“Sốc Đại học” và cách tự giảm “sốc”
Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống mà là con đường dẫn
lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện
Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để
đạt được sự giàu có, mà là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái
Chân và thực hành cái Thiện – Vijaya Lakshmi Pandit
Nhiều bạn trẻ đã nỗ lực bằng mọi giá để trở thành Sinh viên Đại học, để có mặt ở
giảng đường Đại học với khát vọng tìm kiếm một tương lai tươi sáng. Nhưng
tương lai tươi sáng thường chỉ hiện ra nếu các bạn khám phá được hết tiềm năng
của mình.
Cú sốc mang tên “Đại học”
Lạ đời là không ít Sinh viên đến Đại học với niềm cảm hứng tuyệt vời lại là những
người có thể bị “sốc Đại học”! Nhiều thứ đã không diễn ra như họ tưởng tượng,
hoặc nhiều khi họ cảm thấy nhiều thứ ở trường Đại học có vẻ chống lại những
thành tích vang dội và niềm kiêu hãnh rõ ràng vào bản thân mà họ từng có trước
đó. Họ có thể sẽ cảm thấy chới với, mất phương hướng và niềm tin vào bản thân vì
bỗng dưng mọi thứ ở Đại học quá khác so với những gì họ vẫn hình dung Thầy cô
không cắt nghĩa quá nhiều các chi tiết bài giảng, mà lại yêu cầu họ tự đọc hàng
chồng sách, tự trả lời vô số câu hỏi, rồi thậm chí là tự đánh giá kết quả của những
việc mình làm. Họ cảm thấy như thể bị bỏ rơi. Không ít sinh viên đã bị “sốc” thật
sự.
Bí kíp tự giảm sốc
Năm 2008, hai tác giả Tom Burns và Sandra Sinfief trong công trình nghiên cứu
của mình đã thu thập được một số mối lo ngại phổ biến của các bạn tân Sinh viên
như sau:
1. Bài vở nhiều quá! Tôi không chắc là mình có đủ thời gian để học.
Tự giảm sốc: “Tôi nhận ra rằng tôi vẫn có thể đủ thời gian học nếu như tôi biết sắp
xếp thời khóa biểu sinh hoạt của mình một cách hợp lý hơn, thậm chí vẫn có thời
gian giải trí và dành cho gia đình”.
2. Dù sao thì rõ ràng là tôi sẽ phải bớt chút thời gian giải trí và dành cho gia đình,
bạn bè cũng như những mối quan tâm bên ngoài xã hội. Liệu đây có phải là sự
đánh đổi quá lớn?
Tự giảm sốc: “Tôi nhận ra rằng tất cả các anh chị khóa trước đều phải chấp nhận
rút bớt thời gian riêng để dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Họ bảo rằng việc
gì cũng vậy, muốn có nhiều khả năng gặt hái thành công thì phải mạnh dạn đầu tư
thời gian và tâm trí cho việc học”.
3. Hồi học Trung học, thầy cô đốc thúc tôi học thông qua các bài kiểm tra đầu giờ,
kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết trước khi tới kiểm tra cuối kỳ. Còn ở đây, chẳng
có ai “giật dây” tôi kiểu đó cả. Tôi không chắc mình có ôn luyện được hết cho
kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ không?
Tự giảm sốc: “Tôi thấy các anh chị khóa trên hay học nhóm với nhau trong suốt
học kỳ để tự kiểm tra bài vở lẫn nhau. Có lẽ tôi sẽ làm theo cách này”.
4. Trí nhớ của tôi làm sao chứa hàng tá sách này?
Tự giảm sốc: “Tôi lại lầm lẫn giữa học Trung học và học Đại học rồi. Thầy Cô ở
Đại học không chấm bài theo kiểu học thuộc lòng đâu. Quan trọng là hiểu bài và
trả lời theo cách bạn hiểu”.
5. Muốn học và hiểu bài thì phải được yên tĩnh, mà ở nhà thì không được yên quá
15 phút!
Tự giảm sốc: “Sao mình không vào thư viện học và làm bài tập nhỉ? Ở đó yên tĩnh,
quy định mà, lại còn có thể mượn sách tham khảo nữa”.
Trên thực tế, “sốc Đại học” trong nhóm Sinh viên mới còn thể hiện ở tình trạng
thất vọng quá mức trước “thực tế phũ phàng” của giảng đường Đại học: giờ học
không vui, giảng viên không thân thiện, điều kiện giảng đường không hoàn hảo…
Hậu quả của tình trạng “sốc Đại học” này là không ít sinh viên rơi vào tình trạng
“vong thân”, tức là đánh mất bản thân mình trong môi trường mới. Sự đánh mất
này có thể bắt nguồn từ đánh mất cảm hứng, rồi dần dần đánh mất luôn những thói
quen trong cuộc sống, trong học tập. Cảm hứng thường giúp chúng ta khởi đầu.
Thói quen tốt thường giúp chúng ta về đích. Đánh mất hai thứ đó, chúng ta có thể
sẽ đành mất điều quan trọng hơn là mất cơ hội vượt lên, mất cơ hội về đích.