Hạ Long - Quảng Ninh
Di sản thiên nhiên thế
giới
Với tổng diện tích 1.553 km2, gồm 1.969 đảo lớn nhỏ, Vịnh
Hạ Long lâu nay vẫn là điểm đến không thể thiếu của du
khách trong và ngoài nước. Nơi đây nổi tiếng với những hang
động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang
Sửng Sốt, động Mê Cung với những hòn đảo đá có phong
cảnh ngoạn mục. Đại thi hào Nguyễn Trãi đã mệnh danh nơi
đây là kỳ quan đất dựng giữa trời cao.
Là một thắng cảnh biển nổi tiếng của Việt Nam, từ năm
1962, Hạ Long đã được Chính phủ công nhận là danh lam
thắng cảnh quốc gia. Năm 1994, tại kỳ họp thứ 18, Ủy ban Di
sản văn hóa thế giới (UNESCO) đã quyết định công nhận
Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị ngoại
hạng về mặt cảnh quan. Và năm 2000, tại kỳ họp lần thứ 24,
UNESCO lại một lần nữa công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản
thiên nhiên thế giới vì những giá trị độc đáo về địa chất và
địa mạo.
Huyền thoại Vịnh Hạ Long
"Hạ Long" có nghĩa là "Rồng xuống". Từ thế kỷ thứ XIX
trở về trước, tên Hạ Long không được thấy ghi chép trong sử
sách. Mỗi khi nói đến biển Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long ngày
nay, sử sách thường chép là biển Giao Châu, Lục Châu, Lục
Hải, Lục Thủy, Hải Đông, An Bang. Thời kỳ đầu thực dân
Pháp xâm lược, vịnh Hạ Long được gọi là vịnh Hòn Gai. Mãi
đến cuối thế kỷ XIX, tên Vịnh Hạ Long mới thấy xuất hiện
trong một số thư tịch như các bản đồ hàng hải, một số bài báo
chữ Pháp và chữ Việt. Vậy tên Hạ Long bắt nguồn từ đâu và
có từ bao giờ?
Truyền thuyết kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, trong một lần
nước ta bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng mẹ mang
theo một đàn Rồng con xuống giúp dân ta đánh giặc. Thuyền
giặc từ biển cả đang ào ạt vào bờ thì đàn Rồng cũng hạ giới.
Rồng mẹ chỉ huy đàn con hóa phép, tới tấp phun châu nhả
ngọc xuống vùng biển. Phút chốc những viên ngọc đó biến
thành hàng nghìn hòn đảo đá đứng sừng sững bủa vây chặn
bước tiến công của quân giặc. Bị chặn lại đột ngột, quân giặc
trở tay không kịp, thuyền giặc bị đâm vào núi đá tan vỡ hàng
loạt rồi chìm nghỉm xuống đáy biển.
Sau khi đánh tan quân xâm lược, Rồng mẹ và Rồng con
thấy nước Việt đẹp quá bèn xin với Ngọc Hoàng ở lại không
về trời nữa. Từ đấy vùng biển Quảng Ninh được mang tên Hạ
Long. Nơi Rồng mẹ hạ xuống được đặt tên là Hạ Long, còn
chỗ Rồng con đậu mang tên là Bái Tử Long. Đuôi Rồng mẹ
quẫy lên nước trắng xóa được mang tên là Bạch Long Vĩ
Hạ Long với các đảo núi và các hang động nổi tiếng
Gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ của Vịnh Hạ Long là một bảo
tàng sinh thái vô cùng phong phú. Hệ sinh thái rừng thường
xanh nhiệt đới ở đây có hơn 1.000 loài thực vật, trong đó có
447 loài mộc lan, 12 loài dương xỉ, 20 loài thực vật ngập
mặn. Về động vật có 4 loài lưỡng cư, 8 loài bò sát và 14 loài
thú. Theo tài liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới
(IUCN) có văn phòng tại Hà Nội, Vịnh Hạ Long có 7 loài
thực vật đặc hữu của đảo đá vôi chưa tìm thấy ở nơi nào khác
trên thế giới như: Khổ cử đại tím, khổ cử đại nhung, hài vệ
nữ hoa vàng
Các đảo trên Vịnh Hạ Long chủ yếu là đảo đá vôi, tập
trung ở khu vực phía Đông Nam và Tây Nam; một số đảo
phiến thạch phân bố rải rác ở khu vực Đông Nam. Kết quả
nghiên cứu địa chất địa mạo cho thấy, để có một vùng danh
thắng Hạ Long khoảng 7-8 nghìn tuổi như hiện nay, vùng
biển cổ nơi đây đã trải qua 300 triệu năm tích tụ tầng đá vôi
dày trên nghìn mét và một thời kỳ xâm thực cácxtơ (karst)
kéo dài chừng 20 triệu năm trong môi trường lục địa kỷ
Nêogen và Nhân sinh. Các bậc thềm biển nâng cao, các bề
mặt đồng bằng phân bậc nằm chìm dưới đáy vịnh, các dòng
sông cổ ngập chìm, các ngấn biển cổ và hệ hàu, hà trên các
vách đá là kho tư liệu vô cùng quý giá của ngành địa chất.
Đặc biệt, Vịnh Hạ Long là mẫu hình tuyệt vời về cácxtơ
trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm mà kết quả rõ nhất
là hệ thống hang động ngầm và nổi vô cùng phong phú, đa
dạng thuộc về 3 nhóm chính: Nhóm các hang động ngầm cổ
(hang Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, hang Đầu
Gỗ); nhóm hang nền các cácxtơ tiêu biểu (Trinh Nữ, Bồ Nâu,
Tiên Ông ) và nhóm hang hàm ếch biển (Ba Hang, Ba Hầm,
Hang Luồn
Các đảo núi nổi tiếng
Núi Bài Thơ cao 191m nằm ở trung tâm thành phố Hạ
Long. Dưới các triều đại phong kiến, núi Bài Thơ là trạm
canh phòng của vùng biển Đông Bắc. Chân núi có chùa Long
Tiên, đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn. Trên vách núi
phía Đông Nam còn di bút của vua Lê Thánh Tông và 6 bài
thơ chữ Hán khác của các danh nhân từ thế kỷ XV đến XX ca
ngợi cuộc sống thái bình và cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long. Núi
Bài Thơ còn là nơi ngọn cờ đỏ búa liềm tung bay nhân ngày
1-5-1930 trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân
mỏ chống thực dân Pháp.
Đảo Titốp: Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng anh
hùng lao động Việt Nam, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Giéc
Man Titốp tới thăm Hạ Long và nghỉ tại đảo. Để kỷ niệm
chuyến đi này, Bác Hồ đã lấy tên Titốp đặt cho đảo. Đảo có
bãi tắm tuyệt đẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình, cách bến
tàu du lịch 8km.
Hòn Gà Chọi gồm 2 hòn đảo nhỏ, cao 12m giống hệt một
đôi gà đứng đối diện nhau đang tung cánh. Hình ảnh hòn Gà
Chọi được chọn làm biểu tượng của Quảng Ninh và biểu
tượng du lịch Việt Nam năm 2000. Hòn Gà Chọi ở phía
Đông Nam đảo Đầu Gỗ, cách bến tàu du lịch 5 km. Đảo còn
có tên là hòn Trống Mái hay hòn Cặp Gà.
Hòn Đỉnh Hương nằm phía Tây Nam đảo Đầu Gỗ, giống
hệt như một lư hương bằng đá khổng lồ mọc lên giữa biển
khơi.Hòn Xếp nằm ở Vịnh Bái Tử Long, Cẩm Phả. Hòn Xếp
gồm các khối đá to, vuông đều đặn được xếp chồng lên nhau
giống như một Kim tự tháp Ai Cập được dựng lên giữa biển
khơi.
Hòn Thiên Nga là một hòn đảo nhỏ đứng bồng bềnh trên
vịnh biển, có hình thù giống như một đôi thiên nga đang tình
tự. Hòn Thiên Nga là một địa chỉ tham quan, chụp ảnh lý
tưởng trên Vịnh Bái Tử Long.
Hòn Con Cóc cao 8 m giống hệt một chú cóc đang ngồi
chờ mưa rơi giữa mênh mông sóng nước. Hòn Con Cóc là
một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng nằm ở phía Đông
Nam Vịnh Hạ Long, cách bến tàu du lịch 17km.
Hòn Đầu Người cao 25m, từ xa nhìn giống như đầu người
Ai Cập với chiếc mũi to, gồ ghề, nhô ra xa, cằm tỳ trên mặt
nước. Một số người còn liên tưởng tới hình ảnh tượng Nhân
Sư Ai Cập, nhưng hòn Đầu Người đẹp và thơ mộng hơn
nhiều vì có thêm yếu tố biển. Hòn Đầu Người nằm ở gần
Hang Luồn, cách bến tàu du lịch 13km.
Hòn Đũa nằm trong khu vực Vịnh Bái Tử Long, cách núi
Bài Thơ về phía Đông 7 km, Hòn Đũa giống như một chiếc
đũa thần khổng lồ trong truyện cổ tích Anđécxen được cắm
xuống biển khơi. Hòn Đũa là một trong những điểm tham
quan lý tưởng cho du khách và cũng là mốc giới định hướng
quan trọng cho các tàu thuyền khi ra khơi.
Ba Trái Đào gồm ba hòn núi nhỏ, cao 23m trông giống hệt
ba trái đào. Hòn Ba Trái Đào gắn liền với truyền thuyết tình
yêu lãng mạn giữa nàng tiên út với chàng ngư dân đánh cá
nghèo khổ. Vì muốn chàng trai được sống bên mình mãi mãi,
nàng tiên út đã lấy trộm ba trái đào tiên cho chàng ăn. Ngọc
Hoàng biết chuyện liền hóa phép biến thành ba trái núi. Ngày
nay, Ba Trái Đào là một địa danh nổi tiếng với bãi tắm tiên
tuyệt đẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình, cách bến tàu du lịch
22 km về phía Đông Nam.
Đảo Tuần Châu cách bến tàu du lịch 4 km về phía Tây
Nam. Đảo rộng 2,8km2. Trên đảo có di chỉ khảo cổ thuộc
nền văn hóa Hạ Long. Đảo hiện nổi tiếng bởi trung tâm biểu
diễn cá heo-hải cẩu-sư tử biển và trình diễn ca nhạc, thời
trang với sân khấu hiện đại, khán đài 2.000 chỗ ngồi được
thiết kế hình bán nguyệt, giàn mái che cao gần 45m, mô
phỏng vòm mái nhà hát opera Sydney. Hệ thống phòng nghỉ
với khách sạn 5 sao, khách sạn nổi, khu đô thị gồm các biệt
thự cao cấp đang được nhanh chóng xây dựng.
Đảo Ngọc Vừng là đảo đất rộng 12km2, có người ở, cách
bến tàu du lịch 34km về phía Đông. Xung quanh đảo có
nhiều bãi biển đẹp. Đảo có núi Vạn Xuân cao 182m, có di chỉ
khảo cổ thuộc văn hóa Hạ Long rộng 4.500m2, có bến cảng
cổ Cống Yên thuộc hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn từ thế
kỷ XI, có di tích thành cổ nhà Mạc và nhà Nguyễn.
Đảo Quan Lạn cách thị xã Cẩm Phả 35 km về phía Đông
Nam. Thế kỷ XI, đảo là trung tâm thương mại quốc tế sầm
uất và quan trọng nhất của Việt Nam. Trên đảo hiện còn rất
nhiều di tích lịch sử và kiến trúc giá trị như đình, miếu, chùa
nghè, bến cảng cổ. Đặc biệt, hội làng Quan Lạn diễn ra từ
ngày 11 đến 26-6 Âm lịch hàng năm có tục đua thuyền rất
vui.
Các hang động nổi tiếng
Động Thiên Cung nằm ở phía Bắc đảo Đầu Gỗ, cách cảng
tàu du lịch 4km, mới phát hiện năm 1993. Động rộng và đẹp
vào loại nhất của Hạ Long với vô vàn nhũ đá tạo thành các
hình thù kỳ dị và hấp dẫn. Động còn gắn liền với truyền
thuyết về vua Rồng của Hạ Long.
Hang Đầu Gỗ là hang động rộng, mang nét cổ kinh rêu
phong, người Pháp gọi là "động của các kỳ quan". Hang nằm
trên dãy đảo đầu gỗ, cách động Thiên Cung 300m. Trong
động còn có giếng tiên cùng vô số cảnh sắc do nhũ đá tạo
nên. Trong chuyến du hành năm 1919, vua Khải Định đã đến
thăm động và lưu lại một bia minh văn, ca ngợi cảnh đẹp của
Hạ Long. Tháng 10-1957, Bác Hồ đã tới thăm hang Đầu Gỗ.
Hang Sửng Sốt là một trong những hang động đẹp và
hoành tráng nhất trên vịnh Hạ Long. Tên hang (Sửng Sốt)
chính là tên mà những người Pháp đầu tiên đặt chân đến hang
đã không thể dùng từ ngữ nào khác để đặt cho hang này.
Hang Sửng Sốt hấp dẫn du khách bởi sự nguy nga, lộng lẫy
ví như cung điện của Vua Thủy Tề. Hang gồm 3 khu với tổng
diện tích trên 10.000 m2. Mỗi cảnh trí trong hang mang lại
cho du khách một cảm giác mới lạ, ngạc nhiên. Sửng Sốt là
một trong những hang động có giá trị khoa học cao của Vịnh
Hạ Long.
Hang Trinh nữ cách bến tàu du lịch khoảng 9 km về phía
Đông Nam. Hang gắn liền với huyền thoại về tình yêu của
một đôi trai gái dân vạn chài, vì giữ lòng chung thủy với
người yêu, người con gái đã bị tên địa chủ đày ra đảo xa.