Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Hùng vĩ cao nguyên đá Đồng Văn pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (333.4 KB, 9 trang )

Hùng vĩ cao nguyên đá Đồng Văn
Nơi địa đầu đất nước, Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang là một trong những địa
danh hùng vĩ nhất Việt Nam.
Với độ cao trung bình 1400-1600m so với mực nước biển, tổng diện tích 2.530 km2 trải
rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Cao nguyên đá hội tụ
những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng, có giá trị khoa học phong phú và chứa
đựng trong mình những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên hùng vĩ và nên thơ
Có lẽ người Việt Nam nào cũng mong ước được một lần đặt chân đến Lũng Cú- vùng đất
biên cương huyền thoại trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi được xem là “nóc nhà Việt
Nam”, một vùng đất chỉ có trùng điệp là đá mà tạo nên vẻ đẹp quyến rũ, riêng biệt.
Từ thị xã Hà Giang lên Lũng Cú, mảnh đất địa đầu Tổ quốc là quãng đường dài 200 km
với nhiều khúc cua tay áo, một bên vách đá dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm.
Lũng Cú, tiếng Mông là lũng ngô, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trên chóp đỉnh
núi Rồng (Long Sơn), Cột cờ Quốc gia Lũng Cú được thiết kế theo hình bát giác, chân bệ
có phù điêu đá xanh mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn và minh họa các giai
đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của đồng bào
các dân tộc Hà Giang. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt
Nam- biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc
tung bay trước gió. Thấp thoáng phía xa xa có thác nước len lỏi sau những vách đá,
những ô ruộng bậc thang đan xen. Những bản làng xinh xắn với nếp nhà sàn ẩn hiện sau
những bức tường xếp bằng đá.

Vào mùa xuân, hoa mận nở trắng rừng Lũng Cú, xen lẫn những hạt tuyết còn sót lại long
lanh dưới tia nắng mặt trời. Dưới thung lũng, hoa đào rực lên trong sương sớm, thấp
thoáng những dải sa mộc bạt ngàn như hàng ngàn chiếc ô vươn lên bất chấp sương, tuyết,
gió lạnh.
Đến nay, ở Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu
từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã


cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin
nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ.
Nằm ẩn mình trong thung lũng mây Sà Phìn, sau những tán sa mộc thẳng tắp vươn mình
cao vút, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia “nhà Vương” từ lâu đã trở thành điểm đến của
nhiều lữ khách khi lên thăm cao nguyên đá Đồng Văn. Nhà Vương như một “pháo đài”
của “Vua Mèo” Vương Chính Đức và con trai là Vương Chí Sình (người được Bác Hồ
tặng câu đối: “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ”) và gia tộc họ Vương.
Đây là một công trình độc đáo, mô phỏng một phần kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc)
kết hợp với các hoa văn của người Mông với 4 dãy nhà ngang và 6 dãy dọc, kết cấu hai
tầng 64 buồng. Khu dinh thự nằm trên một quả đồi có hình mai rùa, được ví như là “thần
Kim Quy”, nhìn về hướng nam. Tường được trình bằng đất sét. Móng nhà làm bằng đá,
bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ, mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp
ngói ống trang trí hoa văn chữ “thọ”. Các bộ phận dù bằng đá hay gỗ đều được chạm
khắc cầu kỳ, khéo léo thành hình rồng, phượng… tượng trưng cho sự trường tồn, hưng
thịnh của các dòng họ quyền quý. Trải qua gần trăm năm, bao mưa nắng, gió bão, có chỗ
đã bị thời gian mài mòn, hoang phế, nhưng về cơ bản đến nay nhà Vương vẫn giữ được
hình dáng xưa cũ.
Chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng điệp, Mã Pì Lèng được du khách coi
là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ,
Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã
Pì Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là
một “Tượng đài Địa chất”. Đi trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho
Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một
ngày đường.
Mã Pì Lèng có nghĩa là Sống mũi ngựa, là cung đường đèo hiểm trở, vượt đỉnh Mã Pì
Lèng cao khoảng 2.000m, thuộc cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên
Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Hàng
vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6
năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt
Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi đá tai mèo mà

thi công trong suốt 11 tháng.
Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định xếp khu vực
Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pì
Lèng bao gồm: đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh
quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào
loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến
tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.


Cao nguyên đá Đồng Văn
Truyền thống văn hóa đặc sắc
Giữa muôn trùng núi đá kỳ vĩ Đồng Văn, truyền thống văn hóa đặc sắc trong nếp sống
của các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo… tạo nên sức hấp dẫn lạ
kỳ đối với những du khách trong và ngoài nước. Những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm
năm trong khu phố cổ Đồng Văn đã lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của người dân nơi đây.
Chợ phiên Đồng Văn, Sà Phìn tấp nập đông vui, họp mỗi tuần một phiên. Từ sớm tinh
mơ đã nghe lọc cọc trên đường tiếng xe ngựa thồ hàng ra chợ của lái buôn, tiếng người
gọi nhau í ới. Cả gia đình cùng xuống chợ. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các
ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi
chơi chợ; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình. Sau vài phiên chợ nhiều
đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Còn những du khách phương xa như mê mẩn, như lạc đi
trong rực rỡ sắc màu và ngập tràn thanh âm đặc trưng của những phiên chợ vùng cao.
Cũng gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa theo đúng nghĩa, Khau Vai
là chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên
thế giới… Chợ tình Khau Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, có từ năm 1919, họp trên một
quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Chợ họp mỗi năm một lần vào
ngày 27 tháng 3 âm lịch.
“Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pì Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…”


Từ chiều 26/3 từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong
trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách
chợ tình Khau Vai những ba quả núi, bốn năm con suối… thì đi từ sớm hơn. Mặc núi đá
tai mèo, mặc suối sâu và những đoạn đường cua tay áo đầy nguy hiểm, họ náo nức, họ
phấp phỏng đợi chờ. Đây đó đã vang lên tiếng hát, tiếng khèn lá réo rắt, du dương như
gọi mời. Tất cả đều cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ
yêu. Trước đây chợ tình Khâu Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ những năm 90
trở lại đây, nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng
để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai.
Sự đan xen giữa nét nên thơ và hùng vĩ của cảnh sắc và con người trên những dãy núi đá
trập trùng đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho cao nguyên Đồng Văn. Xứ sở của đào
phai, hoa lê, tuyết trắng, của thắng cố và men rượu mật ong, rượu ngô thơm nồng, cái náo
nhiệt buổi chợ phiên, tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông quyến rũ người
tình, tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa nồng đượm đêm dài… vẫn đang mời gọi
những hành trình khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của đất nước.

Công viên địa chất toàn cầu nơi địa đầu Tổ quốc
Theo thống kê sơ bộ, khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn có 45 di sản địa mạo, 33 di sản
kiến tạo và rất nhiều hóa thạch trong các tầng đá trầm tích, trong đó nhiều di sản được
xếp hạng quốc gia và quốc tế. Đó là các bề mặt san bằng, các bậc thềm sông, đồng bằng
gặm mòn chân núi, các hang động kỳ bí ở nhiều bậc độ cao khác nhau, các hố sụt karst,
hàng loạt thung lũng sông suối lớn, các hẻm vực sâu, những rừng đá, hoang mạc đá và
các núi đá vôi dạng nón liền, nón rời, hình kim tự tháp kỳ vĩ trên đỉnh Mã Pì Lèng; những
rừng đá, vườn đá kỳ thú ở khu vực chợ tình Khau Vai… Đặc biệt là hẻm vực Nho Quế,
nơi hình thành do đứt gãy của vỏ trái đất, sâu trên một cây số, với vách đá vôi dựng đứng
cao khoảng 700m, rất hiếm gặp trên thế giới.
Không những thế, các nhà địa chất đã điều tra, nghiên cứu và xác lập được ở đây 13 phân
vị địa tầng, phát hiện được 17 nhóm hóa thạch cổ sinh rất đa dạng và phong phú về
giống, loài trong đó có một số loài đặc hữu cho khuc vực. Đây cũng là nơi ghi chứng tích
của hai trong năm sự kiện lớn của thế giới về sự hủy diệt hàng loạt thế giới sinh vật trên

phạm vi toàn cầu xảy ra cách đây khoảng 250 và 350 triệu năm.
Trong những ngày vừa qua, một tin vui nữa đến với những người dân Việt Nam khi Hội
đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO (GGN) họp tại Lesvos
– Hy Lạp, ngày 3/10/2010, đã chính thức công nhận Công viên Địa chất Cao nguyên đá
Đồng Văn là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu.
Hồ sơ Cao nguyên đá Đồng Văn được quốc tế đánh giá cao, đầy đủ các dữ liệu về địa
chất khoáng sản, về tài nguyên môi trường. Đặc biệt, các chuyên gia UNESCO đánh giá
rất cao bản sắc văn hoá của các dân tộc sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là đặc
trưng rất lớn của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong hệ thống công
viên địa chất toàn cầu. Hiện nay, khu vực này là nơi cư ngụ của khoảng 250.000 người
dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn
hóa truyền thống hết sức độc đáo từ tên gọi, trang phục, nơi cư trú, ngôn ngữ, phong tục,
tập quán, tín ngưỡng… Ngoài các lễ hội mang tính cộng đồng tiêu biểu, phải kể đến một
di sản quý báu về văn nghệ dân gian, từ việc truyền miệng thơ ca, truyện cổ, ca dao tục
ngữ cho đến các làn điệu dân ca, phong phú, đa dạng, với trình độ biểu diễn của một số
tộc người mang đậm nét đặc trưng mà còn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật như múa Lô Lô,
múa Khèn Mông, dân ca Mông, Dao, Pu Péo, Tày, Nùng… Đặc biệt có một số tộc người
chỉ có duy nhất ở Hà Giang như Pu Péo, Cờ Lao, La Chí, Bố Y… Chính sự tồn tại của
các tộc người này tạo cho Hà Giang một diện mạo văn hóa vừa đa dạng vừa độc đáo, khó
có thể lẫn với bất cứ vùng nào.
Phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội, chiều 8/10, Thứ trưởng Ngoại giao
Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nêu rõ: Tiếp sau
việc công nhận Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, trong
những ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Công viên địa chất cao
nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang được gia nhập Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu
của UNESCO, là một tin vui đối với nhân dân cả nước, trong đó có đồng bào các dân tộc
tỉnh Hà Giang.
Hiện có 77 công viên địa chất của 24 quốc gia, được công nhận là thành viên mạng lưới
công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, riêng khu vực Đông Nam Á chỉ có 2 công
viên địa chất của Malayxia và của Việt Nam. Việc gia nhập Mạng lưới Công viên Địa

chất Toàn cầu sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, tạo
tiền đề phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

×