Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ những việc nhỏ nhất
- Lâu nay trong việc giáo dục trẻ em, chúng ta vẫn nghe thấy nói đến cụm từ
“kỹ năng sống”. Thực chất của kỹ năng sống chính là giáo dục cho trẻ những
việc hàng ngày để chuẩn bị cho cuộc sống tự lập sau này.
>> Bàn thêm về tín ngưỡng thờ Mẫu
Học sinh trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) trong giờ học ngoài giờ về kỹ
năng quản lý tiền bạc (ảnh minh họa: Hoài Nam)
Trước khi có vài ý kiến trao đổi, xin trích lời tâm sự của một phụ huynh như sau:
“Một hôm ở nhà, tôi nhờ con tôi (học lớp 4) quét nhà. Cháu trả lời tôi rất vô tư: “Ở
lớp có bao giờ bọn con phải quét lớp đâu mà ba bắt con quét nhà?”…. Sau đó, tôi
có đi hỏi môt số giáo viên xung quanh thì được biết việc trực nhật lớp hàng ngày
của các cháu đã bỏ lâu rồi và bây giờ giao cho bác lao công trực luôn.
Có thể tôi là người bảo thủ, nhưng tôi xin trình bày ý của bản thân như sau: Việc
các cháu tự cầm chổi trực nhật ở lớp rất có ích, vì đó cũng là cách rèn luyện cho
các cháu biết tham gia lao động. Các cháu có quét lớp thì mới biết mệt nhọc, biết
nhắc nhở các bạn khác không được xả rác lung tung để giữ gìn vệ sinh chung. Khi
về nhà các cháu mới biết thương cha mẹ làm việc vất vả, để làm những việc nhỏ
một cách tự giác.
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” - Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã
dạy thế và điều đó được nhấn mạnh ở một trong 5 điều Bác dạy. Chuyện của tôi có
thể nhỏ nhưng tôi tin là không nhỏ vì đây chỉ là thể hiện một thực tế khác lớn hơn
hiện nay: trong nhiều gia đình, các cháu nhỏ hầu như không phải làm gì cả, ngoài
việc học. Đến trường cũng vậy.
Trong khi chúng ta đang cho rằng phải dạy thế hệ trẻ hôm nay kỹ năng sống. Hoàn
toàn đúng, nhưng đừng xem kỹ năng sống là cái gì đó quá cao siêu. Và tôi chỉ xin
đề nghị: kỹ năng sống bắt đầy từ nhưng việc nhỏ nhất, gần gũi nhất trong gia đình
và trong trường học: quét dọn nhà cửa, lớp, bàn ghế, sân trường” - (theo báo Giáo
dục và Thời đại).
Qua lời tâm sự của bậc phụ huynh này, chúng ta không khỏi suy nghĩ. Vậy cần
giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bắt đầu từ đâu? Xin thưa, phải bắt đầu từ việc nhỏ
nhất. Những việc ấy có thể chỉ là tự phục vụ bản thân.
Nói thì nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại là sự thật. Trẻ em ngày nay hầu như
không biết tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt đời thường. Mỗi gia đình chỉ có 1
hoặc 2 con, mà thường thì bố mẹ ngày xưa đã từng sống vất vả nên muốn cho con
sung sướng hơn mình, vì vậy thường thuê người giúp việc. Thế là các em không
những không phải làm việc nhà, mà còn không phải làm cả việc tự phục vụ bản
thân như giặt giũ, tắm rửa, thậm chí tự xúc cơm ăn
Thế hệ chúng ta ngày trước đi học về còn phải nấu cơm, trông em, làm các việc
vặt, thậm chí còn giúp bố mẹ làm thêm những việc nhỏ để tăng phần nào thu nhập
cho gia đình.
Tất nhiên các em sẽ nghĩ rằng bây giờ chỉ học và phấn đấu sao cho vào được đại
học, còn những việc khác “đã có người giúp việc lo”. Bố mẹ nào đã tạo cho các em
suy nghĩ như vậy, thật là sai lầm.
Vậy thì cần có giải pháp nào? Trước hết, đừng nên là “ô sin” của con: Có những bà
mẹ khi con ăn xong, lẽ ra phải nhắc con dọn dẹp bát đũa thì đã làm thay con việc
ấy. Lâu dần trẻ thành ỉ lại, lười lao động. Cần phải ý thức được cho trẻ rằng mọi
nhu cầu cá nhân như tắm giặt, ăn uống, gấp chăn màn, xếp dọn phòng ở của mình
phải do các em tự làm. Trẻ phải tự biết phục vụ chăm sóc bản thân. Thậm chí học
hỏi ở người giúp việc những công việc bếp núc, nữ công gia chánh hay thu vén sắp
xếp trong nhà. Để sau này khi lớn lên, sẽ không gặp khó khăn trong việc tự tổ chức
cuộc sống riêng cho mình.
Cha mẹ cũng nên quy định rõ những việc nào trẻ cần tự làm (thường là những việc
liên quan đến sinh hoạt cá nhân), bởi những việc này không ảnh hưởng gì đến sức
khoẻ của trẻ, mà ngược lại rèn cho các em nhiều kỹ năng, đức tính tốt.
Cần rèn luyện con ý thức tự giác lao động mà trước hết là ý thức giúp đỡ người lớn
làm việc nhà. Trẻ cần biết làm các việc vặt như quét nhà, rửa ấm chén, nấu cơm và
chế biến một số món đơn giản dễ làm. Cốt sao khi bố mẹ vắng nhà, trẻ có thể tự
cơm nước, phục vụ được bản thân. Nên cho trẻ biết rằng học trong sách vở chưa đủ
mà còn phải biết “hành”. Muốn vậy phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, mà bước
đầu tiên là tự phục vụ mình khi không có người lớn ở bên.
Ngoài ra, bố mẹ cần giáo dục cho con về đường ăn ý ở, cách tiếp khách khi người
lớn vắng nhà; cách thưa gửi với người hơn tuổi, cách trả lời điện thoại, cách pha
trà, cắm hoa, trang trí nhà cửa…Trẻ cũng cần học cách bảo vệ mình và em nhỏ,
người thân, ứng xử thế nào khi có sự cố xảy ra (như chập điện, cháy nổ, kể cả khi
bị bắt nạt…)
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà còn ở bố
mẹ, người thân. Làm sao để trẻ lớn lên trở thành người tự lập, tự chủ trong mọi
tình huống. Đó là cái đích mà người lớn chúng ta hướng tới. Muốn vậy phải có sư
kết hợp chặt chẽ giữa các môi trường giáo dục mà gia đình, nhà trường và xã hội
phải giữ thế vững chắc của “kiềng ba chân”.
Và giáo dục kỹ năng sống không phải là cái gì cao siêu xa vời. Hãy bắt đầu cho các
em làm quen với cuộc sống từ những việc nhỏ nhất hàng ngày.