SƯU TẬP TRANH DÂN GIAN CỦA BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT
NAM
Tranh dân gian Việt Nam được truyền bá rộng rãi trong nhân dân vì nó được in qua các bản gỗ
xuất hiện rất sớm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Tranh dân gian được bảo tồn và phát huy rộng rãi là nhờ các phong tục cổ truyền. Cứ mỗi dịp Tết
đến, xuân về những tờ tranh in màu sắc tươi sáng được bày bán ở khắp các khu chợ từ nông
thôn tới thị thành; cả ở các vùng cao, miền núi xa xôi, nó làm cho đời sống tinh thần của ngày
xuân càng thêm tươi vui, hồ hởi. Tranh mang ý nghĩa chúc tụng, và mô tả những cảnh quen thuộc
đem đến những điều tốt đẹp nhất của năm mới được gửi gắm qua nội dung cụ thể của từng bức
tranh đó là tranh tết.
Tranh tết xuất hiện từ lâu đời, theo một số nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ thì tranh, tượng dân
gian Việt Nam xuất hiện từ thời Lý (1010 - 1225), đời Hồ (1400- 1414). Duy trì phát triển thời Lê
(1533 - 1788) (Theo sách Tranh tượng Dân gian Việt Nam. NXB Mỹ thuật). Lúc đầu tranh được vẽ
hay in rất đơn giản, mang tính tâm linh, huyền bí. Dân gian coi tranh như những lá bùa mang sức
mạnh siêu nhiên trừ tà ma, đem lại may mắn, tốt lành cho con người.
Qua các bức tranh còn được lưu giữ tới ngày nay, cho chúng ta thấy được các cảnh sinh hoạt của thành Thăng Long xưa, của các
vùng quê và ngày nay còn rất nhiều các gia đình vẫn giữ truyền thống dán các bức tranh lên tường, cổng nhà để cầu may, xua đuổi
điềm dữ, đón nhận điềm lành của năm mới.
Sự phát triển của dòng tranh dân gian không chỉ dừng lại ở nhu cầu thỏa mãn thẩm mỹ đơn thuần nữa, mà nó đã được nâng cao,
hàm chứa tinh thần giáo dục nhân cách đạo đức, nó phản ánh mọi mặt của đời sống của con người một cách sinh động và chân
thực.
Nhìn vào các tác phẩm tranh dân gian của Việt Nam gây cho chúng ta nguồn cảm hứng, cho nhiều tầng lớp trong xã hội đặc biệt là
giới trí thức, nó gợi mở cho nhiều văn sĩ thi sĩ sáng tác được rất nhiều áng văn, vần thơ, mượn các vẻ đẹp hình ảnh ở trong tranh
để nói lên nỗi lòng và tâm trạng của mình.
Với cuộc sống gắn liền với sản xuất nông nghiệp của nhân dân ta, phụ thuộc vào thiên nhiên rất lớn. Tranh dân gian được nhân
dân gửi gắm nhu cầu tín ngưỡng, việc chơi tranh ngày tết lại càng phát triển, nhu cầu sử dụng nhiều đây là điều làm cho các nghệ
nhân phải tìm cách in được nhiều bản để phục vụ cho nhu cầu của đông đảo quần chúng, do vậy kỹ thuật in bản gỗ tranh tết đã
được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Sự phát triển của dòng tranh khắc gốc dân gian được sản xuất ở nhiều địa phương, ở từng làng mà nó có những tên vùng gắn với
từng vùng sản xuất ra nó như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây cũ), Nam Hoành (Nghệ An); Sình
(Huế). Tranh của các dân tộc miền núi phía Bắc. Tranh của những vùng miền lại có sắc thái và kỹ thuật riêng, từ đề tài, chất liệu
đến kỹ thuật khắc ván in đã tạo ra sự phong phú và đa dạng và tính cách nghệ thuật riêng biệt.
ở đồng bằng Bắc Bộ nổi lên hai dòng tranh nổi tiếng đó là Đông Hồ và Hàng Trống. Tranh Đông Hồ - Làng Đông Hồ nằm ven sông
Đường cách Hà Nội khoảng 40km về phía đông thuộc về tỉnh Bắc Ninh, Đông Hồ có truyền thống là một làng nghề nghệ thuật lâu
đời. Qua văn bia dựng từ thời nhà Mạc (TK16) cho chúng ta ước đoán tuổi của Làng.
Hiện nay nghề in tranh khắc gỗ của Đông Hồ phát triển rất tốt, được nhà nước đầu tư bài bản nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa, nghệ
thuật của đất nước phục vụ cho công tác nghiên cứu, du lịch
Các tác phẩm tranh tiêu biểu của Đông Hồ là loại tranh khắc gỗ in trên giấy điệp, các hình được in bằng cả nét lẫn màu, nét khắc
được cắt gọt cạnh hình chân thang, thanh và tinh tế. Tranh Đông Hồ các mảng màu của hình được in trước, mỗi mảng in màu là
một bản khắc riêng, in màu xong cuối cùng mới dùng bản khắc nét in chặn lại bằng các nét to đậm, tạo thành một đường viền làm
ổn định các hình trên tranh.
Giấy được in là giấy dó được làm từ cây dó nên rất dai bền, trên mặt giấy được quét một lớp điệp tạo cho giấy cứng xốp và nổi lên
ánh của điệp phát sáng lung linh.
Màu mực in nét được chế từ than của lá tre, cỏ cây, đất đá thiên nhiên từ trên rừng dưới biển. Màu xanh mát được chiết từ lá
chàm, màu vàng từ hoa hòe hay quả dành dành tạo màu đỏ tươi, còn màu trắng óng ánh được làm từ vỏ con trai điệp nghiền mịn.
Khi các màu này được pha trộn với hồ nếp tạo ra sự kết dính trên bề mặt của giấy.
Còn dòng tranh Hàng Trống được làm ra từ các gia đình nghệ nhân ở Hà Nội và một số địa phương cùng làm theo một phong
cách, chủ yếu là tranh thờ. Loại tranh này có từ rất lâu. Tên gọi “Tranh Hàng Trống” được chỉ định chung cho một loại tranh có cùng
kỹ thuật, phong cách để phân biệt với dòng tranh sản xuất ở làng Đông Hồ.
Tranh Hàng Trống được làm bằng kỹ thuật in bản nét trước sau đó mới tô màu bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa thì chấm
màu còn nửa kia của bút chấm nước lã, tranh được tô màu theo cách vờn luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt và tạo khối
đơn giản.
Nói đến tranh dân gian là chúng ta thấy một cách cốt lõi của nó là tranh nghệ thuật đồ họa, được làm ra bởi kỹ thuật khắc trên ván
gỗ (cây Mít, cây Thị, cây thực Mực) các hình nồi để in trên giấy. Một bản khắc có chất lượng tốt sẽ được in ra nhiều bức tranh có
giá trị nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân.
Các hình ảnh trong tranh dân gian là những hình ảnh thực, của đời sống hàng ngày nhưng đã được các nghệ nhân chắt lọc tạo
dựng các đường nét mang tính giản lược, khái quát cốt sao gây được sự rung cảm cho người xem, mọi yếu tố về không gian
không được coi trọng. Các hình mang tính ước lệ, các khuôn mặt trong tranh rất ngây ngô, vênh váo hồn nhiên, các hình trong
tranh thờ thì nghiêm nghị gây cảm xúc mạnh cho người xem.
Qua quá trình đấu tranh, chinh phục thiên nhiên, chống áp bức, trong hoàn cảnh cuộc sống nông nghiệp lạc hậu thời xưa ở nước
ta, người nông dân trước những thành công và thất bại, những khó khăn thuận lợi của công việc hàng ngày, họ thường có những ý
niệm về thế giới quan, vũ trụ quan không rõ rệt. Do đó đã nảy ra nhiều thứ tín ngưỡng tôn giáo.
Những hình thái ý thức đó đã được phản ánh trong các loại tranh cổ, đậm nét nhất là tranh thờ. Tranh thờ do nhân dân lao động
làm ra, nên lúc nào cũng sinh động và phong phú, giàu tính dân tộc. Nước Việt Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Trình
độ phát triển không đồng đều về kinh tế từ đó sản sinh ra những tư tưởng, tâm lý, tập quán khác nhau. Vấn đề tín ngưỡng cũng từ
đó mà phức tạp được thể hiện rõ rệt qua các bức tranh thờ. Qua nghiên cứu tìm hiểu thấy rằng tranh thờ tạm thời được chia làm
hai nhánh lớn là: Tranh thờ miền xuôi và tranh thờ miền núi.
Tranh thờ miền xuôi mang đặc tính Phật giáo chiếm một phần quan trọng. Ngoài tranh tường, tranh treo (Phật Thích Ca, Phật, Phật
Bà Quan Âm tranh Thập điện ) còn có các loại tranh minh họa kinh Phật theo các cốt truyện của nhà Phật. Các loại tranh này đã
được nhân dân sử dụng tại gia rất nhiều. Tranh được thể hiện bằng tay và qua các bản khắc gỗ để in tranh cũng như in kinh phật.
Tranh thờ theo phong cách Hàng Trống: nhiều màu và có tầm sử dụng rộng rãi như Hắc Hổ, Bạch Hổ, tượng trưng cho thần trấn
phương Bắc, Phương Nam; Ngũ Hổ Thần tướng tượng trưng các vị thần ngự trị năm phương Đông, Tây, Nam, Bắc và trung ương
chính diện. Nghệ thuật của các tranh này mang tính dân gian, phố biến. Nhìn các nhân vật Nam, Nữ cùng với các loài vật xung
quanh ở trong tranh cho người xem thấy trước tiên phong cách cổ kính của các thời đại xưa. Hầu hết các tranh thờ miền xuôi rất
gần gũi với con người, với sự mơ ước tốt đẹp về cuộc sống của nhân dân ta.
Tranh thờ miền núi có nhiều loại tranh trang trí chỗ thờ (Rồng, Phượng, Hổ, Lân ); có tranh mang tính đơn độc điển hình (Thần
mưa, thần sấm, sét, ông thiện, ông ác ). Lại có tranh bố cục rất nhiều người (Tranh thờ tổ tiên, tranh Ngọc Hoàng ). Hầu hết tranh
thờ nằm ở miền núi phía Bắc của nước ta. Lối vẽ tranh rất chân thật, chất phác ghi lại những phong tục tập quán của các dân tộc
anh em, có tranh diễn tả lại cảnh sinh hoạt của tổ tiên, tranh thờ “bổn mạng” dùng để thờ lâu đời trong nhà. Những tranh tả hình
ảnh đấu tranh trong sản xuất chinh phục thiên nhiên thường được tiếp sau những ước mơ của con người sau khi chết được lên cõi
trời “tranh Pòng sao” có nghĩa là giao thông. Tranh này của dân tộc Cao Lan muốn nói với người chết phải báo lên cõi trời để ông
Đại tanh xem xét tốt, xấu. Tranh Sùng sênh có nghĩa là Thượng thanh dùng thuyết luân hồi khuyên người ta lúc sống phải làm điều
thiện thì khi chết sẽ được ông Thượng thanh cho lên cõi Niết bàn, nếu độc ác thì bị đày xuống địa ngục làm mồi cho chó ngao, rắn
độc
Dưới ngọn bút của các nghệ nhân vùng cao, thiện, ác, hiện lên sinh động và có phân biệt. Kẻ ác thì mặt đen, mắt ốc, bậm môi
phồng má; người thiện thì mặt trắng, râu dài, trang phục chỉnh tề; thiên thần dũng tướng thi uy nghiêm, áo giáp đường hoàng. Cái
đẹp cái tốt được đề cao, phần xấu xa u tối cũng được nhấn mạnh tạo hiệu quả giáo dục mạnh.
Phần tranh thờ, cũng như tranh dân gian ở phía Nam đất nước ta sau khi đất nước thống nhất cũng đã được Bảo tàng Mỹ thuật
Việt Nam sưu tầm tranh và ván khắc. Tranh thờ Làng Sình là tiêu biểu. Tranh được in trên giấy bản đưa lên bàn thờ tổ tiên cúng
sau đó đem đốt để cầu may, an ủi người đã khuất. Tranh được in từ bản khắc gỗ, sau tô màu thuận tiện cho ra nhiều bản phục vụ
cho nhân dân trong các dịp lễ, tết.
Dòng tranh Kim Hoàng thuộc tỉnh Hà Tây nay là TP. Hà Nội, tranh Kim hoàng thường vẽ bằng tay dùng vào việc thờ cúng, dùng
xong một lần thì đốt. Hiện nay dòng tranh này đã bị thất truyền, Bảo tàng cũng chỉ giữ được một, hai tác phẩm chủ đề gà lợn.
Trong rất nhiều bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật hiện đang lưu giữ trong trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật, bộ sưu tập tranh dân gian là
một sưu tập nghệ thuật hoàn chỉnh, có hệ thống, phong phú về nội dung số lượng, chất lượng với hàng trăm bản khắc gỗ, đủ các
thể loại tranh, các đề tài, các dòng nghệ thuật khác nhau của Việt Nam.
Tranh Dân gian Việt Nam là những dấu ấn mang vẻ đẹp truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nó mang tất cả những tinh
hoa tinh thần của con người đất nước Việt Nam. Là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những thế hệ sau ngưỡng mộ tìm về truyền
thống dân tộc.