Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Cảm nghĩ về bài thơ “Độc tiểu thanh ký” – bài mẫu 1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.26 KB, 7 trang )

Cảm nghĩ về bài thơ “Độc tiểu thanh ký” – bài
mẫu 1
1. Sinh thời, Nguyễn Du là một người cực cô độc, cô đơn. Không phải vô cớ trong Truyện Kiều Nguyễn
Du từng thốt lên qua lời nhân vật mà ông đặc biệt yêu thương quý trọng và kính trọng là Thúy Kiều
rằng: Vui là vui gượng kẻo là – Ai tri âm đó mặn mà với ai? Rồi trong giai thoại trước khi mất, ông khẩu
chiếm bằng hai câu thơ kết của bài thơ mà tôi sẽ bàn dưới đây; lại một giai thoại khác: ông ốm nặng,
không chịu uống thuốc, khi đã giá đến đầu gối, người nhà hỏi ông có trăng trối gì không, ông chỉ nói:
“Được” rồi mất… Giai thoại chỉ là giai thoại, nhưng nó vẫn có hạt nhân hiện thực của nó. Mỗi thiên tài là
một đỉnh Êvơret. Vả lại, cái thời điểm tam bách dư niên hậu như nhà thơ ao ước chưa đến, mà tôi thì
không thể sống được đến lúc ấy. Thiết nghĩ trong cõi đời, việc hiểu người như hiểu mình là cực khó, chỉ
có trong muôn một, hiểu được thiên tài còn khó gấp bội. Phải chăng câu chuyện tri âm dường như chỉ tồn
tại trong điển cố? Nó là một khao khát cháy bỏng của con người hơn là một hiện thực? Còn nhớ khi
thuyết tương đối rộng được công bố, một học giả gặp Anhxtanh nói rằng:
- Thưa ngài, ngài thật là một người hạnh phúc, bởi có một người đã hiểu được thuyết tương đối của ngài.
Tác giả của thuyết tương đối lịch sự trả lời như sau:
- Thật cảm ơn ngài! Nhưng thưa ngài! Tôi còn đang băn khoăn không biết người đó là ai?
Đó chính là lí do mà tôi không dám nhận mình tri âm với bậc đại thi hào số một của dân tộc, danh nhân
văn hóa thế giới Nguyễn Du. Bài viết này chỉ mong được giãi bày những suy tư của cá nhân về một trong
những bài thơ vào loại hay nhất, viết về thể tài thương tiếc những người có tài năng, nhân cách, những
giai nhân tuyệt sắc trong thơ Nguyễn Du mà thôi.
2. Nguyên văn chữ Hán:
讀小青記
西湖花苑盡成墟
獨吊窗前一紙書
脂粉有神憐死後
文章無命累焚餘
古今恨事天難問
風韻奇冤我自居
不知三百餘年後
天下何人泣素如
3. Phiên âm Hán – Việt của Độc Tiểu Thanh kí:


Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Dịch nghĩa:
Cảnh đẹp ở Tây Hồ đã thành gò hoang cả rồi,
Đơn độc viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết,
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được,
Ta tự coi là kẻ cùng một hội với con người phong vận mắc nỗi oan lạ lùng.
Không biết hơn ba trăm năm sau,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?
4. Cho đến nay, vấn đề thời điểm ra đời chính xác của thi phẩm này vẫn còn là một tồn nghi trong giới
nghiên cứu. Người thì cho rằng bài thơ được Nguyễn Du viết khi chưa đi sứ nên đưa vào Thanh Hiên thi
tập; người thì cho rằng Nguyễn Du làm khi đi sứ Trung Quốc, vì vậy đưa vào tập thơ Bắc hành tạp lục;
người thì cho rằng nó được làm khi tác giả đã trở về nước, nên đưa vào tập thơ Nam trung tạp ngâm. Mỗi
bên đều có những lí lẽ riêng để bảo vệ quan niệm của mình. Đây là tình trạng khá phổ biến của các văn
bản ngữ văn thời trung đại ở ta. Vấn đề đặt ra với những người sáng tác và trước thuật hôm nay là trong
mỗi sáng tạo của mình nên ghi cụ thể thời điểm, địa điểm ra đời, để độc giả nói chung, giới nghiên cứu
nói riêng tiết kiệm được công sức khi tiếp nhận. Nhưng không phải vì vậy mà việc giải mã bài thơ rơi
vào tình trạng bất khả tri.
5. Về cách dịch nhan đề bài thơ: Bài thơ vốn có tên: Độc Tiểu Thanh kí (讀小青記), khi dịch ra tiếng
Việt, các bản dịch đều dịch là Đọc Tiểu Thanh kí. Như vậy, chỉ dịch độc (讀) thành đọc, còn những chữ
khác vẫn để nguyên. Cách dịch này khiến nhiều người lầm tưởng khi còn sống Tiểu Thanh có viết kí (ghi
chép, còn là một thể loại trong văn học cổ trung đại phương Đông). Nguyễn Du đã đọc kí này của Tiểu

Thanh và ai điếu người đàn bà sắc tài yểu mệnh có tên trong nhan đề bài thơ). Sự thật Tiểu Thanh chỉ làm
thơ mà không hề viết kí; kí (thực ra là truyện) do người đời sau ghi chép lại về hành trạng cuộc đời nàng,
mà có lẽ khi đi sứ Nguyễn Du đã đọc trước khi đi sứ hay đã đọc khi đi sứ hay đi sứ về nước rồi mới đọc?
… Chúng tôi đề nghị nên chăng dịch là: Đọc kí (ghi chép) về Tiểu Thanh? Tuy không giữ nguyên cấu
trúc ngữ pháp của nguyên tác, nhưng lại thể hiện chính xác sự thật về nàng Tiểu Thanh mà thư tịch cổ của
nước người ta ghi lại và chuyển đúng thần thái của điều Tố Như muốn nói. Cách dịch nhan đề hiện nay
của bài thơ rõ ràng chỉ dịch được phần xác chữ mà bỏ mất phần hồn của nó. Cũng tương tự như cách dịch
nhan đề Nam Xương nữ tử trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Đến nay tất cả mọi người đều công
nhận cách dịch Người con gái Nam Xương. Tất cả các nhà xuất bản trong nước từ trước tới giờ, khi in và
phát hành tác phẩm của Nguyễn Dữ đều nhất trí… trăm phần trăm (!). Nó đúng là sự chuyển ngữ chứ
chưa phải là chuyển mã văn hóa. Nữ tử là người con gái, trớ trêu, oái oăm thay, nhân vật Vũ Thị Thiết là
gái đã có chồng (Trương Sinh) và có con (bé Đản). Trong tiếng Việt, chỉ những người còn thanh tân, chưa
hề lấy chồng mới được gọi là con gái. Vì vậy đề nghị nên dịch là Người thiếu phụ Nam Xương cho đúng.
6. Hai câu mở đầu bài thơ đã cho thấy người viếng và người chết đều cô độc, cô đơn. Ý tứ đọng lại trong
hai chữ độc điếu (獨吊) mà các bản dịch nghĩa của các dịch giả đều dịch là một mình (Trước song một
mình viếng một tập giấy(1),Một mình ngồi trước cửa sổ viết một tờ thư viếng (2), Chỉ viếng nàng qua
một tập sách đọc trước cửa sổ (3)… (Chữ độcở tên bài thơ có nghĩa là đọc, còn chữ độc này lại có nghĩa
là một mình, cô đơn, cô độc, một chữ có tần số xuất hiện khá nhiều trong Đường thi). Nếu dịch độc là
một mình e không ổn, vì một mình chưa chắc đã cô đơn, cô độc. Thật là cách mở đề kiểu khai môn kiến
sơn. Bài thơ đã mở ra mênh mang tâm trạng.
7. Hai câu luận:
(4) Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Đây có lẽ là một trong những câu thơ ám ảnh nhất trong những câu thơ Nguyễn Du. Không ngẫu nhiên
chút nào khi các bản dịch Độc Tiểu Thanh kí của các dịch giả khác nhau, tuy có nét tiểu dị nhưng đều gặp
gỡ trên đại đồng.
Cụ Bùi Kỉ dịch như sau:
Sự oán hận xưa nay khó mà hỏi trời được
Oan lạ của người phong vận kia tự mình ta buộc lấy mình.
Cụ Đào Duy Anh dịch là:

Mối hận cổ kim khó mà hỏi trời
Oan lạ của người phong vận ta cũng tự thấy có mình ở trong ấy.
Ông Vũ Tam Tập cũng dịch:
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.
Từ cuộc đời đau khổ hồng nhan đa truân, sắc tài mệnh yểu của Tiểu Thanh (1594-1612) sống vào triều
đại Minh bên Trung Hoa, Nguyễn Du (1765-1820), với sức đồng cảm lạ thường của người có cặp mắt
trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới ngàn đời đã khái quát thành một trong những qui luật của muôn đời.
Hận, oan vốn là những chữ, những khái niệm thường dùng trong văn chương thời cổ trung đại ở phương
Đông. Cổ nhân dùng chúng để biểu hiện những cung bậc, những sắc thái khác nhau của nỗi buồn nhân
thế, thời thế và thân thế. Đó cũng là những chữ mà người xưa dùng để thể hiện sự tự ý thức về bản ngã.
Hận là nỗi đau đớn tột cùng không thể giải tỏa, không thể sẻ chia vì những giá trị, những năng lực, những
tài năng, phẩm giá… của con người bị lãng quên, bị phí hoài, bị xỉ nhục và lăng mạ. Oan là sự tự ý thức
của cổ nhân về các giá trị người bị chà đạp, bị kết tội một cách thậm vô cớ và vô lí. Trong thơ mình,
Nguyễn Du chủ yếu thể hiện nỗi đau đứt ruột, xé lòng trước những đau khổ bất hạnh về tâm và thân của
những giai nhân tài tử rơi vào cảnh đời ngang trái , bởi tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả
hê (Mộng Liên Đường chủ nhân), Ai tri âm đó mặn mà với ai- Nỗi mình thêm tức nỗi nhà -Thân sao
bướm chán ong chường bấy thân – Biết thân đến bước lạc loài… (Truyện Kiều).
Nỗi đau, nỗi oan của con người, niềm uất hận của những bậc kì tài tuyệt sắc trong thiên hạ xưa đã có, nay
cũng có và có lẽ không bao giờ hết được. Nỗi đau ấy, niềm uất hận ấy đến trời cũng không có lời giải đáp.
Câu thơ là sự tổng kết, sự nghiệm sinh của thi nhân về chính mình và của biết bao kiếp tài hoa, biết bao
kiếp người đau khổ trên cõi nhân gian bé tí này. Nguyễn Du từng điếu Khuất Nguyên (340-278 TCN)
bằng Phản chiêu hồn. Thi nhân Việt Nam không muốn tác giả Li tao trở về. Về làm gì hỡi hương hồn
Khuất Nguyên! Mặt đất giờ đây, đâu đâu cũng là sông Mịch La, người đời ai ai cũng là Thượng Quan, họ
ra vào cười cười nói nói như ông Cao, ông Quì không để lộ nanh vuốt, nhưng nhai xé thịt ngưòi ngọt xớt
như đường. Hà cớ gì mà Khuất Bình phải nhảy xuống sông Mịch La tự tử? Bởi cả đời đục riêng một
mình ông trong, bởi cả đời say riêng một mình ông tỉnh. Tố Như cũng từng khóc Thánh thi Đỗ Phủ (712-
770), người được ông tôn vinh là Thiên cổ văn chương thiên cổ sư với day dứt không nguôi: Phải chăng
vì thơ hay mà đời khổ? - Phải chăng vì đời khổ mà thơ hay? Trở về với đất nước mình, Nguyễn Trãi chỉ
vì Một niềm trung mấy hiếu – Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen – Đêm ngày cuồn cuộn nước triều

Đông, chỉ vì tiên ưu hậu lạc mà bị cái án oan thảm khốc tru di tam tộc, khiến người anh hùng phải di hận
kỉ thiên niên. Trong thơ chữ Hán của mình, Nguyễn Du còn thổn thức nỗi niềm đau khổ của Tỉ Can, Nhạc
Phi, Dương Quí Phi, của cô Cầm (Long thành cầm giả ca), của mấy mẹ con người đàn bà trong Sở
kiến hành… Hai lần trong Truyện Kiều và trong Văn tế thập loại chúng sinh Nguyễn Du đã cất lên Tiếng
kêu đứt ruột mới:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Rồi:
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Hỡi ôi! Thân ấy biết là mấy thân (Tố Hữu). Có điều mấy thân cũng chỉ có kiếp đàn bà. Còn trong Độc
Tiểu Thanh kí làcổ kim hận sự, là phong vận kì oan của mọi kiếp người. Cổ nhân có câu:
Mĩ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Tạm dịch:
Người đẹp xưa nay như danh tướng
Trời xanh chẳng để sống bạc đầu.
Mệnh đề tài mệnh tương đố không chỉ có ý nghĩa tiên nghiệm, tiền định, ở thời Nguyễn Du, mệnh đề này
có một nội dung xã hội khá cụ thể. Đây là thời đại xuất hiện hàng loạt tài năng lớn về nhiều phương diện.
Ông vua chuyên chế phong kiến phương Đông luôn cảnh giác trước tài năng, nhất là cái tài kinh bang tế
thế. Người có tài có thể làm lu mờ đấng tối cao, thậm chí có thể cướp ngôi. Chế độ xã hội ấy chỉ chấp
nhận người cúc cung tận tụy, thậm chí cuồng tín, ngu tín trước ông vua. Không phải ngẫu nhiên mà trong
các phim cổ trang nước Tàu, lúc nào kẻ bề tôi cũng luôn luôn lặp lại cái câu cửa miệng “Hoàng thượng
sáng suốt (!)”, kể cả khi hoàng thương rơi vào tình thế bi hài nhất, kể cả khi hoàng thượng ngu tối ban
cho kẻ tôi trung chén thuốc độc hay giải lụa (Cảm ơn hoàng thượng ban chết (!). Thật là cười ra nước
mắt. Cái tài nhiều khi bị đem ra mua vui cho thiên hạ, bị sỉ nhục, bị lăng mạ. Vì vậy, người xưa mới đề
cao tấm lòng biệt nhỡn liên tài Chắc chắn Nguyễn Du không thể không biết đến số phận bi thảm của
Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, Cống Chỉnh, Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường, Lê Văn Duyệt, cha
con Nguyễn Văn Thành… rồi gia cảnh nhà ông khi kiêu binh nổi loạn ở kinh thành Thăng Long, ông
cũng từng chứng kiến cảnh những người tài sắc bị kẻ có tiền và có quyền khinh bỉ, tài sắc bị biến thành

một món hàng, một thứ đồ chơi (Long Thành cầm giả ca); đặc biệt là những nghiệm sinh về thân phận
của chính mình trong mười năm cát bụi. Quả là: Có tài mà cậy chi tài – Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Thời ấy kẻ có tài năng thường thị tài, cậy tài, khoe tài mà quên mất câu nhắc nhở của cổ nhân:thông minh
thánh trí thì giữ mình bằng ngu độn, muốn giữ được đầy thì đổ bớt đi. Ta hiểu vì sao, tuy là chú vợ vua, ở
vào bậc á khanh, hoạn lộ khá hanh thông mà mỗi khi vào chầu, vua hỏi tới việc gì ông cũng chỉ vâng dạ
cho phải phép. Đã làm quan thì cái cười cái nói cái đi cái đứng đều phải tính toán mà. Câu tổng kết dân
gian: ngu si hưởng thái bình, ngẫm ra thấy quả có lí. Những kẻ chỉ luẩn quẩn trong vòng mũ áo, trong
cuộc tỉnh say dẫu có gặp cái cảnh thanh nhàn như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏ ban đêm cũng trơ trơ như
cỏ cây, như cá chim, lại thường được sống trọn tuổi trời. Kì lạ thay, bất công, ngang trái và oan trái thay!
Nhưng đó lại là một sự thực hiển nhiên.
Thế mới thấy tầm khái quát, thế mới thấy tình thương Nguyễn Du dành cho thân phận con người mênh
mông nhường nào. Con người đặc biệt là người tài, người đẹp chính là sự kết tinh những phẩm giá người
cao nhất, lại thường đau khổ. Mang cái tài cái đẹp chính là mang cái mầm mống của khổ đau, mang cái
bản án của định mệnh phũ phàng nghiệt ngã… Ngay từ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Du đã
chỉ ra sự bất công của Tạo hoá, sự đành hanh của máy trời. Thương người như thể thương thân, thương
thân như thương người, phải chăng đó là Nguyễn Du? Ông đã nhìn ra trong nỗi đau của đồng loại nỗi đau
của chính mình, và trong nỗi đau của chính mình, ông thấy được nỗi đau của đồng loại. Giọt nước mắt
khóc nàng Tiểu Thanh trở thành lời ai điếu cho mọi kiếp tài hoa bạc mệnh, trở thành giọt nước mắt khóc
chính mình. Vì sao sắc tài thường khổ? Vì sao thân phận con người lắm những nỗi đau? Câu hỏi ấy vẫn
treo lơ lửng giữa trời xanh. Bao giờ và ai là người giải đáp hữu hiệu?
Nguyễn Du đã rất đồng cảm với Nguyễn Gia Thiều (1741-1789) trong Cung oán ngâm khúc, khi ông này
viết:
Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
rồi:
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Với Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm (?) trong Chinh phụ ngâm:
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Câu hỏi ấy Thiên hà ngôn tai (!). Còn nhớ Hêghen, nhà triết học Đức thế kỉ XIX có nhận xét rằng: trong
văn học hiện tượng định mệnh là hiện tượng bi kịch của người tốt. Với Nguyễn Du, những bậc kì tài tuyệt
sắc luôn luôn phải chịu cái gọi là cổ kim hận sự, phong vận kì oan mà ông không tìm thấy lời giải đáp
hữu hiệu trong triết lí thiên mệnh của Nho giáo, duyên nghiệp quả báo của Phật giáo, tướng số của Đạo
giáo triết lí ở hiền gặp lành trong dân gian… Dường như, nhà thơ của chúng ta đã linh cảm được giải tần
mờ của cuộc đời đầy bí ẩn. Lịch sử có những sự trùng hợp lạ kì. Năm 1965, khi cả thế giới long trọng kỉ
niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du, cũng chính là năm nhà toán
học người Mĩ Lôtfi Zadeh công bố lí thuyết lôgic mờ trong một bài báo có tên Các tập mờ.Điều kì lạ hơn
nữa là mãi đến đầu thế kỉ XX Fran Kapka (1833 – 1924), một nhà văn gốc Do Thái nói tiếng Đức sống ở
Tiệp Khắc cũ dưới ách đô hộ Áo – Hung, được Phương Tây suy tôn là một trong ba ông tổ của văn học
hiện đại chủ nghĩa, mới phát hiện ra điều mà Nguyễn Du đã nói trước đó hơn một trăm năm. Trong các
tác phẩm của mình F. Kapka đã thể hiện:
Cảm giác về sự không có tự do của con người, về sự lệ thuộc của con người vào những thế lực bất hợp lí
nào đó ở ngoài con người và chi phối bắt con người phục tùng (5).
Trong Vụ án, nhà văn này viết câu chuyện về một viên chức ngân hàng, mang cái tên Jô zep K. bỗng
dưng bị một toà án vô hình kết tội. K. không biết mình có tội gì. Toà án cũng không biết…Cuối cùng K.
bị dẫn đi hành quyết đúng vào sinh nhật lần thứ ba mươi của mình. Đao phủ chọc dao vào ngực K.và
ngoáy một cái. Kap ka kết thúc thiên truyện của mình băng một kết luận hết sức bi đát: K. chết như một
con chó.
Thân phận K. là thân phận con người bị kết án bởi một toà án vô hình, tựa như tội tổ tông trong Thánh
kinh đạo Gia tô, tựa như tội mà đạo Phật quan niệm trong câu Đức Thích Ca Mâu Ni trả lời con quạ: Con
khổ vì con có cái thân của con, và dường như có cả sự khúc xạ những ám ảnh của Kapka về thân phận
con người trong xã hội tư sản hiện đại, khi bóng đen của chủ nghĩa phát xít đang đến gần, trước thảm hoạ
do mặt trái của nền văn minh công nghiệp, hậu công nghiệp gây ra.
Sự hội ngộ Nguyễn Du – Kapka phải chăng là sự gặp gỡ Đông – Tây? Điều này còn chứng tỏ chủ nghĩa
duy lí phương Tây không phải bao giờ cũng hữu hiệu hơn cảm quan trực giác huyền diệu phương Đông
khi khám phá hiện thực đời sống, khi thâm nhập vào những miền thẳm sâu của tâm hồn, tâm linh con
người. Sự hội ngộ này khiến những bộ óc sùng ngoại nhất cũng phải bừng tỉnh. Không hiểu vì sao viết
đến đây tôi bỗng cảm thấy câu thơ: Phương Đông là phương Đông- Phương Tây là phương Tây của một
thi sĩ Anh quốc (Kiplinh) thật vô nghĩa.

8. Về hai câu thơ kết: Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Không biết sau ba
trăm năm lẻ nữa – Thiên hạ có một ai đó khóc thầm tố Như): Trước hết nói về hai chữ độc điếu. Nó
không chỉ hiển hiện thành câu chữ ở cặp câu đề, nó thấp thoáng ẩn hiện trong cặp câu thực (Chi phấn hữu
thần liên tử hậu, Văn chương vô mệnh lụy phần dư), nó âm vang trong cặp câu luận và đến đây nó lại
thấp thoáng hiện ra trong cặp câu kết ở khát khao, ở băn khoăn day dứt không biết sau ba trăm năm lẻ có
một ai đó dưới gầm trời này khóc thầm (khấp (泣) chứ không phải khốc) mình, Tố Như chỉ cần một ai đó
(hà nhân (何人) chứ không phải là số đông, rất nhiều người. Hai chữ độc điếuchính là nhãn tự, huyệt đạo
của thi phẩm này vậy (6). Phải chăng đó là hai chữ thể hiện được tâm sự về nhân thế, thời thế, thân thế
của Tố Như tử? Ta cứ tự cho mình là người hiểu Nguyễn Du, kì thực chưa hẳn thế (Không ngẫu nhiên
chút nào khi trong Truyện Kiều lại có những câu: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh – Giật mình mình lại thương
mình xót xa, Vui là vui gượng kẻo là – Ai tri âm đó mặn mà với ai? Chọn người tri kỉ một ngày được
chăng? Cười rằng: Tri kỉ trước sau mấy người?”. Ta hiểu vì sao người xưa có thể chết vì tri kỉ tri âm).Thứ
đến là ý kiến cho rằng đây là câu thơ thất niêm. Quả đúng thế. Người phát hiện ra điều này, rõ ràng rất
giỏi về phép tắc làm thơ cách luật. Tuy vậy, lại cũng nên biết rằng: bài Hoàng Hạc Lâu một bài thất ngôn
bát cú được coi là một trong 10 bài thơ hay nhất của thơ Đường, (tuy Thôi Hiệu không phải là một trong
những gương mặt sáng giá nhất của Đường thi), thì câu thơ thứ tư: Bạch vân thiên tải không du du (Mây
trắng ngàn năm bay chơi vơi)… cũng là câu thơ phạm luật. Điều này cho thấy tài năng, thiên tài có khi
tuân thủ qui củ chung, nhưng cũng có khi vượt qua qui củ, họ tạo nên những phép tắc và luật lệ mới. Tiếp
theo là thời điểm ba trăm năm lẻ… Một thời gian dài người ta cho rằng đó là khoảng thời gian từ khi Tiểu
Thanh mất đến khi Nguyễn Du viết bài thơ này(7). Nhưng căn cứ vào tiểu sử của nàng do một số ghi chép
của văn nhân nước Tàu, thì tính cách nào cũng không đủ ba trăm năm lẻ (1820 -1595 = 225 (8) hoặc lên
đến 360 năm, thậm chí là 400, hay 407, 408 năm (9), và để tránh sự võ đoán khiên cưỡng trước đây, hiện
sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập I cho rằng: Có lẽ là một con số ước lệ chỉ khoảng thời gian dài (10). Có
người lại cho 300 năm là thời gian luân hồi ba kiếp của một con người theo quan niệm của Phật giáo (11),
nhưng ở đây là tam bách dư niên (ba trăm năm lẻ) khác với tam bách niên. Quả đúng là con số ước lệ,
nhưng tại sao lại ước lệ là ba trăm năm lẻ chứ không phải là trăm năm, bốn, hay năm trăm năm, thậm chí
ngàn năm? vì chúng là những con số ước lệ thường thấy người xưa dùng trong thơ văn của họ (Ư bách
niên trung tu hữu ngã – Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy (Trong khoảng trăm năm này phải có ta – Ngàn
năm sau lẽ nào chẳng có ai? –Xuất dương lưu biệt, Phan Bội Châu).Vậy nên lí giải thế nào? Có lẽ là thế
này chăng? Theo quan niệm của người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử, những bậc thánh nhân trong

lịch sử phải năm trăm năm mới xuất hiện một lần, khi thánh nhân ra đời có điềm lành chỉ báo, đó là
phượng hoàng kì lân hiện ra. Nguyễn Du rất chân thực, trung thực với mình và với tha nhân. Ông tự nhận
mình không phải là thánh nhân, cũng không phải thường nhân, ông tự thấy mình thuộc lớp tài tử tri âm
với giai nhân Tiểu Thanh. Phải chăng tài tử giai nhân khoảng ba trăm năm lẻ là chu kì để họ hội ngộ, tái
xuất? Thời điểm ấy chưa tới, hãy chờ đợi. Lúc ấy, người ta giải mã Nguyễn Du chắc gì giống với chúng
ta ngày nay?

×