Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Báo cáo "BÀN THÊM VỀ CẤU TRÚC THÔNG BÁO CỦA CÂU TIẾNG VIỆT " doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (228.86 KB, 11 trang )

BÀN THÊM VỀ CẤU TRÚC THÔNG BÁO
CỦA CÂU TIẾNG VIỆT
(*)

Nguyễn Hồng Cổn

Bên cạnh sự phân đoạn câu về mặt ngữ pháp thuờng được miêu tả bằng lí thuyết
thành phân câu, mấy chục năm gần đây các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến sự phân
đoạn câu theo quan điểm thông tin thực tại hay quan điểm thông báo. Khởi đầu cho
những khám phá theo huớng này là V. Mathesius và nhiều học giả khác của nhóm ngôn
ngữ học Praha, mà những nghiên cứu của họ thuờng được gặp dưới cái tên lí thuyết phân
đoạn thực tại của câu. Xét trong mối quan hệ với thông tin người nói định truyền đạt và
người nghe muốn tiếp nhận, cấu trúc câu được phân chia thành hai phần là đề (Theme,
Topic) và thuyết (Rheme, Comment), trong đó đề là bộ phận biểu thị “cái đã biết” hay
“thông tin cũ”còn thuyết biểu thị “cái chưa biết” hay là “thông tin mới. Sự phân đoạn cấu
trúc thông tin thực tại của câu thành đề-thuyết theo tiêu chí “cũ - mới” này được phân
biệt với sự phân đoạn cấu trúc cú pháp của câu thành chủ ngữ -vị ngữ dựa trên các tiêu
chí hình thức và/hoặc ngữ nghĩa. Tư tưởng của Mathesius và nhóm ngôn ngữ học Praha
về sự phân đoạn cấu trúc thực tại của câu đã được một số nhà nghiên cứu tiếp thu và phát
triển theo những huớng khác nhau. Trong khi một số tác giả tiếp tục duy trì cách phân
đoạn đề -thuyết theo tiêu chí “cũ- mới” truyền thống (Alisova 1971, Li & Thomson 1976,
81) hoặc mở rộng hơn theo tiêu chí coi đề là “cái được nói đến” còn thuyết là bộ phận
“thuyết minh” cho đề (Danes 1967, Halliday 1970, Sgall 1975), thì một số nhà nghiên
cứu khác lại đi chệch khỏi sự phân chia luỡng phân này. Chẳng hạn, J Firbas (1966) đưa
ra cách phân đoạn tam phân là đề -chuyển đề -thuyết, trong đó chuyển đề là bộ phận.
S.Dik (1981) phân biệt vị thế thông tin của các thành tố câu ở cấp độ dụng học (trong sự
khu biệt với các cấp độ kết học và nghĩa học) bằng bốn chức năng dụng học; khởi đề, kết
đề (nằm ngoài nóng cốt) và chủ đề, tiêu điểm (nằm trong nòng cốt). Điều đáng lưu ý
trong quan điểm của Dik là tác giả không cho rằng các chức năng dụng học phải tác động
đến sự phân đoạn luỡng phân hình thức câu theo kiểu “nếu chúng ta gắn một chức năng
dụng học nào đó cho một thành tố bất kỳ của câu, thì toàn bộ phần còn lại của câu nhất


thiết cũng phải có một chức năng dụng học khác” (Dik 1981: 130), đồng thời tác giả nhấn
mạnh đến vai trò của tiêu điểm (Focus) với tư cách là trọng tâm thông báo của câu. Khác
với các tác giả trên, Dooley (1982) cho rằng phần duy nhất bắt buộc phải có trong câu là
hạt nhân dụng pháp, tức là một cái lõi “mang thông báo quan trọng nhất”, có “tác dụng
cơ bản nhất đối với lực ngôn trung”, còn phần còn lại xung quanh chỉ là một cái khung
mà nội dung là một tiền giả định được chia sẻ giữa người nói và người nghe. Như vậy,
với R. Dooley cấu trúc câu xét theo quan điểm thông báo là cấu trúc một trung tâm với
cốt lõi là hạt nhân dụng pháp hay hạt nhân thông báo (dẫn theo C.X.Hạo 1991: 40).
Trong Việt ngữ học, Panfilov (1980) là người đầu tiên áp dụng cách phân đoạn
thực tại câu tiếng Việt theo tiêu chí luỡng phân “cũ - mới” và mô tả khá chi tiết các kiểu
phân đoạn thực tại khác nhau của chúng qua bài báo “Sự phân đoạn thực tại của câu
trong tiếng Việt” (1980: 114). Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng, xét theo sự phân đoạn
thông báo, cấu trúc câu được chia thành hai phần rõ rệt là “phần nêu (cái mà người đọc
đã biết hoặc giả định đã biết) và phần báo (cái mới, thông báo về phần nêu)”, và phân biệt
chúng với cặp đề-thuyết ở bình diện ngữ pháp: “ nêu - báo là sự phân đoạn thông báo,
được áp dụng cho từng phát ngôn cụ thể trong vị trí thực tại của nó ở một văn bản cụ thể;
còn đề - thuyết là sự phân đoạn cấu trúc với các mô hình cấu trúc áp dụng cho từng loạt
phát ngôn” (1985: 58 - 60). Lý Toàn Thắng (1981) và Diệp quang Ban (1989) cũng vận
dụng sự đối lập luỡng phân (đề -thuyết) của lí thuyết phân đoạn thực tại để phân tích cấu
trúc phân đoạn thực tại của câu tiếng Việt nhưng nghiêng theo tiêu chí mở rộng coi đề là
“cái được nói đến” hay là “phần được giải thích” còn thuyết là cái “nói về chủ đề” hay
“giải thích cho chủ đề”. Tuy nhiên, giữa hai tác giả cũng có điểm khác biệt. Theo Lí
Toàn Thắng, chủ đề (thuật ngữ Lý Toàn Thắng dùng để chỉ phần đề) có thể đứng trước
hoặc sau thuật đề (phần thuyết) và trât tự đó có thể trùng hay không trùng hợp với trật tự
của chủ ngữ, vị ngữ: Nếu câu hai thành phần có trật tự xuôi chủ ngữ-vị ngữ được phát âm
với ngữ điệu bình thuờng, thì chủ đề trùng với chủ ngữ, thuật đề trùng với vị ngữ, và câu
có trật tự khách quan. Còn nếu chủ ngữ đuợc nhấn mạnh bằng một trọng âm lô gích thì
thuật đề lại rơi vào chủ ngữ, chủ đề trùng với vị ngữ, và câu có trât tự chủ quan (1981:
51). Trái lại, Diệp Quang Ban lại cho rằng trong cấu trúc phân đoạn thực tại của câu
“phần đề luôn luôn đứng trước phần thuyết” và “trong câu đơn hai thành phần với trật tự

chủ ngữ- vị ngữ , chủ ngữ sẽ là phần đề, vị ngữ sẽ là phần thuyết” (1989: 31). Mặc dù về
mặt lí thuyết các tác giả theo cách tiếp cận luỡng phân này chủ trương khu biệt sự phân
đoạn thực tại (đề -thuyết hay nêu báo) với phân đoạn ngữ pháp (chủ -vị) nhưng trên thực
tế việc phân định và xác lập mối tương liên giữa các chức năng của hai bình diện này rất
phức tạp bởi vì tiếng Việt không có các dấu hiệu hình thức thoả đáng nào cho phép phân
biệt rạch ròi các cấu trúc luỡng phân của hai bình diện.
Phê phán cách tiếp cận trên đây, Cao Xuân Hạo (1991) cho rằng việc đồng nhất
cấu trúc đề-thuyết với cấu trúc thông báo “may ra chỉ có thể chấp nhận được cho những
ngôn ngữ quy chế hóa sự khác biệt giữa đề và chủ ngữ nhưng lại không có sự phân biệt
giữa đề và cái cho sẵn”, còn “trong các ngôn ngữ mà cấu trúc cú pháp cơ bản của câu
trực tiếp phản ánh cấu trúc lô gích ngôn từ (như tiếng Hán và tiếng Việt - tôi chú thích
thêm: NHC), cấu trúc thông báo và cấu trúc đề -thuyết phân biệt nhau rất rõ”. Cấu trúc
đề - thuyết với tư cách là cấu trúc cú pháp của câu, luôn “chia hết câu thành hai phần”,
trong khi “thông tin mới” có thể hết cả câu, một phần bất kỳ (đôi khi một từ làm bổ ngữ
hay định ngữ) hoặc hai phần cách nhau trong câu (chẳng hạn như khi trả lời một câu hỏi
như “ai đánh ai”?). Cụ thể hơn, theo Cao Xuân Hạo cấu trúc thông báo của câu chỉ có
một “trọng tâm thông báo’ hay là “tiêu điểm” biểu thị thông tin mới, được đánh dấu bằng
trọng âm cường điệu (Cao Xuân Hạo 1991: 60-61). Quan điểm này của Cao Xuân Hạo
được Lưu Vân Lăng, một nhà Việt ngữ học từ lâu chủ trương phân tích phân tích cấu trúc
cú pháp của câu thành đề thuyết, tán đồng và chia sẻ. Theo Lưu Vân Lăng (1994) “cần
phân biệt phân tích ngữ pháp với phân tích thông tin mới. Phân tích đề -thuyết là phân
tích ngữ pháp, cú pháp. ở đây xét chung nhiều mặt, cả hình thức cấu trúc lẩn nội dung
chức năng, ngữ nghĩa ( ). Trong phân tích thông tin mới, chỉ cần nói rõ trọng tâm thông
báo. Tuỳ trường hợp trả lời câu hỏi, tiêu điểm thông báo có thể ở bất kỳ thành tố nào
trong câu, có khi chỉ là một bộ phận phụ, có khi cả câu” (1994: 32).
So với cách tiếp cận luỡng phân, quan niệm của Cao Xuân Hạo và Lưu Vân Lăng về cấu
trúc thông báo của câu tiếng Việt với một trung tâm là tiêu điểm hay trọng tâm thông báo
quả thật “làm cho việc phân tích câu tránh được nhiều phức tạp rắc rối” (Lưu Vân Lăng
1992: 32), và điều quan trọng hơn là nó cho phép phân định được một cách rạch ròi cấu
trúc thông với cấu trúc cú pháp và cấu trúc ngữ nghĩa của câu, nhất là đối với một ngôn

ngữ thiếu vắng các phuơng tiện hình thái học như tiếng Việt. Tuy nhiên, cả hai tác giả
chưa thực sự tiến hành nghiên cứu cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt một cách tỉ mỉ
và hệ thống. Những khái niệm cơ bản như cấu trúc thông báo, tiêu điểm thông báo mới
chỉ được trình bày một cách sơ lược. Hơn nữa, nhiều vấn đề có liên quan chưa được các
tác giả đề cập đến như: chức năng, phạm vi hoạt động của các loại tiêu điểm khác nhau,
và tương ứng là các kiểu cấu trúc thông báo của câu, vv. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu
thảo luận làm rõ thêm một số vấn đề trên đây.

1. Cấu trúc thông báo và tiêu điểm thông báo
1.1 Cấu trúc thông báo
Mục đích của việc nghiên cứu cấu trúc thông báo của câu, như Lambrecht đ• xác
định là tìm hiểu mối tương liên giữa câu và hoàn cảnh nhằm trả lời câu hỏi cơ bản “Vì
sao lại có nhiều loại cấu trúc câu như thế?”, cũng giống như mục đích của sinh thái học là
nghiên cứu sự tương tác giữa cơ thể sống và môi trường để trả lời câu hỏi “Vì sao lại có
nhiều loại sự vật sống như vậy?” (1994: 9). Vậy, cấu trúc thông báo là gì?
Cũng như nhiều nhà ngữ pháp theo cách tiếp cận đa bình diện (Dik 1981, Cao
Xuân Hạo 1991, Lambrecht 1994) chúng tôi dùng thuật ngữ cấu trúc thông báo để chỉ sự
phân đoạn cấu trúc của câu theo vị thế thông tin của các thành tố với hàm ý khu biệt nó
với cấu trúc cú pháp và cấu trúc ngữ nghĩa của câu. Sự khác biệt về vị thế thông tin trong
cấu trúc câu thể hiện ở chỗ trong khi một bộ phận của câu biểu thị phần thông tin mà
người nói và người nghe cùng chia sẻ, thì một bộ phận khác lại biểu thị phần thông tin
mà người nói và/hoặc người nghe chưa biết hay biết không giống nhau. Phần thông tin
thứ nhất, được người nói và người nghe cùng chia sẻ, gọi là thông tin tiền giả định
(TGĐ). Phần thông tin thứ hai được gọi là thông tin mới, hay là thông tin quan trọng
nhất, đóng vai trò là tiêu điểm thông báo (TĐTB). Ví dụ:
1) a. Ai mắng dì Tư?
TGĐ: Có một người X mắng gì Tư.
TĐTB: X là ai?
b. Bà ngoại mắng dì Tư.
TGĐ: Có một người X mắng dì Tư.

TĐTB: X là bà ngoại.
2) a. Bà ngoại mắng ai?
TGĐ: Bà ngoại mắng một người X.
TĐTB: X là ai?
b. Bà ngoại mắng dì Tư.
TGĐ: Bà ngoại mắng một người X.
TĐTB: X là dì Tư.
Tuy nhiên, các ví dụ trên cũng cho thấy trong câu bộ phận làm nên sự khác biệt
giữa một cấu trúc thông báo này với một cấu trúc thông báo khác là tiêu điểm thông báo
chứ không phải là tiền giả định. Bằng chứng là cấu trúc thông báo của các câu (1a) và
(1b), (2a) và (2b) có cùng tiền giả định nhưng phân biệt nhau bởi các tiêu điểm thông
báo. Vì vậy để nhận diện cấu trúc thông báo của câu, hay phân biệt một cấu trúc thông
báo này với một câú trúc thông báo khác chúng ta chỉ cần căn cứ vào bộ phận quan trọng
nhất của nó là tiêu điểm thông báo. Nói cách khác, phân tích cấu trúc thông báo của câu
thực chất là chỉ ra bộ phận nào đóng vai trò là tiêu điểm thông báo (TĐTB) của câu.

1.2 Tiêu điểm thông báo
Trong các tài liệu ngôn ngữ học, TĐTB thuờng được xác định là phần mang “thông tin
mới” và là phần mang “trọng tâm thông báo”, mang “thông tin quan trọng nhất” (Dik
1981, Dooley 1982, Cao Xuân Hạo 1991, Lưu Vân Lăng 1992). ở đây có hai vấn đề cần
thảo luận: thứ nhất, thế nào là “thông tin mới”?, và thứ hai “thông tin mới” và “thông tin
quan trọng nhất” hay là “trọng tâm thông báo” của câu có đồng nhất với nhau hay không?
Theo Cao Xuân Hạo (1991), một yếu tố nào đó của câu thuờng được coi là “mới” (tức là
mang “thông tin mới”), nếu nó thông báo một nội dung mà “người nói cho là không có
mặt trong ý thức của người nghe ” lúc sắp nói. Nếu dùng câu hỏi để kiểm nghiệm, thì
phần mang thông tin mới sẽ trực tiếp trả lời cho các câu hỏi ai? gì? nào?, vv. Chẳng hạn,
trong một câu như “ Hôm nay tôi sẽ sửa cái máy này”, tuỳ theo tình huống, ngôn cảnh
ứng với các các câu hỏi trên, cái “mới” có thể là bất cứ từ nào, phần nào? (Cao Xuân Hạo
1991: 39). Theo chúng tôi, cách hiểu như vậy về “thông tin mới” chỉ đúng với trường hợp
các câu tường thuật, mà chủ yếu là của các câu trả lời cho những câu hỏi ai? gì? nào?

đã nói ở trên. ở những câu này, cái “mới” quả là cái “chưa có trong ý thức của người
nghe” hay cái mà “người nghe chưa biết”. Tuy nhiên, đối với các câu hỏi thì tình hình
không phải như vậy: ở đây cái mới không phải là cái người nghe chưa biết mà chính là
cái người nói chưa biết hay đang muốn biết, được đánh dấu bằng chính các đại từ để hỏi
như ai? gì? nào, thế nào?, vv. mà theo Givon (1994 :793) có thể coi chúng như là tiêu
điểm của loại câu hỏi dùng đại từ nghi vấn. Người nói sử dụng các câu hỏi này dựa trên
tiền giả định rằng những thông tin thiếu hụt ở tiêu điểm hỏi có trong ý thức của người
nghe tại thời điểm nói.
Như vậy, nếu nói rằng TĐTB của câu mang “thông tin mới” thì điều đó không có
nghĩa là nó chỉ biểu hiện cái “mới” người nghe chưa biết mà cả cái “mới” người nói chưa
biết nhưng người nghe đã biết, có điều mỗi loại tiêu điểm này có mặt ở một kiểu câu khác
nhau (chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần sau). Nhưng phải chăng TĐTB luôn luôn
mang “thông tin mới”, và “thông tin quan trọng nhất” hay “trọng tâm thông báo” của câu
bao giờ cũng là “thông in mới”? Xem xét các câu hỏi có dùng đại từ nghi vấn cũng như ở
các câu trả lời tương ứng của chúng, chúng ta thấy điều đó có vẻ đúng: phần mang “thông
tin quan trọng nhất” hay là “trọng tâm thông báo” của câu thuờng cũng là phần mang
thông tin mới, hoặc đối với người nói hoặc đối với người nghe. Tuy nhiên, nếu mở rộng
diện xem xét, chúng ta thấy có những câu, phần mang thông tin quan trọng nhất và là
trọng tâm thông báo của câu nhưng không phải là mới đối với người nghe hay người nói.
Xét ví dụ sau
3) a. Này, cậu uống chè hay cà phê?
b. Cho mình ly cà phê.
Từ cà phê ở (3b) là phần trọng tâm thông báo, mang thông tin quan trọng nhất của câu
trả lời, nhưng nó không mới vì nó đã xuất hiện trong câu ngữ cảnh (3a), và đã có sẵn
trong ý thức của người nghe trước thời điểm nói. Hiện tượng này cũng gặp ngay cả ở một
số câu hỏi có đại từ nghi vấn và các câu trả trả lời tương ứng của chúng. Phân tích đoạn
đối thoại giữa Raskolnikov (người giết chị em mụ chủ hiệu cầm đồ) và Petrovivh (viên
hội thẩm, người biết rõ Raskolnikov đã làm việc ấy) trong Tội ác và Trừng phạt, Cao
Xuân Hạo đã có lí khi chỉ ra rằng: Khi Raskolnikov hỏi “Ai giết?” thì dĩ nhiên anh ta
không yêu cầu thông báo một cái gì mà anh ta chưa biết, vì chính anh ta là kẻ giết người,

mà chỉ muốn biết viên dự thẩm có biết là anh ta giết hay không và biết chắc đến nào. Còn
khi Petrovich trả lời “Thì anh giết chứ ai”, đối với Raskolnikov câu này không có một
chút gì mới cả, nhưng viên dự thẩm muốn thông báo cho Raskolnikov biết rằng ông ta
biết chắc mười phần cái điều mà chính bản thân Rasnikov biết: chính anh ta là thủ phạm
(Cao Xuân Hạo 1991: 39). Điều này gợi ý rằng phần mang “thông báo quan trọng nhất”
hay là “trọng tâm thông báo” của câu, tức là tiêu điểm, không phải bao giờ cũng mang
“thông tin mới”. Nhưng nếu “không mang thông tin mới” thì điều gì khiến cho tiêu điểm
trở thành bộ phận mang “thông báo quan trọng nhất”, trở thành “trọng tâm thông báo của
câu”? Chúng tôi nghiêng theo ý kiến của Jackendoff cho rằng “ tiêu điểm của câu” là
“phần thông tin trong câu mà người nói giả định rằng nó không được người nói và người
nghe cùng chia xẻ” (1972: 230, dẫn theo Lambrecht 1974). Nói cách khác TĐTB là phần
duy nhất trong cấu trúc thông báo của câu cho thấy sự chênh lệch về thông tin giữa người
nói và người nghe, xét theo sự đánh giá của người nói. ở các câu hỏi có các từ nghi vấn
ai? gì? nào? sự chênh lệch thông tin (tri thức) giữa người nói và người nghe biểu hiện ở
chỗ thông tin của TĐTB là thông tin người nói chưa biết nhưng người nghe có thể đã
biết, theo sự đánh giá của người nói. Ngược lại ở các câu tường thuật tương ứng trả lời
cho các câu hỏi trên, thì thông tin của TĐTB là thông tin mà người nói đã biết nhưng
người nghe, theo sự xét đoán của người nói, là chưa biết. Còn với những câu như ví dụ
của Cao Xuân Hạo được dẫn lại ở trên, thì thông tin của TĐTB là thông tin được cả
người nói và người nghe cùng biết nhưng cố ý giả định là chưa biết.

1.3 Các phuơng pháp xác định tiêu điểm thông báo
Để xác định TĐTB (cũng tức là nhận diện cấu trúc thông báo) của một phát ngôn
có thể sử dụng các phuơng pháp sau đây:
- Dựa vào ngữ cảnh là các câu hỏi đi trước câu cần xác định TĐTB trong cặp thoại “hỏi -
đáp”. Theo phuơng pháp này, nếu bộ phận nào của câu đáp trực tiếp trả lời cho câu hỏi,
thì đấy chính là TĐTB của câu, ví dụ:
4) a1. Ai đấy?
b1. Dạ, em.
a2. Cô đi đâu đấy?

b2. Dạ, em đi lên tỉnh ạ.
a3. Cô đi buôn hử?
b3. Dạ không, em đi học ạ.
-Dùng các câu hỏi kiểm tra: phuơng pháp này được dùng khi câu cần xác định
TĐTB không xuất hiện như câu là trả lời trong cặp thoại “hỏi -đáp”, nhưng thực chất
cũng giống với phuơng pháp ngữ cảnh. Các câu hỏi dùng để kiểm tra thuờng là các câu
hỏi cầu khiến hoặc kiểm chứng thông tin chung và riêng sẽ được chúng tôi đề cập đến ở
mục 2.1 (x.thêm Lí Toàn Thắng 1981, tr 48).
-Căn cứ vào các phuơng tiện biểu hiện của TĐTB như trọng âm , ví dụ
5) a. Tôi đi với anh . (Câu hỏi: Ai đi với tôi?)
b. Tôi đi với anh. (Anh ở lại đây với họ chứ?)
c. Tôi đi với anh. (Anh đi một mình được không?)
hoặc các hư từ như “chính, ngay, đến, chỉ ”, ví dụ:
6) Chính cháu trông thấy.
7) Họ chỉ cho thuê thôi.
Riêng TĐTB của các câu hỏi (tức tiêu điểm hỏi) bao giờ cũng được đánh dấu bằng những
phuơng tiện riêng biệt là các đại từ hoặc tiểu từ nghi vấn (ai? gì?, nào, có không?,
đã chưa?, vv).
-Căn cứ vào khả năng luợc bỏ: TĐTB là thành tố quan trọng nhất về mặt thông báo nên
nó là thành tố duy nhất trong cấu trúc thông báo không thể áp dụng phép tỉnh luợc. Ví dụ:
8) a1. Ai nói mà mày biết?
b1. Thằng Hải (nói)
a2. (Nó nói) bao giờ?
b2. (Nó nói) hôm qua.
Xét theo chức năng và vị trí của chúng các TĐTB có thể được phân biệt thành nhiều loại
khác nhau, và tương ứng với mỗi loại TĐTB chúng ta sẽ có các kiểu cấu trúc thông báo
khác nhau của câu như sẽ trình bày ở các mục dưới đây.

2. Cấu trúc thông báo phân biệt theo chức năng của tiêu điểm
Khi bàn về khái niệm TĐTB của câu tiếng Việt, các nhà nghiên cứu chỉ nói đến

tiêu điểm khẳng định mang thông tin mới mà người nghe chưa biết, có thể trả lời trực tiếp
cho các câu hỏi ai? gì? nào? Điều này cũng dễ hiểu bởi vì TĐTB như đ• nói thuờng
trùng với phần mang thông tin mới mà cách phân đoạn luỡng phân theo tiêu chí “cũ-
mới” truyền thống gọi là phần thuyết (trong sự khu biệt với phần đề, biểu hiện thông tin
cũ). Hệ quả của cách tiếp cận này là các tác giả chỉ mô tả cấu trúc thông báo của các câu
tường thuật, mà thường là các câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi có từ nghi vấn. Tán đồng
quan điểm của Lambrecht “không có câu nào là không có cấu trúc thông báo” (1994: 16),
dựa trên kết quả phân tích tư liệu, chúng tôi cho rằng cần cần phân biệt trong câu tiếng
Việt ba loại TĐTB khác nhau về chức năng là tiêu điểm hỏi (focus of question), tiêu điểm
khẳng định (focus of assertion), tiêu điểm tương phản (contrastive focus), và tương ứng
với chúng là ba kiểu cấu trúc thông báo khu biệt nhau theo chức năng của tiêu điểm.
Dưới đây chúng tôi sẽ đi vào phân tích mô tả chức năng và phuơng tiện biểu hiện của ba
loại TĐTB này cũng như của các cấu trúc thông báo bao hàm chúng.

2.1 Cấu trúc thông báo có tiêu điểm hỏi
Tiêu điểm hỏi (TĐH) là TĐTB biểu hiện thông tin người nói chưa biết hoặc biết
chưa chắc chắn và giả định rằng người nghe đã biết. Nếu như tiền giả định là điều kiện
cần để tạo lập một câu hỏi thì TĐH là điều kiện đủ để sử dụng nó trong giao tiếp. Không
có thông tin chưa biết được biểu hiện ở tiêu điểm hỏi, cũng như nếu không giả định rằng
người nghe có thể cung cấp cho mình thông tin đó qua câu trả lời thì người nói không có
nhu cầu hỏi và không thực hiện hành vi hỏi. Tuỳ theo mức độ nắm được thông tin (biểu
hiện qua tiền giả định của câu hỏi) và mục đích giao tiếp (muốn cầu khiến thông tin mới
hay kiểm nghiệm thông tin đã biết) mà có thể có các loại TĐH khác nhau, và tương ứng
có các loại cấu trúc thông báo khác nhau cho câu hỏi. Khi người nói biết rằng có một sự
tình nào đó xảy ra nhưng chưa biết chính xác là gì, thì người nói sẽ sử dụng các câu hỏi
cầu khiến thông tin chung có TĐH toàn câu (vd: Có chuyện gì thế?). Nếu người nói đã
biết một phần của sự tình, nhưng còn có phần chưa rõ, thì để biết phần thông tin còn lại,
người nói sẽ sử dụng các câu hỏi cầu khiến thông tin chuyên biệt có TĐH trùng với các
đại từ nghi vấn như ai?,gì?, nào? (vd: Ai đang nói đấy?, Cô uống gì ạ?, Quyển sách nào
hay?, Cháu học thế nào?) Trong loại câu hỏi này, các từ nghi vấn vừa có chức năng làm

TĐH vừa là tác tử đánh dấu hành động ngôn trung. Nếu người nói đã biết được thông tin
về một sự tình nào đó nhưng muốn kiểm chứng lại tính chân thực của nó thì sử dụng các
câu hỏi kiểm chứng thông tin có các tác tử nghi vấn (có không?, đã chưa, à?, ư hả? )
Nội dung cần kiểm chứng có thể là toàn bộ sự tình hay chỉ một phần nào đó của sự tình. ở
trường hợp đầu, ta có một câu hỏi kiểm chứng thông tin chung với TĐH bao trùm toàn bộ
câu, được phát âm không có điểm nhấn (Vd, Anh ấy về hôm qua à?). ở trường hợp sau, ta
có các câu hỏi kiểm chứng thông tin chuyên biệt có TĐH rơi vào bộ phận chứa thông tin
cần kiểm chứng, được đánh dấu bằng một trong âm lô gích ( Anh ấy về hôm qua à?, Anh
ấy về hôm qua à?, Anh ấy về hôm qua à?). Kiểu câu hỏi kiểm chứng thông tin này khác
với kiểu câu hỏi cầu khiến thông tin mới ít nhất ở hai điểm: thứ nhất, TĐH trong câu hỏi
kiểm chứng thông tin không được biểu hiện bằng một đại từ nghi vấn mà bằng chính các
vị từ, tham tố vị từ hoặc toàn bộ mệnh đề (câu) với sự trợ giúp của các tác tử nghi vấn
đánh dấu đích ngôn trung như có không?, đã chưa?, à?, hả, vv ; thứ hai, TĐH của câu
hỏi kiểm chứng thông tin thực chất được phái sinh từ một TĐKĐ tương ứng (Anh ấy về
hôm qua > Anh ấy về hôm qua à?)

2.2 Cấu trúc thông báo có tiêu điểm khẳng định
Tiêu điểm khẳng định (TĐKĐ) là loại tiêu điểm thông báo có chức năng biểu hiện
thông tin mà người nói giả định rằng người nghe chưa biết ở thời điểm sắp nói. Sự chênh
lệch về tri thức (hay thông tin) giữa các chủ ngôn trong TĐKĐ thể hiện ở chỗ người nói
là người nắm được thông tin , còn người nghe thì chưa biết. Sự chênh lệch tri thức này là
cơ sở của sự hình thành và thống nhất về ý đồ giao tiếp giữa hai chủ ngôn: người nghe có
ý muốn tiếp nhận thông tin chưa biết, còn người nói có ý định truyền đạt thông tin mình
biết. Vì vậy nếu dùng khái niệm “thông tin mới”để biểu hiện nội dung của TĐKĐ thì
trạng thái “mới” ở đây phải được hiểu trong mối quan hệ với người nghe (khác với “mới”
trong mối quan hệ với ngưới nói ở tiêu điểm hỏi như sẽ thấy ở phần sau). Cách nhận biết
đơn giản nhất TĐKĐ của một câú trúc thông báo là đặt cấu trúc chứa tiêu điểm đó trong
ngữ cảnh như là câu trả lời trực tiếp cho các câu hỏi cầu khiến thông tin (ai? gì? nào? )
hay kiểm chứng thông tin (à?, đã chưa? có không?). Nếu bộ phận nào cung cấp thông
tin quan trọng nhất, cần yếu nhất, đáp ứng với nội dung cần thông tin của câu hỏi (được

biểu hiện tập trung qua tiêu điểm hỏi) thì đó chính là TĐKĐ. Trong câu, TĐKĐ được
đánh dấu bằng một trọng âm lô gích và là phần duy nhất của cấu trúc thông báo không
thể luợc bỏ được. Ví dụ:
9) (Ai hát mà hay thế hả?)
- Cô Lựu đấy.
10) (Chiều nay anh viết cái gì đấy?)
- Thư
Cùng một câu, nhưng ở các tình huống giao tiếp khác nhau, trả lời cho các câu hỏi khác
nhau, sẽ có các TĐKĐ khác nhau. Chẳng hạn, câu “Bà ngoại mắng dì Tư” trong ví dụ
(1b) có TĐKĐ là bà ngoại (trả lời câu hỏi “Ai mắng dì Tư?”), còn ở (2b) lại có TĐKĐ là
dì Tư (ứng với câu câu hỏi “Bà ngoại mắng ai?”).
Các quan niệm coi tiêu điểm thông báo là một bộ phận mang thông tin mới mà người
nghe chưa biết (hoặc là phần thuyết bổ sung thông tin mới cho phần đề - theo quan niệm
“luỡng phân”), thực chất đã đồng nhất tiêu điểm thông báo (hay phần thuyết) với TĐKĐ,
và vì vậy đã thu hẹp nội hàm và ngoại diên của tiêu điểm thông báo. Chúng tôi cho rằng
TĐKĐ chỉ là một loại của tiêu điểm thông báo, và cần phải phân biệt nó một mặt với
TĐH và mặt khác với TĐTP (tiêu điểm tương phản).

2.3 Cấu trúc thông báo có tiêu điểm tương phản
Xét các ví dụ sau:
11) a. Bà ngoại mắng dì Ba à?
b. Không, bà mắng dì Tư.
12) a. Ông ngoại mắng dì Tư à?
b. Dạ không, bà ngoại (mắng dì Tư).
Trong các ví dụ trên, thông tin được người nói nhấn mạnh ở tiêu điểm thông báo của các
câu trả lời (b) hoàn toàn tương phản với thông tin bị người nói đánh giá là sai ở các câu
hỏi (a). Chúng tôi gọi loại tiêu điểm thông báo có chức năng biểu hiện thông tin được
người nói truyền đạt trái với sự hiểu biết, chờ đợi của người nghe này là tiêu điểm tương
phản (TĐTP). TĐTP điển hình thuờng xuất hiện trong các câu bác bỏ hay điều chỉnh lại
nội dung khẳng định hay tiền giả định của một câu khác bị người nói coi là sai lầm hoặc

không chấp nhận được. Trong phát ngôn, TĐTP có thể được nhận diện dựa vào chức
năng và ngữ cảnh: Chức năng của TĐTP không chỉ là truyền đạt thông tin mới thuần tuý
mà còn hiển ngôn hay hàm ẩn bác bỏ hoặc đính chính một thông tin nào đó. Ngữ cảnh
xuất hiện của TĐTP là các câu khẳng định hoặc câu hỏi có tiền giả định không đúng, theo
sự đánh giá của người nói. Theo Givon (1991: 702) quan hệ giữa TĐKĐ và TĐTP là
quan hệ bao hàm (TĐTP  TĐKĐ), nghĩa là TĐTP nào cũng là TĐKĐ, nhưng không
phải tiêu điểm khẳng định nào cũng là TĐTP. So sánh các ví dụ sau:
13) a. Xin lỗi, anh tên là gì ạ?
b. Dạ, tôi tên là Nam.
14) a. Xin lỗi, anh tên là Bắc phải không?
b. Dạ không, tên tôi là Nam (chứ không phải là Bắc).
Tiêu điểm của câu (14b) chỉ có thông tin khẳng định, đó là một TĐKĐ thuần tuý. Ngược
lại, tiêu điểm của câu (15b) ngoài thông tin khẳng định còn kèm theo thông tin tương
phản (được biểu hiện trong ngoặc).

3. Cấu trúc thông báo phân biệt theo vị trí của tiêu điểm
Trong câu, tiêu điểm thông báo (bao gồm TĐH, TĐKĐ, TĐTP) không có một vị
trí cố định. Tuỳ thuộc vào bối cảnh sử dụng, tiêu điểm thông báo có thể xuất hiện ở các
vị trí khác nhau. Vận dụng quan điểm của Lambrecht (1994) về việc phân biệt vị trí tiêu
điểm theo cấu trúc tham tố- vị từ của câu (mệnh đề), chúng tôi phân chia các cấu trúc
thông báo của câu tiếng Việt thành 3 nhóm khu biệt nhau theo vị trí của tiêu điểm thông
báo là: 1) cấu trúc thông báo có tiêu điểm vị từ (predicate-focus structure), 2) cấu trúc có
tiêu điểm tham tố (argument -focus structure), 3) cấu trúc có tiêu điểm câu (sentence -
focus structure).
3.1 Cấu trúc thông báo có tiêu điểm vị từ
Theo quan điểm ngữ nghĩa và chức năng, vị từ của câu được coi là hạt nhân ngữ
nghĩa-ngữ pháp của cấu trúc câu. Xét về mặt ngữ nghĩa, vị từ thuờng là trung tâm của
khung vị ngữ, đóng vai trò chính trong việc diễn đạt một sự tình (hành động, quá trình,
trạng thái hay quan hệ). Xét về mặt ngữ pháp (cú pháp), vị từ thường là trung tâm của
phần thuyết (theo cách phân tích đề -thuyết) hay của vị ngữ (theo cách phân tích chủ -vị).

Tuy nhiên vai trò quan trọng đó của vị từ ở cấp độ ngữ nghĩa và cú pháp không phải là cơ
sở đảm bảo cho vị từ luôn luôn trở thành tiêu điểm thông báo của câu. Việc vị từ có phải
là tiêu điểm thông báo hay không, không do chức năng ngữ nghĩa và cú pháp của vị từ
quyết định mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý định giao tiếp của chủ ngôn và bối cảnh sử
dụng. Với các câu hỏi, TĐH sẽ rơi vào vị từ khi thông tin mà người nói cần cầu khiến hay
kiểm chứng được biểu hiện bằng vị từ (Vd: S làm gì?, S làm sao? S thế nào? S có P
không? S đã P chưa? S chưa P à, vv ). Với các câu không phải là câu hỏi, vị từ sẽ là tiêu
điểm (TĐKĐ hoặc TĐTP) khi câu hàm chứa nó biểu hiện các thông tin trả lời trực tiếp
cho các câu hỏi có tiêu điểm là vị từ. Ví dụ:
15) a. Ông Tư đang làm gì thế?
b. Ông ấy đang ngủ trong nhà.
16) a. Bà ấy làm sao thế?
b.Bà ấy ốm mấy tháng nay rồi.
17) a. Em thuơng anh không?
b. Không, ghét thì có.
Trong giao tiếp phi nghi thức, khi vị từ là tiêu điểm (dù là TĐH, TĐKĐ hay TĐTP), nó
có thể được dùng thay thế cho toàn bộ cấu trúc thông báo của câu (vd: Làm gì đó? - Học.
Sao thế? -Ngã. Khỏe không? - Thường. Đi chơi nhé - Thôi).

3.2 Cấu trúc thông báo có tiêu điểm tham tố
Tham tố là các yếu tố bắt buộc và tuỳ ý vây quanh vị từ trong cấu trúc tham tố - vị
từ của câu, thuờng được gọi là diễn tố (argument, actant) và chu tố (satellite, circumstant)
của vị từ. Trong câu, các tham tố phụ thuộc vào vị từ về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp, giúp
vị từ biểu thị các phuơng diện khác nhau của sự tình (chủ thể, khách thể, thời gian, địa
điểm, cách thức, công cụ ). Tuy nhiên, ở bình diện ngữ dụng khi TĐTB của câu trùng
với tham tố, thì chức năng thông tin của tham tố lại trở nên quan trọng hơn vị từ, và lúc
đó tham tố trở thành bộ phận quan trọng nhất của câu. Chúng tôi gọi những cấu trúc có
tiêu điểm thông báo trùng với một tham tố như vậy là cấu trúc thông báo có tiêu điểm
tham tố. Bất kì một tham tố nào của vị từ cũng có khả năng trở thành tiêu điểm thông
báo. Với các câu hỏi, tiêu điểm sẽ rơi vào một tham tố nào đó khi thông tin người nói cần

tìm kiếm hay kiểm chứng liên quan trực tiếp đến các phuơng diện của sự tình do tham tố
biểu thị. Với các câu không phải là câu hỏi, tham tố sẽ trở thành tiêu điểm khi câu hàm
chứa nó trả lời cho các câu hỏi có tiêu điểm là tham tố. Mối tương liên giữa các câu hỏi
và câu trả lời có tiêu điểm tham tố có thể được minh họa qua các ví dụ sau:
18) a. Ai nói với con như vậy?
b. Dạ, chị Hà nói.
19) a. Cô đan áo cho cậu Trung đấy à?
b. Dạ không, em đan cho cháu.
20) a. Nó đi bao giờ?
b. Nó mới đi hôm qua.
Cũng như tiêu điểm vị từ, khi các điều kiện cảnh huống cho phép, các tiêu điểm tham tố
có thể thay thế cho toàn bộ cấu trúc thông báo, tạo nên các phát ngôn tỉnh lược (Ai? -
Tôi. Cái gì? -Tiền. Bao giờ - Ngày mai?. Đâu? -Đây. Xong chưa? - Rồi, vv).

3.3 Cấu trúc thông báo có tiêu điểm câu
Các cấu trúc có tiêu điểm thông báo toàn câu là các câú trúc không thể phân chiết ra được
bất kỳ một bộ phận nào trong đó quan trọng hơn về mặt thông tin. Người nói tạo lập và
người nghe tiếp nhận toàn bộ cấu trúc như là một thông điệp mang thông tin mới hoàn
chỉnh. Ngữ cảnh xuất hiện của các cấu trúc có tiêu điểm thông báo toàn câu không phải là
câu mà là đoạn văn, tức là những câu đi trước hoặc sau nó. Xét về mặt chức năng, tiêu
điểm thông báo toàn câu có thể là TĐH (16 a, 17a), TĐKĐ (16b, 16c) hoặc TĐTP (17b):
21) a. Có chuyện gì thế?
b. Mất điện rồi.
c. Nhà ông An mất xe đạp.
22) a. Con làm vỡ ly rồi hả?
b. Dạ không, quả bóng bay nổ ạ.

Trên đây chúng tôi đã trình bày một số kiến giải bước đầu nhằm làm sáng tỏ thêm quan
niệm coi cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt như là câú trúc có một trung tâm là tiêu
điểm thông báo. Trong cách nhìn của chúng tôi, tiêu điểm thông báo là bộ phận mang

thông tin quan trọng nhất của cấu trúc thông báo, biểu hiện sự chênh lệch về thông tin
giữa người nói và người nghe trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Tiêu điểm thông
báo cũng như cấu trúc thông báo của câu có thể được nhận diện dựa vào ngữ cảnh xuất
hiện, thủ pháp tỉnh luợc hoặc các phương tiện biểu hiện như trọng âm, hư từ và trật tự từ.
Theo chức năng của tiêu điểm, các cấu trúc thông báo có thể được phân biệt thành ba
nhóm: cấu trúc thông báo có tiêu điểm hỏi, cấu trúc thông báo có tiêu điểm khẳng định và
cấu trúc thông báo có tiêu điểm tương phản. Theo vị trí (hay phạm vi hoạt động) của tiêu
điểm, các cấu trúc thông báo có thể được phân chia thành: cấu trúc thông báo có tiêu
điểm vị từ, cấu trúc thông báo có tiêu điểm tham tố và cấu trúc thông báo có tiêu điểm
câu. Tuy nhiên, do sự hạn chế về thời gian và tư liệu, trong báo cáo này chúng tôi chưa
có điều kiện đi sâu nghiên cứu các kiểu cấu trúc thông báo cụ thể. Để có thể làm sáng rõ
thêm bức tranh về cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt, thiết nghĩ vấn đề cần phải được
nghiên cứu kĩ lưỡng hơn, với một khối luợng tư liệu phong phú hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Alisova T.V. 1971: Ocherki sintaksisa sovremennogo italijanskogo jazyka. Izd.
MGU, Moskva.
2. Cao Xuân Hạo 1991: Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng. KHXH, Tp. HCM.
3. Danes F. 1967: Order of elements and Sentence Intonation. In: To Honour Roman
Jakobson. The Hague, 499 - 512.
4. Dik S.C.1981: Functional Grammar. Foris.Third edition. Dordrecht.
5. Diệp Quang Ban 1989: Khả năng xác lập mối liên hệ giữa phân đoạn ngữ pháp và
phân đoạn thực tại câu tiếng Việt. Ngôn ngữ, 4, 25 - 32.
6. Firbas J. 1966: Non-Thematic Subjects in Contemporary English. In: Travaux
Linguistiques de Prague 2. Prague; Academia 239 - 256.
7. Givon T. 1990: Syntax: a functional - typological Introduction. John Benjamins
Publishing Company, Amsterdam/Philadenphia.
8. Halliday M.A.K. 1970: Language Structure and Sentence Form. In J. Lyons (ed.)
New Horizons in Linguistics, Penguin: 140 -145.

9. Lambrecht K. 1994: Information Structure and Sentence Form. Cambridege
University Press, Cambridge.
10. Li Ch.N & Thomson A.A. 1976: Subject and Topic: a New Typology of Language. In
: Li (ed) 1976, 457 - 489.
11. Lưu Vân Lăng 1994 (ed): Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt, KHXH, Hà Nội.
12. Lý Toàn Thắng 1981: Giới thiệu Lí thuyết phân đoạn thực tại câu. Ngôn ngữ, 1, 46 -
54.
13. Mathesius, V. 1939: O tak zvaném aktuálním clenení vety. Slovo a slovesnost’, 5, 171
-174.
14. Panfilov V.X.1980: Aktualnoe chlenenie predlojenij vo vietnamckom jazyke. Voprosy
jazykoznania, 1, 114 - 124.
15. Trần Ngọc Thêm 1985: Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. KHXH, Hà nội.
16. Sgall P.1975: On the nature of Topic and Focus. In: Ringbom (ed) 1975: 409 - 415.



(*) Bài đã đăng trên tạp chí Ngôn ngữ, số 5/2001.



















×