Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ “Sóng”
của Xuân Quỳnh
Nếu người yêu thơ Việt Nam mãi đắm say một Xuân Diệu – ông hoàng của thơ tình thì cũng không bao
giờ quên được một Xuân Quỳnh – nữ hoàng của tình yêu. Chị viết nhiều, hay và đầy quyến rũ về tình
yêu, trong đó “Sóng” là một bài thơ đặc sắc. Xuân Quỳnh đã tạo ra hình tượng sóng giàu giá trị cảm xúc,
tinh tế và phong phú mọi cung bậc của trái tim người phụ nữ khát khao yêu đương. Khát khao ấy mạnh
mẽ đến mức ào ạt chảy vào ngôn ngữ, tràn sang phía người đọc làm cho câu chữ cũng rung lên bần bật,
người đọc đắm chìm trong cảm giác khát khao yêu đương
Tình yêu là đề tài muôn thửa của thơ ca nhân loại, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách bày tỏ tình
yêu. Với Xuân Quỳnh thì “Sóng” là một bản nhạc để hát lên đầy rung động mãnh liệt và thấm thía của
tâm hồn người con gái trong tình yêu. Vì thế sóng trở thành hình tượng trung tâm bao trùm toàn bộ bài
thơ. Sóng bộc lộ bản thể ngay từ đầu “Dữ dội và dịu êm”. Sóng còn vỗ dọc bài thơ và cuối cùng bài thơ
khép lại trong cái âm vang sóng vỗ…“Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”.
Sóng là hình tượng trung tâm, là linh hồn của bài thơ. Xuân Quỳnh dựa vào sóng để tạo tứ cho các lớp
cảm xúc gối đầu lên nhau như con sóng. Sóng còn gắn liền với em, tạo ra một hình tượng kép song hành
quấn quýt làm cơ sở cho chị diễn đạt tình yêu của mình trong trạng thái bí ẩn mà mãnh liệt. Thứ tình cảm
muôn thửa không bao giờ xưa cũ của nhân loại. “Sóng” là ẩn dụ người con gái đang yêu, là sự phân thân,
sự hoá thân của cái tôi trữ tình “Sóng” và “Em” vừa đối xứng vừa hoà nhập khiến bài thơ vừa lạ vừa quen
tạo bao đam mê, lôi cuốn.
Sóng được vẽ nên bằng âm nhạc của ngôn từ thơ ca. Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, những câu thơ
năm chữ đều đặn nhịp nhàng, những âm điệu vô hạn vô hồi triền miên không dứt. Sóng còn ùa vào cấu
trúc ngôn từ tạo nên âm điệu dập dìu mơn man chảy suốt bài thơ. Những cụm từ ngược nghĩa được viết
theo chiều ngang “Dữ dội – dịu êm”, “Ồn ào – lặng lẽ”. Cấu trúc ngang khiến các cặp từ nối đuôi nhau
như những con sóng kéo dài tới tận chân trời. Hệ thống tương phản này giống như chiều sâu tầng tầng lớp
lớp của con sóng. “Con sóng đưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước”.
Tương phản dọc “Dưới – trên” khiến con sóng vừa cồn lên, vừa xoáy sâu như lòng đại dương thăm thẳm
không cùng. Sóng là âm nhạc của bài thơ, là âm nhạc của hồn yêu đang xao động, đang rung lên rạo rực
xốn xang để hoà nhịp cùng sóng biển. Sóng là lựa chọn đắc địa của Xuân Quỳnh để thể hiện tâm hồn
đang bừng cháy ngọn lửa mảnh liệt của tình yêu không yên tĩnh mà đầy biến động khát khao.
Sóng còn vỗ thành lớp lớp trạng thái cảm xúc của người con gái đang yêu. Tình yêu luôn khát khao chia
sẻ, giải bày, sóng là hình ảnh ẩn dụ tương xứng cho Xuân Quỳnh giải bày chân thực và phong phú. Một
giải bày phức tạp nhưng đầy nữ tính. Khổ thơ đầu là một phát hiện tính cách của sóng. “Dữ dội và dịu
êm/ Ồn ào và lặng lẽ”.
Con sóng muôn thửơ bỗng thắt lại những đối cực đam mê mãnh liệt đến mức vừa “dữ dội – ồn ào” vừa
dịu dàng sâu lắng trong cái dịu êm lặng lẽ. Bản tính sóng thất thường như người con gái đang yêu. Đây là
những câu thơ tự thú, tự bạch đầy táo bạo nhưng êm đềm. Táo bạo vì nó quá mãnh liệt và ồn ào nhưng
tình yêu vẫn sâu lắng và dịu dàng. Đó là sự dịu dàng rất con gái làm mát cả bài thơ. Sóng là phương tiện
giải bày trăn trở trước nhận thức về cái đối cực đầy phức tạp của mình. Sóng tự vượt qua bao cuộc hành
trình nhận thức đầy trăn trở.
Hành trình một là hành trình nhận thức không gian: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”.
“Sông” là biểu tượng của giới hạn chật hẹp. “Bể” là biểu tượng của sự mênh mông vô hạn. Từ “sông” đến
với “bể” là hành trình đến với sự mênh mông vô hạn, vô tận vô cùng và tình yêu vốn là cái ấm áp, khát
vọng lớn lao và chỉ biển với tương xứng với tình yêu.
Hành trình hai: “Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế”. Nối ngày xưa với ngày sau, con sóng muốn
vượt tới cái muôn thửơ, cái vĩnh hằng của tình yêu. Trong tâm hồn nhân loại tình yêu là mái nhà chung
cho mọi thế hệ về trú ngụ. Nhưng sâu sắc nhất là hành trình ba.
Hành trình ba là hành trình về với bản chất, với cội nguồn của tình yêu. Tình yêu vốn là cái lớn lao nên
Xuân Quỳnh mở ra một độc thoại về tình yêu trước đại dương kỳ vĩ bao la. “Trước muôn trùng sóng bể/
Em nghĩ về anh, em/ Em nghĩ về biển lớn/ Từ nơi nào sóng lên”?
Từ “em nghĩ” được láy lại nhiều lần thể hiện sự thao thức không yên của lời yêu sâu sắc. Không phải yêu
si mê mà vời vợi dễ mến. Trước những câu hỏi băn khoăn, Xuân Quỳnh muốn truy tìm nguyên nhân, truy
tìm cội nguồn bản chất của tình yêu. Song cái hay của nó lại là ở chỗ càng cố truy tìm lại càng tìm không
được. Thiên nhiên còn cắt nghĩa được nhưng “làm sao cắt nghĩa được tình yêu”?
Tư tưởng phương Đông cho rằng nhận thức bản nhã (cái tôi) là khó nhất. Tình yêu lại là cái tôi sâu kín
của bản ngã nên càng không dễ khám phá. Không thể dùng lý trí tỉnh táo mà xác định chính xác thời điểm
bắt đầu và kết thúc của tình yêu nên ta đành lắng nghe sự bất lực của những câu trả lời. “Em cũng không
biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”.
Chính những câu trả lời bất lực và dễ thương ấy đã góp phần kỳ ảo hoá tình yêu. Các câu thơ mang một
giọng điệu rất thích khi đọc ngược lại nó mang tính giải đáp tức là thơ chỉ lăn về phía lý trí tỉnh táo. Viết
như Xuân Quỳnh hiệu quả khác hẳn, câu thơ “Em cũng không biết nữa” trở thành nỗi choáng váng pha
chút ngọt ngào thú vị vì cái lắc đầu đầy đáng yêu của cô gái khi được thưởng cái nồng nàn, ngây ngất của
tình yêu. Cũng chính vì thế mà cô gái trong ca dao từng thổn thức. “Thấy anh như thấy mặt trời/ Ngó sao
khó ngó trao lời khó trao”.
Phải giải bày nỗi khắc khoải sâu kín trong lòng là nỗi nhớ tha thiết nhất của tình yêu. Ca dao cổ cũng từng
khắc khoải. “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than”.
Xuân Quỳnh cũng bắt cả vũ trụ tham gia vào hành trình mãnh liệt của mình. Trước hết Xuân Quỳnh
mượn sóng để phủ nhớ lên em: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/
Cả trong mơ còn thức”. Hình ảnh so sánh thật đắt, tương quan “sóng” và “em”, “bờ” và “anh” song hành
qua nỗi nhớ cháy bỏng. Tình yêu có xu hướng xô đẩy cái bình thường để tạo ra cái phi thường. Xuân
Quỳnh đã tạo ra một ý thơ bất bình thường như thế “Cả trong mơ còn thức”. Ngẫm cho kỹ thì tình yêu là
thế. Thời gian sinh hoạt có giới hạn giữa thức và ngủ nhưng tình yêu thống trị cả ý thức và tiềm thức, cả
giấc mơ, cõi mộng… Câu thơ Xuân Quỳnh là sự phát hiện nội tâm tinh tế. Trong bài “Thuyền và biển”
chị đã diễn tả nỗi nhớ thiết tha, nỗi nhớ được dựng lên bởi một thời gian bất thường. “Những ngày không
gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/
Em chỉ còn bão tố”.
Xuân Quỳnh đã làm một cuộc đảo lộn lịch sử. Ca dao thường mượn bến và thuyền để biểu hiệ tình yêu.
“Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.“Bến” là biểu tượng tĩnh chỉ
người con gái, “thuyền” là biểu tượng động chỉ người con trai. Xuân Quỳnh làm ngược lại “bờ” tĩnh là
anh, “sóng” động là em. Người con gái trong thơ Xuân Quỳnh đã đạp vỡ ngục tù của tình yêu, giành
quyền chủ động. Đó là một đảo lộn lịch sử mang bản chất mới cho “Sóng” của Xuân Quỳnh. “Sóng” đảo
lộn chứ không phá phách, đảo lộn để vươn đến tình yêu thuỷ chung và vĩnh cửu hơn. “Dẫu xuôi về
phương Nắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”.
Cặp từ “Xuôi – Ngược” tạo ra một không gian biến động đầy bất chắc, thấp thỏm linh cảm táo bạo. Khi
viết bài thơ này Xuân Quỳnh đang ở tuổi 25, lứa tuổi của người con gái đã đi vào chiều sâu. Bản thân chị
đã từng trải qua nhiều mất mát trong tình yêu. Sự trải nghiệm này khiến thơ chị trở nên linh cảm, tiên
nghiệm. Nhưng cái đáng chú ý là giữa chiều ngang của tương quan đầy biến động, chị vẫn dựng được
một chiều dọc đầy thuỷ chung “Hướng về anh một phương”. Câu thơ mộc mạc và chắc, thách thức bão tố.
Thuỷ chung là đạo lý tình yêu của dân tộc. Tình yêu của Xuân Quỳnh mới mẻ, hiện đại nhưng không xa
rời cái gốc rể của truyền thống dân tộc. “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn
tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”.
Cụm từ “tan ra” không phải mất đi mà trường tồn đến ngàn năm vì Xuân Quỳnh biết chọn biển lớn tình
yêu mà vỗ sóng. Biển lớn là hình ảnh cường tráng của điểm tựa tình yêu, tình người khiến bài thơ ấm và
chắc. Sức hút của bài thơ là sức hút của người con gái biết yêu chủ động, mãnh liệt, biết dành hết mình
cho tình yêu. Đã lâu lắm rồi, từ thửa Xuân Hương thơ ca Việt Nam với lại có một tiếng nói táo bạo, trân
thành bộc lộ khát vọng yêu mãnh liệt như thế của người phụ nữ. Cho nên chỉ có “Sóng” mới giúp Xuân
Quỳnh phô diễn được tình yêu dào dạt, mênh mông, trường cữu của mình. Con sóng của Xuân Quỳnh
vừa dịu dàng neo đậu vào bờ bến thuỷ chung vừa mới mẻ, hiện đại và táo bạo vô cùng. Đó là cái gốc của
truyền thống dân tộc bền chắc khiến con sóng của Xuân Quỳnh gần gũi với sóng của ca dao. “Chừng nào
con sóng bỏ ghềnh/ Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”.
Tình yêu là những điều rất trần thế khiến con người phải là con người. Đồng thời tình yêu cũng là những
gì rất cao khiết khiến cho con người trở nên thanh khiết, thánh thiện và cao thượng như một vị thánh.
Người con gái trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh vừa rất con người, rất đời thường lại vừa rất phi
thường như một vị thánh trong tình yêu.