Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

SIAM TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN THẾ KỶ XVI – XVII pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (204.26 KB, 8 trang )



79

TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012


SIAM TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC VÀ
NHẬT BẢN THẾ KỶ XVI – XVII
Lê Thị Anh Đào, Dương Thị Ánh Tuyết
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Tóm tắt. Quan hệ Siam với Trung Quốc và Nhật Bản thế kỷ XVI, XVII là hai cặp
quan hệ khá đặc biệt trong khu vực châu Á. Nếu quan hệ Siam với Trung Quốc là
mối quan hệ thần phục, Siam luôn luôn là nước chịu nhượng bộ thì trong quan hệ
với Nhật Bản, Siam khá bình đẳng hơn.
Trên cơ sở phân tích quan hệ Siam – Trung Quốc, Siam – Nhật Bản thế kỷ XVI,
XVII, bài viết bước đầu đưa ra những đối sánh về hai cặp quan hệ này. Từ đó, làm
rõ hơn nữa chính sách ngoại giao của Siam trong quan hệ với các nước lớn ở trong
khu vực cũng như vị trí, ảnh hưởng của các nước Trung Quốc, Nhật Bản ở châu Á
vào thời kỳ cận đại.

Vào thời kỳ cận đại, việc thiết lập mối quan hệ gần gũi với một nước lớn mạnh
như Trung Quốc, một nước có nền hải thương phát triển như Nhật Bản sẽ có lợi cả về
kinh tế lẫn chính trị cho các nước. Vì vậy, việc tạo dựng mối bang giao này luôn là sự
quan tâm của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Siam (Thái Lan). Có
thể nói, chính sách “thân Trung Quốc” cũng như chính sách “bình đẳng cùng có lợi với
Nhật Bản” đã được nhà nước Siam quan tâm và phát huy hiệu quả trong suốt thời kỳ
phong kiến, đặc biệt trong hai thế kỷ XVI và XVII.
1. Quan hệ Siam – Trung Quốc
Ayutthaya (Siam) (1350 – 1767) là một vương quốc hùng mạnh ở khu vực Đông


Nam Á. Trong hai thế kỷ XVI và XVII, nếu quan hệ của Siam với các nước láng giềng
ở giai đoạn này diễn ra hết sức căng thẳng trên lĩnh vực chính trị - quân sự thì mối quan
hệ của Siam với Trung Quốc, một nước lớn trong khu vực lại luôn dành được sự quan
tâm, ưu ái của giai cấp phong kiến Siam trên cả phương diện ngoại giao lẫn thương mại.
Trước thế kỷ XVI, Siam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ chính thức. Sau khi
lên ngôi hoàng đế, Chu Nguyên Chương đã gửi bản tuyên ngôn đến các nước để loan
báo về sự kiện này (1368), “nước Siam gần như là nước đầu tiên phái sứ thần tới Trung
Quốc, mặc dù vùng Tây Nam Trung Quốc cho đến năm 1382 vẫn còn nằm trong tay
Mông Cổ” [1;140]. Năm 1371, đoàn sứ thần của Siam đã đến kinh đô Nam Kinh, mang
theo tặng phẩm và cống vật rất phong phú với lời công nhận Chu Nguyên Chương là


80

Tôn chủ của nước Siam. Mối quan hệ triều cống đó đã diễn ra thường xuyên ở thời nhà
Minh và được tiếp tục ở thời nhà Thanh.
Vương quốc Siam nằm ở trung tâm bán đảo Trung Ấn, vị trí chiến lược của nó ở
khu vực Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý đặc biệt của triều đình nhà Minh. Minh sử có
ghi rằng: “Các phiên bang to nhỏ có tới 149 nước, nước Siam gần và quan trọng hơn
cả” [7;4]. Rõ ràng, không chỉ có Siam chú trọng mối quan hệ của mình với Trung Quốc,
mà nhà nước phong kiến Trung Quốc cũng rất coi trọng mối quan hệ này. Đây là một
trong những lý do giải thích mối quan hệ mật thiết của Siam với Trung Quốc suốt thời
kỳ cận đại. Đầu thế kỷ XVI, Siam vẫn tiếp tục quan hệ với Trung Quốc dưới hình thức
triều cống, phát huy hơn nữa mối quan hệ đã được định hình trước đó. Theo G. W.
Skinner thì “từ năm 1500 đến năm 1579, trong vòng 80 năm có 9 lần Ayutthaya sang
triều cống Trung Quốc” [6; tr. 6].
Bước vào thế kỷ XVII, dưới sự trị vì của vua Narai (1656 – 1688) quan hệ Siam
với Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì. “Trong 33 năm điều hành đất nước, vua Narai đã 5
lần cử phái đoàn mang đồ cống nạp dâng lên hoàng đế Trung Quốc” [6; tr. 12]. Như
vậy, Siam đã nhận thấy vị trí, sức mạnh thực sự của Trung Quốc trong khu vực, đồng

thời muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc để bảo vệ địa vị và phát triển thế lực của
mình. Do đó, về mặt quan hệ chính trị - ngoại giao, chính sách thuần phục,“thân Trung
Quốc” đã trở thành nét nổi bật trong chính sách đối ngoại của Siam thế kỷ XVI – XVII.
Mối quan hệ thuần phục, hòa hiếu giữa Siam và Trung Quốc thế kỷ XVI – XVII
không chỉ đem lại những lợi ích chính trị, mà còn đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế
cho Siam, cũng như Trung Quốc.
Từ năm 1511, khi Bồ Đào Nha chiếm Malacca và bắt đầu kiểm soát con đường
ngắn nhất từ Ấn Độ đi Trung Quốc thì Siam đã có vai trò hết sức quan trọng việc buôn
bán giữa các nước. Ngoài việc buôn bán những mặt hàng nhập khẩu từ bên ngoài, Siam
còn tiến hành trao đổi buôn bán với thương nhân Trung Quốc một khối lượng lớn các loại
hàng hóa được sản xuất ở địa phương như: thiếc, chì, diêm sinh, ngà voi, các loại gỗ quý
(tô mộc, tếch), kể cả bộ da hươu và trâu. Việc buôn bán này đã góp phần mang lại cho
ngành thương mại của vương quốc Siam ở thế kỷ XVI những nguồn thu nhập lớn.
Theo nguồn sử liệu Trung Quốc thì bấy giờ số hàng hóa mà thuyền buôn Trung
Quốc mang đến bán ở Siam đã không đáp ứng kịp nhu cầu. “Vào năm 1634, một chiếc
thuyền Trung Quốc có trụ sở ở Patani (Ayutthaya) đã chở thóc gạo và gỗ từ Ayutthaya.
Những mặt hàng trao đổi gồm có: 300 đến 400 chiếc gốm thô, 2000 thỏi chỉ vàng, 600
chiếc nồi gang lớn, 2000 chiếc khăn len, ngoài ra còn có đồ sứ, đồ sắt và sợi tơ” [2; tr.
16 – 17]. Có thể thấy rất nhiều mặt hàng Trung Quốc được ưa chuộng ở Siam lúc đó.
Đến những năm 40 của thế kỷ XVII, Trung Quốc ở vào thời kỳ chuyển giao giữa hai
triều đại Minh và Thanh, điều này khiến cho việc buôn bán của Siam với Trung Quốc
chịu ảnh hưởng ít nhiều.


81

Vương quốc Siam nói riêng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung
đã có mối quan hệ thương mại thường xuyên, truyền thống của Trung Quốc. Trong
nhiều thập kỷ, Siam là một trong những nước ở Đông Nam Á tích cực trong việc quan
hệ thương mại với Trung Quốc. Quan hệ thương mại của Siam với Trung Quốc đã tiếp

tục phát triển vào những năm cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX dưới thời kỳ 3
vị vua đầu của triều đại Rama. Tuy nhiên, trong quan hệ với Trung Quốc trên mọi
phương diện, Siam luôn biết cách tranh thủ sự ủng hộ từ phía chính quyền Trung Quốc,
nhún nhường, thuần phục để tạo ra một ưu thế cho riêng mình. Bởi lẽ không đơn giản
khi Trung Quốc luôn nuôi dưỡng tư tưởng bành trướng và vị trí chiến lược của Siam
cũng rất quan trọng trong khu vực.
2. Quan hệ Siam – Nhật Bản
Khác với một số nước trong khu vực, quan hệ Siam – Nhật Bản được xây dựng
trên cơ sở sự gắn kết chặt chẽ của đồng thời ba nhân tố: ngoại giao, thương mại và hoạt
động quân sự trong suốt thời kỳ Siam nhất là trong hai thế kỷ XVI - XVII.
Vào thế kỷ XV – XVI, mặc dù cuộc chiến tranh đoạt quyền lực và đất đai giữa
các lãnh chúa đang diễn ra hết sức quyết liệt nhưng kinh tế Nhật Bản vẫn có nhiều bước
phát triển rõ rệt. Vào thời gian này, cùng với việc tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền
thống với Trung Quốc và Triều Tiên thì Ryukyu (một bộ phận thuộc lãnh thổ Nhật Bản)
còn mở rộng quan hệ đến một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có vương quốc Siam.
Sau khi Bồ Đào Nha chiếm Malacca (1511), do bị các tàu buôn phương Tây cạnh trạnh
và uy hiếp bằng vũ lực, hoạt động buôn bán của Ryukyu bị suy giảm nhanh chóng, và
“sau chuyến đi cuối cùng đến Siam năm 1570, mọi liên hệ giữa Ryukyu với Đông Nam
Á căn bản cũng chấm dứt” [4; tr. 107].
Sau một thời gian gián đoạn, đến thời vua Naresuen (1590 – 1605) quan hệ Siam
– Nhật Bản lại được khôi phục. Vua Naresuen sau khi giành được quyền độc lập thực sự
về chính trị đã phát triển các mối bang giao với các quốc gia trong khu vực. Quan hệ
ngoại giao giữa Siam và Nhật Bản được chính thức xác lập dưới thời vua Agathorasot
(1605 – 1609) và ở Nhật Bản đó là thời kỳ cầm quyền của tướng quân Tokugawa Ieyasu
(1542 – 1616).
Dưới thời Prasart Thong (1629 – 1656), nền kinh tế Siam rất phát triển, nhất là
ngoại thương. Trong lĩnh vực đối ngoại, chính sách của Prasart Thong cơ bản là từ chối các
cuộc chiến tranh làm kiệt quệ đất nước, ngăn cản sự phát triển nền thương mại của Siam.
Ngay trong những năm cầm quyền, ông đã gửi các sứ đoàn của mình với những đề nghị hòa
bình tới Nhật Bản, Indonesia…

Như vậy, trong hai thế kỷ XVI – XVII, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Siam
– Nhật Bản luôn diễn ra tốt đẹp. Đây là mối quan hệ bình đẳng đôi bên cùng có lợi. Về
phía Siam, các triều đại Siam đã luôn tỏ thái độ tích cực, sự thiện chí trong quan hệ với
Nhật Bản, nhằm tăng cường các mối quan hệ khác với vương quốc biển này, nhất là


82

hoạt động thương mại. Về phía Nhật Bản, tuy nội bộ Nhật Bản lúc này có nhiều “vấn
đề” nhưng trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, nhất là Siam, Nhật Bản đã luôn cố
gắng duy trì tốt đẹp. Từ quan hệ chính trị tốt đẹp dẫn đến sự tăng cường hơn nữa giữa
Siam và Nhật Bản trong quan hệ thương mại trong thế kỷ XVI – XVII.
Trên cơ sở kinh nghiệm và hệ thống thương mại của thương nhân Ryukyu trước đây,
các thương gia Nhật Bản đã đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với Siam. Với chủ trương đối
ngoại tương đối rộng mở, những năm cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, thuyền buôn
Nhật Bản ngày càng xuất hiện nhiều ở Đông Nam Á. Tại Siam, các thương gia Nhật
Bản đã lập cơ sở buôn bán của mình ở Ayutthaya và Patani. Về phần mình, triều đình
Siam ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng trong quan hệ với Nhật Bản: “Năm
1599, một đoàn ngoại giao đã được cử đến Nhật Bản để thiết lập quan hệ thương mại.
Ba năm sau, một phái đoàn bộ ngoại giao khác lại được cử đến Edo” [3; tr. 211 – 212].
Năm 1621, triều đình Siam đã phái đại diện ngoại giao mang quốc thư và cống phẩm
đến Edo, nội dung bức thư khẳng định: “triều đình Siam sẵn sàng tạo những điều kiện
thuận lợi nhất cho thương nhân Nhật Bản đến buôn bán” [3; tr. 213].
Trong thời gian 1633 – 1636, chính quyền Edo từng bước tiến hành chính sách
đóng cửa. Tuy nhiên, quan hệ giữa Nhật Bản và Siam vẫn được duy trì. Mặc dù các
Shuinsen không được phép đi ra nước ngoài nhưng thuyền buôn Trung Quốc, Hà Lan…
vẫn có thể thông thương với Nhật Bản. Do nằm ngoài trọng tâm của chính sách tỏa quốc
nên khi nguồn hàng nhập trực tiếp từ Nhật Bản bị đình trệ, Siam đã chủ động cử nhiều
đoàn thương thuyền đến Nagasaki, “trong vòng 53 năm (1647 – 1700), có tổng cộng
130 thuyền buôn của Siam đến Nhật Bản” [3; tr. 217]. Như vậy, bình quân mỗi năm có

hơn 2 thuyền buôn đến Nhật Bản của Siam. So với các quốc gia Đông Nam Á khác thì
“sự xuất hiện thường xuyên các thuyền buôn Siam ở Nhật Bản trong thời kỳ tỏa quốc có
thể coi là một hiện tượng dị biệt. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Nhật Bản
cũng như bản tính chủ động của chính quyền và thương nhân Thái” [3; tr. 217].
Sau khi Nhật Bản thực hiện chính sách đóng cửa, quan hệ thương mại giữa Siam
và Nhật Bản giảm so với trước. Đến cuối thế kỷ XVII, tình hình trong nước tương đối
ổn định, Mạc phủ Edo đã phần nào nới lỏng chính sách tỏa quốc và cho phép một số
thương thuyền các nước đến buôn bán. Trong đó có vương quốc Siam, “thuyền buôn
của Siam đã đến Nhật Bản sáu lần vào các năm: 1680, 1687, 1693, 1716, 1718 và
1745” [3; tr. 223]. Siam thường bán, trao đổi với Nhật Bản các mặt hàng như da động
vật, gỗ quý, chì, thiếc, sừng tê giác, tổ yến… chủ yếu dựa vào việc khai thác tiềm năng
của tự nhiên; những mặt hàng mà thương nhân Nhật Bản bán ở Siam chủ yếu là bạc,
đồng, sắt, lưu huỳnh và một số sản phẩm thủ công.
Quan hệ Siam – Nhật Bản thế kỷ XVI – XVII là sự kết hợp chặt chẽ đồng
thời 3 yếu tố: ngoại giao, thương mại và hoạt động quân sự. Đây là điểm đặc biệt
trong lịch sử Siam thời trung đại mà ở quốc gia Đông Nam Á khác cùng thời không
có. Thời gian đầu ở Siam, thương nhân Nhật Bản chưa thực sự có “chỗ đứng” nhưng


83

“nhờ có những ảnh hưởng về quân sự mà Nhật Bản đã từng bước xác lập được vị trí
của mình ở Siam” [3; tr. 211].
Dưới thời vua Song Tham (1620 – 1628), các binh sĩ Nhật Bản đã gây nên một
vụ náo loạn ở kinh đô. Mặc dù đã có sự nổi dậy của người Nhật ở Siam chống lại triều
đình Siam vào đầu thế kỷ XVII, nhưng chỉ là một vài mâu thuẫn nhỏ của một nhóm
người Nhật chứ chưa phải là một mâu thuẫn lớn giữa chính quyền hai nước Siam – Nhật
Bản, nên không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Siam – Nhật Bản. Biểu hiện rõ nhất của
quan hệ Siam – Nhật Bản về hoạt động quân sự là sự liên minh Siam – Nhật chống Tây
Ban Nha năm 1624. Năm 1624, xuất phát từ mâu thuẫn trong buôn bán, “thuyền buôn

Tây Ban Nha gồm 200 người do thuyền trưởng Don Fernando De Silva đã bị liên quân
Siam – Nhật tấn công” [3; tr. 214].
Như vậy, trên cơ sở kế thừa mối quan hệ truyền thống trước đó, đến thế kỷ XVI
– XVII, quan hệ Siam – Trung Quốc, Siam – Nhật Bản đã phát triển hơn so với trước.
Trong quan hệ Siam – Trung Quốc, Siam đã kế thừa và phát huy chính sách thân Trung
Quốc từ thời Sukhothay. Dưới thời nhà Minh cũng như nhà Thanh, Siam đã luôn sang
Trung Quốc triều cống để tỏ lòng thần phục Thiên triều. Kết quả là Siam đã nhận được
sự ưu ái của các vương triều Trung Quốc về chính trị, ngoại giao cũng như thương mại.
Không giống như Trung Quốc, quan hệ giữa Siam và Nhật Bản tỏ ra bình đẳng hơn
“giữa hai quốc gia có chủ quyền”. Mặc dù đan xen nhiều yếu tố và chịu nhiều áp lực từ
các nước tư bản phương Tây, nhưng quan hệ Siam – Nhật Bản thời kỳ này vẫn đạt được
“sự thân thiện vừa đủ” để cả hai quốc gia có thể phát triển kinh tế đối ngoại của mình.
3. Những đối sánh về quan hệ Siam -Trung Quốc, Siam - Nhật Bản thế kỷ XVI – XVII
Quan hệ Siam với hai nước lớn trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản thể hiện
rõ những điểm tương đồng và khác biệt. Điểm tương đồng cơ bản ở đây là:
Thứ nhất, tính tích cực, chủ động của Siam trong quan hệ với Trung Quốc và
Nhật Bản. Đối với Trung Quốc, đây là đối tượng chủ yếu của Siam trong việc phát triển
ngoại giao và ngoại thương. Khi Chu Nguyên Chương (1368 – 1398) sáng lập ra triều
đại mới – triều Minh, bắt đầu gửi tới các nước láng giềng những tuyên bố thông báo về
sự kiện này thì nước Siam gần như là nước đầu tiên phái sứ thần tới. Điều này còn biểu
hiện ở sự duy trì việc gửi các đoàn sứ thần sang Trung Quốc từ đầu thế kỷ XVI của
Siam. Đối với Nhật Bản, cứ sau mỗi lần Nhật Bản cử đoàn đến Siam thì Siam đã phản
hồi một cách tích cực. Đến thời Prasart Thong (1629 – 1656), quan hệ Siam – Nhật Bản
đã được nâng lên một mức cao hơn, bởi Prasart Thong luôn chủ trương “hòa bình và
hữu nghị” với Nhật Bản. Trước đó, dưới thời vua Song Tham (1620 – 1628), các binh sĩ
Nhật Bản ở Siam đã gây nên các vụ náo loạn ở kinh đô, nhưng năm 1621 vua Song
Tham vẫn cử đại diện ngoại giao mang quốc thư và cống phẩm đến Edo và nhắn gửi
thông điệp rằng triều đình Siam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân
Nhật Bản.



84

Thứ hai, sự ảnh hưởng của các nước tư bản phương Tây đến quan hệ Siam –
Trung Quốc, Siam – Nhật Bản. Từ thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm nhập
mạnh mẽ vào khu vực Đông Nam Á, “cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, Ayuthaya đã tiếp
đón những sứ giả đầu tiên của châu Âu và đã ký một hiệp ước đầu tiên với người Bồ
Đào Nha” [5; tr. 35]. Sự kinh doanh buôn bán sầm uất của Hoa thương và Nhật thương
trên nhiều lĩnh vực ở Siam đã trở thành đối thủ cạnh tranh với các nước phương Tây. Vì
thế, các nước phương Tây đã tìm cách hạn chế sự hoạt động của Hoa thương, Nhật
thương ở Siam: người Tây Ban Nha đã cướp phá thuyền buôn của Trung Quốc trên mặt
biển vào năm 1639, thương nhân Anh và Hà Lan cũng tìm cách hạn chế thương nhân
người Hoa tại Siam. Bằng cả kinh nghiệm, tiền vốn và sức mạnh quân sự, các thương
nhân phương Tây đã nhanh chóng chiếm lĩnh những địa điểm buôn bán và phòng thủ
mang tính chiến lược ở Đông Nam Á như Malacca, Manila, Singapore… Trước những
ảnh hưởng của người phương Tây, Trung Quốc và Nhật Bản tuy vẫn duy trì được hoạt
động buôn bán với Siam nhưng đã giảm hẳn so với trước. Trong một số trường hợp,
thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản chỉ còn đóng vai trò trung gian trong việc môi
giới giữa các nước phương Tây với cư dân Đông Nam Á, trong đó có Siam.
Thứ ba, vai trò của Hoa kiều, Nhật kiều. Hoa kiều đóng vai trò là những người
trung gian, giúp Hoa thương chính quốc vận chuyển, thu gom và tìm nguồn cung cấp
cũng như tiêu thụ hàng hóa trong mỗi mùa mậu dịch ở Siam. Mặt khác, sự tồn tại của
cộng đồng người Hoa ở Siam từ trước thế kỷ XVI cùng với những ảnh hưởng ngày càng
lớn của họ trong xã hội Siam đã trở thành những thế lực cạnh tranh mạnh mẽ đối với
các nước phương Tây có mặt tại đây. Hay nói cách khác, sự lớn mạnh cũng như suy yếu
của cộng đồng người Hoa ở Siam đã có những tác động to lớn đối với hoạt động thương
mại của Trung Quốc nơi đây.
Ngoài ra, một số Nhật kiều phục vụ trong vương triều Ayuthaya – võ sĩ đạo, còn
có vai trò quân sự. Với tư cách là người bảo vệ vương triều Ayuthaya, binh sĩ Nhật ở
đây đã có tác động tích cực đến quan hệ giữa Siam và Nhật Bản thời kì này, điển hình là

Nhật kiều Yamada Nagamasa vừa là người đứng đầu lực lượng quân đội Nhật Bản ở
Ayutthaya, đồng thời cũng là người lãnh đạo cộng đồng Nhật kiều ở Siam và điều hành
toàn bộ mạng lưới kinh tế thương mại của Nhật Bản ở Siam.
Bên cạnh những nét tương đồng, giống nhau thì trong hai cặp quan hệ này cũng
có những điểm khác biệt căn bản.
Đó là tính phụ thuộc của Siam trong quan hệ với Trung Quốc và sự bình đẳng
của Siam trong quan hệ với Nhật Bản. Trong quan hệ với Trung Quốc từ thế kỷ XVI
đến thế kỷ XVII, Siam luôn chủ trương chính sách “thân Trung Quốc” dưới hình thức
triều cống. Mối quan hệ triều cống của Siam với Trung Quốc diễn ra thường xuyên ở
thời kỳ nhà Minh và sau đó là nhà Thanh. Sự thần phục Trung Quốc của Siam trong hai
thế kỷ XVI – XVII là do hai phía. Về phía Trung Quốc, với tư tưởng xem mình là trung
tâm của thiên hạ nên Trung Quốc luôn xem các nước trong khu vực là chư hầu, trong đó


85

có các quốc gia Đông Nam Á. Nghĩa là không có quan hệ chính thức bình đẳng ở đây,
mà “việc trao đổi hàng hóa với các nước Đông Nam Á là nghi thức nhận vật cống nạp
và ban tặng do bộ Lễ của Trung Quốc đảm trách” [8; tr. 56]. Về phía Siam, sở dĩ chủ
trương thần phục Trung Quốc thời kỳ này bởi các nhà vua thời Ayutthaya luôn ý thức
được vị thế của họ trong khu vực. Trung Quốc bấy giờ là một quốc gia hùng mạnh,
đồng thời sẵn sàng “răn đe” nước nào có ý định chống đối. Hơn nữa, hòa hiếu, thần
phục với một nước hùng mạnh trong khu vực như Trung Quốc sẽ góp phần tăng cường
vị thế của Siam so với các nước láng giềng. Thêm vào đó, việc bành trướng ra các nước
láng giềng của Siam cũng sẽ không bị Trung Quốc cản trở. Và hơn hết, hòa hiếu với
Trung Quốc sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ hàng hóa đầy tiềm năng.
Nếu quan hệ giữa Siam với Trung Quốc là mối quan hệ phụ thuộc, triều cống,
thì Siam và Nhật Bản lại có mối quan hệ bình đẳng hơn. Với chính sách chú trọng
phát triển thương nghiệp, nhất là ngoại thương cùng với một thiết chế chính trị hướng
tới hòa bình, ổn định của Nhật Bản cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, quan hệ giữa

Nhật Bản với Siam và các nước khác ở châu Á thời kỳ này khá thân thiện, bình đẳng.
Tuy vậy, mối quan hệ này không đơn thuần như quan hệ giữa Siam với Trung Quốc
mà có sự phức tạp. Có thể nói, yếu tố thương mại, quân sự và ngoại giao luôn xoắn
kết nhau trong qua hệ Siam – Nhật Bản thế kỷ XVI – XVII. Điều này do cả nguyên
nhân chủ quan và khách quan tạo nên, và ba yếu tố đó đã hỗ trợ nhau, tác động lẫn
nhau làm cho quan hệ giữa Siam và Nhật Bản thời kỳ này không giống với bất kỳ
quốc gia nào trong khu vực.
Chính sách ngoại giao của vương quốc Siam trong thời kỳ cận đại là chính sách
khá đặc biệt. Sự năng động, khéo léo, linh hoạt và tinh tế của người Thái đã đưa đến
không ít những thành công cho họ, đặc biệt là trong quan hệ với các nước lớn. Siam
trong mối quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản thế kỷ XVI – XVII bên cạnh những
điểm tương đồng là những điểm dị biệt. Sự tương đồng và dị biệt ấy do nhiều nguyên
nhân, nhưng trong đó quan trọng là chính sách đối ngoại của Siam đối với Trung Quốc
và Nhật Bản, một chính sách rất khôn khéo, lối ứng xử khá sắc bén của Siam để phù
hợp với tình hình bấy giờ. Hơn thế nữa, Siam sẽ tránh được sự khống chế, áp lực từ bên
ngoài và nâng cao vị thế của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. E. O. Becdin, Lịch sử Thái Lan, Nxb. khoa học Moscow (bản dịch của Đinh Ngọc Bảo,
Nguyễn Thị Thu, Hoài Anh), Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội, 1973.
2. Nhữ Điền Khang, Vai trò của thuyền buôn Trung Quốc tròn việc vận chuyển đường
biển và trong thương nghiệp ở Đông Nam Á từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Viện Thông
tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
3. Nguyễn Văn Kim, Nhật Bản với châu Á với mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế
xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2003.


86

4. Nguyễn Văn Kim, Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV – XVII, Nxb. Đại
học Quốc gia Hà Nội, 2003.

5. Vũ Dương Ninh, Lịch sử vương quốc Thái Lan, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1994.
6. G.Willam Skynner, Chinese Society in ThaiLand, Corwell University Press, 1962.
7. Thế Tăng, Thái Lan trong mưu đồ bành trướng của Trung Hoa, Ban Đông Nam Á, Hà
Nội, 1980.
8. Lê Thanh Thủy, Tiếp xúc và hội nhập ở Đông Nam Á từ thế kỷ XVI đến XIX, Tạp chí
Nghiên cứu Đông Nam Á, số 89, (2007), 54 – 63.


SIAM’S RELATIONSHIP WITH CHINA AND JAPAN IN THE
16
TH
AND 17
TH
CENTURIES
Le Thi Anh Dao, Duong Thi Anh Tuyet
College of Sciences, Hue University

Abstract. Siam’s relationship beween and Siam and Chiana in the 16
th
and 17
th

centuries were rather special in Asia. To China, Siam was a concessional country
but it showed much equality to Japan.
Based on the analysis of the relationship beween Siam and China, Siam and Japan
in the 16
th
and 17
th
centuries, the article gave the initial comparison of these

relationships from which to clarify Siam’s foreign policy in the relationship with
big countries in the area as well as the position and the impact of China and japan
in Asia in the modern time.

×