Những nguy cơ khó tránh khi tìm
mua nhà đất qua sàn
Một thực tế đáng báo động hiện nay, đó là nguy cơ đối tượng thực
hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sự “dễ dãi” của các
chủ “sàn” giao dịch bất động sản.
Phố Hoàng Minh Giám, “sàn” bất động sản ngày
càng “át” nhà nghỉ
Trong bối cảnh ấy, có cảm giác là cơ quan chức năng vẫn đang thờ ơ,
hoặc có thể, đang bị động trước diễn biến của loại tội phạm “thời
thượng” này.
“Cá” ít, “thính” nhiều
Về lý thuyết, thông qua “sàn”, các nhà đầu tư có thể tham khảo, tìm
hiểu, từ đó tiến hành giao dịch dự án bất động sản. Chắc chắn một tiêu
chí mà cơ quan quản lý đặt ra khi cho phép mô hình “sàn” bất động sản
thành lập, hoạt động, là thông qua “sàn”, mọi giao dịch phải được diễn
ra công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Ba yếu tố này là bắt
buộc đối với chủ “sàn”, và với những đơn vị có dự án bất động sản niêm
yết ở “sàn”. Từ đó giúp các nhà đầu tư, người dân đảm bảo được độ an
toàn khi tiến hành giao dịch, hay nói thẳng, giúp các nhà đầu tư không bị
mất tiền oan.
Trước khi tìm hiểu hoạt động của “sàn” bất động sản, người viết bài này
từng kỳ vọng ít ra những “cơ ngơi” diễn ra các giao dịch bạc tỷ phải rất
hoành tráng, tấp nập. Tưởng vậy nhưng không phải vậy! Đến con phố
Hoàng Minh Giám nằm gần đường Trần Duy Hưng và một loạt các khu
đô thị lớn của Hà Nội, chúng tôi ngỡ ngàng vì quy mô “tầm tầm” và sự
vắng lặng của không ít “sàn” bất động sản.
Người dân ở khu vực này phản ánh, trước kia, phố Hoàng Minh Giám có
nhiều nhà nghỉ. Nay thì, “sàn” bất động sản đang chiếm thế thượng
phong; cái thì mới mở, cái thì chuyển hóa từ… nhà nghỉ sang. Lòng
vòng quanh khu vực này, chúng tôi thực sự hoa mắt vì những biển hiệu
với tên rất kêu của các “sàn”. Nhưng nhìn vào trong, vắng hoe. Điều này
cũng giống như khi lần tìm được địa chỉ “sàn” Hà Thành, nơi quảng cáo
rầm rộ về dự án “Chung cư mini Petromanning”; dù đã ghi rành rành địa
chỉ “sàn” ấy ra tờ giấy, song khi đến tận nơi, chúng tôi vẫn không dám
chắc đó là “sàn” bất động sản. Về hình thức, nó là một căn hộ ở chung
cư Trung Hòa - Nhân Chính. Cửa đóng kín và không hề có biển hiệu gì.
Trở lại câu chuyện về dự án “Chung cư mini Petromanning”, sau này khi
mọi chuyện đã vỡ lở, một trong những chủ “sàn” đã rao bán các căn hộ
ở “chung cư” này mới thú thật: Họ chẳng hề biết một chút thông tin thực
tế nào về "Chung cư mini Petromanning"; không có bất cứ một ký kết
hay hợp đồng ủy quyền, nhượng quyền mua bán nào với chủ đầu tư. Tuy
nhiên, họ vẫn rao bán, bởi “các sàn đều làm như vậy”.
Theo giải thích của chủ “sàn”, sở dĩ có chuyện rao bán khi không có hợp
đồng ký kết với chủ đầu tư là vì các “sàn” muốn gom hàng trước. Thông
thường với một dự án cỡ nhỏ như “Chung cư Petromanning”, chủ đầu tư
thường chỉ bán qua 2-3 sàn. Tuy nhiên, để có được mối quan hệ với chủ
đầu tư là việc không dễ. Nếu đợi đến khi dự án khởi công mới rao bán
thì sẽ bị chậm. Chính vì thế, chỉ cần nắm được thông tin về dự án, các
“sàn” cứ… đăng quảng cáo rao bán. Vậy nên mới có chuyện, “cá” thì ít
mà đi đâu cũng thấy “thính” giăng đầy.
Đừng để “nước đến chân"
Nếu quan hệ tốt với chủ đầu tư, hoặc có khi chính chủ đầu tư (thường là
các công ty, tổng công ty xây dựng hay tập đoàn kinh tế) là chủ “sàn”,
việc giao dịch một vài căn hộ là không quá khó. Tuy nhiên, đã và sẽ xảy
ra trường hợp đối tượng lợi dụng để lừa đảo, khi mạo nhận quan hệ, giả
mạo giấy tờ để bán mà các “sàn” không kiểm soát được, nhất là với
những dự án đang trong giai đoạn… tiền khởi công. "Với những dự án
chưa hình thành, người mua sẽ có cơ hội mua được nhà với giá thấp.
Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro cao vì nguy cơ lừa đảo. Tham
gia cuộc chơi ấy nhà đầu tư phải chấp nhận".
Tham khảo bản báo cáo gần đây của Thanh tra chuyên ngành Xây dựng
về hoạt động của “sàn” bất động sản, chúng tôi chỉ ghi nhận được những
nhận xét “chẳng chết ai”. Đại loại như: “Các lỗi vi phạm chính tại nhiều
sàn giao dịch bất động sản là giao dịch không minh bạch và thiếu công
khai thông tin về sản phẩm, diện tích sàn bị thu hẹp so với hồ sơ đăng ký
với cơ quan chức năng”; hay một nhận xét khác: “Hầu hết chủ đầu tư
“né” giao dịch qua sàn bằng cách thực hiện các hợp đồng vay vốn, góp
vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua bất động sản và họ
mở sàn chỉ để bán sản phẩm của chính mình. Điều này khiến các giao
dịch qua sàn chỉ mang tính hình thức, làm hạn chế việc đầu tư qua
sàn”
Một vi phạm “khả dĩ” bị “sờ gáy” là việc công ty CP Xây dựng số 1
(Vinaconex 1) chào bán 176/249 căn hộ thuộc dự án Khu văn phòng và
nhà ở cao cấp Vinaconex 1 tại “sàn” bất động sản Vinaconex Real. Theo
đó, “sàn” bất động sản Vinaconex Real là đại diện tiếp thị, bán bất động
sản cho dự án này tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên,
việc ký hợp đồng dịch vụ trên chỉ mang tính hình thức, bởi trên thực tế,
số căn hộ trên đã có người đứng tên với hầu hết là… cán bộ, nhân viên
của Vinaconex 1.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đúc kết: “Phần lớn các sàn bất động sản hoạt
động thiếu chuyên nghiệp, trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho
các chủ đầu tư. Số sàn thực sự tốt chỉ chiếm khoảng 15%, sàn vi phạm ít
chiếm trên 50%, còn lại là các sàn có vi phạm lớn”. Vậy mà trong
khoảng 600 “sàn” bất động sản đang hoạt động trên toàn quốc, chưa
thấy nhiều chủ “sàn” vi phạm lớn bị xử lý hình sự.