau về hình thức và kiểu dáng, chỉ khác nhau ở kích thước lớn – nhỏ mà thôi.
Đến năm 1998 một người đi rà sắt phát hiện được chiếc trống đồng Phú Chánh II, có kích
thước cao 40cm, đường kính mặt 47,5cm, đường kính đáy 44cm.
Cuối năm 1999, cũng do người đi rà sắt phát hiện trống Phú Chánh III, có kích thước cao
21,5cm, đường kính mặt 37,5cm, đường kính đáy 36cm.
Năm 2000, do người đi rà sắt phát hiện trống Phú Chánh IV, có kích thước cao 40cm,
đường kính mặt 47,2cm, đường kính đáy 47cm.
Năm 2006, phát hiện được thêm chiếc trống Phú Chánh V, có kích thước cao 43cm,
đường kính mặt 50cm, đường kính đáy 51cm.
Căn cứ vào chi tiết loại hình, hoa văn trang trí và kỹ thuật chế tạo, bộ sưu tập trống đồng
phát hiện được trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều thuộc Trống đồng Đông Sơn, tiêu biểu
cho sự chuyển hóa của nghệ thuật trống đồng Đông Sơn – Việt cổ sang những kiểu trống
đồng muộn hơn về sau. Những trống đồng này đều thuộc nhóm trống đồng Việt cổ được
phát hiện nhiều ở vùng Thanh Hóa, Hà Nam, Nghệ An và ở Bình Định. Có niên đại cách
ngày nay khoảng 2200 – 2000 năm.
Trống đồng Bình Phú và Phú Chánh có cùng chung đặc điểm của sưu tập Trống đồng
Đông Sơn phát hiện ở Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ, với cỡ dáng thấp do phần
tang co giảm, hoa văn hình học bình dị kiểu răng lược và vòng tròn chấm nổi hoặc tạo
hình lông công đơn giản hay cụm hình chữ V ngược lòng nhau, vành hoa văn có 4 con
chim hoặc 6 con chim có mào, mỏ và đuôi dài, bay ngược chiều kim đồng hồ (chim lạc).
Ở tâm thường đúc nổi hình ngôi sao (hình mặt trời) 8 cánh hoặc 10 cánh, các trống này
có 2 đôi quai kép, mặt không chờm hẳn ra khỏi vành tang và trên mặt hoàn toàn không có
phối trí tượng cóc.
Qua việc phát hiện được bộ sưu tập trống đồng này giúp chúng ta thấy được trình độ đúc
luyện thủ công của người xưa đạt đến mức điêu luyện, những kỹ thuật chạm khắc trên
mặt trống được tạo nên từ những đôi bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân đúc
luyện đồng thau thời bấy giờ. Những khám phá mới về bộ sưu tập trống đồng đã góp
phần bổ sung thêm nguồn tư liệu về tín ngưỡng, tôn giáo, của cư dân bản địa vùng lưu
vực sông Đồng Nai từ thời xa xưa.
Trống đồng được xem như là bảo vật tượng trưng cho quyền uy của một cộng đồng tộc
người, để đánh dấu bước phát triển trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước đây đàn
đá được người dân sử dụng với chức năng là một nhạc khí, được dùng trong sinh hoạt
văn hóa cổ truyền, ở các buổi tế lễ, các đêm hội đông vui… thì ngày nay, với việc phát
hiện được các trống đồng, ngoài ý nghĩa tượng trưng cho uy quyền, trống đồng còn có
chức năng là một nhạc khí, cũng như đàn đá để sử dụng trong các buổi tế lễ của cư dân
tiền sử Bình Dương. Trống đồng là một nhạc khí nhưng nhạc khí đó không phải ai cũng
có. Theo sách Trống đồng là Quốc bảo Việt Nam của Nguyễn Duy Hinh: “Một cái trống
đồng có tiếng vang dội hùng tráng là loại tốt nhất, có giá trị trao đổi phải trên 1.000 con
trâu, loại kém hơn có thể đổi từ 700 – 800 con trâu hoặc con bò. Ai có được hai đến ba
cái trống có thể lên hiệu xưng vương”. Điều này nói lên sức sống mãnh liệt của trống
đồng, một biểu tượng thiêng liêng của cộng đồng người Việt cổ.
Trống đồng là biểu tượng của nền văn minh Việt cổ và là niềm tự hào của dân tộc trong
tiến trình lịch sử. Bộ sưu tập trống đồng phát hiện ở Bình Dương phản ánh một quá trình
giao lưu văn hóa hoặc trao đổi thương mại của những cộng đồng người lúc bấy giờ, góp
phần vào việc nghiên cứu đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân sinh sống trên
vùng đất Bình Dương hơn 1.000 năm về trước. Với việc phát hiện được những chiếc
trống đồng này, Bình Dương là tỉnh có số lượng trống đồng nhiều nhất ở khu vực Nam
bộ. Hy vọng trong tương lai khi lật giở những trang sử từ lòng đất Bình Dương sẽ có
nhiều tư liệu chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của trống đồng cũng như những cư
dân cư trú trên vùng đất Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung.