Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

SUY NGHĨ VỀ ĐÀO TẠO MỸ THUẬT NHÂN XEM TRIỂN LÃM MỸ THUẬT QUỐC TẾ 6 TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.96 KB, 12 trang )





SUY NGHĨ VỀ ĐÀO TẠO MỸ THUẬT NHÂN XEM
TRIỂN LÃM MỸ THUẬT QUỐC TẾ 6 TRƯỜNG
ĐẠI HỌC MỸ THUẬT



Có sáng tác mỹ thuật là có nhận xét về tác phẩm mỹ thuật.
Người nhận xét sáng tác mỹ thuật có thể không làm ra tác
phẩm nhưng có thể phát biểu những suy nghĩ của mình về tác
phẩm đã được làm ra. Khi đời sống xã hội phát triển, yêu cầu về thưởng thức, đánh
giá, nhận xét về một tác phẩm mỹ thuật cũng trở thành một chức năng có tính chất
xã hội làm cho đời sống sáng tác được kích thích. Khi thưởng thức giá trị của tác
phẩm mỹ thuật người xem thường chú ý tiêu chí thẩm mỹ của từng triển lãm, của
thời đại. Tuy vậy, giá trị của tác phẩm mỹ thuật chỉ là tương đối, ngay cả khi tác
phẩm đó được giới chuyên nghiệp đánh giá cao. Mỗi loại tác phẩm có ngôn ngữ
của riêng mình, người xem cũng đòi hỏi tác phẩm phải thoả mãn những đặc trưng
ngôn ngữ ấy. Những tác phẩm mỹ thuật trưng bày trong triển lãm 6 trường đào tạo
mỹ thuật chuyên nghiệp Việt - Thái Lan đang diễn ra ở 3 thành phố lớn Huế,
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vào tháng 11, 12 năm 2007 cũng sẽ bị người xem
đòi hỏi, quan tâm nhiều tới yếu tố hàn lâm của mỗi cơ sở đào tạo đại học mỹ thuật,
kỹ thuật sử dụng chất liệu, phong cách nghệ thuật, chiều sâu ý tưởng của mỗi tác
phẩm.
Triết học thế kỷ XX quan tâm đến những vấn đề của con người, quan tâm nghiên
cứu nội tâm của con người và cho rằng con người cần phải nhận thức thế giới theo
cảm xúc, tâm trạng cá nhân của mình. Đặc biệt triết học hiện sinh có ảnh hưởng
nhiều đến đến nghệ thuật hiện đại của các nước Tây phương, dành mọi ưu tiên cho
việc nghiên cứu con người. Họ cho rằng việc nghiên cứu con người trong những


trào lưu triết học trước đây chưa đi vào thực chất của vấn đề con người. Vì vậy, họ
coi sự hiện sinh cá nhân là nội dung cơ bản trong triết học của mình. Theo họ, hiện
sinh là sự cảm thụ chủ quan, sự thể nghiệm tâm lý của cá nhân con người. Nhiệm
vụ của triết học hiện sinh là mô tả sự tồn tại bản chất của con người trong hoạt
động của cá nhân. Họ cho rằng, nhận thức là hư ảo, người ta càng dựa vào khoa
học, càng lệ thuộc vào khoa học, từ đó bị tha hoá. Để đạt đến hiện sinh chân chính
phải dựa vào trực giác của con người, chỉ có trong cuộc sống khổ đau, cô đơn,
tuyệt vọng, sợ hãi con người mới có thể trực tiếp cảm nhận sự tồn tại của mình.
Những nguyên tắc đạo đức trong xã hội bị chủ nghĩa Hiện sinh phủ nhận và cho
rằng tự do là bản chất tuyệt đối của sự hiện sinh cá nhân của con người. Tồn tại xã
hội và hiện sinh cá nhân là hai vấn đề mâu thuẫn nhau, vì nếu hiện sinh cá nhân
thừa nhận tồn tại xã hội thì sự tồn tại của cá nhân sẽ bị mất cá tính do bị ràng buộc,
bị quy định bởi xã hội. Bởi vậy, để khẳng định hiện sinh cá nhân, mỗi con người
cần phải thoát khỏi sự ràng buộc, sự quy định của những người khác và của cả xã
hội. Mỹ thuật thế kỷ XX tự do phản ánh nội tâm cũng vì tư tưởng này.
Triết học đời sống của Henri Bergson (1859 -1941) cho rằng, con người có thể
khám phá ra ở ngay chính mình, thông qua trực giác. Đó là sự giao cảm mà con
người đặt vào bên trong của đối tượng. Trực giác không đến với ta một cách rõ
ràng, nó là làn chớp chiếu vào thực tại, nó chỉ đến trong những thời gian thích hợp
và xảy ra trong chốc lát: khắc đến khắc đi. Trực giác đi theo cùng chiều với đời
sống, cho ta thấy một thực tại đầy mâu thuẫn. Động lực để con người vượt lên
chính là tự do. Trực giác thẩm mỹ nghệ thuật hướng tới tự do sáng tạo của cá nhân,
khơi dậy năng lực phản kháng, bạo loạn, trong đời sống cụ thể.
Thuyết hiện tượng luận được quảng bá rộng rãi ở Đức đầu thế kỷ XX đã ảnh
hưởng đến việc hình thành chủ nghĩa Biểu hiện. Phương pháp của thuyết hiện
tượng luận đưa lên hàng đầu trực giác trí tuệ như là một phương pháp nhận thức
thích hợp hơn cả, nhất là trong sáng tác mỹ thuật. Các hoạ sĩ phái Biểu hiện chủ
nghĩa đã nhìn thấy sứ mệnh của mình là thể hiện lên tấm vải vẽ không phải thế giới
bên ngoài mà là thái độ của mình với thế giới đó.
Những tiến bộ của khoa học công nghệ thế kỷ XX đã làm cho xã hội phát triển với

nhịp độ chưa từng thấy, người ta thay chú ngựa bằng chiếc ô tô, thay ngọn nến
bằng đèn điện Con người nhìn về tương lai với niềm hy vọng một đời sống văn
minh. Thế nhưng những hy vọng đó đã tiêu tan. Đại chiến thế giới lần thứ nhất
(1914-1918), lần thứ hai (1939-1945) đã làm cho châu Âu rung chuyển. Hậu quả
của nó làm cho mặt đất của hành tinh chúng ta nhuốm đầy máu và phần lớn những
giá trị của chúng ta bị huỷ hoại. Những cuộc chiến tranh của thế kỷ XX là kết quả
của những thành tựu khoa học - kỹ thuật, khám phá của khoa học mà con người
chưa từng biết, buộc các nhà khoa học phải từ bỏ khuôn mẫu tư duy phổ biến thế
kỷ XIX. Xa rời cái cụ thể và hướng tới cái trừu tượng đã trở thành một khuynh
hướng phổ biến không chỉ trong khoa học tự nhiên mà cả trong khoa học nhân văn.
Và cuối cùng khuynh hướng đó đã được thể hiện trong sáng tác mỹ thuật. Chủ
nghĩa Hình thức trong sáng tác mỹ thuật thế kỷ XX về tổng thể có quan hệ chặt chẽ
và sâu sắc với triết học và tâm lý học thế kỷ XX. Muốn hiểu được nhiều tác phẩm
mỹ thuật Hình thức chủ nghĩa cần phải tìm ra chiếc chìa khoá để mở ra những ẩn ý
siêu hình hoặc tâm lý sâu sắc của nó. Không thể hình dung được tác phẩm mỹ
thuật có hình thức chủ nghĩa mà không có sự phân tích tâm lý vô thức của
Sigmund Freud (1856-1939), triết học trực giác của Henri Bergson.
Sáng tạo mỹ thuật cũng là một phương pháp nhận thức thế giới đóng vai trò đáng
kể trong việc hình thành nền móng tư tưởng. Các tác phẩm mỹ thuật hình thức chủ
nghĩa là thái độ đối với thời đại, mang trong mình tâm lý cá nhân và thế giới quan.
Chỉ có người nghệ sĩ mới thể hiện được trong tác phẩm của mình bản chất của tư
tưởng và chỉ có tác phẩm mỹ thuật mới có khả năng trả lời câu hỏi cuộc sống là gì!
Triết học của Henri Bergson, một trong những nhà triết học và lý luận nghệ thuật
duy tâm thần bí Pháp nổi tiếng nhất của 30 năm đầu thế kỷ XX đã đem bản năng
và trực giác để nhận thức cuộc sống. Hình thức cao nhất của trực giác, theo ông,
trực cảm thẩm mỹ của người nghệ sĩ và chỉ có sáng tạo nghệ thuật mới có thể thấu
hiểu bản chất thực của đời sống
Do tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới, trong mỹ thuật đầu thế kỷ XX đã
lần lượt nảy sinh một số chủ nghiã, trường phái, chối bỏ nguyên tắc phản ánh cuộc
sống hiện thực. Chủ nghĩa Dã thú đã chọn màu sắc hoang dã sáng rực rỡ, âm vang,

bất ngờ. Chính Henri Matisse (1869-1954) đã nói: nghệ thuật của ông mang đến
cho con người niềm hoan lạc trong những màu sắc rực rỡ. Những người theo chủ
nghĩa Lập thể 1907 đã tuyên bố họ là người sáng tạo ra một hiện thực mới, hiện
thực được biết chứ không phải hiện tượng được thấy. Họ cự tuyệt cách vẽ phối
cảnh truyền thống và trong sáng tạo của mình, họ cố thể hiện ấn tượng cuộc sống
bằng bố cục hình học, những người theo chủ nghĩa Lập thể đã làm thay đổi chính
đối tượng thể hiện. Chủ nghĩa Lập thể đã chứng minh khả năng hội hoạ phi vật thể.
Cách phản ánh của chủ nghĩa Siêu thực (surréalisme) là tương đồng nhất với con
người hiện đại đang bị niềm khát khao sống mù quáng và dữ dội ám ảnh, sự khủng
khiếp và ghê rợn hành hạ, không còn biết đến lòng nhân từ và hy vọng. Nghệ thuật
Siêu thực dựa trên cơ sở cự tuyệt trí tuệ và logíc truyền thống, niềm tin vào hiện
thực cao siêu, tin vào sức mạnh phi thường của mộng tưởng và chiêm bao, tin vào
trò chơi tự do của ý tưởng. Trong các bức tranh của chủ nghĩa Siêu thực, một thế
giới được cách điệu một cách méo mó của những giấc mơ khủng khiếp, những
bóng ma cuồng dại và những ảo giác hiện ra trước mắt. Các nhà Siêu thực coi sáng
tạo nghệ thuật như là một nơi ẩn nấp của con người đang thấy kinh tởm đời sống
hiện thực. Các bức tranh của các tác giả Siêu thực là hiện thân của sự phi lý và bi
kịch của thế giới chúng ta. Họ quả quyết thế giới siêu thực là mảnh đất chủ yếu của
nghệ sĩ, là nơi cần tìm kiếm, khám phá muôn vàn điều thiêng liêng, bí ẩn. Phong
cách tự phát trong nét bút của André Masson (1896-1987 ) và Joan Miró (1893-
1983) cũng như kỹ thuật mài tranh của Max Ernst (1891-1976) đã hấp dẫn
những hoạ sĩ Siêu thực. Về mặt triết học, chủ nghĩa Siêu thực dựa vào lòng tin một
thực tế thượng đẳng dưới nhiều biểu hiện mà người ta thường coi nhẹ, vào sức
mạnh tuyệt đối của các giấc mơ, vào sự vận động tự do của tư duy.
Các chủ nghĩa Dã thú (1905), Biểu hiện (1905), Lập thể (1907) có những nguyên
tắc nghệ thuật mới đã dẫn tới việc hoàn toàn khước từ nghệ thuật vật thể tạo cơ sở
cho loại hình nghệ thuật Phi vật thể ra đời. Năm 1910, tại Muyních, hoạ sĩ gốc Nga
V.V.Kanđinxki đã vẽ bức tranh trừu tượng đầu tiên, trong đó không có vật thể,
không có một sự ám chỉ vật chất và hiện tượng. Bức tranh tác động đến người xem
bằng sự kết hợp của ngôn ngữ đường nét, màu sắc truyền đạt những cảm xúc tâm

hồn và những cảm nhận của hoạ sĩ như có sự rung động nào đó. Kanđinxki là nhà
lý luận đầu tiên của chủ nghĩa Trừu tượng đã chứng minh được hình thức là
phương tiện thể hiện “âm hưởng bên trong”, nó được sinh ra từ “sự tất yếu nội tại”
và như vậy mỹ thuật có đóng góp đa dạng của hình thức thể hiện các hình thái khác
nhau của thế giới tinh thần, những khát vọng nội tâm khác nhau của mỗi hoạ sĩ. Sự
thăng hoa của chủ nghĩa Trừu tượng gắn liền với nhiều hoạ sĩ tên tuổi và cho đến
ngày nay vẫn chưa chấm dứt. Điều này có lẽ nó thể hiện được tư tưởng tự do - tư
tưởng của triết học thời đại, tự do ngôn luận, tự do tìm tòi sáng tạo, tự do tạo dựng
phong cách riêng, tự do thích mất cân đối hơn là hài hoà, tự do giữ nguyên tắc hoặc
cự tuyệt nguyên tắc. Bản thân mỗi người sáng tác mỹ thuật tự khám phá bí quyết tự
do cho mình. Nghệ thuật thiếu tự do không thể tồn tại được. Chỉ có tự do mới cho
phép cá nhân khai mở khả năng sáng tạo của mình
Phải thừa nhận mỹ thuật thế kỷ XX là phức tạp và có vấn đề vì nó xuất hiện trong
thời đại có nhiều vấn đề cần giải quyết từ những cuộc sống cá nhân khác nhau.
Nghệ thuật từ thế kỷ XIX trở về trước đã gắn bó chặt chẽ với triết học tôn giáo, với
mỹ học cổ điển và làm cho con người chìm sâu vào thế giới thần linh, thần thánh,
cuộc sống thiên đường, vào sự chuẩn mực của cái đẹp. Mỹ thuật hình thức chủ
nghĩa thời đại chiến thế giới thể hiện về một thân phận con người bị thế giới bỏ rơi,
thể hiện được cuộc sống của loài người trong xã hội tư bản. Cái mà một người bình
thường cảm nhận một cách hời hợt và mơ hồ thì nhiều hoạ sĩ lại nhận thức và rung
động mạnh mẽ và bệnh hoạn. Tâm trạng bi quan kiểu hư vô chủ nghĩa trở thành
một hiện tượng phổ biến ở các nước tư bản Tây phương. Trong cái bề bộn của các
trường phái mỹ thuật, một đồ vật hết đát sử dụng có thể trở thành đối tượng của
nghệ thuật, do đó thường nảy sinh câu hỏi về ý nghĩa của các tác phẩm nghệ thuật.
Các nhà sáng tác mỹ thuật có xu hướng từ bỏ con đường mòn và bước vào những
cái chưa bao giờ nếm trải. Mãi mãi sẽ là như vậy, bản tính của loài người cũng như
vậy, đó là quy luật nội tại của tiến trình sáng tạo.
Chúng ta cần băn khoăn xem trên đường đi tới tương lai, trước mắt là trong kỷ
nguyên thứ XXI này sẽ mang lại cho con người nhu cầu thẩm mỹ gì? Những vấn
đề chúng ta trăn trở là loài người sẽ đi đến đâu, những yếu tố nào xác định khuynh

hướng và tính chất phát triển của nền văn minh hiện đại. Ngày nay, một thực tế
đang phải đối mặt là tiến trình tiếp tục của nền văn minh nhân loại liên quan trực
tiếp tới việc toàn cầu cần giải quyết. Đó là loại bỏ mối đe doạ của chiến tranh nhiệt
hạch, thanh toán nạn nghèo đói, vấn đề năng lượng, dân số, sinh thái Nhiệm vụ to
lớn, phức tạp đứng trước mỗi dân tộc. Chúng ta cũng hiểu rằng, trong thế giới ngày
nay, mỗi dân tộc, mỗi con người không thể sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Con người cần nhận thức được các giá trị của nhân loại. Thế kỷ XX đã chỉ ra rằng,
những thành tựu khoa học- kỹ thuật của nền văn minh nhân loại không chỉ phục vụ
lợi ích con người mà còn có thể làm hại con người và bị sử dụng để tiêu diệt lẫn
nhau. Cuộc sống của con người thế kỷ XXI sẽ không thể thiếu sự phát triển thường
xuyên và liên tục của khoa học - kỹ thuật. Mà muốn, con người cũng không thể
dừng lại sự phát triển này. Cần phải tận dụng những thành quả khoa học - kỹ thuật
vào mục đích hoà bình, nhân đạo. Theo đà của thời gian, mỹ thuật của tương lai
phải nối tiếp thế kỷ XX. Thế kỷ XXI là thế kỷ của thế giới hội nhập, thế kỷ của
thông tin, của văn minh, của dân chủ sẽ dẫn tới một nền mỹ thuật mà mỗi tác phẩm
có tính chuyên nghiệp cao, được phân hoá rõ ràng, chứa đựng rất nhiều thông điệp
mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. ít nhất chúng ta cũng phải xác định được các yếu
tố làm nên giá trị tác phẩm mỹ thuật có liên quan đến con người, xã hội, chính trị,
cơ chế quản lý, đời sống văn hoá, các quan niệm triết mỹ, tâm lý học của thế kỷ
XXI.
Một điều chúng ta cũng ý thức được là không chỉ người sáng tác hiểu được tác
phẩm mỹ thuật mà nhân dân cũng hiểu được tác phẩm mỹ do đời sống dân trí cao
hơn và như vậy sẽ không có tình trạng người dân mù tịt đứng trước tác phẩm mỹ
thuật. Trong đời sống tinh thần của mình mỗi người dân sẽ tự chọn món ăn tinh
thần cho mình, tự chọn cho mình tác phẩm làm đẹp không gian sống của riêng
mình.
Triển lãm quốc tế 6 trường đại học mỹ thuật tại Việt Nam vào những tháng cuối
năm 2007: Trường Đại học Mỹ thuật Tạo hình và ứng dụng - Đại học
Mahasarakham, Đại học Burapha, Trường Đại học Mỹ thuật - Đại học Chiang Mai
(Thái Lan), Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường Đại học Nghệ thuật Huế,

Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta cũng dễ nhận ra
chiếm gần hết triển lãm, những tác phẩm có phong cách hình thức chủ nghĩa mà đã
được khẳng định ở thế kỷ XX. Các tác giả đã tỏ ra rất thông thạo trong việc sử
dụng các kỹ thuật thể hiện nội tâm tự do của mình. Hiếm hoi tác giả đã đặt ra vấn
đề của thế kỷ XXI. Tác phẩm Phía sau (125 x 125 cm) của Lê Anh Vân như hứa
hẹn cả một chặng đường sáng tạo và trước hết cần phải có cơ bản vững vàng. Tìm
lối (155 x 155 cm) sơn dầu của Trần Quốc Tuấn tuy chưa phải là đề tài hay nhưng
khiến ta suy nghĩ về một đất nước đang cải cách của chúng ta và nếu không tỉnh
táo, thận trọng cũng rất dễ lạc lối. Các tác phẩm của Thái Lan cũng sẽ làm chúng ta
chú ý đến các kỹ thuật sáng tác đồ hoạ. Khoa học thế kỷ XXI cũng sẽ dễ dàng trợ
giúp chúng ta trong việc tìm tòi những kỹ thuật biểu hiện mới làm tăng hiệu quả
thẩm mỹ của ý đồ tác phẩm
Như đã phân tích, nếu chúng ta thừa nhận thế kỷ XXI có cái gì khác thế kỷ XX thì
nó phải được thể hiện trên những tác phẩm mỹ thuật được sinh ra vào thế kỷ XXI.
Đã đến lúc thế kỷ XXI đòi hỏi một hình thức biểu hiện mới và điều này nó phải
được manh nha từ các cơ sở đào tạo đại học mỹ thuật, nơi tập trung các thầy dạy,
các nhà nghiên cứu mỹ thuật, các điều kiện nghiên cứu mỹ thuật tốt nhất. Người
sáng tác mỹ thuật không nên đánh đố những người thưởng thức mỹ thuật. Đã đến
lúc cái đẹp cũng cần minh bạch như cuộc thi hoa hậu, rất đẹp đấy nhưng phải trả
lời tốt các câu hỏi một cách thông minh có trí tuệ. Các tác phẩm thế kỷ XXI cũng
cần phải rất đẹp về hình thức biểu hiện và đằng sau đó phải tiềm ẩn một ý tưởng
thông minh, hóm hỉnh, sâu sắc, đạo đức nhân văn đầy trí tuệ làm hấp dẫn con
người của thế kỷ XXI. Không làm được điều đó con người của thế kỷ XXI, con
người của xã hội thông tin, con người của khoa học công nghệ sẽ quay lưng lại với
các tác phẩm mỹ thuật đương đại. Nếu trong các cơ sở đào tạo đại học mỹ thuật
không làm được điều đó, chúng ta nên định hướng lại đào tạo mỹ thuật, dạy chép
những tác phẩm có giá trị thoả mãn nhu cầu tinh thần của nhân dân ngày càng
nhiều và tạm thời chưa thoả mãn nhu cầu ngày càng cao.


×