Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Học tiếng Anh – Cách nhớ từ vựng chỉ sau một lần đọc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.83 KB, 11 trang )

Học tiếng Anh – Cách nhớ từ vựng chỉ sau một lần đọc! (Phần 1: Các nguyên tắc
của trí nhớ)
Bạn tin mình có thể ghi nhớ từ vựng chỉ sau một lần đọc không?
Nếu bạn đang gặp rắc rối với việc học ngoại ngữ, có lẽ bạn cho rằng tôi nói nhảm?
Nhưng khoan, đừng vội phản bác! Hãy đọc qua quyển sách “Làm chủ trí nhớ của bạn” do
Tony Buzan viết, bạn sẽ hiểu những gì tôi sắp chia sẻ sau đây lấy căn cứ, nền tảng từ
đâu!
Theo Tony Buzan, tiềm năng não bộ của con người rất to lớn, một trong những điểm
mạnh con người chưa khai phá hết chính là trí nhớ của mình. Chúng ta hay quên vì
chúng ta sử dụng trí nhớ không đúng cách, chứ chẳng phải vì bẩm sinh đã mắc bệnh đãng
trí. Nếu tìm hiểu và thực hành đúng phương pháp, bạn có thể cải thiện khả năng ghi nhớ
của mình trong rất nhiều lĩnh vực, nhất là học ngoại ngữ. Chỉ cần một lần áp dụng
phương pháp ghi nhớ hữu hiệu, bạn có thể thuộc ngay từ vựng mới mà không cần ôn đi
ôn lại nhiều lần, hay ghi đầy trang vở như chép phạt giống cách chúng ta vẫn thường làm
lúc còn nhỏ.
Hãy hình dung đầu óc của bạn như một chiếc giá treo khổng lồ, mỗi thông tin ghi nhớ là
một món đồ được máng lên chiếc giá treo đó. Những khi cần lục lại thông tin cũ, chúng
ta sẽ tìm những món đồ trên giá treo qua một cuốn sổ ghi chú. Cuốn sổ đó chính là sự
liên tưởng, ấn tượng. Sự liên tưởng và ấn tượng càng rõ, bạn càng dễ tìm lại thông tin
trong đầu. Ví dụ nếu bây giờ hỏi bạn đã ăn gì vào ngày này tuần trước, chưa chắc bạn đã
nhớ, nhưng nếu hỏi bạn đã đãi bạn bè món gì trong ngày sinh nhật gần đây nhất của
mình, bạn có thể tả vanh vách từng thứ một mình đã chuẩn bị, đúng không nào? Vì sinh
nhật là ngày đặc biệt đối với bạn, bạn sẽ ghi nhớ những chi tiết trong ngày đó lâu hơn và
rõ ràng hơn những hôm khác. Trí nhớ có quy tắc của riêng nó, bạn phải hiểu những gì
não bộ ưu tiên lưu trữ để áp dụng vào phương pháp học của mình. Một số loại thông tin
não bộ có xu hướng ghi nhớ kỹ lưỡng là:
1. Xảy ra trong tình huống đặc biệt: những sự việc xảy ra trong ngày sinh nhật,
ngày đám cưới, ngày chào đời của con bạn… hay những dịp quan trọng sẽ có xu
hướng được não bộ ghi nhớ kĩ hơn.
2. Khác thường: hãy tưởng tượng sáng sớm ra đường bạn gặp một người đóng khố
vẽ mặt như thổ dân châu Mỹ, chắc chắn bạn sẽ nhớ khoảnh khắc đó đến tận 10


năm sau.
3. Niềm yêu thích: những gì bạn yêu thích, đam mê sẽ được ghi nhớ một cách tự
nhiên vào não bộ mà chính bạn cũng không biết.
4. Cảm xúc mạnh: những gì tác động mạnh lên cảm xúc của bạn như giận dữ, hào
hứng… sẽ để lại ấn tượng sâu nặng trong trí óc. Tuy nhiên, đừng bao giờ sử dụng
cảm xúc tiêu cực như sợ hãi để tăng khả năng ghi nhớ, đó là loại cảm xúc mạnh
nhất và có tác hại nhất với tâm lý của bạn.
5. Sử dụng nhiều giác quan: một thông tin cần vận dụng nhiều giác quan để cảm
nhận sẽ được nhớ dai hơn kiểu “đọc hiểu” truyền thống, đây cũng là nguyên tắc
của sơ đồ tư duy do Tony Buzan sáng tạo mà bạn sẽ được tìm hiểu trong phần sau.
6. Sự việc có liên quan với nhau: những ký ức có liên hệ qua lại sẽ được ghi nhớ
thành cụm một cách nhanh chóng, bạn sẽ học được cách hệ thống hóa bài học của
mình để tăng hiệu quả học trong phần sau.
Trên kia chỉ là một vài nguyên tắc cơ bản của trí nhớ, trong các phần sau của loạt bài, bạn
sẽ được hướng dẫn cách vận dụng những nguyên tắc trên để tối ưu hóa hiệu quả học
tiếng Anh của bạn, thậm chí có thể ghi nhớ từ vựng CHỈ SAU MỘT LẦN ĐỌC!
Học tiếng Anh - Cách nhớ từ vựng chỉ sau một lần đọc! (Phần 2: Phương pháp liên
tưởng)
Chúc mừng bạn đã đến với phần 2 của loạt bài. Tìm đọc đến đây chứng tỏ bạn rất
quyết tâm học giỏi tiếng Anh. Đó là điều kiện cần thiết nhất!
Sau khi biết rõ các nguyên tắc trí nhớ đề cập ở phần trước, chắc hẳn bạn đang thắc
mắc: “Thế tôi vận dụng những điều này bằng cách nào?”
Tin vui cho bạn: các nguyên tắc đó thực ra vận dụng rất dễ, vấn đề chỉ nằm ở thói quen
của bạn mà thôi. Mỗi ngày thay đổi một chút, và dần dần bạn sẽ thực hành một cách tự
nhiên. Hãy hình dung việchọc tiếng Anh sẽ nhẹ nhàng thế nào nếu bạn có thể ghi nhớ từ
vựng ngay từ lần đầu?
Sau đây chúng ta sẽ đi vào phương pháp thứ nhất: Liên tưởng.
Chúng ta hãy cùng làm một bài test nhỏ sau đây. Tôi cho bạn 20 từ, hãy đọc qua
thật nhanh một lần và đừng nhìn lại nhé:
1. Quạt

2. Đi học
3. Chén dĩa
4. Máy lạnh
5. Ăn cơm
6. Máy tính
7. Leonardo Da Vinci
8. Túi xách
9. Con vịt
10. Du lịch
11. Bánh mì
12. Công ty
13. Đi ngủ
14. Webhoctienganh.com
15. Thư ký
16. Giặt đồ
17. Đàn bà
18. Cái ghế
19. Bếp lò
20. Tủ áo
Bạn đọc xong rồi chứ? Ok! Bây giờ hãy lấy giấy bút ra và ghi lại tất cả những từ bạn có
thể nhớ!
Nếu được, hãy rủ thêm một vài người bạn cùng tham gia bài tập này nhé!
Để tôi đoán xem! Có phải đáp án của các bạn đều có 2 từ: Leonardo Da
Vinci vàWebhoctienganh.com không?
Đến đây chắc bạn đã đoán ra ý tôi rồi nhỉ? Hầu như 100% người tham gia bài tập này đều
có 2 từ trên trong đáp án của mình. Lý do vì chúng hoàn toàn khác biệt so với nhóm từ
còn lại. Não bộ của chúng ta có khuynh hướng ghi nhận những thứ đặc biệt, bạn còn nhớ
không?
Do đó, để tăng khả năng nhớ từ vựng, bạn phải hình thành những LIÊN TƯỞNG KÌ
LẠ với từ đó.

Ví dụ: Democracy : chế độ dân chủ, quyền dân chủ.
Ta sẽ chia từ này thành 2 vế Demo và Cracy.
Bây giờ chúng ta sẽ biến âm 2 vế này thành từ có nghĩa khác:
Demo >>> Demon: con quỷ
Cracy >>> Crazy: điên khùng
Việc của bạn bây giờ là tạo ra một sự liên tưởng có vẻ “lạ lạ” với 2 vế trên. Bạn có thể
tưởng tượng ra cảnh một con quỷ 2 sừng (demon), mặt đỏ chót đang đứng trước đám
đông điên cuồng (crazy) hô hào về quyền tự do dân chủ (democracy) trong “quỷ tộc”.
Hình dung càng sinh động càng tốt bạn nhé, bạn hãy hình dung rõ con quỷ đó mặc đồ gì,
sừng thẳng hay cong vút, đám đông gào theo ủng hộ con quỷ ra sao. Nói chung bạn phải
vận dụng càng nhiều giác quan càng tốt! Một liên tưởng cần sự vận động của nhiều
giác quan luôn dễ nhớ, điều này tôi có đề cập trong bài trước rồi phải không?
Ví dụ khác: rise: tăng thêm, làm cao lên, vươn cao lên
Bạn có thấy từ này phát âm gần giống với rice (lúa, gạo) không. Giờ hãy hình dung bạn
có một hạt lúa thật to, to bằng ngón tay cái nhé. Bạn cầm nó gieo xuống đất, lập tức một
cây lúa vươn cao lên (rise) cao qua khỏi nóc nhà.
Và bây giờ đọc lại từ rise xem, có phải trong đầu bạn nảy lên ngay liên tưởng về cây lúc
cao nhòng đang vươn lên (rise) kia không?
Quy tắc này nếu thực hiện đúng cách sẽ giúp bạn ghi nhớ ngay một từ vựng trong khoảng
30 giây. Tuy nhiên giai đoạn đầu chắc chắn bạn sẽ gặp khó khăn trong việc biến âm từ
ngữ và tạo liên kếtKHÁC LẠ. Nhưng tin tôi đi! Chỉ cần khoảng 3 ngày luyện tập, việc
tạo liên kết sẽ diễn ra rất tự nhiên trong đầu bạn. Bạn có thể áp dụng phương pháp này
với các việc cần ghi nhớ khác, chứ không chỉ riêng từ vựng, và cách này cũng giúp bạn
tăng trưởng trí sáng tạo rất nhanh. Điều quan trọng cần lưu ý là sự liên tưởng bạn tạo ra
phải thật sự KHÁC LẠ, nếu không, bạn sẽ quên ngay. Bạn có thể tạo sự liên tưởng khác
lạ bằng cách hình dung ra cái gì đó nhảm nhảm,dị thường, hoặc liên quan tới sex (hầu hết
mọi người đều có trí nhớ rất tốt với đề tài này!) Tưởng tượng ra bất cứ thứ gì, đừng ngại!
Bởi vì đây chỉ là những ý nghĩ trong đầu bạn, đâu ai có thể biết bạn học Anh văn bằng
cách nghĩ vẩn vơ nhảm nhí hay tưởng tượng cảnh sex đâu. Miễn sao hiệu quả, thế là đủ!
Đến đây tạm chấm dứt phương pháp liên tưởng, bạn có thể đào sâu tìm hiểu thêm các thủ

thuật phù hợp với mình, hoặc tự tạo ra bao nhiêu cách liên tưởng tùy ý, với điều kiện
phải KHÁC LẠ và ĐẶC BIỆT!
Hãy trải nghiệm và cảm nhận sự tiến bộ vượt bậc của bạn với phương pháp học mới mẻ
này!
Tiếp theo: phần sau của bài sẽ nói về cách lập sơ đồ tư duy để ghi nhớ!
Học tiếng Anh - Cách nhớ từ vựng chỉ sau một lần đọc! (Phần 3: Sơ đồ tư duy)
Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu qua phương pháp liên tưởng để học từ vựng, đây
là cách đơn giản và dễ áp dụng. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là tất cả
đều diễn ra trong đầu bạn, nên chỉ có thể sử dụng ghi nhớ từng từ tiếng Anh đơn
giản. Nếu nhu cầu học phức tạp hơn, chúng ta cần một phương pháp ghi chú hiệu
quả!
Sơ đồ tư duy đáp ứng được yêu cầu đó!
Huyên thuyên mãi từ cái tiêu đề, thế rốt cuộc Sơ đồ tư duy là gì?
Sơ đồ tư duy là công trình nghiên cứu của Tony Buzan trong nhiều thập kỷ, cách ghi chú
này vận dụng tất cả chức năng của não bộ vào một sơ đồ dạng nhánh cây nhiều màu sắc.
Cấu tạo não người được chia làm hai nửa chính đảm nhiệm từng chức năng riêng biệt:
Não trái:
• Logic
• Tính toán
• Sự kiện
• Ngôn ngữ
• Trình tự
• Phân tích
Não phải:
• Nhịp điệu
• Sáng tạo
• Toàn thể
• Tưởng tượng
• Màu sắc
• Cảm xúc

Nhìn vào bảng liệt kê trên, bạn có thể nhận ra cách ghi chú truyền thống chỉ khai thác
một phần rất nhỏ chức năng của não bộ như: ngôn ngữ, trình tự. So đồ tư duy khắc phục
nhược điểm này bằng cách thêm vào nội dung ghi chú nhiều hình ảnh, màu sắc và sắp
xếp chúng lại theo từng phân lớp càng lúc càng mở rộng.
Thực tế nhiều người trong chúng ta đã từng sử dụng Sơ đồ tư duy dạng đơn giản với tên
gọi là biểu đồ xương cá. Tuy nhiên để tối ưu hóa hiệu quả ghi chú, chúng ta cần bổ sung
thêm nhiều nguyên tắc:
1. Ảnh trung tâm nên lớn hơn các ảnh nhánh để tạo độ cân đối và hướng sự tập trung
vào chủ đề chính. Điều này để khai thác chức năng nhận diện bố cục toàn thể của
não bộ.
2. Sử dụng hình ảnh bất cứ nơi nào có thể: não bộ có khả năng ghi chú hình ảnh tốt
hơn ngôn từ.
3. Dùng nhiều màu sắc: quan sát hình minh họa trên, bạn sẽ thấy sơ đồ tư duy được
phối hợp rất nhiều màu, nhằm giúp não bộ phân vùng thông tin cũng như tăng tính
sinh động cho hình ảnh.
Lưu ý: Sơ đồ tư duy là một công cụ ghi chú chứ không phải một tác phẩm nghệ thuật.
Cái bạn cần là sự rõ ràng và sinh động, đừng quá tập trung vào tiểu tiết mà mất hàng giờ
design một sơ đồ tư duy thật hoành tráng, điều đó sẽ làm bạn tốn nhiều thời gian còn hơn
cả học theo kiểu truyền thống. Bạn phải vẽ thật nhanh những ý tưởng trong đầu xuống
giấy và chỉ nên phác thảo, đừng vẽ chi tiết từng hình một.
Vậy là chúng ta đã hiểu những điểm chính của Sơ đồ tư duy, thế còn việc áp dụng
chúng để học từ vựng Anh văn thì sao?
Rất đơn giản, hãy hệ thống chúng lại thành những nhóm từ liên quan. Ví dụ:
• Bạn có thể vẽ một sơ đồ tư duy với từ gốc nằm ở trung tâm và các biến thể kèm ví
dụ ở nhánh. Từ “attract” có adj là attractive,”attracting”,”attracted”, adv là
“attractively”, noun là “attraction”, “attractant”, “attracter”. Bạn sẽ lấy từ gốc
“attract” làm trung tâm và phân nhánh sang các từ loại khác như adj, adv, noun…
Một sơ đồ mini thế này sẽ giúp bạn liên kết tất cả các từ loại với nhau.
• Hoặc nếu bạn đang học về một chủ đề nào đó, bạn có thể lấy chủ đề đó làm trung
tâm và vẽ một sơ đồ tư duy xoay quanh nó. Chẳng hạn như bạn vừa học một bài

về chủ đề “Party”, trong Party sẽ có các chủ đề con như Dressing, Food, Friends,
Small Talk. Bạn sẽ lấy Party làm trung tâm với ảnh nền to, rõ, còn các nhánh
chính sẽ là các chủ đề con, từ chủ đề con bạn có thể triển khai ra nhiều từ vựng
liên quan, rồi bạn có thể thêm vào các từ đồng nghĩa, phản nghĩa, phrasal verb,
thành ngữ đi kèm…Việc lập một sơ đồ tư duy đồ sộ như thế có vẻ mất công nhưng
ngay sau khi hoàn thành, bạn sẽ ghi nhớ được một kho từ vựng không nhỏ xoay
quanh chủ đề, việc này vẫn tiết kiệm thời gian hơn hẳn học rồi ôn tới ôn lui nhiều
lần. Nếu sơ đồ tư duy được vẽ đúng cách, bạn chỉ cần nhìn qua một lần là có thể
ghi nhớ tất cả. Bạn cũng có thể dùng các công cụ hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy, tuy nhiên
tôi khuyên bạn nên tự vẽ, vì như vậy bạn sẽ ghi nhớ nhanh chóng hơn.
Thế là bây giờ bạn đã có trong tay phương pháp liên tưởng và cách ghi chú hiệu quả theo
sơ đồ tư duy! Tuy nhiên, việc học Anh văn vẫn có thể nhẹ nhàng hơn nếu chúng ta biết
chiều theo sở thích của bản thân một tí. Ở phần cuối, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách
học mà chơi, chơi mà học.
Học tiếng Anh - Cách nhớ từ vựng chỉ sau một lần đọc! (Phần 4: Học mà chơi, chơi
mà học)
Với những cách ghi nhớ từ vựng được chia sẻ trong các phần trước, có lẽ việc học
Anh văn đối với bạn cũng đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cách hay nhất vẫn
là học mà như không học.
Hãy nhìn những đứa trẻ, chúng tiếp thu rất nhanh vì mọi thứ xung quanh đều tạo cho
chúng hứng thú để khám phá, việc học đối với chúng diễn ra rất tự nhiên. Chúng ta nên
học tập trẻ con ở điểm này, “hành xác”, “khổ sở”, “vất vả” là những cụm từ chúng ta hay
nhắc đến khi bàn về chuyện học. Nhưng có nhất thiết phải vậy không? Nếu trẻ con có thể
vui vẻ với chuyện học hỏi, người lớn cũng có thể mà. Vấn đề ở đây là bạn phải biết biến
công việc thành niềm vui. Thay vì coi việc học Anh văn là một quá trình nhồi nhét chán
ngắt, bạn hãy biến nó thành thói quen hàng ngày của bạn.
Khó khăn hàng đầu của chuyện học Anh văn trước nay vẫn là từ vựng. Vậy nếu bạn có
thể học từ một cách tự nhiên, hẳn sẽ đỡ vả hơn rất nhiều chứ? Sau đây là hai cách dễ nhất
bạn có thể áp dụng để chuyện học Anh văn không còn nhàm chán:
1. Sử dụng tiếng Anh để lướt net: Đọc đến đây hẳn bạn sẽ thắc mắc “Tôi đâu có

rảnh! Có tiếng Việt thì hà cớ gì tôi phải dùng tiếng Anh để lướt net? Tự ép buộc
bản thân thế thì khác gì nai lưng ra học đâu?” Đúng! Không sai! Nhưng bạn quên
mất một điều rằng nội dung internet tiếng Việt chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Nếu sử
dụng tiếng Anh, bạn có thể tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin giá trị và bổ ích
khác. Chẳng hạn bạn muốn xem chương trình thế giới động vật, hãy thử lên
Youtube search từ “sư tử” và so sánh kết quả với “lion” hay “lion documentary”,
bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt. Thông qua việc theo dõi nội dung ưa thích bằng tiếng
Anh, bạn sẽ chủ động tìm hiểu nghĩa của các từ quan trọng và nhớ dai hơn học
trong sách vở rất nhiều, vì việc học từ đối với bạn bây giờ đang diễn ra hoàn toàn
tự nhiên. Hãy hỏi bọn trẻ chúng học Anh văn từ đâu nhanh nhất, đa phần chúng sẽ
trả lời rằng “Từ game”, và bạn đang làm việc tương tự chúng đấy!
2. Xem phim bằng tiếng Anh: nghe có vẻ là chuyện cũ rích, nhưng vấn đề đặt ra ở
đây là: bạn coi theo cách nào? Đừng lầm lẫn cách coi phim để luyện nghe và học
từ vựng nhé. Để học từ vựng, bạn phải bật phụ đề và theo dõi chúng, không chỉ
nghĩa của từ mà còn cách ráp nối câu của các nhân vật. Đừng vội pause lại rồi tra
từ điển mỗi khi gặp từ không rõ nghĩa, điều đó vừa làm bạn mất hứng coi phim,
vừa khiến hiệu quả học giảm xuống rõ rệt. Rất nhiều tình huống trong phim bạn có
thể đoán được nghĩa của phụ đề thông qua hành động của nhân vật. Loại phim tốt
nhất để thực hành phương pháp này là các bộ phim bạn yêu thích, đã từng xem
qua và nắm rõ nội dung chính.
Tùy theo thói quen và sở thích của mình mà bạn có thể tùy ý biến chuyện học Anh văn
trở thành mội thú vui nho nhỏ hàng ngày. Không phương pháp nào hiệu quả mạnh hơn
chính niềm đam mê, không phải ai bẩm sinh cũng có đam mê với chuyện học ngoại ngữ,
nhưng với một ít sáng tạo, bạn có thể đưa sở thích của mình vào chuyện học để đạt được
mục tiêu của mình dễ dàng hơn.
Loạt bài hướng dẫn học từ vựng Anh văn xin kết thúc tại đây, bạn có thể tìm hiểu thêm
nhiều phương pháp học tiếng Anh khác trong mục “Cẩm Nang Học Tiếng Anh”
tại webhoctienganh.com. Rất mong nhận được sự ủng hộ và góp ý của bạn để trang web
ngày càng hoàn thiện và cung cấp nhiều thông tin, tài liệu bổ ích hơn.
Chúc bạn may mắn và thành công!

Hải Phụng - Timviecnhanh

×