Kiến trúc và vị thế “độc” của Thành
cổ Quảng Trị
Phải gánh chịu khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà bình
lập lại, Thành cổ Quảng Trị chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành…
Trước đó, Thành cổ Quảng Trị là một công trình kiến trúc thành lũy cổ độc đáo, đồng
thời, cũng là sở lỵ hành chính-chính trị của tỉnh Quảng Trị.
Kiến trúc độc đáo Thành cổ Quảng Trị
Thành Quảng Trị được khởi dựng vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Quá trình xây
dựng thành Quảng Trị từ khi khởi công dưới thời Gia Long đến khi hoàn thiện dưới thời
Minh Mạng kéo dài gần 28 năm (1809-1837).
Bộ phận kiến trúc chính tạo ra diện mạo tổng quát của thành Quảng Trị là cấu trúc phòng
thành. Phòng thành Quảng Trị được xây bằng gạch, tổng thể có hình vuông. Thành có
cấu trúc kiểu Vauban, là một hệ thống phức hợp bao gồm những công trình kiến trúc liên
quan chặt chẽ với nhau và mang tính bố phòng vững chắc. Phương thức kiến trúc ấy xuất
hiện trong điều kiện mà quân đội nhiều nước trên thế giới đã qua khỏi thời đại chiến đấu
bằng cung tên và gươm giáo, họ đã được trang bị bằng các vũ khí bắn đạn được đẩy đi
bằng thuốc súng.
Kích thước thành Quảng Trị được chép trong các tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn
có sự chênh lệch nhau khá lớn. Các nhà nghiên cứu thông qua các bước khảo sát, đo đạc
cho biết, tổng diện tích toàn bộ thành Quảng Trị là 18,56 ha. Chiều cao của thành cổ
Quảng Trị là 4,3m. Vật liệu xây dựng thành là đất và gạch. Án ngữ bốn góc thành là 4
pháo đài nhô hẳn ra phía ngoài, sắp xếp cân đối, ở mỗi góc đối xưng nhau qua các cửa
chính diện của chân thành.
Thành Quảng Trị có 4 cửa nằm ở vị trí chính điện của 4 mặt thành. Kiến trúc của mỗi
cổng thành xây bằng gạch, gồm hai tầng: tầng dưới là phần nền với bộ phận chính là
cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”; tầng
trên là một vọng lâu có kiến trúc độc đáo theo lối vọng lâu xây bằng gạch, mái cong, lợp
ngói âm dương.
Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp
cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh
Quảng Trị. Trong đó, Hành cung là công trình trọng yếu, là nơi để Vua ngự và thăng
quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.
Ngoài những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn còn lại như Hành cung, Dinh
Tuần phủ, dinh Án sát, ngục thất, khám đường…, Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật
thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn… khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ.
Thành Quảng Trị trước hết là một bộ phận quan trọng trong nền kiến trúc cổ, là sự thể
hiện một trình độ kỹ thuật nhất định về lĩnh vực quân sự của vương triều Nguyễn. Nơi
đây cũng mang ý nghĩa là một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa
phương qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Thành cổ Quảng Trị năm 1968
Vị trí Quảng Trị thành cổ các thời kỳ
Dưới con mắt của các vua nhà Nguyễn, Quảng Trị là một phên giậu có ý nghĩa chiến lược
cho kinh thành, có nhiệm vụ trấn giữ hai cửa ngõ trọng yếu của phía Bắc. Tuy vậy, dưới
thời Nguyễn, Thành cổ Quảng Trị giữ vai trò thiết thực của một trung tâm chính trị, hành
chính, hơn là một công trình phòng thủ quân sự.
Thành Quảng Trị dưới thời Pháp thuộc cũng có một vị trí quan trọng. Người Pháp cũng
nhận thức rõ về vị trí chính trị quan trọng của tỉnh Quảng Trị nói chung và khu vực thành
Quảng Trị nói riêng. Vì thế, từ sau năm 1885, cùng với thành Đồng Hới, thành Quảng Trị
được quân đội Pháp chọn làm một trong những cứ điểm quan trọng của hệ thống đồn
quân sự dày đặc thuộc vùng đất giữa Huế với Vinh.
Trong giai đoạn này, người Pháp không chỉ thiết lập ở thị xã Quảng Trị một trung tâm
chính trị với bộ máy hành chính nhà nước gồm cả chính quyền Pháp lẫn Nam triều, mà
còn tiến hành đầu tư xây dựng để biến nơi đây thành một đầu mối kinh tế có lợi cho sự
kinh doanh của giới tư sản Pháp.
Ngày 17/2/1906, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị và
lấy thị xã Quảng Trị làm trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Từ đó, các phố xá lần lượt
được xây dựng và ngày càng trở nên sầm uất.
Trước tình hình các phong trào yêu nước và cách mạng ngày một dâng cao, thực dân
Pháp một mặt ra sức thi hành các biện pháp bình định, đàn áp các cuộc biểu tình, nổi dậy
của quần chúng; mặt khác, tăng cường thiết lập hệ thống pháp luật khắc nghiệt và hệ
thống tòa án, nhà tù. Trong thành Quảng Trị, Pháp đã cho xây dựng thêm một hệ thống
nhà tù, mở rộng và kiên cố hóa khu lao xá để làm nơi giam giữ những người yêu nước,
các chiến sĩ cách mạng trong tỉnh và khu vực.
Thành cổ Quảng Trị đã được tu sửa
Tháng 7/1954, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc
thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve vào ngày 20/7/1954, lập lại hòa
bình ở Việt Nam. Theo Hiệp định Geneve, nước ta tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ
tuyến 17 làm đường ranh giới quân sự tạm thời. Quảng Trị là nơi trực tiếp bị chia cắt.
Từ năm 1954-1971, mặc dù Thành cổ Quảng Trị không còn đảm nhiệm sứ mệnh trung
tâm đầu não của bộ máy chính quyền cấp tỉnh nhưng vị thế của thành vẫn được đẩy lên
tầm quan trọng hơn. Thành cổ Quảng trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có
một vị trí rất quan trọng.
Năm 1972, vùng đất Quảng trị được xem là chiến trường khốc liệt nhất, nơi diễn ra
những cuộc đối đầu nảy lửa giữa ta và địch. Với địa thế vừa là bàn đạp để thực hiện âm
mưu “Bắc tiến” khi có điều kiện, vừa là lá chắn bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ
tuyến 17”, đây là chiến trường sinh tử đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam.
Thị xã Quảng Trị được giải phóng chiều ngày 1/5/1972 sau hai cuộc tấn công bất ngờ và
quả cảm của quân ta – bắt đầu từ giữa trưa ngày 30/3/1972. Tuy vậy, ngày 28/6/1972
địch mở chiến dịch tái chiếm Thành cổ Quảng Trị. Đây cũng là ngày khởi đầu của 81
ngày đêm kiêu hùng của những chiến binh quả cảm của chúng ta trong cuộc chiến không
cân sức về khí tài trong lòng Thành cổ.
Để đánh chiếm một toà thành có chu vi chưa đầy 2.000m, đối phương huy động một lực
lượng hùng hậu, một khối lượng bom đạn khổng lồ. Số lượng bom đạn Mỹ đã ném xuống
đây tương đương với sức nổ của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hirôsima.
Trong 81 ngày đêm bám trụ chiến đấu đánh trả cuộc hành quân phản kích tái chiếm
Quảng Trị, quân và dân ta không chỉ đánh thắng kẻ thù bằng ý chí, tinh thần gang thép,
mà còn tỏ rõ tài nghệ tổ chức chỉ huy chiến đấu, tính quyết đoán sáng tạo. Cuộc chiến
đấu ở Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt
Nam như những trang sử hào hùng đầy máu và lửa.
Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà
bình lập lại, Thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu… Từ
năm 1993-1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạn thành, cổng tiền đã được tu sửa,
hàng nghìn cây dừa đã mọc lên phía trong thành.
Đặc biệt một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa Thành Cổ. Đài tưởng
niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo
thành hình bốn cửa của Thành Cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm.
Thành cổ Quảng Trị giờ đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm
thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế