Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

tiểu luận về văn hóa việt nam thời bắc thuộc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (972.88 KB, 17 trang )



Văn hóa Việt Nam thời
Bắc thuộc



Trong khoảng mười thế kỷ đầu công nguyên, trên lãnh
thổ Việt Nam hiện nay đã từng tồn tại ba nền văn hoá:
văn hoá của cộng đồng cư dân châu thổ Bắc Bộ và Bắc
Trung Bộ, văn hoá Chăm Pa ở ven biển miền Trung, và
văn hoá Óc Eo ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu
Long. Ba nền văn hoá này có những nét chung do có
chung cơ tầng văn hoá Đông Nam Á như đã nói ở trên,
nhưng cũng lại có những nét riêng do từng vùng có
những đặc điểm và số phận lịch sử khác nhau. Bài viết
này trình bày đặc điểm văn hoá của cư dân châu thổ bắc
Bộ với tư cách đại diện, điển hình.

1. Về mặt thời gian

Năm 207 tr.CN (sử liệu khác: 179) sau khi đánh chiếm Âu
Lạc, Triệu Đà lập ra nước Nam Việt. Năm 111 trước công
nguyên, nước Nam Việt bị thôn tính vào đế quốc Hán, nước
Âu Lạc lúc ấy thuộc nước Nam Việt cũng bị thôn tính theo.
Từ đó nước ta rơi vào ách đô hộ của PKPB trong suốt hơn
1000 năm. Giai đoạn đau thương này kết thúc khi Ngô Quyền
với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm
938 mở ra thời kì độc lập tự chủ cho dân tộc.

2. Về mặt không gian, lịch sử



Nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc chia thành
quận, huyện. Địa bàn trải rộng từ biên giới Việt Trung ngày
nay đến bắc Trung bộ (Quảng Bình).

3. Đặc điểm VH thời kì này

Lịch sử các cộng đồng dân tộc Việt Nam trong suốt thời kỳ
Bắc thuộc là lịch sử của một cuộc đấu tranh đề kháng dai
dẳng, bền bỉ để bảo tồn giống nòi, bảo vệ nền văn hoá dân
tộc và giải phóng đất nước. Cuộc đấu tranh chống ách đô hộ
của phong kiến phương Bắc thành công nên mới tồn tại nền
văn hoá Việt Nam hiện nay.


Khởi nghĩa Hai Bà Trưng


Trong hơn mười thế kỷ Bắc thuộc, các triều vua Trung Quốc
từ Hán đến Đường, thông qua chính quyền đô hộ nước ta khi
ấy, đã kế tiếp nhau thi hành chính sách cai trị tàn bạo, chính
sách đồng hoá, Hán hoá đối với người Việt và văn hoá Việt
trên mọi phương diện, nhằm vĩnh viễn thôn tính nước ta vào
đế quốc phong kiến phương Bắc.

Đặc trưng cơ bản của văn hoá lịch sử giai đoạn này là:

a. Ý thức đối kháng kiên trì, bất khuất trước nguy cơ
xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Quốc hiệu Nam
Việt đã có từ trước CN nằm trong ý thức phân biệt rõ phương

Nam-phương Bắc của ông cha ta. Những cuộc kháng chiến
liên tiếp qua các thế kỉ như Hai Bà Trưng (40-43), Bà Triệu
(248): “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ,
chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại
giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì
thiếp cho người!”, Lí Bí (544-548),Triệu Quang Phục (548-
571), Mai Thúc Loan (772), Phùng Hưng (791), cha con họ
Khúc (906-923), Dương Diên Nghệ (931-937) và đỉnh cao là
cuộc đại thắng của Ngô Quyền năm 938.

“Dưới ách Bắc thuộc, bọn thống trị Trung Quốc ra sức thực
hiện chính sách Hán hóa. Chúng cho di thực mô hình tổ chức
chính trị và sinh hoạt xã hội Trung Hoa sang đất Việt. chúng
xóa bỏ chính quyền trung ương của vua Thục và chia nhỏ
miền đất nước ta thành các đơn vị hành chính địa phương các
cấp theo hệ thống hành chính địa phương ở Trung Quốc là
châu, quận, huyện, hương, xã và đến thời Đường bao trùm
lên các châu ở miền đất nước ta chúng đặt thành một phủ (An
Nam đô hộ phủ). Từ một quốc gia độc lập, nước ta trở thành
một địa phương của Trung Quốc.

Chúng thiết lập bộ máy quan lại, xây dựng hệ thống quân đội
và áp đặt hệ thống pháp luật để thống trị nhân dân ta, tiến
hành cống phẩm, bắt lao dịch và bóc lột về kinh tế. Trên
phương diện văn hóa, chúng đã sử dụng văn hóa Hán như
một công cụ xâm lược quan trọng. chúng bắt nhân dân Âu
Lạc phải làm ruộng theo lối Hán, ăn mặc kiểu người Hán, nói
tiếng Hán, học chữ Hán, ứng xử theo phong tục Hán. Trên
lĩnh vực tư tưởng và tôn giáo, chúng cho du nhập Nho giáo
và Đạo giáo sang để khống chế về tinh thần và nhất thể hóa

tư tưởng của nhân dân ta, nhằm tạo thành cái lõi trung tâm để
đi đến nhất thể hóa cấu trúc văn hóa giữa chính quốc và
thuộc địa. Để thúc đẩy quá trình đồng hóa văn hóa, giai cấp
thống trị Hán đã cho di cư ồ ạt người Hán sang đất Việt, gồm
quan lại và người nghèo Hán. Chúng khuyến khích nhóm
người này lấy vợ Việt, sinh con trên đất Việt và hình thành
một bộ phận “dân Mã lưu” ở nước ta nhằm thực hiện chủ
trương thực dân theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen” (Huỳnh
Công Bá, Cơ sở văn hóa Việt Nam).

Có thể nói, dưới ách Bắc thuộc, nhân dân Âu Lạc đã phải
chấp nhận một cuộc giao lưu cưỡng bức vô cùng nghiệt ngã
với nền văn hóa Hán, một nền văn hóa có khả năng đồng hóa
rất cao, đã từng đồng hóa một cộng dồng Bách Việt rộng lớn
từ phía Nam sông Dương Tử trải dài về nam cho đến núi Ngũ
Lĩnh.

b. Giữ gìn, bảo tồn và phát triển bản sắc dân tộc, bản sắc
văn hoá

Để tồn tại, nhân dân Âu Lạc đã phải liên tục tiến hành các
cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập và ra sức bảo tồn phát
triển văn hóa dân tộc. Từ trong các xóm làng Việt cổ, mà bọn
đô hộ phương Bắc không thể nào với tay tới được, cư dân Âu
Lạc đã ra sức bảo tồn và phát huy vốn liếng văn hóa bản địa
đã tích lũy được qua hàng nghìn năm trước, đặc biệt là tiếng
nói, tín ngưỡng, phong tục, nền văn học dân gian.

c. VH chống Bắc thuộc mở đầu cho quá trình giao lưu-
tiếp nhận VH Trung Hoa và khu vực: VH Trung Hoa áp

đặt (kẻ xâm lược) nên chưa có chỗ đứng nhất là Nho giáo.
VH Ấn Độ (Phật giáo) được tiếp nhận một cách tự giác bằng
con đường hòa bình. Cho nên cùng với việc chống Bắc thuộc
về chính trị còn có xu hướng chống Hán hóa về mặt VH. Hơn
thế nữa, cha ông ta đã Việt hóa các ảnh hưởng của Trung
Hoa.

4. Thành tựu văn hóa chính

Do hoàn cảnh lịch sử, VH thời kì này thành tựu không lớn.
Tuy nhiên có thể nêu một số thành tựu cơ bản sau:

a. Bảo tồn và phát triển VH dân tộc: Trong suốt hơn một
ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân ta đã phải liên tục tiến hành
các cuộc đấu tranh vũ trang để giành độc lập và đồng thời ra
sức bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc, chống lại âm mưu
đồng hóa dân tộc của bọn phong kiến phương Bắc. Trong các
cuộc đấu tranh đó thì cơ cấu tổ chức các xóm làng Việt cổ là
thành lũy vững chắc mà bọn đô hộ phương Bắc không thể
nào với tay tới được.

-Thành tựu quan trọng của cư dân Âu Lạc là đã bảo tồn được
tiếng nói của dân tộc, làm thất bại ý đồ nham hiểm của bọn
xâm lược. Tất nhiên, dưới ách thống trị lâu ngày của bọn xâm
lược, cùng với sự phát triển của cuộc sống, tiếng Việt cũng
cần có những biến đổi. Nó đã hấp thụ được nhiều yếu tố của
ngôn ngữ Hán về mặt ngữ âm và thanh điệu, tiếp thu nhiều từ
ngữ gốc Hán. Nhưng người Âu Lạc đã hấp thụ ảnh hưởng
ngôn ngữ Hán một cách độc đáo, sáng tạo, đã Việt hóa những
từ ngữ ấy theo cách dùng, cách đọc của người Việt, tạo thành

một lớp từ mới gọi là từ Hán-Việt. Như vậy là Tiếng Việt
không bị mất đi mà lại còn được giàu có và hoàn thiện về mặt
âm tiết. Chữ viết của người Hán cũng được ông cha ta tiếp
thu và xây dựng thành chữ Nôm, một thứ chữ viết của người
Việt Nam dựa trên cấu liệu chữ Hàn để ghi âm tiếng Việt.

-Trong tín ngưỡng và phong tục, người Việt vẫn một lòng tôn
kính và biết ơn với cha mẹ, tổ tiên, tôn trọng phụ nữ, sống
chan hòa, cộng đồng trong các làng chạ, thờ cúng các thiên
thần, nhiên thần và nhân thần, các biểu tượng về khát vọng
dân tộc. Các tục lệ như búi tóc, xăm mình, nhuộm răng, ăn
trầu vẫn được giữ gìn.

-Nền văn học dân gian tiếp tục phát triển.

b. Tiếp thu và “Việt hóa” ảnh hưởng của văn hóa Hán và
văn hóa Ấn Độ:

Tranh thủ sự giao thương dưới thời Bắc thuộc, nhân dân Âu
Lạc đã trao đổi và trang bị rộng rãi các công cụ bằng sắt cho
ngành nông nghiệp. Họ đã tiếp thu kĩ thuật bón phân Bắc của
người Trung Quốc, phát triển giống cây trồng nhằm đa canh
hóa và mở rộng lúa hai vụ.

Kết hợp giữa kinh nghiệm cổ truyền với kinh nghiệm học tập
của Trung Quốc, cư dân Âu Lạc đã sản xuất được loại gốm
tráng men nửa sành nửa sứ. Hơn thế nữa, họ còn biết phát
triển sáng tạo những kĩ thuật tiếp thu được của người Trung
Quốc như sản xuất xành hai quai, ống nhổ, bình con tiện có
đầu voi, bình gốm nạm đá ở cổ, sản xuất được loại giấy trầm

hương v.v…Đó là những sản phẩm mà người Trung Quốc
không có và chất lượng tốt hơn của người Trung Quốc.
Trong nghề dệt, nhân dân Âu Lạc đã sản xuất được lụa, vải
bông, vải cát bá, vải tơ chuối, vải bạch diệp…và người Trung
Quốc đã phải mua của ta.

Trong lĩnh vực âm nhạc, trong thời Bắc thuộc người Việt đã
tiếp thu một số nhạc cụ của người Trung Quốc như chuông,
khánh, của Ấn Độ như trống cơm, của Trung Á là Hồ cầm.

Trong kiến trúc và điêu khắc là kĩ thuật kiến trúc lối vòm
cuốn sử dụng gạch múi bưởi của người Trung Quốc, tượng
tròn bằng đồng có nguồn gốc Nam Á-Ấn Độ.

Trên lĩnh vực chính trị, mô hình tổ chức nhà nước của Trung
Quốc đã bước đầu được Lý Nam Đế tiếp thu trong việc xây
dựng chính quyền tự chủ thời Vạn Xuân.

c. Về tín ngưỡng, trong xu hướng giao lưu tự nguyện lúc bấy
giờ, cha ông ta đã tiếp nhận hai nguồn văn hóa Ấn Độ, truyền
vào nước ta theo con đường hòa bình, đó là văn hóa Phật giáo
thâm nhập vào miền Bắc, Bà la môn đi vào miền Trung bộ
tạo dựng nên vương quốc Chămpa.

Những đóng góp của Phật giáo trung hòa các ảnh hưởng đến
từ Trung Hoa, khiến cho văn hóa Âu Lạc tuy bị Hoa hóa
nhưng vẫn khác với Văn hóa Trung Hoa. Trong ảnh hưởng
của hệ tư tưởng Phật giáo ở nước ta lúc bấy giờ thì tư tưởng
thiền tông với chủ trương “Phật tại tâm” chiếm vai trò chủ
đạo, tạo điều kiện cho xu hướng nhập thế của Phật giáo ở

Việt Nam.


Kiến trúc chùa Một Cột


5. Kết luận

Với cuộc đấu tranh chống Hán hóa một cách tích cực đó, khi
bước ra khỏi ách Bắc thuộc, nền văn hóa của người Việt
“như một tòa nhà chỉ thay đổi ở mặt tiền và vẫn giữ được cấu
trúc ở bên trong”.

Như vậy, nhìn tổng thể có thể kết luận rằng, đã diễn ra hai
khuynh hướng đối lập của tiến trình văn hoá Việt Nam thời
Bắc thuộc:

-Khuynh hướng Hán hoá là mưu đồ có ý thức của bọn đô hộ
và tay sai.

-Khuynh hướng Việt hoá nhằm gìn giữ và phát huy những
tinh hoa văn hoá cổ truyền từ đã có từ thời Văn Lang - Âu
Lạc, mặt khác còn tiếp thu, hội nhập những yếu tố văn hoá
bên ngoài để làm phong phú văn hoá Việt; sắp xếp, cấu trúc
lại nền tảng văn hoá Việt. Khuynh hướng này là chủ đạo. Đối
lập lại chủ nghĩa “bình thiên hạ” của kẻ thù, nhân dân ta đã
phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập tự chủ,
tinh thần tự lập tự cường. Đối lập với bộ máy nhà nước đế
chế và tổ chức chính quyền đô hộ theo cơ cấu quận huyện,
nhân dân ta lo củng cố và giữ gìn cộng đồng xóm làng. Từ

làng, người Việt vươn ra giành lại nước. Đối lập với sức
mạnh của một đế chế lớn mạnh, nhân dân ta tạo lập nên một
sức mạnh đoàn kết toàn dân. Khởi nghĩa chống Bắc thuộc là
khởi nghĩa nhân dân, có tính quần chúng rộng rãi, mau chóng
phát triển thành chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc, và
cuối cùng với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử do Ngô Quyền
lãnh đạo, cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân ta đã giành
được thắng lợi vẻ vang.
Nguyễn Duy Xuân (biên tập)


Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
1. Cơ sở văn hoá Việt Nam, Trần Ngọc Thêm, NXBGD, 1999
2. Cơ sở văn hóa Việt Nam, Đặng Đức Siêu, NXBĐHSP,
2004
3. Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Trần Quốc Vượng, 1997
4. Cơ sở văn hóa Việt Nam, Huỳnh Công Bá
5. Hồ Chí Minh về văn hoá, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản,
Hà Nội 1997
6. Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hoá, tác giả Hà
Văn Thùy
7. Việt Nam quốc hiệu và cương vực qua các thời đại,
Nguyễn Đình Đầu, NXB Trẻ, Tp.Hồ Chí minh, 1999

×