Cây Thung dung Cistanche Dererticola Y.C.Ma
Vị Nhục thung dung là toàn thân cây nạc phơi khô có mang lá vẩy Caulis
Cistanchis. Trên thị trường người ta khai thác :
Cây Thung dung Cistanche Dererticola Y.C.Ma thuộc họ Nhục thung dung
Orobanchaceae.
Cây Mễ nhục thung dung có tên khoa học Cistanches ambigua G. Beck (Bge) cùng
họ Nhục thung dung.
Cây Nhục thung có tên khoa học Cistanches salsa (C.A.Mey) G.Beck còn có tên
Phelipaea salsa C.A.Mey hay Orbanche Kuntz. Đều thuộc họ Nhục thung dung
Orobanchaceae.
Theo tác giả Diệp Quyết Tuyền trong Hiện đại thực dụng Trung dược, Thượng Hải
1957 thì Nhục thung dung lại mang tên khoa học là Boschnikia glabra C.A.Mey và
do vị thuốc này nung núc những thịt, tính chất bổ lại hoá hoãn từ từ nên mới có tên
này.
Mô tả: Hình trụ bị ép hơi cong, dài từ 3-15cm, đường kính từ 2-4cm. Bên ngoài
mầu nâu hay hơi xám nâu, phủ dày đặc với những vảy nạc lợp. Thường các chóp
của các vảy đã bị gãy. Cấu trúc nặng, rắn và hơi uốn cong được, không bẻ gãy
được. Bề mặt nứt nẻ màu nâu, sắp xếp thành vòng lượn sóng. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt
và hơi đắng.
Nhận dạng: Thêm vào 1g bột 8ml ethanol chứa đựng 0,5% axit clohydric. Cho
chạy ngược trong 10 phút ; lọc trong khi hãy còn nóng. Làm trung tính dịch lọc với
amoniac TS và để bốc hơi cho tới khô. Hoà tan cặn trong 3ml axit clohydric 1% và
lọc vào 1ml của dịch lọc, thêm 1-2 giọt iodua bismuth Kali TS; một tủa đỏ da cam
hay nâu hơi đỏ được sinh ra.
Phân bố: Vị thuốc Nhục thung dung ít dùng, nhưng lại hay được sử dụng chữa
những trường hợp yếu sinh lý, sinh dục. Sách Thần nông bản thảo xếp vị Nhục
thung dung vào loại “Thượng phẩm”. Vị thuốc Nhục thung dung hiện nay ta phải
nhập hoàn toàn.
Thu hái: Tại những nơi có cây người ta thường thu hoạch vào hai mùa xuân và
thu, những tháng từ 3-5 thu hoạch là tốt nhất. Quá thời gian đó thì chất lượng kém.
Nếu thu hái vào mùa xuân thì dược liệu được đào khi các mầm chưa chui ra khỏi
mặt đất hoặc vừa mới ló ra, loại bỏ các cụm hoa và đất cát, cắt thành lát về phơi
khô ngoài nắng hay trong mát là được. Còn nếu thu hoạch vào mùa thu nước nhiều
rất khó làm khô. Người ta cho vào hũ với muối, và muối từ 1-3 năm. Khi nào dùng
làm thuốc thì rửa sạch muối mới dùng.
Cách chế: Herba Cistanches: Loại tạp chất, rửa kỹ, làm mềm cẩn thận, cắt thành
lát dày và phơi khô.
Herba Cistanches (đã chế với rượu): Hầm hay hấp các khoanh của Herba
Cistanches như đã mô tả trong phương pháp hầm với rượu hay hấp với rượu cho
tới khi rượu đã được hấp thụ hoàn toàn. Có khi người ta đun cách thuỷ với rượu, để
khi rượu cạn mới dùng. Cứ 1kg Nhục thung dung dùng 0,3 lít rượu.
Cho tới nay chưa có tài liệu nghiên cứu về hoá cũng như về dược lý.
Công dụng: Hiện nay vẫn chỉ thấy sử dụng trong y học cổ truyền.
Tính vị: vị ngọt chua, tính hơi ôn, không có độc. Có tài liệu nói : cay, ôn, đại
nhiệt. Có tác dụng tư âm, bổ thận, ích tinh, huyết, tráng dương, (mạnh dương), hoạt
trường (trơn ruột).
Dùng trong những trường hợp bị liệt dương, lưng gối lạnh đau (nam), vô sinh, bạch
đới, khí hư (nữ). Huyết khô, táo bón, yếu toàn bộ. Làm mạnh thận, nhuận tràng,
chữa đau thắt lưng và đầu gối.
Liều dùng: Ngày dùng 6(9) - 8(12)g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn. Những
người thận dương vượng, đại tiện lỏng, dương vật dễ cương lại di mộng tinh thì
không dùng được.
Bảo quản: Giữ ở nơi thoáng, khô, chống mọt.
Đơn thuốc: (có Nhục thung dung dùng trong nhân dân) Nhục thung dung 10g, Sơn
thù du 5g, Thạch xương bồ 4g, Phục linh 6g, Thỏ ty tử 8g, Nước 600ml sắc còn
200ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Hâm nóng thuốc khi uống. Chữa suy nhược
thần kinh. (Kinh nghiệm của Diệp Quyết Tuyền).