Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Nhã nhạc - nhạc cung đình việt nam docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (170.85 KB, 8 trang )



Nhã nhạc - nhạc cung
đình việt nam

"Âm nhạc cung đình" theo nghĩa thông thường được hiểu là
các thể loại ca nhạc, kể cả các thể loại ca nhạc đi kèm với
múa và kịch hát, dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều
chính, các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và sinh hoạt vui
chơi giải trí của vua và hoàng tộc. Còn tên gọi "Nhã Nhạc"
được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời nhà Hồ dùng
với những nội hàm khác nhau: khi để chỉ âm nhạc cung đình
nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng, khi để chỉ một tổ
chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc cụ thể.


Nền tảng ban đầu của Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt
Nam đã bắt đầu manh nha từ thế kỉ 13, nhưng chỉ đạt đến độ
điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 –
1945). Âm nhạc cung đình Huế chính thức hình thành với sự
lên ngôi của triều Nguyễn vào đầu thế kỉ 19. Khoảng năm
1947-1948, bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại, vợ vua Khải Định)
đã tập hợp một số nghệ nhân cung đình từ thời vua Bảo Đại,
nhờ đó một số thể loại ca múa nhạc cung đình được duy trì.
Những năm 80, âm nhạc cung đình Huế bắt đầu được sự
quan tâm của Bộ Văn hoá và chính quyền địa phương. Vào
những năm 90 âm nhạc cung đình Huế bước vào giai đoạn
phục hưng. Từ đó tới nay loại hình nghệ thuật này đã được
đưa đi giới thiệu ở nhiều nơi trên thế giới.

Các thể loại âm nhạc cung đình Huế bao gồm: nhạc lễ nghi


thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, ca nhạc
thính phòng và kịch hát (tuồng cung đình).

Xưa kia nhạc cung đình Huế bao gồm nhiều thể loại: Giao
nhạc dùng trong lễ Tế Giao; Miếu nhạc dùng trong các lễ tế
miếu; Ngũ tự nhạc dùng trong các cuộc tế lễ Thần Nông,
Thành Hoàng, Xã Tắc; Đại triều nhạc dùng trong những dịp
lễ lớn hoặc đón tiếp sứ thần các nước; Thường triều nhạc
dùng trong các lễ thường triều; Yến nhạc dùng trong các
cuộc yến tiệc lớn trong cung đình; Cung nhạc phục vụ trong
nội cung.

Múa cung đình Huế xưa có nhiều điệu sử dụng vào những
dịp khác nhau. Mười một điệu múa cung đình còn tồn tại đến
ngày nay là: Bát dật dùng trong tế giao, miếu, xã tắc, lịch đại
đế vương và Khổng Tử; Lục cúng, Tam tinh, Bát tiên, Đấu
chiến thắng Phật, Tứ linh, Tam quốc tây du dùng trong các
ngày lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ và lễ cúng Mụ; Trình
tường tập khánh trong các lễ tứ, ngũ tuần đại khánh chúc cho
dân giàu nước mạnh; Nữ tướng xuất quân trong những ngày
lễ chiến thắng, hưng quốc khánh niệm, dạ yến và tiếp sứ thần
ngoại quốc; Vũ phiến dành cho hoàng thái hậu, hoàng hậu,
phi tần, công chúa thưởng lãm trong những yến tiệc tân hôn;
Lục triệt hoa mã đăng trong lễ hưng quốc khánh niệm cho
công chúng xem ở trước Phu Văn lâu.

Hệ thống bài bản ca nhạc cung đình dùng cho các thể loại ca
nhạc trên bao gồm rất nhiều bài. Tuy nhiên sau những giai
đoạn suy thoái, nhiều bản nhạc đã bị thất truyền, chỉ còn biết
lời ca. Những bản nhạc ngày nay còn bảo tồn được bao gồm:

Mười bản ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên
hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ,
Tẩu mã), Long đăng, Long ngâm, Phú lục, Tiểu khúc, Tam
luân cửu chuyển, Đăng đàn cung, Đăng đàn đơn, Đăng đàn
kép, Thái bình cổ nhạc, Bông, Mã vũ, Man và một số bài
khác trong hệ bài bản của ca nhạc thính phòng như Nam
Bình, Nam Ai

Các dàn nhạc cung đình triều Nguyễn cũng gồm nhiều loại có
biên chế khác nhau nhằm phục vụ các nghi lễ và nhu cầu giải
trí trong cung: Nhã nhạc, Huyền nhạc, Ti trúc tế nhạc, Tiểu
nhạc, Đại nhạc, Cổ xuý đại nhạc, Nhạc thiều, Bát âm, Ty
chung, Ty khánh, Ty cổ

Âm nhạc cung đình Huế là sự kế thừa và phát triển lên một
đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình
Thăng Long đã được xây dựng từ nhiều thế kỉ trước. Sự kế
thừa và phát triển đó thể hiện ở những yếu tố như: Duy trì
một số tổ chức dàn nhạc cung đình của những triều đại trước
và tạo những biến thể mới đa dạng trên cơ sở những tổ chức
dàn nhạc thời Lê; Tiếp tục sử dụng nhiều nhạc khí thông
dụng trong âm nhạc cung đình Thăng Long; Duy trì và biến
hoá một số điệu múa cung đình đã có từ trước và sáng tạo
thêm nhiều điệu múa mới; Sáng tạo một thể loại ca nhạc
thính phòng mới (đờn ca Huế) và đẩy khí nhạc Việt Nam lên
một bước phát triển cao hơn cả về kĩ thuật diễn tấu, hình thức
hoà tấu; Kế thừa nghệ thuật hát bội Đàng Ngoài và phát triển
nó lên độ cực thịnh đồng thời tạo ra một lưu phái tuồng mới
có phong cách riêng: tuồng Kinh (của kinh đô) với phong
cách “tuồng văn”; Kế thừa có biến hoá hệ thống âm luật năm

Hồng Đức thời Lê, nửa cuối thế kỉ 15 và phát triển nhạc ngữ,
nhạc lí; Kế tục truyền thống học hỏi, tiếp thu và Việt hoá
những yếu tố nước ngoài đã định hình trong âm nhạc Việt nói
chung, âm nhạc cung đình Thăng Long nói riêng…

Đặc trưng của Âm nhạc cung đình Huế là sự hội nhập, tiếp
biến văn hoá Hoa, Chăm và những ảnh hưởng của Phật, Nho.
Múa cung đình có quan hệ mật thiết với nghệ thuật tuồng (hát
bội). Âm nhạc cung đình Huế tổng hợp trong đó sự phong
phú, đa dạng về nhiều mặt: về loại hình nghệ thuật, thể loại,
chủng loại nhạc khí và âm sắc, bài bản, cơ cấu tổ chức dàn
nhạc và các hình thức hoà tấu, môi trường trình diễn, nhạc
điệu… Nhờ vậy đến với âm nhạc cung đình Huế người
thưởng thức sẽ có nhiều "món" để thay đổi “khẩu vị” không
những cho thính giác mà cả thị giác.

Âm nhạc cung đình Huế có qui mô lớn và tính chuyên nghiệp
cao: là loại nhạc chính thống của quốc gia, nhiều tổ chức dàn
nhạc và tiết mục ca múa nhạc cung đình có qui mô lớn, gồm
nhiều loại nhạc khí, nhiều diễn viên, nhạc công, ca công trình
diễn. Ngoài ra đây còn là thể loại nhạc có tính ứng tấu, biến
hóa linh hoạt và tính bác học cao.

Ngày 07/11/2003, trong phiên họp chính thức được tổ chức
tại Paris, UNESCO đã ghi tên 28 kiệt tác Di sản Văn hóa phi
vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có
Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam mà Huế gìn giữ và
phát triển. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam
được công nhận vào danh mục này, ghi nhận thành quả của
hành trình 10 năm phấn đấu, chuẩn bị không mệt mỏi của

chính quyền Trung ương, địa phương và Trung tâm Bảo tồn
Di tích Cố đô Huế.

×