Gần đây hầu hết các cổ phiếu mới tham gia niêm yết
đều có chuỗi tăng giá mạnh - một hiện tượng nhưng
không hẳn mang tính “phong trào”.
Thị trường chứng khoán phục hồi mạnh, tạo môi
trường thuận lợi để nhiều doanh nghiệp tiến hành
niêm yết cổ phiếu. Ngược lại, hoạt động niêm yết
mới sôi động trở lại cũng tạo thêm nguồn hàng và
nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư. Nổi bật trong hai
tháng gần đây là những kết quả rất thành công của
hoạt động này.
Chào sàn là… thắng
Không tuyệt đối, nhưng đó là kết quả của đa số mã
mới tham gia niêm yết. Theo thống kê của Công ty
Chứng khoán Tân Việt (TVSI), trong hai tháng gần
đây, số lượng công ty chào sàn đã lên tới 24, trong đó
có đến 16 trường hợp giá liên tiếp tăng kịch trần kể từ
phiên giao dịch đầu tiên.
Điển hình là các mã thuộc nhóm bất động sản (VPH,
VNI, DIG, LGL), sản xuất các sản phẩm từ cao su
(CSM, RDP, SRC), thủy sản (ATA, AAM), thép
(PHT) và gas (VMG). Hiện tượng sau chào sàn chỉ
biết tăng trần và không chịu bán như ở HCM (Công
ty Chứng khoán Tp.HCM) hay CSM (Cao su miền
Nam) trước đó cũng đã bắt đầu có ở SRC của Cao su
Sào vàng với 3 phiên kịch trần chỉ với 50 đơn vị chịu
bán (theo giao dịch khớp lệnh), hoặc nhiều mã chỉ có
khối lượng chưa đầy 1% lượng niêm yết…
Theo bà Phạm Thị Vân Hà, Trưởng phòng Nghiên
cứu và Phân tích đầu tư TVSI, nguyên nhân trước hết
của những thành công trên là hai tháng gần đây thị
trường đón những yếu tố tích cực từ các chỉ số kinh
tế vĩ mô, với các dự báo tích cực của các chuyên gia
kinh tế và các tổ chức tài chính quốc tế (World Bank,
Economist Intelligent Unit, Standard Chartered Bank,
HSBC).
Cụ thể hơn, bà Hà cho rằng các công ty có cổ phiếu
tăng trần đều là nằm trong những ngành “hot” trên thị
trường như bất động sản, sản xuất cao su, thép và
gas. “Các công ty này có lợi thế từ việc các “anh chị”
trước đó có kết quả kinh doanh rất khả quan và tốt,
ngoài ra với các doanh nghiệp bất động sản còn có
quỹ đất nhiều nhất trong ngành ở vị trí thuận lợi
(DIG) trong khi VPH, VNI đều đang triển khai dự án
ở những vị trí đắc địa trung tâm thành phố và khu dân
cư sầm uất”, bà Hà nói.
Những công ty này còn nằm trong ngành hưởng lợi
trực tiếp từ gói kích cầu bao gồm hỗ trợ lãi suất và
giảm thuế như thép, xây dựng hạ tầng kĩ thuật, sản
xuất cao su và nhựa và thủy sản. Đặc biệt các doanh
nghiệp thủy sản với thông tin giá và khối lượng xuất
sang EU và Mỹ tăng trong quý 3 và quý 4 sẽ làm
doanh thu xuất khẩu và lợi nhuận tăng mạnh - một
yếu tố hết sức thuận lợi cho việc chào sàn.
Ngoài ra, dòng tiền trong hai tháng gần đây tăng
trưởng khá đều và bền vững, giao dịch trung bình từ
3.000 – 6.000 tỷ đồng/ngày, hai chỉ số chính đều có
xu hướng tăng dài hạn đã tạo tâm lý lạc quan và tin
tưởng cho nhà đầu tư. “Nhà đầu tư sẽ rình những cổ
phiếu chào sàn với giá “rẻ tương đối” để lao vào mua.
Như vậy, hiệu ứng đám đông cũng thể hiện rõ ở
nhóm cổ phiếu này”, bà Hà nhận định.
Đòn bẩy của giá chào sàn
Nhìn lại diễn biến trên, TS. Quách Mạnh Hào, Phó
tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long
(TSC), cho rằng cần nhìn nhận ở một số nguyên
nhân, yếu tố mang tính đòn bẩy. Đó là tính thời điểm
và mức giá chào sàn.
“Yếu tố chủ yếu đóng góp vào sự thành công của các
cổ phiếu chào sàn là xu thế chung của thị trường. Thị
trường tăng thì nhìn chung các cổ phiếu đều tăng.
Tuy vậy, yếu tố giá khởi điểm khi chào sàn cũng
đóng vai trò quan trọng. Nhìn chung các doanh
nghiệp đã rút kinh nghiệm rất nhiều trong việc đưa ra
mức giá khởi điểm, họ đã thực sự có cân nhắc. Tuy
nhiên, điều này lại dường như không đúng với những
doanh nghiệp cổ phần chuyển đổi từ sở hữu nhà nước
trước đây như VCB hay CTG”, ông Hào phân tích.
Về yếu tố giá khởi điểm, chuyên gia của TSC cho
rằng đó là điều kiện quan trọng để tạo ra sức hút của
cổ phiếu trong những ngày đầu mới niêm yết. Những
cổ phiếu có giá khởi điểm được xác định quá cao so
với kỳ vọng chung của thị trường thường được các
nhà đầu tư nhìn nhận rằng đó là cơ hổi để “xả hàng”
của những cổ đông hiện hữu và điều đó tạo ấn tượng
không tốt với đội ngũ quản trị. Ngược lại, với những
công ty đưa ra giá khởi điểm thấp hơn kỳ vọng thị
trường, các nhà đầu tư đón nhận tích cực bởi đó là
thông điệp thể hiện rằng doanh nghiệp đang được
chèo lái bởi những con người gắn bó với công ty.
“Hãy lưu ý rằng giá khởi điểm khi niêm yết chỉ có
vai trò giải quyết vấn đề “lãi vốn” cho những cổ đông
hiện hữu (nếu có), chứ không giải quyết được vấn đề
thặng dư vốn như lúc chào bán ra công chúng vốn
được cho là có lợi cho doanh nghiệp.
Tôi nhận thấy rằng các mức giá khởi điểm khi niêm
yết đưa ra đều đã trở lại mức hợp lý, thậm chí ở mức
thấp. Đây là một chuyển biến tích cực, bởi theo quan
điểm của tôi, điều này thể hiện mức độ cam kết của
những người lãnh đạo với công ty và như thế sẽ tạo
ra giá trị bền vững cho công ty về lâu dài”, TS. Hào
bình luận.
Về mức giá khởi điểm, Trưởng phòng Phân tích
TVSI cũng nhận định là ở những trường hợp trên có
thể thấy giá chào sàn nhìn chung thấp hơn so với giá
của các công ty trong ngành với quy mô và tiềm năng
tương đương. Ví dụ, DIG khi chào sàn giá là 55.000
đồng, trong khi đó HAG và SJS đã ở mức giá là
112.000 đồng và 152.000 đồng. Tương tự, giá chào
sàn của CSM và SRC là 42.000 đồng, trong khi DRC
đang ở mức giá 122.000 đồng Tất nhiên, ở đây cần
so sánh chi tiết các chỉ số cơ bản. Và theo quan sát
của bà Vân Hà, “nhà đầu tư lại là người rất “thính” và
so sánh nhanh, nên họ đã tìm cách chuyển hướng đầu
tư vào những cổ phiếu mới này”.
Tuy nhiên, khuyến nghị mà đại diện TVSI đưa ra là
khi tiếp cận với những cổ phiếu mới, nhà đầu tư cần
lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thị trường chứng khoán thường phản ứng
thái quá với thực tế hàng hóa trên sàn. Như vậy, khi
một cổ phiếu nào đó được săn lùng tạo tâm lý thích
ứng cho các nhà đầu tư khác, họ cũng lao vào mua
theo, đẩy cổ phiếu lên giá liên tiếp trong nhiều phiên,
biến cổ phiếu đó trở nên định giá quá cao so với giá
trị thực. Theo đó, nhà đầu tư nên tỉnh táo với những
cổ phiếu tăng trần 9, 10 phiên liên tiếp.
Thứ hai, ở một số cổ phiếu, có rất nhiều thông tin
“nhiễu”. Ví dụ, nhà đầu tư nhận được rất nhiều thông
tin tốt về công ty như đang triển khai các dự án tốt,
công ty có nhiều đối tác chiến lược. Tuy nhiên, nếu
nhà đầu tư không sàng lọc thông tin có thể dẫn đến hệ
quả bị mua với giá quá cao.
Thứ ba, cần phải so sánh các cổ phiếu mới chào sàn
với các cổ phiếu đã giao dịch trong ngành để có được
đánh giá thực tế và khách quan nhất về tiềm năng và
lợi nhuận thực tế mà mình có được. Tránh tình trạng
nhà đầu tư bị lợi dụng mua đắt khi một số người khác
tìm cách bán ra bằng việc đẩy giá lên.(