Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Kiến trúc tháp Chăm - Người chăm xây dựng tháp như thế nào? pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (350.62 KB, 9 trang )

Kiến trúc tháp Chăm - Người chăm
xây dựng tháp như thế nào?
Tháp Chăm Ninh Thuận là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của
dân tộc Chămpa.
Theo các sử liệu thì trong quá trình trị vì đất nước, các triều đại Chămpa cổ đã cho
xây dựng khá nhiều đền đài, nhưng trải qua các thời kỳ đấu tranh tồn tại, cộng thêm sự
tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh, con người,… cho đến nay trên vùng cư trú xưa của
họ chỉ còn lại một số dạng kiến trúc đền đài là các tháp. Niên đại của các tháp Chăm
được xác định là từ thế kỷ XI - XII, tức tuổi thọ trung bình của chúng cách nay ngót
1.000 năm.


Tháp Pô Klong Ga-rai

Tháp Chăm, trong Ấn Độ giáo người ta gọi là Sikhara nghĩa là đỉnh núi nhọn, biểu
thị của núi Mêru, một dạng kiến trúc tiêu biểu được xây dựng theo tín ngưỡng thống nhất
thờ thần Siva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn. Núi Mêru theo thần thoại có
nhiều đỉnh cao thấp khác nhau, vị thần tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất, các vị thần tuỳ
theo các bậc cao thấp khác nhau mà ngự trị ở những đỉnh núi thấp hơn trên cùng một dãy
Mêru. Núi Mêru được biểu hiện thành kiến trúc Sikhara, người Chăm gọi là Kalan, có
nghĩa là đền thờ. Đúng ra là Kalan Chăm chứ không phải là tháp Chăm, nhưng người ta
quen gọi là tháp Chăm, đồng thời từ tháp đã trở thành một thuật ngữ kiến trúc chỉ loại
hình cao tầng đế nhỏ, cho nên người ta chỉ dùng từ “tháp” để gọi loại hình kiến trúc này.

Tháp Chăm Ninh Thuận đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu
khắc, dung hoà được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, khiến chúng khác
với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Nói đến tháp Chăm là nói đến sự
độc đáo của chất liệu xây dựng nên chúng: gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét
như mọi loại đất khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm
xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Vì những nhát khắc quá ngọt ngào
trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi ta chạm tay vào cơ -


thể - gạch của ngọn tháp, đã truyền cho ta niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của
một loại chất liệu, không trường cửu như gạch nhưng vĩnh cửu là đất.


Chạm khắc trên chân tháp

Với mắt thường thì đó chỉ là những viên gạch mà chúng ta vẫn thường gặp nhưng
chúng là nỗi băn khoăn triền miên của nhiều nhà nghiên cứu tháp Chăm. Là chất liệu duy
nhất tính bằng đơn vị dùng để xây tháp nhưng các viên gạch này mang trong nó quá
nhiều bí ẩn, cùng một kích thước nhưng những viên gạch được đúc thí nghiệm theo quy
trình thủ công thông thường sẽ nặng hơn viên gạch Chăm cổ 1,3 lần. Độ bền chịu nén, độ
dai va đập cùng những tính chất khác của gạch Chăm đều cao hơn gạch thông thường rất
nhiều.

Khi tạt nước vào một mặt bất kỳ của viên gạch Chăm thì các mặt còn lại thoát
nước ra gần hết (điều này không xảy ra đối với gạch xây dựng thông thường), nhiều viên
gạch khi bị vỡ ra để lộ phần đất sống bên trong. Điều này có nghĩa gạch chỉ được nung
chín đều phần bên ngoài, bên trong vẫn còn “sống”. Điều kỳ lạ là phần “đất sống” bên
trong những viên gạch gãy vỡ qua thời gian dài, dù nằm ngoài trời, chịu mưa chịu nắng
vẫn không bị rả ra. Vậy, thành phần của chúng ngoài đất sét ra còn có những gì? Quy
trình sản xuất gạch có gì khác thường? Các viên gạch này có góp phần vào quá trình làm
tháp Chăm nhanh khô ráo sau những cơn mưa dầm?


Một giả thuyết cho rằng sở dĩ tháp nhanh khô ráo là do trong quá sản xuất gạch,
ngoài thành phần chính là đất sét ruộng, người ta còn gia thêm vỏ trấu cùng một ít vôi
nung từ vỏ sò, vỏ ốc. Do có vỏ trấu nên khi nung xong, vỏ trấu cháy đi để lại những lỗ
rỗng, viên gạch nhờ thế mà dễ thoát nước nhưng vẫn đủ độ chắc bảo đảm cho việc xây
dựng tháp. Chính kỹ thuật “đặc biệt” đã làm cho gạch Chăm có thành phần silic cao hơn
gạch xây dựng thông thường rất nhiều và điều khác đáng lưu ý nữa là: bã thực vật trong

những viên gạch Chăm cũng khá nhiều. Những viên gạch bị rơi ra, bị gãy vỡ thì dẫu
không còn nằm trong cơ chế rút nước của tháp nhưng do thành phần cấu tạo đặc biệt nên
tự thân chúng cũng nhanh khô ráo.

Vì vậy, các mảnh vỡ của gạch dù nằm ngoài trời nhiều năm vẫn không bị mục rả.
Liên quan đến hiện tượng tháp Chăm mau khô ráo sau những cơn mưa, nhà nghiên cứu
Trần Kỳ Phương cho rằng chỉ mỗi tường tháp được xây bằng gạch nguyên vẹn, phần bên
trong, giữa hai lớp tường “thường xây độn bằng gạch vụn được kết chặt lại bằng dầu
Rái”. Nếu đúng như vậy thì nước mưa không thể thấm sâu vào thân tháp do dầu rái ngăn
chận được nước. Như vậy, sau cơn mưa nước sẽ truyền theo thành tháp và rút xuống chân
tháp khiến tháp nhanh chóng khô ráo. Một lý do khác nữa là kết cấu móng của tháp gồm
đá tổ ong, sỏi, cát, tức toàn những vật liệu rút nước nhanh. Có lẽ do những điều trên đây
mà tháp Chăm mau khô và không bị rêu bám?

Điều dễ nhận thấy là những viên gạch tháp Chăm như được dán chặt vào nhau vì
giữa chúng không có một đường lằn chứng tỏ có sự diện diện của vôi vữa. Đến nay người
ta vẫn chưa biết rõ về chất kết dính này? Thành phần của nó gồm những gì? Phương thức
tạo ra nó như thế nào? Khi dùng kỹ thuật “dán” chặt những viên gạch lại bằng chất kết
dính thì, ngoài mục đích làm tháp vững chắc người ta còn có mục đích gì khác? Vì sao
phải cần loại hỗn hợp kết dính này mà không dùng vôi vữa để xây tháp? Người ra đoán
rằng thành phần chính của hỗn hợp kết dính đó là dầu Rái. “Về kỹ thuật xây dựng đền
tháp, xưa kia, người Champa đã dùng một loại nhựa cây, mà cư dân địa phương ngày nay
gọi là dầu Rái, tên khoa học là Dipterocarpus Alatus Roxb để kết dính những viên gạch
lại với nhau trong kết cấu tường tháp. Cây dầu Rái được trồng thành rừng tại miền Trung,
thân cây tròn và thẳng, loại nhựa cây này có thể khai thác hàng năm với dung lượng lớn,
có độ kết dính rất chặt và bền, hoàn toàn không thấm nước. Nhựa cây này rất dễ xử dụng,
đem trộn dầu Rái với đất sét khô hay bột gạch, chúng sẽ tạo thành một loại vữa dễ khô
cứng dưới nắng”.




Phần chân tháp lộ ra ngoài

Độ kết dính giữa các viên gạch không chỉ do hỗn hợp kết dính mà còn do một kỹ
thuật khác nữa - kỹ thuật mài chập. Các viên gạch được mài vào nhau đến khi mặt tiếp
xúc thật khít và sau khi cho hỗn hợp kết dính vào giữa người ta còn tiếp tục mài vài lần
nữa để tạo sự kết dính hoàn toàn trên bề mặt các viên gạch. Như vậy, có thể xác đoán hỗn
hợp kết dính đó phải là chất lỏng sền sệt giống như hồ hoặc keo lỏng, có nhà nghiên cứu
gọi đó là “keo thực vật”. Các tháp Chăm cao sừng sững nhưng dáng dấp thanh thoát, chỉ
khi đến gần người ta mới thấy hết được vẻ đồ sộ của nó.

Tháp hầu như là một khối đặc vì khoảng trống bên trong hầu như không đáng kể.
Phần “ruột” của đa số các tháp chỉ vừa đủ chỗ cho một người hành lễ, một số tháp lớn thì
bên trong cũng chỉ có một khoảng trống vừa đủ để người hành lễ đi một vòng quanh
tượng thần. Với chất liệu gạch và kiểu kiến trúc như thế chắc chắn sức nặng dồn lên nền
móng là rất lớn. Thế nhưng các nhà kiến trúc Chăm đã xử lý móng như thế nào để giữ
tháp đứng vững qua hàng trăm năm mà độ từ biến không biểu hiện ra ngoài thành sự cố
nghiêng lún?



Vũ nữ Chăm

Trong thuật ngữ xây dựng, khái niện từ biến để chỉ sự biến đổi hình dạng, trạng
thái của công trình dưới sức nặng của khối vật liệu được sử dụng. Hầu hết các công trình
kiến trúc đều có hiện tượng từ biến, nhưng do tính toán trước nên người ta không để xảy
ra sự cố cho công trình. Với tháp Chăm, các nhà kiến trúc Chăm đã “khảo sát địa chất”
một cách kỹ lưỡng, vị trí xây tháp lý tưởng là phía dưới chân tháp có một khối đá tảng to
lớn. Một khối gạch dù nặng nề đến mấy cũng chẳng gây được hiệu ứng từ biến khi được
đặt trên khối đá Granit bệ vệ, vững chãi. Ở những nơi không tìm được khối đá tảng phía

dưới thì người ta phải gia cố móng theo cách tạo “khối đá” nhân tạo.

Những vùng có đá tổ ong cũng được xem là “địa thế tốt” để xây tháp. Có lẽ đây là
một trong những nguyên do mà đa số tháp Chăm dọc miền Trung và Tây Nguyên được
xây dựng trên vùng đồi núi hoặc nơi chỗ đất cao có đá tổ ong. Qua mấy trăm năm trơ vơ
giữa trời, hứng chịu biết bao trận mưa xối xả và những cơn gió mùa thổi tứ bề, chắc chắn
đỉnh đồi phải bị bào mòn dữ dội, chân tháp theo đó cũng liên tục bị mài mòn, thế nhưng
tháp Chăm vẫn không thấy dấu hiệu lộ ra chân móng. Phải chăng các nhà kiến trúc Chăm
đã tính được độ lún của tháp theo thời gian để tháp không bị “tróc” ra khỏi ngọn đồi?
Đều này khó có khả năng xảy ra vì trong xây dựng không ai dám phiêu lưu như thế? Vậy
tháp Chăm “bình chân như vại” trên những đỉnh đồi bằng cách nào?


Trong thực tế, tháp vững chãi và không nghiêng còn do chân tháp có một hệ thống
trợ lực ngoại vi. Điều này đã được xác nhận qua lần khai quật mới đây (tháng 8/2008) tại
tháp Bình Lâm (Bình Định). Đặc biệt kết quả khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ hệ thống
bó chân tháp bằng gạch dày 1,25m, phần cao nhất hiện còn 0,8m, bó chân tháp được xây
giật cấp và bẻ góc từ hai bên cửa giả phía Nam và phía Bắc ôm vòng qua trước tiền sảnh
của vòm cửa chính. Phần bó chân tháp bị chôn sâu trong lòng đất khoảng 1,5m, đây là
một phát hiện mới đối với kiến trúc tháp cổ Champa.

Nói chung dù có dược giải thích thế nào chăng nữa, thì những bí ẩn của tháp
Chàm, cũng như Người và Đất Chiêm Thành, chắc chắn vẫn không thay đổi, các tháp
Chăm vẫn kiêu hãnh và bền bỉ tồn tại cùng thời gian và lịch sử. Nó chính là minh chứng
về tài năng vĩ đại và kỳ diệu của con người và nó vẫn còn làm cho hậu thế chúng ta đổ
nhiều thời gian và trí lực để nghiên cứu tìm hiểu và học tập.

×